Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi một người dân Việt Nam bồi hồi tưởng nhớ về Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, Người có những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ. Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới"[1].

Anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sỹ cách mạng kiên trung

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngày 05 tháng 6 năm 1911, từ bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên đường sang phương Tây, mang theo mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi". Người tham gia lập Hội vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước và đấu tranh giải phóng dân tộc mình. Ngày 18 tháng 6 năm 1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi đến Hội nghị Véc-xây bản yêu sách, đòi Chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp; năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; năm 1922 xuất bản tờ báo "Người cùng khổ" ở Pháp; năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân; năm 1924, Người tham gia Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam; năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á; xuất bản cuốn sách nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân Pháp"...

Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (Ảnh tư liệu)

Sau gần 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản và nhiều nước thuộc địa. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của những người cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930 được sự phân công của Quốc tế Cộng sản lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc chí Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cách mạng Tháng Tám năm l945 thắng lợi. Ngày 02 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (năm 1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta cùng một lúc phải đối mặt với "Giặc đói", "Giặc dốt", "Giặc ngoại xâm". Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, phức tạp, thù trong, giặc ngoài "Ngàn cân treo sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối, chiến lược, sách lược lãnh đạo toàn dân tộc, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua cơn hiểm nghèo, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng.

Tháng 2/1946, Người nói chuyện với hơn 10 vạn nhân dân thủ đô hà Nội sau cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (Ảnh tư liệu)

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" (năm 1954).

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của Nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn Đảng xây dựng đường lối "Vừa kháng chiến vừa kiến quốc"; "Thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược"; lãnh đạo Nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước, khí phách anh hùng đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 02 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc thương cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng chân lý của thời đại, tấm lòng của Người luôn hướng về nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì một thế giới hòa bình, các dân tộc được tự do và bình đẳng, con người được sống hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng; cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường và vô cùng trong sáng, suốt đời chiến đấu cho công bằng, hòa bình và tiến bộ của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa thế giới

Không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sỹ cách mạng kiên trung, Người còn là một danh nhân văn hóa kiệt xuất, tư tưởng vĩ đại của Người là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam.

Những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người viết sách, báo bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga… tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây đặc biệt là tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, đỉnh cao tư tưởng nhân văn của nhân loại, nhờ đó đã kết tinh ở Người những giá trị văn hóa vừa dân tộc, vừa hiện đại. Hồ Chí Minh làm thơ chữ Hán, văn thơ chữ Hán của Người đạt đến trình độ của bậc Hán học. Người tiếp thu tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo, kế thừa truyền thống văn hóa phương Đông. Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin trên một loạt vấn đề phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh nhận rõ ý nghĩa lớn lao và vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa, Người chỉ rõ: "Văn hóa soi đường quốc dân đi".

Hồ Chí Minh là chiến sĩ tiên phong của nền văn học - nghệ thuật, báo chí cách mạng, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho công bằng, lẽ phải trên trái đất. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Người, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân ta đã thành công, giành lại độc lập cho dân tộc, đồng thời cũng đã trả lại vị trí xứng đáng cho văn hóa Việt Nam, mở ra một thời đại mới cho nền văn hóa dân tộc.

Hồ Chủ tịch chuyện với học viên trường Nghệ thuật sân khấu trung ương (Ảnh tư liệu)

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam, đã trở thành văn hóa dân tộc. Sự đóng góp của Hồ Chí Minh về văn hóa không chỉ ở phương diện lý luận mà còn thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tỏa sáng trong mỗi việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân "Tổ quốc trên hết", "Dân tộc trên hết", "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Hồ Chí Minh quan niệm: "Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức". Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh. Đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cả cuộc đời cách mạng gần 60 năm, Người đã chiến đấu chống áp bức bất công, đem lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân, cho dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà còn là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc; không chỉ là một chính trị gia vĩ đại, mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất.

"Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn."

Tháng Năm lại về, tưởng nhớ Người, mỗi một người dân Việt Nam nguyện học tập, làm theo phong cách, tấm gương đạo đức và phong cách của Bác, quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc như mong muốn tột bậc của Người lúc sinh thời: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành."/.

BÌNH NGUYÊN - BẢO PHƯƠNG

(Bài viết tham khảo thông tin, nội dung trong Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh)


[1] Nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã phong tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh danh hiệu này.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.678.935
Online: 58