Đền Song Trạng toạ lạc trên sườn núi Ngọc (Ngọc Sơn), thuộc tổ dân phố Ngọc Sơn, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi thờ hai cha con họ Sử là Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy, cả hai đều đỗ trạng nguyên dưới triều nhà Trần.

Hồng Lĩnh là một vùng đất “Văn vật hữu dư”, có sự phát triển khá sớm, khá rực rỡ về chính trị, kinh tế, văn hóa, học vấn. Nơi đây được hun đúc khí thiêng của núi sông nên đã sinh ra nhiều nhân tài, tuấn kiệt:

“Sông về cho núi khỏa chân,

Để đất nuôi dưỡng văn nhân cho đời”

                                                                                           (Ca dao)

Bên dòng sông Minh trong xanh, hiền hòa êm chảy, tưới mát cho những cánh đồng Đức Thuận thẳng cánh cò bay, nổi lên một hòn núi Ngọc, gọi là Ngọc Sơn. Đứng xa nhìn giống chim “Phượng hoàng khai khẩu”, hay giống chiếc ấn ngọc. Núi dáng tròn, cây cối xanh tươi. Dưới núi là quê hương của hai cha con Trạng nguyên họ Sử. Thôn Ngọc Sơn xã Bình Lãng huyện Thiên Lộc – Nay thuộc phường Đức Thuận Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Quê hương của hai cha con Trạng nguyên non nước hữu tình “Dạo gót quan sơn, thấy nước non nghìn trùng”. Được miêu tả trong bài “Vè đi củi Ngàn Hống”:

“Đi qua cõi Vân Trung,

Thấy một hòn rú Ngọc.

Thấy trời xanh một góc,

Cây Hồng Lĩnh đôi ngàn.

Mặt trời mọc sương tan,

Đoàn tiều phu gõ nhịp”

       Bên triền núi là đền thờ hai ông, với tấm biển đề:   

(Song Trạng nguyên từ)

       Trước đền có câu đối:

 玉  嶺  千 重  標  甲   第

 明  河  一  派   衍   家   姜 

       Phiên âm:             Ngọc Lĩnh thiên trùng tiêu giáp đệ,

                                   Minh Hà nhất phái diễn gia khương.

      Dịch nghĩa:           Nghìn tầm núi Ngọc ngời khoa giáp,

                                   Một giải sông Minh sáng gia khương.

      Trạng cha là Sử Hy Nhan 史希彥 ( ?- 1421), nguyên họ Trần giỏi sử, nên vua ban cho họ Sử. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Quý Mão, triều Trần Dụ Tông (1363). Can Lộc huyện phong thổ chíĐại Nam nhất thống chí. Hai tài liệu trên đều nói Sử Hy Nhan bác lãm quần thư, không sách nào không tinh thạo, mà sở trường nhất về môn sử, cho nên được vua ban cho họ Sử ( Hy Nhan: Nghĩa là hy vọng được như Nhan Uyên học trò Khổng Tử).

       Ông làm quan triều Trần đến chức Nhập nội hành khiển, Tri kinh diên (Kế cận Tể tướng), được vua ban Kim ngư đại (Túi thêu cá vàng, quan to trong triều mới được Vua ban cho túi này).

        Khi quân Minh xâm lược nước ta (1407), hai lần viên quan cai trị sừng sỏ nhà Minh là Hoàng Phúc, thân hành đến Ngọc Sơn mời hai cha con Trạng Sử ra làm quan giúp việc cho chúng. Cha con Trạng viện cớ già nua, bệnh tật, từ chối. Hai ông bảo con cháu: “Muốn sống trốn vô rú, muốn chết ra đầu thú quân Minh” rồi hai cha con ông đem gia nhân lánh lên Kẻ Tàng gần núi Mồng Gà tổ chức khai hoang hàng nghìn mẫu ruộng, lập ấp, gọi là làngTrại Đầu. Khi Lê Lợi dấy nghĩa binh ở Lam Sơn, Sử Hy Nhan tuổi già sức yêú không ra tham gia được. Năm 1421, ông mất ở làng Trại Đầu, nơi 32 hộ đến khai hoang lập ấp đầu tiên. Dân làng lập đền thờ để tỏ lòng kính mộ ông, trong đền có bài vị đề:

       陳 朝 魁 元, 入 內 行 遣, 知 經 延, 賜 金 魚 大, 史 相 公, 字 希 彥 神 位

      Trần triều khôi nguyên, Nhập nội Hành khiển, Tri kinh diên, Tứ Kim ngư đại, Sử Tướng công, Tự Hy Nhan thần vị”

      Và câu đối ca ngợi công đức của ông:

百 千萬 巢 田 田 獲 谷

三 十 二 戶世 世 思 恩

       Phiên âm:            Bách thiên vạn sào điền điền hoạch cốc,

                                  Tam thập nhị hộ thế thế tư ân.

       Dịch nghĩa:          Trăm nghìn vạn sào đồng đồng lúa tốt,

                                  Ba mươi hai hộ đời đời nhớ ơn!

      Sau khi ông mất mộ táng ở xứ bãi Trạng - xã Sơn Long huyện Hương Sơn. Triều đình phái quan bộ Lễ về phúng tế và cho dựng đền thờ Sử Hy Nhan trên núi  Ngọc Sơn. Về sau Sử Đức Huy cũng được thờ chung ở đền này, gọi là Đền Song Trạng.

        Nơi hai ông khai khẩn, lập ấp, nay trở thành làng xóm đông vui là các xã Ân Phú (Đức Thọ), Sơn Long, Sơn Trà (Hương Sơn).

       Tác phẩm nổi tiếng còn lại của Sử Hy Nhan, Trảm xà kiếm phú  斬 蛇劍 賦

(Phú gươm chém rắn) là bài thi Đình của Sử Hy Nhan đựoc sưu tập trong bộ Quần hiền phú tập.

       Bài phú dẫn tích Lưu Bang  dắt phu tới núi Ly Sơn, giữa đêm qua bờ đầm, thấy rắn lớn chắn ngang đường, bọn đi đầu sợ mà lùi bước. Lưu Bang tuốt gưom chém rắn đứt đôi. Tinh Bạch đế do đó mà khóc thầm, ngôi nhà Hán từ đó mà dấy lên. Với tác phẩm này, Sử Hy Nhan được coi là một trong những tác giả văn xuôi chữ Hán hiếm hoi của lịch sử văn chương Việt Nam thời kỳ đầu. Bài phú được viết theo một lối dẫn dắt vừa kể, vừa gợi, vừa bình khá hấp dẫn. Đoạn đầu lược kể và khen ngợi công nghiệp dựng nên nhà Hán của Lưu Bang với thanh gươm quý chém rắn mở đường. Kế đó, mượn lời người khác, ông lại phủ nhận ý trên, mà cho rằng: dùng nhân và hòa mà bình được thiên hạ, mới hợp, mới đúng. Qua đó, Sử Hy Nhan đã đề cao đường lối vương đạo - Cai trị bằng lòng nhân ái, hòa phục, mà phê phán lối cai trị bằng bá đạo - Lấy vũ lực làm phương tiện. Tư tưởng ấy của ông so với đương thời và lịch sử quả thực rất táo bạo, tiến bộ, mang đậm tính chất nhân đạo. Kết thúc bài phú, là một bài ca, Sử Hy Nhan viết:

“Kẻ làm bài phú này vui mừng làm bài ca rằng:

Kiếm này! Kiếm này! Là vật chẳng lành!

Bậc thánh túng kế mới dùng mi, phải đâu vật quý.

Ôi! Thánh triều ta sùng thượng văn học,

Thiên hạ nhất thống, thái bình thịnh trị,

Nếu có kiếm ni, dùng đến làm chi!”

                Nguyễn Ngọc San dịch

                Ngô Lập Chi hiệu đính                                         

      (Tư liệu tham khảo văn học Việt Nam – Tập II - Nhà xuất bản Giáo dục – 1979)

      Tương truyền ông còn là tác giả của bộ “Đại Việt sử lược”

       Trạng con là Sử Đức Huy  史 德 輝  (1360 – 1430) đỗ trạng nguyên khoa Tân Dậu triều Trần Phế Đế (1381). Ông là người tài, đức song toàn, khi người cha thân yêu qua đời, ông mới ra Thanh Hoá gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, theo Lê Lợi đánh giặc Minh và được Lê Lợi trọng dụng. Bình Định vương cử Sử Đức Huy làm Đầu mục, rồi ban quốc tính (họ Lê), phong cho Lê Đức Huy chức Hàn lâm viện sử quán, Quốc tử Bác sĩ để chuẩn bị cử tham gia sứ bộ sang giao thiệp với nhà Minh. Can Lộc huyện phong thổ chí nói Lê Đức Huy hai lần đi sứ sang nhà Minh (phụng vãng Bắc sứ nhị tào) Toàn thưCương mục đều có ghi cả hai chuyến đi sứ đó.

      Lần thứ nhất:

      Ngày 29 tháng 11 năm Đinh Mùi ( 17-1-1428):

      “...lấy Hàn lâm đãi chế Lê Thiếu Dĩnh (người làng Khả Mộ, nay là Mộ Trạch, huyện Đường An), Chủ thư sứ  Lê Cảnh Quang đều làm Thẩm hình viện sứ. Quốc tử bác sĩ Lê Đức Huy, Kim ngô vị tướng quân Đặng Hiếu Lộc làm Thẩm hình viện phó sứ ...”

     Lần thứ hai:

     Ngày 29 tháng 10 năm Kỷ Dậu Thuận Thiên 2 (26-11-1429):

“...Về chuyến đi sứ thứ hai này, Sứ bộ này do Đào Công Soạn làm Chánh sứ, Lê Đưc Huy làm Phó sứ”.

     Hai lần ông được cử đi sứ phương Bắc, tuy không làm chánh sứ, nhưng tài ngoại giao, trí tuệ uyên bác, văn thơ xướng họa của ông đã làm rạng danh Quốc thể. Các Văn Thần nhà Minh đều tấm tắc khen Sử Đức Huy, kính trọng và tôn ông là bậc:       

 兩 國 聖 心 神 口“Lưỡng quốc thánh tâm thần khẩu”.

      Sau chuyến đi sứ thứ hai trở về (1430) Lê Đức Huy được thăng Thượng thư Bộ Hộ, không bao lâu ông mất tại quê nhà.

       Vua phái quan triều đình về phúng tế và cho dựng đền thờ ở núi Ngọc Sơn, thờ cả bài vị của phụ thân Sử Hi Nhan, Trên bàn thờ cạnh bài vị Trạng cha là bài vị Trạng con Sử Đức Huy đề:

   陳 朝 魁 元 黎 初 向 奉 北 使 部 戶 尚 書 史 相 公 字 希 賢 神 位 .

     (Trần triều khôi nguyên, Lê sơ hướng phụng Bắc sứ Bộ Hộ Thượng thư Sử Tướng công, Tự Hy Hiển thần vị) .

     Sử Đức Huy, tự Hy Hiền 希賢 (nghĩa là hy vọng được như các vị Thất thập nhị hiền – Như các vị tiên hiền làm nên sự nghiệp vẻ vang, đem lại những điều tốt đẹp!)

      Hai cha con Trạng nguyên họ Sử là những người khai khoa ở Bình Lãng, mở ra một thời kỳ phát triển văn hóa rực rỡ ở vùng Bãi Vọt hẻo lánh xưa. Hồi ấy xứ Nghệ có bài thơ ca ngợi:

Cha Trạng đầu con lại Trạng đầu,

Mấy đời phúc ấm nối truyền nhau.

Phong vân gặp Hội đua tay bút,

Nức tiếng khoa danh khắp mọi châu.

     Trong đền còn lưu giữ câu đối ca ngợi công đức vẻ vang, vinh hiển của hai ông: 

        一 堂 簪 笏 家 尊 廟

        千 載  備 文  國  重  臣

Nhất đường trâm hốt gia tôn miếu,

Thiên tải bị văn Quốc trọng thần.

      Nghĩa là:   Một nhà vinh hiển (Quyền quý) làm vẻ vang tôn  miếu,

                      Nghìn năm học vấn uyên thâm là trọng thần của nước.

      Ngày 12 tháng 12 năm 1994, đền thờ hai ông được Nhà nước công nhận: Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Tại Quyết định số: 321-QĐ/BT của Bộ Văn hóa – Thông tin.

       Đền thờ hai ông đã được Đảng bộ và nhân dân phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh tôn tạo, bảo vệ và phát huy truyền thống yêu nước, học giỏi, đỗ đạt cao trong thế hệ trẻ và công đức, tấm gương của hai ông được Lịch sử, nhân dân tôn thờ, ghi nhớ!

先 祖 福 洪 留 後 世

子孫 德 創 恙 前 人

Tiên tổ phúc hồng lưu hậu thế,

Tử tôn đức sáng rạng tiền nhân.

         Nghĩa là:  Tổ tiên phúc lớn để lại cho đời sau.

                        Con cháu đức sáng làm rạng ngời sự nghiệp của cha ông./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 4.706.615
    Online: 27
    ipv6 ready