Lễ hội Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười được tổ chức hàng năm vào những ngày đầu tháng 10 âm lịch, ngày chính lễ là 10/10 âm lịch, ngày này được xem như ngày kỵ húy của Quan Hoàng Mười, là “Đức Thánh Minh” trong hàng các ông quan Hoàng thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, được nhiều người ngưỡng mộ và được tôn thờ ở nhiều địa phương trong cả nước.

Lễ hội được tổ chức tại Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười, đây là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là Đền Cả. Còn tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại đền; đền lại được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau giữa ba con sông (Sông Lam, Sông La và Sông Minh); được cả 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ Hạc (một con vật linh thiêng thường cưỡi trên lưng Rùa để chầu trước các điện thờ). Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là Đền Mỏ Hạc hay Mỏ Hạc Linh Từ, nghĩa là vùng đất linh thiêng của Đền.

Lễ hội là sự kết hợp của tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt, gắn liền với truyền thuyết ông Hoàng Mười Xứ Nghệ: Tương truyền ông Hoàng Mười là một trong Thập vị Ông Hoàng, là con của Long Thần Bát Hải Đại Vương ở Hồ Động Đình, được Vua cha phái đến trấn thủ tại trấn Nghệ An mà trong văn hầu có viết:

Ông Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An

  Ra huyện Thiên Bản làm quan Phủ Giày.

Hay: Qua cầu Bến Thủy đến dinh đô quan Hoàng Mười

Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được tổ chức thường niên tại đây vào dịp lễ hội

Tuy nhiên, việc ông Hoàng Mười làm quan Trấn thủ ở đây không phải là quan cai trị trong trấn, phủ hành chính mà theo quan niệm dân gian ông coi sóc trấn Nghệ An về mặt tâm linh, Phủ ở đây là một Cõi trong Tứ phủ và Tam phủ trong không gian vũ trụ gồm: Cõi trời, cõi đất, cõi nước, cõi non. Ông Hoàng Mười đã được nhập thế và mang tính chất địa phương rõ nét, đó là con người có chí khí nam nhi đại trượng phu, có tài văn võ, rất gần gũi với dân chúng, biết lo lắng cho cuộc sống của muôn dân. Theo thời gian ông Hoàng Mười đã được người dân Xứ Nghệ lịch sử hóa, địa phương hóa với các danh thần đã có công lao với vùng đất này qua các thời kỳ lịch sử. Có dị bản cho rằng: Ông Hoàng Mười là hiện thân của Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi, vị tướng tài thời nhà Lê. Dị bản khác thì ông Hoàng Mười là hiện thân của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ từng làm Tri châu Nghệ An đã có nhiều công lao và lưu lại dấu ấn sâu đậm tại vùng đất Nghệ - Tĩnh. Ngoài ra ông Hoàng Mười là hiện thân của Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí, là một danh thần kiệt xuất có công giúp vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh và là công thần ở 4 đời vua Lê.

Lễ rước nước được tổ chức hàng năm

Về tục thờ Tam Lang - Thần rắn: Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới cũng như Việt Nam, rắn là con vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong tục, tín ngưỡng của con người. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, hình tượng rắn đã được đồng hóa với thủy thần, đi vào tâm thức dân gian Người Việt từ rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên.

Một vị Nhân Thần được phối thờ tại Đền đó chính là Bà Lê Thị Ngọc Dung - con gái nuôi của vua Lê Lợi, người có công lớn trong cuộc chiến chống quân Minh. Bà đã anh dũng hy sinh trong một trận thủy chiến khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau khi mất Bà được phong là “Biển Quốc Đoan Trang, Chính Thục Từ Hòa Chính Phương Nương đại vương”.

Hàng năm theo tục lệ của địa phương, để tưởng nhớ công lao đóng góp của Đức quan ông Hoàng Mười và các vị thần được thờ tại Đền đã có công trong việc trấn gữ và bảo vệ mọi người khỏi nạn giặc dã thiên tai, nên Nhân dân trong vùng đã mở lễ hội để tôn vinh công trạng, đồng thời cầu cho đồng bào an lạc, mùa màng tốt tươi. Lễ hội thường được tổ chức cả tháng 10 âm lịch, chính lễ vào ngày trùng thập (10/10), với nhiều hoạt động và trò chơi dân gian như: Bơi chầu, đi cầu kiều, chọi gà, xích du.v.v.thu hút nhiều du khách và nhân dân thập phương đến tham dự. Tuy nhiên trong một thời gian dài  do bị phế tích nên lễ hội Đền cả cũng từ đó mất đi; sau khi khôi phục được Di tích, Lễ hội đã được Nhân dân khôi phục và quy mô ngày càng lớn, với nhiều hoạt động nổi bật như: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, bơi chầu, lễ cấp sắc (lễ rước nước), lễ rước phụng nghinh Thánh Hoàng Mười vân du, lễ tế dân gian, hội thi gói bánh chưng dâng Thánh,...

Các hoạt động tại lễ hội ngày càng thu hút được nhiều du khách thập phương hành hương về với Hồng Lĩnh - vùng đất ẩn giấu nhiều trầm tích văn hóa./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 4.505.538
    Online: 117
    ipv6 ready