Sinh thời, điều mà cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi đó chính là "Hạnh phúc của nhân dân". Tư tưởng ấy của Người như sợi chỉ đỏ xuyên suốt văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ. Tuy nhiên có thể khẳng định cụm từ “dân hạnh phúc” lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề cập đến: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Nhiều lĩnh vực, địa phương đã xây dựng chỉ số hạnh phúc. Nhìn về khía cạnh của cơ quan dân cử, việc xác định hạnh phúc của Nhân dân có lẽ ngoài tâm tư nguyện vọng chính đáng được giải quyết thì trong thực tế việc cơ quan dân cử ban hành được những quyết sách hợp lòng dân cũng là một kiểu “hạnh phúc” có thể đong đếm được. Nghị quyết số 98 của HĐND thị xã Hồng Lĩnh là một quyết sách như thế.

Đoàn giám sát của HĐND thị xã tham quan mô hình phá ô thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn ở phường Trung Lương

Quyết sách từ lòng dân

Nghị quyết số 98/2020/NQ-HĐND của HĐND thị xã Hồng Lĩnh được HĐND thị xã Hồng Lĩnh thông qua tại kỳ họp thứ 14, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2021. Với 14 nội dung hỗ trợ cụ thể trên lĩnh vực nông nghiệp. Nghị quyết là tổng hợp trí tuệ, tâm huyết của đại biểu và cử tri Hồng Lĩnh với khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp chuyên môn hóa, hiện đại dưới chân núi Hồng. “Thị xã Hồng Lĩnh có 6 phường, 1 xã, trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần, nhất là khi Hồng Lĩnh lại là địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp về đầu tư, gần đây nhất là dự án nhà máy may Haivina Hồng Lĩnh, nhà máy bia,… Do đó, hướng đi cho ngành nông nghiệp đó là cần chuyên môn hóa, hiện đại hóa, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới phù hợp” – cử tri Bùi Văn Hòa, xã Thuận Lộc hiến kế khi TXCT chuyên đề đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết về việc khuyến khích phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

”HĐND thị xã cần tiếp tục hỗ trợ người dân phá bỏ bờ thừa nhỏ để hình thành ô thửa lớn. Sau khi thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, việc thực hiện dồn điền đổi thửa đã được nhiều hộ dân quan tâm tuy nhiên việc thực hiện vẫn gặp khó khăn. Để hình thành các vùng chuyên canh, thuận lợi trông việc thực hiện cơ giới hóa thì phá bỏ bờ thửa nhỏ đển hình thành ô thửa lớn là rất cần thiết. Tuy nhiên, chi phí khá lớn. Do đó, theo tôi trong nội dung hỗ trợ khuyến khích cần tiếp tục hỗ trợ người dân phá bỏ bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn để làm phẳng mặt ruộng, phá bỏ bờ thửa, bờ vùng nhỏ, đắp gia cố bờ vùng, cọc bê tông. Bên cạnh đó cần hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới và lắp đặt các thiết bị, công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để trồng rau, hoa, quả, tiếp tục hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, nhất là các cá nhân tổ chức mua máy làm đất phục vụ sản xuất ...  có như vậy mới tạo được sự bứt phá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn” – cử tri Đào Ngọc Dung – cử tri phường Trung Lương nhấn mạnh.

Đoàn giám sát HĐND thị xã thăm mô hình sản phẩm rượu OCOP của HTX Minh Lương

”Bám sát trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền của HĐND cấp huyện trên lĩnh vực nông nghiệp, dự thảo Nghị quyết được xây dựng chặt chẽ từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng tác động, thẩm định của phòng tư pháp, lấy ý kiến của cử tri cũng như thẩm tra của các Ban HĐND. Nhìn chung, 35 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri 6 phường, xã trên địa bàn đều được cơ quan soạn thảo, HĐND thị xã tiếp thu nghiêm túc, bám sát thực tiễn và nguyện vọng của cử tri để hoàn thiện, xem xét thông qua với tỷ lệ đồng thuận 100%.” – ông Đặng Minh Khang - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Luồng gió mới trong sản xuất nông nghiệp đô thị

Sau gần mười năm hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở xã Thuận Lộc có nhiều đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, nhà cửa, các khu dân cư được chỉnh trang; các công trình để phục vụ sản xuất, dân sinh được xây dựng và cải tạo; đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở cấp ủy, chính quyền được xây mới, nâng cấp khang trang… Có được những kết quả này là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự chung tay ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh. Trong đó có thể khẳng định các nội dung, quyết sách của HĐND thị xã Hồng Lĩnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp giai đoạn 2013-2020 và Nghị quyết số 98 mới đây là luồng gió mới thổi hồn vào đất, tạo nên sức sống mới cho vùng quê bên ngọn núi Hồng.

Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình chi Hạnh Tân, thôn Hồng Nguyệt, xã Thuận Lộc

“Nhờ nội dung khuyến khích nuôi trồng thủy sản mới, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi ốc bươu đen để phát triển kinh tế. Nhờ nắm vững kỹ thuật và được sự hỗ trợ tích cực của can bộ kỹ thuật, công chức chuyên môn phòng Kinh tế và Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã nên mô hình phát triển khá, đã cho thu hoạch một lứa, thu nhập ổn định. Hiện nay mô hình đã được nghiệm thu, hỗ trợ. Tôi rất phấn khởi và hạnh phúc vì ngoài sự quan tâm, hỗ trợ về kiến thức, thị xã cũng có một nghị quyết của HĐND hỗ trợ thêm kinh phí cho dân làm ăn” -  anh Trần Văn Thưởng thôn Thuận Sơn, xã Thuận Lộc – chủ mô hình nuôi ốc bươu đen quy mô 10 vạn con phấn khởi nói. Được biết, mô hình nuôi trồng thủy hải sản mới nay đã lan rộng khá mạnh mẽ trên địa bàn xã Thuận Lộc và các địa phương lân cận. Ngoài ốc bươu, nhiều hộ đã đầu tư nuôi lươn không bùn. “Nuôi lươn không bùn kỹ thuật không phức tạp, lại dễ chăm sóc, thu hồi vốn nhanh, ổn định. Nhờ sự hỗ trợ của cấp trên, đặc biệt là cơ chế khuyến khích của HĐND thị xã người dân chúng tôi rất yên tâm đầu tư. Có thu nhập, cuộc sống khấm khá hơn, không phải vất vả đi phụ hồ nên tôi rất hạnh phúc” – chị Nguyễn Thị Hạnh (Tân) – một hộ nuôi lươn không bùn tại thôn Hồng Nguyệt, xã Thuận Lộc chia sẻ.

Gần một năm sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực thi hành đến nay, người dân thị xã Hồng Lĩnh đã thực hiện phả bỏ 45 ha ô thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn, xây dựng; 05 mô hình chăn nuôi thủy hải sản; 02 sản phẩm OCOP, 02 mô hình chăn nuôi gia súc; mua mới 3 máy gặt đập, phong trào làm đường bê tông, cấp phối nội đồng được quan tâm hơn nhất là tại phường Trung Lương và xã Thuận Lộc. UBND thị xã đã thực hiện nghiệm thu để hỗ trợ số tiền gần một tỷ đồng cho các đối tượng theo Nghị quyết. “Vạn sự khởi đầu nan” – tuy số tiền hỗ trợ năm đầu qua nghiệm thu chưa nhiều nhưng có thể thấy việc hấp thu các nội dung hỗ trợ trong nghị quyết đã được người dân quan tâm, tạo động lực để nhân dân vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mãnh đất quê nhà, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc hơn./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 4.200.683
    Online: 92
    ipv6 ready