Năm nào cũng vậy, khi tiết trời như cô gái e ấp bước sang tuổi dậy thì lúc nắng, lúc nức nở mưa bay cũng là lúc những vườn đào ven núi Hồng Lĩnh chúm chím nụ hồng, sửa soạn đón xuân. Là người Hồng Lĩnh, sẽ thật chưa trọn vẹn với nàng xuân nếu như ai chưa từng một lần ghé thăm Trung Lương để ngắm hoa đào. Sắc đào hồng phớt nguyên sơ của rừng núi Hồng Sơn khiến cho Trung Lương trở nên dịu dàng, rực rỡ mỗi độ xuân về.
Nép mình bên chân núi Hồng Lĩnh, bên trái Quốc lộ 1A theo hướng Bắc Nam, thuộc phía bắc thị xã Hồng Lĩnh, ba tổ dân phố Phúc Sơn, Bấn Xá, Quỳnh Lâm, thuộc phường Trung Lương nằm cách biệt với Trung tâm phường một cánh đồng. Chẳng biết đào đã xuất hiện ở vùng đất này từ bao giờ nhưng có lẽ có một điều chúng ta có thể khẳng định đó là đào hợp với chất đất và khí hậu của kẻ Bấn (Trung Lương xưa) nhất trong số các vùng quê ven ngọn núi Hồng. Những cây đào ở đây thế đẹp, hoa đều và “sây” (nhiều hoa), đặc biệt là sắc hồng ngọt ngào như má hồng thiếu nữ e cấp khiến bao khách viếng thăm mê đắm. Theo cụ Lê Dương (TDP Phúc Sơn): Đào xuất hiện ở vùng đất này từ rất lâu đời. Nghe các cụ xưa kể lại, vùng này đào phai mọc rất nhiều. Khi xưa đất rộng người thưa, đào mọc dọc núi, mùa xuân khoe sắc hồng phai rực rỡ một vùng. Đến những năm đầu thế kỷ XIX một số hộ dân mới dần ươm cây, truyền nhau kỹ thuật và đưa về trồng làm cảnh. Việc trồng đào để làm thương phẩm mới chỉ xuất hiện cách đây vài ba thập niên. Điều đặc biệt là chỉ có vùng đất ven chân núi Hồng mới có thể tạo ra những cây đào có thể đẹp, hoa sây rực rỡ. Cũng là đào nhưng trồng khu bên kia Quốc lộ 1A thì lại khác, lá nhiều, hoa không sai và kém “duyên”.
Ngoài các đền chùa linh thiêng thì mảnh đất này cũng hấp dẫn bởi bao truyền thuyết lung linh. Đây cũng là vùng đất mà bao tao nhân mặc khách, thi sỹ đa tình có dịp dừng chân cũng phải xao xuyến, bâng khuâng”.
“Ngày xưa khi còn trẻ, Tết đến xuân về, gái trai vùng này du xuân trong tiết trời thanh thanh, những cành đào phai khoe sắc khiến cho má hồng thiếu nữ thêm hồng; nhiều đôi nhờ vậy cũng nên duyên nhờ sắc hoa đào. Vườn đào là nơi hò hẹn, hoa đào cũng có khi thành hoa cưới, rực rỡ, đỏ thắm, chín mọng màu hạnh phúc. Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Kẻ Bấn, Trung Lương khá nhiều ưu đãi. Ngoài các đền chùa linh thiêng thì mảnh đất này cũng hấp dẫn bởi bao truyền thuyết lung linh. Đây cũng là vùng đất mà bao tao nhân mặc khách, thi sỹ đa tình có dịp dừng chân cũng phải xao xuyến, bâng khuâng”. – Mân mê từng cành đào chi chít nụ đợi ngày khoe sắc, cụ bà Nguyễn Thị Chương – TDP Bấn Xá bồi hồi nhớ lại ký ức Tết xưa.
Chúng tôi chợt giật mình, có khi nào ngày xưa cụ Nguyễn Du từng vượt núi Hồng, “qua lại hát phường”, từng đi qua vùng đất Kẻ Bấn này không mà thấp thoáng Truyện Kiều hình ảnh những đào những mận xinh xắn, dịu dàng xuất hiện với tần suất khá dày. Với 23 câu thơ, Đại thi hào nhắc đến đào với nhiều cung bậc cảm xúc, dáng dấp, sắc thái khác nhau. Câu 192 của truyện Kiều – Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây. Câu 833 – Đào tiên đã bén tay phàm. Câu 897 – Xót thân liễu yếu thơ đào. Câu 1010 – Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non. Câu 1281 - Trướng tô giáp hoa đào. Câu 1289 - Rầy đào tối mận lân la. Câu 1474 – Đào đã phai thắm sen đà nẩy xanh. Câu 1741 – Xót thay đào lý một cành. Câu 2748 – Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Câu 3076 – Đào non sớm liệu se tơ kịp thì. Câu 3137 - Những từ sen ngó đào tơ. Câu 3220 - Phải người sớm mận tối đào như ai … Dù là tức cảnh sinh tình hay mượn hoa nói người thì không thể phủ nhận hoa đào trong thơ cụ Nguyễn có dáng dấp của những cành đào làng rèn bên núi, e ấp, mỏng manh và đẹp đến nao lòng.
Ngay từ khi vừa thành lập thị xã, những năm 90 của thế kỷ trước, Thị xã và Phường Trung Lương đã có ý tưởng phát triển về vườn đào thương phẩm. Nhưng thời điểm đó thị xã mới thành lập, còn muôn vàn khó khăn, do đó ý tưởng này chưa được đưa vào quyết sách. Mãi đến đầu thế kỷ XXI, việc xây dựng mô hình, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì nghề trồng và chăm sóc đào phai tại Trung Lương được các cấp đưa vào nghị quyết, kế hoạch. Qua đó, đã mở được hai lớp đào tạo nghề, thu hút gần 70 hộ tham gia. Từ chỗ tự phát, đến nay việc trồng đào đã được Phường Trung Lương xây dựng thành mô hình riêng và đưa vào trong mục tiêu trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đến nay toàn khu vực ba tổ dân phố dưới chân núi Hồng có 100 hộ dân trồng đào. Bình quân dao động mỗi vườn từ 20 cây đến hàng trăm cây, mang lại thu nhập từ 20 đến gần 100 triệu đồng mỗi vụ. Nhiều nhất là hộ Nguyễn Ngọc Ánh với 300 cây, mỗi năm doanh thu trên 200 triệu đồng.
“Nghề trồng đào đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân vùng ven chân núi Hồng của phường Trung Lương. Trước đây, các hộ dân trồng đào nhỏ lẻ, manh mún trong vườn nhà, nhưng sau khi xác định cây đào là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, nên trong thời gian tới phường sẽ xây dựng vùng sản xuất tập trung dọc tuyến Bùi Đăng Đạt để trồng cây đào giống và đào cho hoa. Nếu người dân đồng thuận và các đoàn thể vào cuộc thì cây đào không chỉ là cây chủ lực ở địa phương mà còn tạo điểm nhấn riêng biệt cho việc xây dựng và chỉnh trang đô thị văn minh của Trung Lương trong tương lai gần. Đó cũng là tiền đề cho ý tưởng về một trong những hình thức du lịch tâm linh gắn liền với cảnh sắc núi Hồng với những vườn đào thơ mộng để du khách thoả sức ngắm cảnh, chụp ảnh, vừa lựa chọn những cành đào thật ưng ý về chưng Tết” - Tổ trưởng Tổ ĐB HĐND thị xã, Chủ tịch UBND phường Trung Lương phấn khởi chia sẻ về tương lai của đào Trung Lương.
Còn với anh Nguyễn Văn Giáp, một thương lái chuyên buôn hoa cây cảnh tại Thành phố Vinh dịp Tết, cho biết: "Xu hướng của khách hàng hiện nay thích vẻ đẹp nguyên sơ, dân dã nên phần nhiều yêu thích đào phai. Đặc biệt, nhiều khách hàng ở thành Vinh thích đào Trung Lương. Từ Vinh vào đây cũng rất thuận lợi về giao thông và khoảng cách không xa nên năm nào tôi cũng mua vài vườn trọn gói để phục vụ nhu cầu của khách. Đào phai Trung Lương có vẻ đẹp rất riêng, hoa nhỏ nhắn chúm chím, khi mới nở, hoa có màu hồng, sau đó phai dần, phần cuối cánh hoa có màu hồng phớt, dáng đẹp và sây hoa nên nên rất được ưa chuộng. Đặc biệt giá cả ở đây cũng khá phù hợp và đa dạng, có nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Bên cạnh đó các chủ vườn rất chân chất, mộc mạc và mến khách. Đó là điều thu hút được đông đảo khách hàng ngày càng nhiều tìm đến với Trung Lương để mua đào.”
Năm nào cũng sửa soạn cho mình một cành đào để chưng Tết, anh Lê Văn Trình – TDP Thuận Hồng, phường Đức Thuận, TX Hồng Lĩnh cho hay không cần phải đi đâu xa để mua đào, muốn có cành đào ưng ý, thuần khiết thì chỉ cần đến Phúc Sơn.
Thả mình giữa rừng đào thơ mộng, những giọt mưa xuân lớt phớt bay bay khiến cho từng nụ hồng đào chúm chím e ấp, ngậm men say đất trời căng mọng sửa soạn chào xuân. Đắm mình trong sắc hồng rực rỡ, lòng người cũng thêm hân hoan, rạo rực. Chợt nghĩ ý tưởng về sắc hồng bao phủ tuyến đường Bùi Đăng Đạt của vị đại biểu dân cử, Chủ tịch UBND phường Trung Lương về du lịch cảnh sắc thiên nhiên vườn đào gắn với du lịch văn hoá tâm linh khiến nhiều vị cử tri và chúng tôi lại mơ về một ngày không xa, đi dọc đường 1C – tuyến đường mang tên Thuỷ tổ Hùng Vương Kinh Dương Vương sẽ ngập sắc đào phai hai bên tạo thành điểm nhấn thơ mộng cho mãnh đất Hồng Lĩnh và cũng là điểm đến của du khách mỗi khi đặt chân đến phía bắc Hà Tĩnh mỗi dịp Tết đến xuân về.