Sinh thời, với tài đức và sự đóng góp lớn lao cho Cách mạng trong nước cũng như cho phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới tôn vinh là: Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Nhân dân trong nước thì luôn yêu kính và coi Người là vị Cha già dân tộc, Cụ Hồ Chí Minh, hay Bác kính yêu - một danh xưng thật là gần gũi, thật là thân mật, và cũng thật là giản dị. Bởi lẽ, mỗi lần tiếp xúc với nhân dân hay chiến sĩ, Bác thường tự xưng nhận mình là già Hồ, hoặc Bác. Tiếng Bác được Người sử dụng nhiều hơn cả: "Trung thu trăng sáng như gương, Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng. Sau đây Bác viết mấy dòng, gửi thăm các cháu tỏ lòng mến yêu". Hoặc "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Hoặc, năm 1946, trước khi sang Paris ký hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3, Bác đã trấn an với nhân dân cả nước rằng: "Hãy cứ tin tưởng ở già Hồ, già Hồ không bao giờ bán nước ta cho Pháp đâu"… Tuy nhiên, đã có mấy lần Bác Hồ kính yêu của chúng ta tự mình xưng "cháu" với dân, việc này rất có thể nhiều người chưa biết.

Bác Hồ về thăm lại đồng bào Pắc Bó, Cao Bằng năm 1961

Chuyện thật kể rằng… Sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 8 tháng 9 năm 1945 Chính phủ ban hành sắc lệnh chống nạn thất học và thành lập Nha bình dân học vụ để chỉ đạo công cuộc xóa nạn mù chữ trên phạm vi cả nước, bởi trên thực tế, bấy giờ dân trong nước có đến 95% người đang mù chữ. Bác Hồ xem diệt giặc dốt lúc này cũng không khác gì diệt giặc đói và giặc ngoại xâm, nên Người đã đề ra những biện pháp diệt giặc dốt hết sức cụ thể, Người nói: "Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì bảo chồng, em chưa biết thì anh bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình…"

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, một phong trào xóa nạn mù chữ đã nổi lên rầm rộ khắp cả nước. Không kể gái, trai, già, trẻ, nam, phụ, lão, ấu…tất cả đều thi đua học để biết chữ. Bác hết sức xúc động trước nhiều tấm gương học tập của nhân dân. Tháng 5-1948, trong thư phúc đáp gửi cụ Phùng Lục, người ở huyện Ứng Hòa, Hà Đông nhân cụ thượng thụ 90 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần xưng "cháu" với cụ Lục: "Cháu thay mặt Chính phủ cảm ơn Cụ và trân trọng chúc Cụ sống lâu và luôn luôn khỏe mạnh để kêu gọi con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và kiến quốc". Hoặc trong thư gửi cụ Nguyễn Văn Ấm ở Hải-Kiến (tức Hải Hưng và Kiến An cũ) tuổi đã 94 vẫn chống gậy đi học bình dân học vụ như bao người, Bác đã động viên: "Mong rằng bao giờ Cụ học xong, Cụ sẽ viết thư cho "cháu".

Xưa nay, hỏi có mấy ai ở địa vị quốc trưởng mà lại xưng "cháu" với dân như thế ? Đúng là một ứng xử hết sức lịch lãm chỉ có ở những người sống luôn luôn đề cao luân thường đạo lý, luôn luôn chú trọng đến cái Tâm, Đức, Lễ, Nghĩa…ở đời mới làm được như thế./.

Viết Hoài


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.678.937
Online: 60