Sáng ngày 26/11/2017, UBND phường Trung Lương phối hợp với Sở VHTTDL Hà Tĩnh và UBND thị xã Hồng Lĩnh tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho di tích Đền Cả gắn với tổng kết Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của Người Việt toàn tỉnh lần thứ nhất năm 2017. Tham dự và chỉ đạo có đồng chí Nông Quốc Thanh - Phó Cục trưởng Cục Di sản; đồng chí Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL; về phía đại biểu cấp tỉnh có đồng chí Bùi Xuân Thập - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh cùng các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo các tỉnh, huyện, thành phố lân cận; cấp thị xã có đồng chí Đặng Thanh Hải - Tỉnh ủy viên - Bí thư Thị ủy cùng các đồng chí trong BTV Thị ủy, đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp thị; lãnh đạo các phường, xã cùng các đồng đền, thanh đồng, đạo quan, nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú và gần 1000 du khách, phật tử, bà con nhân dân trên địa bàn về tham dự buổi lễ.

Lễ rước Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền Cả

Đền Cả còn có những tên gọi khác là Đền Mỏ Hạc Linh Từ hay Dinh đô Quan Hoàng Mười nằm ở tổ dân phố Hầu Đền, phường Trương Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, là một trong những ngôi đền nổi tiếng linh thiêng tọa lạc tại vùng đất giao nhau giữa ba con sông (sông Lam, sông La và sông Minh) dưới chân núi Hồng Lĩnh. Trước đây, Đền Cả là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là "Đền Cả" (cả nghĩa là cao nhất, lớn nhất, đứng đầu trong loại). Còn tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại đền. Ngoài ra, Đền lại được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau giữa ba con sông, được cả 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất hình con Hạc. Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là Đền Mỏ Hạc hay Mỏ Hạc Linh Từ, nghĩa là một vùng đất linh thiêng.

Theo tư liệu lịch sử và tư liệu truyền ngôn thì Đền được hình thành vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ "Nhất"; bao gồm: Nhà Thượng điện, Trung điện, Hạ điện và Hậu cung (hay còn gọi là cung cấm). Các cụ cao tuổi trong vùng cho biết thì trước những năm 1950, tại đây vẫn còn hiện hữu một ngôi đền rất lớn với ba tòa được làm bằng gỗ có chạm khắc cầu kỳ, có hai cột nanh lớn và các cặp voi đá, ngựa đá được tạc giống như thật với niên đại hàng trăm năm, nặng hàng tấn, xung quanh được trồng tre và những cây cổ thụ che chắn, rất trầm mặc, uy nghiêm. Đến khoảng đầu năm 1960, do nằm ngoài đê, lại sát với mép Sông Lam nên Đền Cả dần bị lũ lụt cuốn trôi, đến đầu năm 2000 thì Đền bị phế tích hoàn toàn, chỉ còn lại dấu vết của nền đền, chân móng cột nanh, ban thờ công đồng…Năm 2014, được sự cho phép của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, chỉ sau một thời gian ngắn, bằng sự đóng góp công sức của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm và nhất là bà con nhân dân trên địa bàn nên các hạng mục cơ bản của Đền Cả đã dần được khôi phục.

Đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Tĩnh và lãnh đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh trao Bằng xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh cho Ban Quản lý di tích Đền Cả

Để phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống cũng như đáp ứng nguyện vọng của nhân dân phường Trung Lương và thị xã Hồng Lĩnh, ngày 28/8/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 2500/QĐ-UBND về việc công nhận di tích Đền Cả là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Một tiết mục chầu đồng được các nghệ nhân biểu diễn tại buổi lễ

Ban Tổ chức trao tặng giấy khen cho các nghệ nhân, thanh đồng xuất sắc tham gia Liên hoan

Cũng tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao tặng Giấy khen cho các nghệ nhân, thanh đồng xuất sắc tham gia Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của Người Việt toàn tỉnh lần thứ nhất năm 2017 được tổ chức từ ngày 25/11./.

Quốc Thuận

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 4.059.813
Online: 30
ipv6 ready