Trong tháng 5/2024, nhiều Nghị định và thông tư chính thức có hiệu lực thi hành. Các chính sách mới quan trọng liên quan đến công chức, viên chức, xét tặng các danh hiệu thi đua – khen thưởng, xây dựng và phát triển cụm công nghiệp,... là những quy định có tác động tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
 
 
Phường Trung Lương tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân gắn với phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân

Quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý

Nghị định 29/2024/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 6/3/2024, có hiệu lực từ 1/5/2024 quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà Nước.

Nghị định quy định tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý gồm: tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; tiêu chuẩn về trình độ; tiêu chuẩn về năng lực và uy tín; tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác; quy định cụ thể các tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ, thuộc tổng cục và của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm.

Theo quy định, trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn đã kinh qua vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp dưới trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến bổ nhiệm. Trường hợp Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm chức vụ, chức danh khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm. Trường hợp đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước thì phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định này nhưng không phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về quản lý nhà nước theo quy định của chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm. Đối với các trường hợp này phải hoàn thiện tiêu chuẩn trong thời hạn 12 tháng kế từ ngày có quyết định bổ nhiệm.

Quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Nghị định 32 có hiệu lực từ ngày 01/5/2024 với 7 chương và 38 điều, thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, quy định về phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp. Đối tượng áp dụng của Nghị định này là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, đầu tư và hoạt động của cụm công nghiệp.

Theo đó, tổ chức, cá nhân muốn thành lập, mở rộng cụm công nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Về trình tự thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Nghị định quy định rõ: trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đầu tiên của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thông báo rộng rãi việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Thời hạn nhận hồ sơ trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra thông báo. Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc nhận hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp lập 02 bộ hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này kèm tệp tin điện tử của hồ sơ, gửi Sở Công Thương để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định. Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Sở Công Thương hoàn thành thẩm định, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh việc thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Trường hợp hồ sơ, nội dung Báo cáo thành lập, mở rộng cụm công nghiệp không đáp ứng yêu cầu, Sở Công Thương có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.

Việc lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc thông báo cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp về kết quả lựa chọn chủ đầu tư.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được 01 bộ hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp kèm báo cáo thẩm định của Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp được gửi Bộ Công Thương 01 bản.

Trường hợp cụm công nghiệp có điều chỉnh về tên gọi, vị trí thay đổi trong địa giới hành chính cấp huyện, diện tích tăng không quá 05 ha so với quy hoạch đã được phê duyệt và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác trên địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định tại Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đồng thời cập nhật nội dung thay đổi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại kỳ lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh tiếp theo.

Quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa

Nghị định 34/2024/NĐ-CP ngày 31/3/2024 quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa quy định người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải đảm bảo có đủ các điều kiện điều khiển phương tiện và được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định này.

Người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm phải được huấn luyện an toàn và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn về loại hàng hóa nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho.

Nghị định quy định phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành. Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên, phía trước và phía sau của phương tiện đảm bảo dễ quan sát, nhận biết. Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện khi không tiếp tục vận chuyển loại hàng hóa nguy hiểm đó.

Nghị định nêu rõ tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho, bãi phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng hóa nguy hiểm hoặc trong thông báo của người thuê vận tải. Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một phương tiện. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực kho, bến bãi riêng biệt. Trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải. Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.

Không được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí đốt, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ, chất rắn khử nhạy khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên. Không được vận chuyển đồng thời người (người tham gia giao thông hoặc hành khách) cùng phương tiện (đã được cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm) đang thực hiện vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác trên cùng một chuyến phà.

Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, quản lý hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm và tổ chức thực hiện cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật theo quy định của Nghị định này. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật. Chỉ đạo UBND cấp huyện, xã khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên địa bàn quản lý, phải thực hiện các nội dung sau: giúp người điều khiển phương tiện và người áp tải (nếu có) trong việc cứu người, cứu hàng, cứu phương tiện; đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có sự cố, tổ chức cấp cứu nạn nhân; tổ chức bảo vệ hàng hóa, phương tiện để tiếp tục vận chuyển hoặc lưu kho, bãi, chuyển tải theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; khoanh vùng, sơ tán dân cư ra khỏi khu vực ảnh hưởng nguy hiểm, đồng thời báo cáo UBND cấp trên và cơ quan hữu quan khác để huy động các lực lượng cần thiết đến xử lý kịp thời.

Quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP quy định các thành tích để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành Giáo dục; không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT tại đơn vị đó.

Cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục trong thời gian giữ chức vụ quản lý, có tham gia nuôi dạy, giảng dạy đủ định mức tối thiểu theo quy định thì được tính thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy và được quy đổi theo các mức cụ thể.  

Căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của từng đối tượng, loại hình cơ sở giáo dục có tính chất tương đồng, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP chia thành 7 nhóm đối tượng thống nhất ở cả tiêu chuẩn NGND và tiêu chuẩn NGƯT để xây dựng tiêu chuẩn theo 07 nhóm đối tượng, tạo sự mạch lạc trong văn bản cũng như sự tôn vinh của cấp học, bậc học đó và thuận lợi cho các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện Nghị định.

Cụ thể 07 nhóm gồm: Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non; Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường giáo dưỡng, trường năng khiếu, trường dự bị đại học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp; Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các trường cao đẳng, trung tâm chính trị cấp huyện, trường chính trị tỉnh, cơ sở bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ban, ngành; Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học, cán bộ nghiên cứu giáo dục; Cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục cấp phòng, cấp sở; Cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục cấp tổng cục, bộ, ban, ngành; Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục đang công tác từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.   

Một điểm mới đặc biệt trong Nghị định số 35/2024/NĐ-CP là xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Cụ thể, thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hiện đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Bổ sung tiêu chuẩn đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục có 15 năm trở lên liên tục công tác tại các trường, điểm trường ở vùng xa xôi hẻo lánh thuộc thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, vận động được nhiều người học đến trường và duy trì sĩ số học sinh được cấp huyện khen thưởng thì hội đồng cấp huyện căn cứ đề xuất của cơ sở giáo dục để bình xét và lựa chọn không quá 01 nhà giáo hoặc cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục tiêu biểu cho mỗi đợt xét.

Thực tế cho thấy, qua 16 lần xét tặng, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giảng dạy học sinh khuyết tật, công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được phong tặng còn rất ít, chưa phản ánh hết những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thầy giáo, cô giáo công tác tại môi trường đặc thù. Việc điều chỉnh về tiêu chuẩn, thời gian trực tiếp giảng dạy thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục vùng khó khăn; đồng thời tạo động lực để các nhà giáo tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao hơn trong giảng dạy, giáo dục, góp phần đưa giáo dục vùng khó khăn chuyển biến tích cực.

Hiện nay, cả nước có 32 trung tâm và 34 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật với hơn 2000 cán bộ giáo viên. Trong 03 lần xét tặng gần đây theo Nghị định số 27/2015/NĐ-CP mới chỉ có 02 cán bộ quản lý được phong tặng danh hiệu NGƯT, chưa có giáo viên trực tiếp giảng dạy được phong tặng. Học sinh khuyết tật có nhiều hạn chế về khả năng nghe, nhìn và vận động; vì vậy công tác chăm sóc, giáo dục các em đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức và sự kiên trì hơn so với đối tượng học sinh bình thường.

Để bảo đảm quyền lợi cho nhà giao, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa hai lần xét tặng liền kề với năm xét tặng, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP quy định về việc chuyển tiếp để trường hợp nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2023 còn thiếu tiêu chuẩn về chủ trì biên soạn báo cáo chuyên đề tại các hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng cấp sở, ban, ngành tổ chức; quy định về tác giả sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng trong giảng dạy hoặc quản lý, có phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ban, ngành, tỉnh thì được áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2015 (khi đề nghị xét tặng danh hiệu vinh dự này lần thứ 17 vào năm 2026).

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP bổ sung một số tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo. Cụ thể như: Biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng… để thể hiện năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và tính lan tỏa, ảnh hưởng của nhà giáo tại địa phương nơi công tác.

Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi, bổ sung danh hiệu giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi… bởi vì thực tế trong ngành Giáo dục còn có danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giảng viên nghiệp vụ sư phạm giỏi, giáo viên, giảng viên đoạt giải tại các kỳ thi, cuộc thi, hội thi cấp bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên... Các quy định về nội dung, tiêu chuẩn, hồ sơ, thẩm quyền tổ chức hội thi của các hội thi này là tương đương nhau.

Đối với tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ, hiện nay không phải trường đại học nào, ngành học nào cũng được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, nhất là đối với các trường đại học tư thục, trường đại học trực thuộc địa phương. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thay thế thành tích đào tạo tiến sĩ đối với các ngành, trường không được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ bằng thành tích hướng dẫn học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú;   hoặc hướng dẫn sinh viên, nhóm sinh viên đoạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường hoặc nhà giáo có đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải (hoặc khen thưởng) cấp trường trở lên… nhằm tạo điều kiện cho các nhà giáo thuộc trường đại học thuộc địa phương, tư thục có cơ hội tham gia xét tặng.

Quy định rõ về sáng kiến để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy hoặc quản lý và có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh cho phù hợp với các quy định về điều lệ sáng kiến và Luật Thi đua, khen thưởng (Nghị định số 27/2015/NĐ-CP quy định là sáng kiến do cấp trên trực tiếp quản lý công nhận). Bổ sung sáng kiến do Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị công nhận có phạm vi ảnh hưởng trong ngành tương đương sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy hoặc quản lý và có phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ban, ngành tỉnh (theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, là đơn vị có nhiều đặc thù trong công tác công nhận phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến).

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình, thời gian, cụ thể hóa các tiêu chí theo hướng định lượng tiêu chuẩn, tạo thuận lợi cho các đối tượng được xét tặng, cũng như các cấp hội đồng.

Chỉ còn 3 cấp hội đồng (cấp cơ sở, cấp bộ/ban/ngành/tỉnh/đại học quốc gia, cấp Nhà nước). Không quy định việc thành lập Hội đồng xét tặng nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, đơn vị; việc lấy phiếu tín nhiệm, hướng dẫn khai hồ sơ, xác nhận hồ sơ, đánh giá uy tín, tầm ảnh hưởng của nhà giáo sẽ do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị thực hiện nhằm giảm bớt 1, thậm chí có hồ sơ nhà giáo giảm được 2 cấp hội đồng trong quá trình xét tặng.

Điều chỉnh Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng đại học quốc gia đề nghị trình lên Hội đồng cấp Nhà nước, không qua Hội đồng chuyên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, bảo đảm sự công bằng về số lượng cấp hội đồng đối với nhà giáo thuộc bậc học mầm non, phổ thông so với các bậc học khác./.                                          


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 3.461.749
    Online: 106