Chùa Long Đàm nằm ở sườn núi Thiên Tượng, thuộc tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, là một trong những ngôi cổ tự trên núi Hồng Lĩnh. Là một địa chỉ tâm linh có giá trị lịch sử - văn hoá lâu đời, với vị trí địa lý thuận lợi bên con đường Thiên lý Bắc Nam, luôn là địa danh hấp dẫn in đậm dấu ấn trong tâm hồn Phật tử, du khách tham quan và Nhân dân địa phương.

Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, đi về hướng bắc theo Quốc lộ 1A khoảng 30km là đến thị xã Hồng Lĩnh. Từ quốc lộ 1A ngược sườn núi Thiên Tượng - Ngàn Hống hơn 1km, ở độ cao 120m so với mực nước biển là đến chùa Long Đàm. Từ xa xưa đến nay, người ta còn lưu lại những bài vè cảm thán, đọc lên nghe cái thú của “Tao nhân, mặc khách”:

“Lên Long đàm, sư tử,

Ngồi tựa gốc thông cao

Ai  muốn trẹ đường nào

Mặc nhân tâm thích ý

Mặc dạ người thích ý.”

Chùa Long Đàm, tương truyền, xưa có một con rồng bơi lặn trong đầm này. Một hôm, trời mưa to, rồng cuộn mây bay lên để sót lại nhiều ngọc minh chầu dưới đầm. Đêm trăng thanh thường trông thấy ánh sáng vằng vặc. Vì thế người ta dựng chùa bên đầm gọi là “Long đàm”, chùa dựng vào khoảng thể kỷ 16, 17 (cuối Trần - đầu Lê), đã nổi tiếng một thời về cảnh gió mát, trăng thanh, thiên nhiên kỳ thú.

Sách “Hoan Châu phong thổ ký” của tiến sỹ Trần Danh Lâm (1704 - 1777) người tỉnh Bắc Ninh làm đốc đồng tỉnh Nghệ An viết: “Một vùng cõi tịnh, chùa Long Đàm gió mát, trăng trong”.

Hay thầy Đồ Nguyễn Đình Châu quê ở xứ kẻ Triềng (Đức Thanh - Đức Thọ), dạy học ở Ngọc Sơn đã để lại cảm tác về phong cảnh chốn cửa Phật:

“Thong thả lên chơi đỉnh núi Hồng,

Vào chùa Thiên Tượng lại chùa Long.

Giang sơn mù mịt nhìn khôn xiết,

Phật bụt cao xa nói giữa cùng.

Sắc sắc ai hay là sắc sắc,

Không không nào biết việc không không.

Quá chiều về kẻo trời đang tối,

Có đất, có người, có núi sông.”

 

Vào cửa Chùa đầu tiên ở phía phải là am Bà Chúa theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, bước lên các bậc thang đá, đến sân chùa. Phía phải là nhà Tổ, phía trái trước kia có bàn thờ thập loại chúng sinh và nơi thờ Long Thần Thổ Địa. Lên nhiều bậc thang nữa, mới đến nhà Chùa.

Chùa kiến trúc hình chữ nhị có cả Thượng điện, Hạ điện. Hạ điện đắp nổi hai ông tướng cưỡi Kỳ Lân, nét tượng sắc sảo thể hiện trình độ nghệ thuật của nghệ nhân. Hạ điện được làm bằng gỗ lim cao lớn gồm 4 vì, 12 cột, chia làm 3 gian rộng và 2 gian nách. Ở Hạ điện có một quả chuông lớn khắc 4 chữ “Long Đàm Chung Tự”.

Thượng điện liền với hạ điện, thông thoáng thờ các tượng Phật. Hai bên là hai bệ thờ Nam Tào - Bắc Đẩu (Tượng lớn hơn người thực).

Hàng bệ thấp phía trước, giữa có tượng Quan Âm Bồ Tát nhỏ, đứng giơ hai ngón tay lên vai.

Chùa Long Đàm có giá trị lịch sử - Văn hoá lâu đời, nhưng trong kháng chiến chống Pháp bị địch ném bom vào chùa. Năm 1955, do bị nạn cháy rừng chùa bị cháy lây vào, song vẫn để lại dấu tích 16 tảng đá kê cột hình vuông, mỗi cạnh 0,60 m, dày 0,15m; các tảng đá khắc hình hoa sen tinh xảo; các trang trí đầu rồng, đuôi rồng, thân rồng, ngói mui hài… làm bằng đất nung rất đẹp. Điều đó chứng tỏ di tích chùa Long Đàm trước đây rất lớn, uy linh, cổ kính.

Đến năm 2001, chùa được xây dựng lại khá khang trang trên nền Thượng điện cũ, nhờ sự đóng góp của các tín đồ và người hảo tâm ở nhiều địa phương. Toàn bộ khuôn viên là một khu đất rộng. Chùa có kiến trúc theo lối chữ Nhất, ngoảnh mặt về hướng Nam dựa vào sườn núi Thiên Tượng, có độ cao 120 mét so với mực nước biển. Xét về phong thuỷ, đây là hướng lý tưởng mong được “Dương Khánh”, “Âm Siêu”, phía bên trái có 2 con suối gọi là khe Gác Chuông chảy từ trên núi Thiên Tượng hợp lưu tại đây như hai con rồng chụm đầu vào nhau, uốn lượn tạo thành hồ gọi là “Tả Thanh Long”, “Hữu Bạch Hổ”; xung quanh chùa cây cối xanh tươi, tạo nên khung cảnh thanh u, thâm nghiêm nơi cửa Phật.

Nhìn ngoài vào, chùa như một búp sen khổng lồ. Ở giữa chùa có 3 chữ Hán lớn “Long Đàm Tự”; hai bên có các câu đối:

Sức sức trùng sơn lưu tú khí,

Nguy nguy thắng địa trấn thiền môn.

Nghĩa là:             Chùa toạ nơi non cao, vượng khí,

Chốn thiền môn cảnh đẹp, nguy nga

                           

                              Long Đàm lưu ngọc anh linh tự,

                              Hồng Lĩnh chiêu hiền danh thắng sơn.

Nghĩa là:     Long Đàm chùa thiêng lưu ngọc quý,

                              Hồng sơn cảnh đẹp đón hiền tài.

Trong chùa, giữa gian có các bàn thờ:

              Tầng 1: Thờ Đức Bổn Ca Mâu Ni Phật; Tam Thế Phật.

Tầng 2: Thờ Đức Chuẩn Đế.

Tầng 3: Thờ Đức Địa Tạng; Quan Thế Âm Bồ Tát.

 

Với sự tồn tại lâu đời, chùa Long Đàm có lịch sử - Văn hoá đáng ghi nhận gắn liền với lịch sử dân tộc. Những giá trị vân hoá vật thể, phi vật thể của chùa Long Đàm đang là nguồn tư liệu quý để tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ văn hoá tiền nhân để lại. Chùa Long Đàm còn có giá trị về danh thắng, du lịch. Phong cảnh Chùa nằm trong cảnh quan non xanh, nước biếc của quần thể di tích Thiên Tượng, Ngọc Sơn, Bạch Tỵ, Đại Hùng, với vị trí địa lý thuận lợi trên con đường thiên lý Bắc - Nam (Quốc lộ 1A) luôn là địa danh hấp dẫn in đậm dấu ấn trong tâm hồn Phật tử, du khách tham quan và nhân dân địa phương.

Trải qua bao thời gian, lúc thịnh vượng, lúc trở thành phế tích, nhưng đến nay dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, chùa Long Đàm đã trở thành một địa điểm hoạt động văn hoá tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch hấp dẫn đối với tăng ni, phật tử và du khách thập phương đến tham quan, hành hương, tế lễ./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 3.659.029
    Online: 215