TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

- Khu Du lịch Suối Tiên - Thiên Tượng

Khu Du lịch Suối Tiên - Thiên Tượng đã được quy hoạch tổng thể và chi tiết với diện tích 100ha, trong quần thể danh thắng núi Hồng Lĩnh. Suối Tiên và hồ Thiên Tượng nằm ở lưng chừng núi giữa bạt ngàn thông xanh của đại ngàn Hồng Lĩnh. Suối Tiên được khởi nguồn từ đỉnh núi Thiên Tượng, nơi có Chùa Thiên Tượng nổi tiếng đẹp và linh thiêng. Phía dưới là hồ Thiên Tượng, diện tích 1km2, trữ lượng trung bình 1 triệu m3. Dưới đập Hồ Thiên Tượng là đạp Bàu Tiên, nơi khởi phát Suối Tiên chảy giữa những tảng đá nâu, đá xám, đá trắng dưới bóng thông và tiếng gió reo trong điệp trùng cây lá. Du khách đến đây không chỉ được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên thơ mộng kỳ thú, hít thở không khí trong lành mà còn được nghe nhiều huyền thoại, cổ tích và các làn điệu dân ca cổ truyền.

Suối Tiên - Thiên Tượng đã được Nhà nước công nhận Danh thắng Quốc gia - đã, đang dần trở thành một thương hiệu du lịch, và có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng.

- Khu công viên trung tâm:

Nằm trên địa bàn phường Bắc Hồng, khu Công viên trung tâm đã được UBND Tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, với tổng diện tích là 72,5ha. Hiện tại công viên đã có hạng mục như: Sân vận động, sân Tennis, Nhà Văn hóa, đặc biệt là hồ Đại Rai với diện tích ...ha, tữ lượng ...m3, luôn trong xanh, hiền hòa, được ví như máy điều hòa thiên nhiên của Thị xã.

Hiện nay Cấp ủy, chính quyền Thị xã đang kêu gọi các nguồn xã hội hóa đầu tư vào các hạng mục vui chơi, giải trí.

- Khu Di tích Lịch sử - văn hóa Đại Hùng:

Đây là quần thể Di tích có lịch sử trên 700 năm, bao gồm chùa Đại Hùng và đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương cùng các bậc Vua Hùng. Đây là điểm thờ cúng Thủy tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng duy nhất của các tỉnh miền Trung, trung bộ. Mỗi năm tại khu Di tích có hai lễ hội chính đó là lễ Kỵ húy Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương vào ngày 18 tháng giêng và Lễ hội giổ tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch, thu hút hàng vạn người về tham dự.

Hiện nay khu di tích đã được UBND Tỉnh phê duyệt chủ trương cho phép lập quy hoạch 43ha để trùng tu, tôn tạo các hạng mục bị phế tích; tương lai đây sẽ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

- Đền Song trạng nguyên

Song Trạng nguyên từ thờ hai cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy được xây dựng bên chân rú Ngọc ở ấp Ngọc Sơn, xã Bình Lãng Thượng, huyện Phỉ Lộc, nay là phường Đức Thuận.

Sử Hy Nhan (? - 1421) quê ấp Ngọc Sơn, đỗ Trạng nguyên khoa Quý Mão (1363) đời Trần Dụ Tôn, làm quan đến chức Hành khiển tri kinh diên. Con ông là Sử Đức Huy (1360-1430) cũng đỗ Trạng nguyên khoa Tân Dậu (1381) đời vua Trần Phế đế, nhưng không làm quan.

Dưới triều nhà Hồ, Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy về quê nhà Ngọc Sơn. Nhà Hồ mất, quân Minh xâm lược nước ta, hai ông cùng một số gia nhân trốn lên vùng núi Mồng Gà (Kê Quan sơn) ẩn náu, tổ chức khai hoang, lập nên xóm Trại Đầu (ngày nay là các xã Ân Phú - Vũ Quang, Sơn Long, Sơn Trà - Hương Sơn).

Ngày 25-7 năm Tân Sửu (1421) Sử Hy Nhan mất, lăng ông đặt trên nền trại cũ, dân Trại Đầu dựng đền thờ ông ở gần lăng để tỏ lòng nhớ ơn.

Năm 1425, Bình Định vương Lê Lợi về xây dựng căn cứ Đỗ Gia, Sử Đức Huy đến yết kiến và được tin dùng, làm đến chức Thượng thư Bộ Hộ. Ông mất vào năm 1430. Vua Lê cử quan về phúng viếng và sai lập đền thờ thờ hai cha con ông Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy.

- Đền Đô Đài

Đền Đô Đài thờ Bùi Cầm Hổ được xây dựng trên núi Bạch Tỵ, phía Tây dãy Ngàn Hống, thuộc địa phận làng Kẻ Treo - Độ Liêu, huyện Thiên Lộc, nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh.

Đền thờ vị phúc thần Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ (1390-1483). Ông đã từng giữ các chức Ngự sử, An vũ sứ Lạng Sơn, hai lần đi sứ Trung Quốc, thăng Tham tri chính sự. Những công lao đóng góp của ông cho đất nước đã được sử sách ghi nhận và xếp ông trong 18 vị văn thần thời Lê sơ có công lao đức độ bậc nhất.

Khi về hưu ở quê, ông đã tổ chức đắp đập làm thủy lợi lấy nước tưới cho hàng trăm mẫu ruộng. Khi ông mất, được phong Bỉnh quân Đại vương, Thượng đẳng thần. Nhân dân địa phương lập đền thờ và tổ chức lễ hội “Báo ân” hàng năm rất trọng thể.

- Di tích Đền cả (Dinh đô quan Hoàng Mười)

Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười hay còn gọi là Đền Mỏ Hạc Linh Từ, theo các tư liệu lịch sử thì được các bậc tiền nhân kiến tạo cách đây trên 700 năm, vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ "Nhất"; bao gồm: Hậu cung hay còn gọi là cung cấm, nhà Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Là ngôi đền lớn nhất của cả Tổng Minh Lương xưa nên được gọi là Đền Cả. Còn tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại Đền; Đền lại được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau gữa ba con sông (Sông Lam, Sông La và Sông Minh); được cả 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ Hạc. Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là Đền Mỏ Hạc hay Mỏ Hạc Linh Từ, nghĩa là vùng đất linh thiêng. Trãi qua bao thăng trầm của lịch sử một thời gian Đền bị phế tích, ngày nay nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm nên Đền đã được khôi phục gần như nguyên gốc và hiện là một trong những điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của du khách.

- Chùa Thiên Tượng

Chùa Thiên Tượng được dựng từ đời nhà Trần trên một ngọn núi cùng tên thuộc dãy Ngàn Hống, ở địa phận làng Quỳnh Lâm xưa, nay là phường Trung Lương.

Chùa Thiên Tượng có lịch sử ra đời trên 600 năm, lại ở vào một địa thế có cảnh quan đẹp, từng được xếp hạng trong danh mục các cổ tự trên đất nước Việt Nam từ thời nhà Trần đến thời Lê - Nguyễn. Ngày nay chùa Thiên Tượng cùng với hồ Thiên Tượng, Suối Tiên thuộc địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đang trở thành một quần thể văn hóa du lịch hấp dẫn và chùa được Nhà nước xếp hạng di tích danh thắng Quốc gia.

- Khu Di tích danh thắng chùa Hang.

Được xây dựng từ thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ thứ....ngôi Tam Bảo nằm gọn trong hang đá tự nên nên được gọi là chùa Hang. Với bạt ngàn thông reo và những thảm cỏ xanh mướt, dòng nước mát từ  đập khe Môn chảy vào hồ cảnh của vườn Lâm Tỳ Ni, Khu di tích Danh thắng chùa Hang được ví như một Đà Lạt thu nhỏ. Hiện tại khu Di tích đang được UBND Tỉnh đồng ý phê duyệt quy hoạch mở rộng nhằm tạo điểm nhấn cho du khách về tham quan, nghĩ dưỡng.

- Làng Rèn truyền thống Vân Chàng - Trung Lương

Thị xã Hồng Lĩnh có làng Rèn Vân Chàng Trung Lương nổi tiếng trong thiên hạ, đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm qua.

Có vè, truyện thần thoại và cả truyền thuyết, truyền ngôn về nghề rèn Vân Chàng - Trung Lương. Có đền thờ Thánh thợ rèn ở núi Tiên Sơn. Tương truyền từ thời Lý - Trần, Vân Chàng - Minh Lương đã là một làng nông nghiệp, thủ công nghiệp trù phú. Nghề rèn ngày càng phát đạt góp phần xứng đáng cho “đất văn vật hữu dư” (vè).

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Thị xã Hồng Lĩnh đã đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Trung Lương gắn với nghề rèn, đúc truyền thống.

Đến Làng nghề Truyền thống Trung Lương du khách được thăm đền Thánh Thợ rèn, gặp nghệ nhân nghề rèn, xem sản phẩm rèn, đúc truyền thống và chứng kiến không khí sản xuất của các doanh nghiệp mới gia công mặt hàng cơ khí và sản xuất máy nông nghiệp, vật tư xây dựng.

CÁC LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG:

- Lễ hội Đền Đô Đài

Lễ hội Đền Đô Đài có tên là “Lễ báo ân”. Lễ thường, năm một lần, mở vào ngày 12 tháng giêng âm lịch thì chỉ có cỗ thờ và làm lễ tế. Lễ tế có “Tam sinh”: Trâu (hoặc bò), dê, lợn. Những con vật tế ấy được  mua, nuôi rước lễ một năm, gọi là “trâu Ông”, “dê Ông”, “lợn Ông”.

Ngày lễ có cỗ thờ và cỗ tế. Cỗ  thờ có hai loại, Cỗ kính và cỗ nhớ. Cỗ kính nhất thiết phải có một bát nộm (giá), một bát giò nạc, ba đĩa xôi và ba quả cam. Người ta nói đó là những thức ăn sở thích của ông Bùi. Cỗ nhớ phải có thủ lợn, giò lợn. Cỗ thờ được rước long trọng từ nhà người hành lễ ra đền, có cờ lọng, trống chiêng.

Trong lễ hội lớn, 50 năm có một lần, người ta dựng rạp hát gọi là Đình Đụn. Lễ kéo dài 3 ngày, 3 đêm có lễ rước kiệu, rước cỗ, có thi cỗ, thi vật, đánh đu, ném cù …

Hiện nay, chính quyền địa phương và ngành Văn hóa Thông tin Thị xã Hồng Lĩnh đã có nhiều hoạt động văn hóa mới bổ sung vào phần hội tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho khách thập phương.

- Lễ hội Giổ tổ Hùng Vương – Tại Khu Di tích Đại Hùng.

Tại Khu Di tích Đại Hùng, ngoài ngôi chùa có các lễ hội theo Phật giáo, thì tại Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng mỗi năm đều có hai lễ hội chính, đó là lễ Kỵ húy Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương vào ngày 18 tháng Giêng và đặc biệt là lễ Giổ Quốc Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3.

Lễ Hội thường được tổ chức 3 ngày, ngoài lễ tế tâm linh của các cụ cao niên, còn có các phần hội như: Văn nghệ, chọi gà, thi đẩy gậy, đấu vật... Thu hút hàng ngàn lượt du khách, bà con Nhân dân phật tử trong Tỉnh và một số tỉnh phụ cận về tham dự. Những năm gần đây lễ hội Giổ Quốc Tổ Hùng Vương đều do Thị xã tổ chức; tuy vậy, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con Nhân dân ngày càng cao, hiện Thị xã đang xây dựng hồ sơ trình UBND Tỉnh cho phép nâng cấp lên tầm cấp Tỉnh.

- Lễ hội đua thuyền Trung Lương

Nhân dân phường Trung Lương có một quan niệm: nếu năm nào không tổ chức Hội đua thuyền thì năm đó trời đất không thuận hòa, việc làm ăn sẽ gặp khó khăn. Chính vì vậy cứ vào ngày 03 tháng giêng hàng năm người dân lại tụ tập đến đền thờ Thành Hoàng làng tại Núi Tiên làm lễ cáo yết đất trời tổ tiên và rước thuyền về bến sông Minh để mở hội đua.

Đây là lễ hội thu hút khá đông khách tham dự, bởi lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới, vì vậy không chỉ du khách là những người cao tuổi luôn hoài niệm về quá khứ, mà còn trai thanh, gái lịch tìm đến chốn giải trí lành mạnh vào dịp du xuân.

- Lễ hội Đền Cả - Dinh Đô Quan Hoàng Mười

Lễ hội được tổ chức vào những ngày đầu tháng 10 ÂL, ngày chính lễ (10 tháng 10 ÂL) được xem như ngày kỵ húy của Ông Hoàng Mười, là một "Đức Thánh Minh" trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng Đạo Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong cả nước. Ông được giao cai quản về tâm linh - trấn giữ một vùng non nước dọc sông Lam. Lễ hội Đền Cả đã vượt phạm vi một làng, một vùng mà thu hút nhiều du khách về tham dự từ rất nhiều ngày trước khi diễn ra chính lễ.

Sớm nhận thức được giá trị cốt lõi của điểm đến tâm linh này nên hàng năm UBND thị xã Hồng Lĩnh và nhân dân địa phương luôn chuẩn bị chu đáo trước mỗi mùa lễ hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng với đầy đủ các nội dung như: Lễ Khai quang,Yết cáo, Lễ rước, Đại tế, Lễ tạ. Phần hội luôn luôn được đổi mới bằng nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút sự tham gia và chú ý của đông đảo quần chúng nhân dân, du khách như đua thuyền, dạ hội văn nghệ, Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của Người Việt...

Lễ hội đền Cả (Dinh đô quan Hoàng Mười) thực sự là dịp để tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời cũng là dịp để du khách thập phương hành hương về với Hồng Lĩnh - vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử, yêu nước và cách mạng, nơi đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, nhiều tấm gương kiên trung, nghĩa liệt mà cuộc đời, sự nghiệp của họ đã làm rạng ngời quê hương, đất nước.

Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 4.827.587
Online: 9
ipv6 ready