Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, những năm gần đây, Hội LHPN thị xã Hồng Lĩnh luôn tích vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức cụ thể. Đặc biệt, với hình thức sản xuất theo hướng liên kết, nhiều mô hình của hội LHPN thị xã đã thực hiện thành công, góp phần giúp cho hội viên vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các phong trào của địa phương.

Mô hình kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Mơ tại TDP Đồng Thuận - Phường Đức Thuận

    Gia đình chị Nguyễn Thị Mơ tại TDP Đồng Thuận - Phường Đức Thuận là một trong những hội viên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của phường Đức Thuận. Trong những năm gần đây chị nhận thấy người dân không mặn mà với đồng ruộng, nhiều diện tích đã bị bỏ hoang, chị đã bàn với chồng nhận 3 ha để trồng lúa. Để thuận lợi và giảm bớt các chi phí, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn mua máy cày, máy gặt để phục vụ cho việc sản xuất. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2019 gia đình chị đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà, cá, vịt với diện tích hơn 3 ha. Tuy mô hình mới đi vào sản xuất chăn nuôi những mỗi năm gia đình chị Mơ lãi ròng trên 200 triệu đồng. Sau những ngày vui Tết đón Xuân, chị cùng với gia đình đã tập trung tỉa dặm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc cho lúa vụ xuân. Tuy mô hình của chị Mơ mới hình thành nhưng chị rất tin tưởng vào hướng phát triển kinh tế của bản thân. Chị tâm sự: “Khi mới làm gia đình cũng gặp không ít khó khăn nhưng với suy nghĩ tại sao họ làm được mà mình lại không làm được. Sau một vài lần thất bại chị vẫn không nản chí và đã quyết tâm thực hiện mơ ước của mình đó là làm giàu trên chính cánh đồng mà nhiều người đã bỏ hoang. Đến nay thì mô hình đã thành công và cho thu nhập khá cao, bây giờ ai bỏ hoang đâu chị nhận và làm đó.

    Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương là một trong những yếu tố quyết định thành công của mô hình. Đến nay, hầu hết các mô hình của Hội triển khai thực hiện tại các địa phương đã phát huy hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình hội viên như: Mô hình nuôi gà thả vườn; mô hình nuôi lợn nái; lợn thịt; chăn nuôi bò, dịch vụ thương mại tổng hợp… Chính vì vậy, đã xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ phát triển kinh tế giỏi ở các cấp hội trên địa bàn.

    Để thực hiện hiệu quả phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN phường Nam Hồng đã đẩy mạnh tuyên truyền, động viên tinh thần khởi nghiệp của hội viên. Các chi hội phụ nữ tuỳ theo điều kiện để hỗ trợ hội viên xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh qua đó tạo động lực thúc đẩy hội viên khởi nghiệp bằng nhiều hình thức.

Mô hình kinh tế tổng hợp chị Đinh Thị Trầm phường Nam Hồng

    Trước đây, gia đình chị Đinh Thị Trầm gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, mặc dù đất đai nhiều, song do chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn, từ khi tham gia sinh hoạt hội được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT đã giúp chị thay đổi cách nghĩ, cách làm. Từ 01 ha đất cao ráo làm lúa không hiệu quả, nay chị chuyển sang làm mô hình chăn nuôi bò, gà, bồ câu, cá mỗi năm thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng.

       Không chỉ có các mô hình chăn nuôi tổng hợp do hội viên làm chủ phát huy hiệu quả, những năm gần đây nhận thấy tiềm năng lợi thế của một đô thị hội LHPN thị xã Hồng Lĩnh đã khuyến khích chị em tích cực hơn trong việc nhân rộng các mô hình thương mại dịch vụ tổng hợp qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế. Chị Phạm Thị Huyền - ở Tổ dân phố 5, phường Đậu Liêu cho biết: “Được sự giúp đỡ  của  các cấp hội phụ nữ, năm 2015 chị đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng hệ thống kinh doanh dịch vụ tổng hợp của mình. Hiện nay gia đình chị đang kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp, lúa gạo, cửa hàng tạp hoá, máy xát lúa… Trong quá trình kinh doanh phân bón, chị đã tạo điều kiện giúp đỡ chị em trong hội có hoàn cảnh khó khăn được ứng phân bón trước khi đến mùa mới thanh toán. Chính vì vậy, nhiều hội viên khó khăn đã có điều kiện đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa đạt cao góp phần ổn định cuộc sống”.

    Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ thị xã Hồng Lĩnh luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, tích cực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường”, trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hội LHPN thị xã đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức khảo sát về đời sống, nhu cầu của hội viên phụ nữ về phát triển kinh tế gia đình; đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới, các hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và khả năng tham gia mô hình của hội viên phụ nữ.

Chị Đinh Thị Lĩnh Thôn Chùa xã Thuận Lộc với mô hình chăn nuôi gà liên kết

    Để hoạt động của tổ chức hội phụ nữ ngày càng thu hút được chị em tham gia, Hội LHPN thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đưa ra nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống. Năm 2020 hội LHPN thị xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã trên  4,2 tỷ đồng cho 743 hội viên vay phát triển kinh tế. Cùng với đó, Hội còn phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT tới hội viên để áp dụng vào sản xuất, từ đó nhiều hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn cũng như kiến thức để đầu tư vào sản suất, kinh doanh góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Ngoài vốn tín chấp từ Ngân hàng CSXH, các cấp hội phụ nữ còn quan tâm đến hoạt động của Tổ tiết kiệm tại chỗ, giúp nhau không lãi để xây dựng các mô hình làm kinh tế giỏi, mô hình xóa nghèo phù hợp. Hiện nay toàn Thị xã có 38 tổ vay vốn với tổng dư nợ hơ 52 tỷ đồng cho 1.230 hộ vay. Nhờ vậy đến nay, toàn thị xã có  55  mô hình kinh tế do hội viên phụ nữ đứng  chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng. Trong đó, năm 2021 đã xây dựng mới 12 mô hình và thành lập mới 5 HTX và tổ hợp tác. Bước đầu đã mang lại lợi nhuận kinh tế cho chị em hội viên phụ nữ.

    Có thể khẳng định, từ những hoạt động cụ thể, thiết thực và sự chủ động của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Hồng Lĩnh trong phong trào phát triển kinh tế, đã không chỉ thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất kinh doanh, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt những mô hình làm kinh tế giỏi của hội LHPN sẽ chính là cơ sở để thực hiện sản xuất theo hướng liên kết 4 nhà. Góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời song cho chị em hội viên phụ nữ toàn Thị xã./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 3.398.736
    Online: 37