Từ đường Nguyễn Thiếp - con đường dẫn chúng ta đi về xã Thuận Lộc, qua cầu Hồng Phúc, rẽ trái và đi khoảng 300m dọc theo kênh Nhà Lê, sẽ bắt gặp một ngôi đền khang trang mới được xây dựng, đó là Đền Phúc Hải.

Theo tư liệu đang lưu tại di tích, đền Phúc Hải trước đây thuộc thôn Phúc Lộc, xã Phúc Hải, phủ Đức Thọ, huyện La Sơn nay là thôn Phúc Thuận (Hồng Phúc), xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 30 km theo hướng Bắc và thành phố Vinh (Nghệ An) 25 km theo hướng Nam. Đền thờ nằm trên một khu đất bằng phẳng, có diện tích gần 6.000m2, là ngôi đền lớn trong số đền, chùa trên địa bàn xã Phúc Hải xưa.

Về tên gọi Đền Phúc Hải, theo như giải thích của các cụ cao niên trong vùng, ở đây có thể hiểu: Hải có nghĩa là biển; Phúc có nghĩa là bụng. Tức là địa hình làng và đền Phúc Hải xưa rất thấp, nó được so sánh ngang bằng với rốn biển của huyện La Sơn trước đây.

Đền là nơi thờ tự các vị thiên thần - là những vị thần bản hộ được thần thánh hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng văn hóa dân gian (Ba vị Tam Lang: Nhất Lang, Nhị Lang, Tam Lang). Bên cạnh đó, di tích đền Phúc Hải gắn liền với nhân thần, là những vị có công khai khẩn đất đai, lập làng và có công trong công cuộc giữ nước chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước được nhân dân thờ phụng, tôn làm nhân thần và các vị Thành Hoàng làng trong tín ngưỡng văn hóa Việt. Cùng với lịch sử, đền cũng là nơi thờ phụng một số nhân vật thuộc các dòng họ: Trần, Lê, Đinh, Nguyễn… là những dòng họ về khai khẩn, lập làng khá sớm và một số người đỗ nho sinh, ấm sinh, tú tài qua các kỳ thi dưới thời phong kiến và đã có nhiều công lao với làng xã nên được triều đình phong kiến sắc chỉ để thờ tự.  Hiện nay, tại đền vẫn còn lưu giữ được một số tài liệu bằng bản gỗ chữ Hán và bản lược dịch ghi lại danh tính, công trạng của một số nhân vật từ thời Hậu Lê và thời nhà Nguyễn.

Lịch sử ra đời ngôi Đền được hình thành cùng với sự hình thành của kênh nhà Lê. Trước đây, Đền được xây dựng theo bố cục chữ Tam, có kiến trúc 3 tòa, bằng gỗ, ngoảnh về hướng Đông Nam, nằm bên cạnh một “dòng hói” nối liền với kênh Nhà Lê chảy dài ôm lấy Đền và làng Phúc Hải, tạo nên thế cận thủy cho Đền. Tương truyền rằng xưa kia làng Phúc Hải hạn hán quanh năm, thường xuyên mất mùa đói kém, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ…các quan chức trong làng đã quyết định kêu gọi nhân dân trong vùng đắp đập, xây kè, dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, đồng thời phóng úng khi mùa mưa lụt đến, dần dần hình thành con kênh Nhà Lê như ngày nay (vì ra đời trong thời kỳ nhà Hậu Lê). Đền Phúc Hải nằm cạnh đó thờ Thủy Thần, trấn thủy giúp dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược cùng với sự tàn phá của thiên nhiên và ý thức của con người nên các hạng mục công trình từ lâu đã trở thành phế tích. Trong khoảng thời gian từ 1946 - 1947, theo chủ trương hợp tự, các đồ tế lễ tại đền Phúc Hải và các chùa trong vùng được chuyển về hợp tự tại đền Phúc Hội; Từ năm 1956 - 1958, ngôi đền bị tháo dỡ làm trường học và kho hợp tác xã, từ đó Đền trở thành phế tích hoàn toàn. Sau này, những chứng tích để lại về ngôi đền hầu như không còn, chỉ lưu giữ lại được 07 sắc phong, di hiệu vua ban cho các quan thần thời xưa, 01 bộ kiệu bằng gỗ được chạm trổ nhiều nét hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, 01 con rùa đá cổ còn nguyên hình, 01 gia phả đền làng và một số câu chuyện liên quan đến Đền và làng Phúc Hải do các cụ cao niên kể lại. Tuy vậy chỉ trong một thời gian ngắn, với sự tâm huyết của các cụ cao tuổi trong xã, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm và con em quê hương đang công tác khắp mọi miền tổ quốc xa gần mà nhiều hạng mục đã được trùng tu, tôn tạo khá khang trang, phục vụ nhu cầu thờ cúng, tín ngưỡng của bà con trong vùng cũng như thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Ngày 28/02/2015, đền Phúc Hải đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là một thành quả rất đáng tự hào cho những nỗ lực mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Thuận Lộc đã cùng chung tay khôi phục, tôn tạo cũng như gìn giữ, phát huy những giá trị vốn có, từng bước xây dựng Đền trở thành một địa chỉ tâm linh thu hút du khách xa gần, là điểm nhấn quan trọng trong quần thể du lịch văn hoá tâm linh mà thị xã Hồng Lĩnh đang hướng tới trong tương lai./.

Hãy bấm vào đây để tìm đường đến Đền Phúc Hải


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 3.469.838
    Online: 71