Đền Đông Xá không rõ được khởi dựng năm nào, nhưng theo các bậc cao niên trong vùng thì từ thế kỷ XVIII, Đền đã uy nghi tồn tại ở bên dốc núi này. Đến thời nhà Nguyễn, các triều vua đã nhiều lần ban cấp sắc phong “cho thôn Đông Xá, xã Độ Liêu, huyện Thiên Lộc, phụng thờ như trước”. Theo 5 bản tư liệu sắc phong còn giữ lại ở đền minh chứng, đền làng Đông Xá là nơi thờ tự 2 vị thần có vị hiệu: Hiển liệt Cao danh Đôn hậu túc Dực bảo Trung hung Đô Nam nhạc Ô Trà Sơn Linh thông Trấn quốc chi thần - tức Võ Sùng Ban và Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Thượng trụ Cương Quốc công chi thần – tức Nguyễn Xí. Bên cạnh đó, đền còn phối thờ them vị công thần khai quốc triều Lê là Võ Mục Đại Vương Lê Khôi.

* Về thần Đô Nam nhạc Ô Trà Sơn – Võ Sùng Ban:

Hiện tài liệu chính sử ghi chép về vị “Thần Hiển liệt Cao danh Đôn hậu Đoan túc Dực bảo Trung hưng Đô Nam nhạc Ô Trà sơn Linh thông Trấn quốc khá hiếm hoi, chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu sắc phong do địa phương cung cấp, cùng với  việc nghiên cứu tài liệu sắc phong, thần tích, thần phả ở những đền thờ có liên quan, qua đó cho biết: Đô Nam nhạc Ô Trà Sơn chính là ông Võ Sùng Ban - Một võ quan dưới triều nhà Lý (thế kỷ XI).

Võ Sùng Ban ngay từ nhỏ vốn là cậu bé thông minh, 8 tuổi đã biết đọc sách làm văn, lớn lên thích võ nghệ. Năm 18 tuổi, ông đã được bổ nhiệm làm quan. Dưới triều Lý Nhân Tông, Võ Sùng Ban làm đến chức Điện tiền Tướng quân, có công lớn trong việc cầm quân đánh giặc Chiêm Thành, mở mang bờ cõi. Trong một lần cầm quân xông pha nơi chiến trận ông bị trọng thương, trên đường trở về đến đoạn Hoàng Giang (tức sông Hạ Vàng) dưới chân núi Hồng Lĩnh thì ông bị mất. Triều vua nhà Lý đã có sắc chỉ phong ông là “Đô Nam nhạc Ô Trà sơn Đại Vương”, ra chỉ dụ giao cho nhân dân vùng Tổng Nội Ngoại Thiên Lộc (nay là xã Thuần Thiện và xã Thiên Lộc huyện Can Lộc) - nơi đóng quân lập đền thờ tự và được phong thần bảo hộ của làng.

Thần phả lưu giữ tại đền Ô Trà Sơn ở xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc lập năm Tự Đức thứ 33 (1880) chép: “Tiền Lý triều chỉ thụ Điện tiền Dương Lộc bá, Võ tướng công, tự Sùng Ban, bản tổng phụng tự. Sinh ư Lý triều, niên bát tuế thông văn tự, trương ư võ nghệ, thập bát tuế xuất sĩ ư Lý Nhân Tông, vi thượng quốc công, thụ mệnh thảo tặc, kinh quá dân thôn Gôi Tắt xứ, nhất dạ quá Hoàng Giang, chí Hồng Lĩnh sơn hóa mệnh, tự hậu, thử xứ lập miếu phụng tự. Chí ư Lê triều lịch hữu sắc phong phụng tự, sắc “Đô Nam Nhạc Ô Trà Sơn linh thông trấn quốc hộ dân, lịch đại bao phong, đẳng mỹ tự: Đôn ngưng, Dực bảo Trung hưng, tân gia tặng tịnh hậu Hiển liệt cao danh Thượng thượng đẳng tối linh  thần”.

Theo truyền ngôn của cụ cao niên trong vùng thì ngôi đền xưa nay vốn rất linh thiêng, đối với nhân dân Đông Xá và vùng phụ cận luôn được thần che chở bảo vệ, mỗi khi con em bản xứ cầu đảo thường được linh ứng. Bởi vậy nhân dân luôn có một niềm tin nhờ uy lực của thần đã trợ giúp nâng đỡ người dân lúc khó khan hoạn nạn. Các triều đại phong kiến cho rằng, thần “uy trời trợ giúp khắp mọi miền, âm thầm giúp vua giữ yên bờ cõi, công thần lớn lao xứng đáng được vinh phong gia ban lễ trật”, vậy nên năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) ban sắc ca ngợi công lao, phong cho Đô Nam nhạc Ô Trà sơn mỹ tự “Thần Hiển liệt Hồng danh Đô Nam Nhạc Ô Trà sơn” đầy sự biết ơn và trân trọng.

Như vậy, chỉ qua một số sắc phong còn sót lại, cũng cho chúng ta thấy được sự trân trọng, ghi nhớ công lao của các triều đại phong kiến đối với thần. Đồng thời cũng biết được vai trò, vị trí của thần Đô Nam nhạc Ô Trà sơn trong tâm thức của mỗi người dân Đậu Liêu.

* Về thần Thượng trụ Cương Quốc công – Nguyễn Xí

Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là người có công lớn trong việc đánh tan quân Minh, giúp vua Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, là một trong những vị khai quốc công thần triều Lê.

Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Xí đã phụng sự 4 triều đại vua Lê: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng của triều đình lúc bấy giờ.

Ông nội Nguyễn Xí là Nguyễn Hợp, cha là Nguyễn Hội. Nguyễn Hợp dời nhà đến sống tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Tại đây Nguyễn Hợp đã cùng Nguyễn Hội khai dân lập ấp, mở mang nghề làm muối. Nguyễn Hội sinh hai con trai: Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Cha con Nguyễn Hội và Nguyễn Biện thường chở muối ra bán ở vùng Lương Giang, huyện Thiệu Hoá - Thanh Hoá, do đó rất thân quen với Lê Lợi khi đó là phụ đạo ở Lam Sơn.

Năm lên 9 tuổi (1405), Nguyễn Xí đến gặp Lê Lợi lần đầu. Cùng năm ấy cha ông bị hổ vồ chết tại quê nhà Thượng Xá, ông theo anh đến làm người nhà Lê Lợi. Lớn lên, Nguyễn Xí vũ dũng hơn người, được Lê Lợi yêu như con.

Lê Lợi sai ông nuôi hơn 100 con chó săn, ông dùng tiếng nhạc làm hiệu lệnh, bầy chó nghe theo, lúc đến, lúc đi đều nhau như một. Lê Lợi khen ngợi, cho là có tài làm tướng, cho sai quản đội quân Thiết Đột.

Năm 1418, mùa xuân, tháng Giêng, ngày Canh Thân, Lê Lợi xưng Bình Định vương phát động khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí và anh trai Nguyễn Biện cùng tham gia, lúc đó ông 22 tuổi

Ngày 16, tháng Giêng, tên phản bội Ái, dẫn quân Minh đi theo đường tắt, đánh úp đằng sau, bắt gia thuộc Lê Lợi và nhiều vợ con quân dân. Quân sĩ chán nản bỏ đi, chi có Lê Xí cùng Lê Lễ, Lê Náo, Lê Bí, Lê Đạp theo Lê Lợi nương náu trên núi Chí Linh.

Tháng 8 năm 1426, sau khi làm chủ từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Phạm Văn XảoĐỗ BíTrịnh KhảLê Triện ra phía Tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông bắc; Đinh Lễ, Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan.

Lê Triện tiến đến gần Đông Quan gặp Trần Trí kéo ra, liền đánh bại Trí. Nghe tin viện binh nhà Minh ở Vân Nam sắp sang, Triện chia quân cho Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả ra chặn quân Vân Nam, còn Triện và Đỗ Bí hợp với quân Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh Đông Quan (Thăng LongHà Nội).

Phạm Văn Xảo phá tan viện binh Vân Nam. Quân Vân Nam chạy về cố thủ ở thành Xương Giang. Vua Minh lại sai Vương Thông, Mã Anh mang quân sang tiếp viện. Thông hợp với quân ở Đông Quan được 10 vạn, chia cho Phương Chính, Mã Kỳ. Lê Triện, Đỗ Bí đánh bại Mã Kỳ ở Từ Liêm, lại đánh luôn cánh quân của Chính. Cả hai tướng thua chạy, về nhập với quân Vương Thông ở Cổ Sở. Lê Triện lại tiến đánh Vương Thông, nhưng Thông đã phòng bị, Triện bị thua phải rút về Cao Bộ, sai người cầu cứu Nguyễn Xí.

Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ đem quân đến đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động. Nguyễn Xí bắt được thám tử của Vương Thông, ông biết Thông định chia dường, hẹn nhau khi pháo nổ thì quân mặt trước mặt sau cùng đánh úp Lê Triện. Ông và Đinh Lễ bèn tương kế tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục Tốt Động, rồi đốt pháo giả làm hiệu cho quân Minh tiến vào. Quân Vương Thông thua to, Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan.

Lê Lợi được tin thắng trận liền tiến đại quân ra bắc, vây thành Đông Quan. Nguyễn Xí được lệnh cùng Đinh Lễ mang quân vây phía nam thành.

Tháng 2 năm 1427, tướng Minh là Phương Chính đánh úp Lê Triện ở Từ Liêm, Triện bị tử trận. Tháng 3 Vương Thông đánh trại quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ mang 500 quân thiết đột tiếp viện, đánh đuổi quân Minh đến My Động. Hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông bèn quay lại đánh, hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt mang về thành. Đinh Lễ không chịu hàng bị giết, còn Nguyễn Xí nhân một đêm mưa gió dùng mưu lừa quân gác ngục trốn thoát trở về. Lê Lợi thấy ông về thì mừng rỡ, nói rằng: "Thực là sống lại"

Sau đó ông lại cầm quân tham gia trận chiến Xương Giang tiếp ứng cho Lê Sát bắt được Hoàng Phúc, Thôi Tụ là đạo viện binh sót lại sau khi Liễu Thăng bị chém. Đó là trận thắng lợi kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, tức Lê Thái Tổ. Nguyễn Xí được phong chức Long hổ tướng quân Suy trung bảo chính công thần, đặc ân khai quốc.

Năm 1429, khi khắc biển công thần, Nguyễn Xí được xếp hàng thứ 5, được phong làm Huyện hầu, Được Ban quốc tính Họ Vua .

Năm 1433, hoàng đế Lê Thái Tổ mất, ông cùng Phạm VấnLê SátLê Ngân nhận di chiếu của Lê Lợi phò Thái tử Lê Nguyên Long lên ngôi, tức hoàng đế Lê Thái Tông lúc mới 10 tuổi, ông giữ chức phụ nhiếp chính cai giáo hoàng đế.

Năm 1437, Lê Thái Tông phong ông làm chức quan Chính sự kiêm Tri từ tụng. Ngày 4 tháng 8, năm 1442, Lê Thái Tông đến trại Vải của nhà Hành khiển Nguyễn Trãi. Ngay tại trại vải này, Hoàng đế băng hà và tạo nên nghi án Lệ Chi Viên.

Sau khi hoàng đế Lê Thái Tông mất, ông cùng Trịnh Khả, Lê Thụ nhận di chiếu phò hoàng đế Lê Nhân Tông.

Ngày 12 tháng 8, đại thần là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với Đinh LiệtLê Bôi, tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi, lúc đó mới 2 tuổi. Lấy năm sau làm Thái Hòa, ông giữ chức phụ chính đại thần.

Năm Thái Hòa thứ nhất, tháng 2Quí Hợi (1443), Lê Nhân Tông cùng quần thần mang kim sách dâng tôn hiệu Hoàng thái hậu cho Thần phi. Các đại thần dâng tờ biểu mong bà buông rèm nhiếp chính, bà khiêm nhường không chịu nhận. Quần thần dâng biểu lần thứ 4, bà mới nhận lời.

Năm 1445, vua Nhân Tông còn nhỏ, thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính, ông làm Nhập nội Đô đốc, nhận lệnh cùng Lê Thận mang quân đi đánh Chiêm Thành, nhưng chưa đi thì bị quyền thần tố cáo tội lỗi nên bị bãi chức. Năm 1448, Nguyễn Xí được phục hồi chức Thiếu bảo tri quân dân sự. Năm 1450 ông được thăng chức Thái Bảo giúp việc chính sự.

Tháng 10 năm 1459, anh khác mẹ Nhân Tông là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân làm binh biến giết thái hậu Nguyễn Thị Anh và hoàng đế Nhân Tông. Nghi Dân lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Thiên Hưng. Các đại thần Đỗ BíLê ThụLê Ngang mưu lật đổ vua Thiên Hưng bị bại lộ đều bị giết. Thái bảo Nguyễn Xí bàn mưu với Lê Lăng (con Lê Triện), Lê Niệm (cháu nội Lê Lai), Điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đức Trung đảo chính lần nữa nhằm lật đổ Nghi Dân.

Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1460, Nguyễn Xí phát động binh biến, chém bầy tôi thân cận của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban ở Nghị sự đường, nắm lấy cấm binh, đóng chặt cửa thành, sai Lê Ninh Thuận bắt vây cánh và phế vua Thiên Hưng làm Lệ Đức hầu, rước con út của Thái Tông là Tư Thành lên ngôi, tức là hoàng đế Lê Thánh Tông, mở ra một thời kỳ thịnh trị kéo dài 38 năm.

Tháng 6 năm 1460, Nguyễn Xí được phong làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Nhập nội kiểm hiệu thái phó Bình chương quân quốc trọng sự Á quận hầu, giúp việc chính sự, ban túi kim ngư, kim ngân phù (ấn bạc), 5000 Mẫu đất làm đất phong. Tháng 10 năm đó ông được phong làm Sái quận công.

Năm 1462, con Nguyễn Xí là Nguyễn Sư Hồi không hợp cánh với một số đại thần nên làm thơ vứt ra đường để vu cho họ làm loạn nhưng việc bị phát giác. Vua Thánh Tông nể công lao của ông nên không trị tội Sư Hồi.[9] Năm đó ông được phong chức Nhập nội hữu tướng quốc. Năm 1463 lại được phong chức Thái úy Cương Quốc Công.

Năm 1465, Nguyễn Xí qua đời, thọ 69 tuổi, được truy tặng làm Thái sư, thụy là Nghĩa Vũ. Thi hài của ông đã được nhà vua cho bảo quản ở Điện Kính Thiên và tổ chức lễ tang theo nghi lễ như một quân vương. Sau đó linh cửu của ông được xã Nghi Hợp mai tang, giao cho con cháu dòng họ và nhân dân quê nhà lập đền thờ phụng, khắc văn bia tưởng nhớ muôn đời.

Hết tang, năm 1467, vua Lê Thánh Tông lại cho dựng đền thờ theo chế độ quốc tạo, quốc tế và lệnh cho Trạng nguyên Nguyễn Trung Trực viết văn bia phong thần là: "Thượng đẳng phúc thần, Hiển uy chính nghị anh kiệt Trung trinh đại vương".

Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Thần Cương quốc công Nguyễn Xí được phong Phúc thần, nhà vua cho dựng đền ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1990, đền được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo Đại Việt thông sử” ông có 16 người con trai và 8 người con gái. Con cháu Nguyễn Xí về sau theo giúp nhà Lê Trung hung.

Bài chế văn của vua Lê Thánh Tông ban cho Nguyễn Xí, ông đã nhận định về vị Công thần Trụ quốc: Khí chất cứng cỏi, to tát; tính vốn trầm hung. Giúp Cao Hoàng khi mở nước trăm trận gian nan. Giúp tiên khảo lúc thủ thành một lòng phò tá. Trong ngoài hết chức phận tướng văn, tướng võ; trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như viên ngọc không lộ sáng. Nghiêm sắc mặt ở triều, lẫm liệt như thanh kiếm mới tuốt. Các quan đều tưởng lộ phong thái; bốn biển đều trông thấy uy thanh.

Trên vùng đất Hà Tĩnh quê hương Nguyễn Xí có rất nhiều nơi lập đền thờ Thượng trụ Cương Quốc công để tỏ lòng ngưỡng mộ ơn sâu. Sau khi ông mất, tại quê hương ông – làng cũ Động Gián, con cháu thân tộc và nhân dân đã lập đền thờ, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2006. Ngoài ra các vùng lân cận cũng nhiều nơi lập đền thờ vọng ông. Đền Đông Xá, phường Đậu Liêu là một trong số đó.

Về đức thánh Đại Vương – Lê Khôi

Lê Khôi (? - 1446), tên thụy là Vũ Mục, công thần khai quốc nhà Lê sơ. Ông là con trai của Lê Trừ- anh thứ hai của Lê Lợi, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, lập nhiều công lao. Lê Thái Tổ lên ngôi phong cho là Kì Lân Hổ Vệ tướng quân, hàm Nhập nội thiếu úy, tước Đình Thượng hầu. Lê Khôi được điều làm trấn thủ Hóa châu, nhiều lần tham gia đánh Chiêm thành, lập nhiều chiến tích.

Lê Khôi người làng Lam Sơn (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông là con trai Lê Trừ - anh thứ hai của Lê Lợi, tức là cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột. Tính tình độ lượng rộng rãi, ít nói, ít cười, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ đầu và lập được nhiều công lao.

Đất nước thái bình, Lê Thái Tổ lên ngôi thiết lập triều đại mới. Tháng 2 năm 1428, triều đình nhà Lê định công ban thưởng cho các tướng lĩnh có công la, Lê Khôi được phong Kì Lân Hổ Vệ thượng tướng quân, hàm Nhập nộ thiếu úy, tước Đình Thượng hầu.

Năm 1431, Lê Khôi được điều làm trấn thủ Hóa Châu – là nơi biên cương phía Nam Đại Việt, thời gian này thường xuyên bị Chiêm Thành quấy nhiễu. Bằng uy đức của mình ông đã làm cho phía Chiêm Thành kính nể không còn dám gây sự, để nhận dân yên ổn làm ăn. Cũng trong năm này, Lê Khôi được điều động về kinh thành cùng đội quân triều đình tiến lên Thái Nguyên, lập công xuất sắc tiêu diệt cuộc nổi loạn của Bế Khắc Thiện và Nông Đắc Thái. Với chiến công đó, ông được thưởng kim phù và áo bào, vua Lê hết sức tin tưởng và trọng vọng.

Năm 1443, đời vua Lê Nhân Tông, Lê Khôi được điều vào Nghệ An làm Tổng trấn Hoan Châu. Ở đây ông chăm lo đời sống nhân dân, khai hoang mở đất, đắp đê hai bên sông La, sông Lam, miễn giảm  thuế, thúc đẩy phát triển kinh tế. Năm 1446, ông lại được tăng viện vào đội quân của Đô đốc Lê Khả, Lê Thụ, Lê Khắc phục đem quân nam tiến chinh phạt Chiêm Thành. Đại quân liên tiếp giành thắng lợi.  Nhưng không may trên đường trở về Lê Khôi lâm bệnh nặng rồi mất ngày 3/5 năm Bính Dần (1446) dưới chân núi Nam Giới. Lê Khôi mất đi, nhà vua vô cùng thương xót, cho bãi triều 3 ngày, đồng thời sai quan Hữu ty vào tận nơi ông mất làm lễ an tang mộ phần và cho dựng đền thờ trên ngọn núi Long Ngâm.

Sách An Tĩnh Cổ Lục chép: “Sau cuộc viễn chinh thắng lợi trở về, Lê Khôi rời thuyền lên bộ dưới chân núi Long Ngâm và chết một cách đột  ngột (1447). Chính trên mảnh đất đó người ta đã dựng đền thờ.

Tóm lại, Lê Khôi không chỉ lập công xuất sắc trong công cuộc giải phóng dân tộc, lật đổ ách đô hộ nhà Minh mà ông còn có công lớn trong công cuộc giữ yên bờ cõi quốc gia, ổn định tình hình, chăm lo đời sống nhân dân. Năm thứ 4 niên hiệu Quang Thuận (1463), vua Lê Thánh Tôn ra lệnh cho công bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Độ dựng bia kỷ niệm người Bác của mình và sai Bộ Lễ tổ chức lễ lớn vào ngày mất của vị anh hung Lê Khôi. Thêm vào đó, Thánh Tôn có sắc phong tặng Lê Khôi đứng trong các thần hộ quốc với hàm Võ Mục Đại Vương.

Năm Dương Hòa thứ 7, triều vua Lê Hiển Tôn (1497-1504), Bộ Lễ tâu vua biết “đền nằm sát cử biển, sóng to gió lớn bất thường làm cho việc thờ cúng rất khó thực hiện”. Chính vì lẽ đó, nhà Vua sai dựng một ngôi đền khác ở thôn Nguyên Phúc xã Triều Khẩu – Nơi đặt trụ sở Nghệ An lúc bấy giờ - để tiện cho các quan tế lễ. Đền này về sau giao cho ba thôn Phúc Xuyên, Quang Dụ, Hưng Phúc thờ phụng.

Tương truyền, trên đường rước linh vị của Ngài từ đền Cửa Sót ra Triều Khẩu, đoàn tùy tùng đã dừng chân tại ngôi đền Đông Xá để nghỉ ngơi, đồng thời lập đàn để nhân dân được thắp hương hành lễ với linh vị của Ngài. Từ đó, nhân dân Đậu Liêu dựng thêm điện thờ nhỏ - còn gọi là điện thờ Đức Thánh Hai – bên cạnh ngôi đền Đông Xá để thờ Ngài.

Về nhân vật Lê Khôi thờ tại đây, hiện không có tư liệu hay bằng sắc còn lưu giữ để chứng thực mà chỉ nghe qua lời kể của các cụ cao niên trong làng.

Như vậy, các vị tôn thần hiển liệt được phụng thờ nơi đây từ bao đời đã trở thành một biểu tượng tâm linh của người dân Đậu Liêu. Bởi họ có một niềm tin rằng: phải nhờ uy linh của các vị thần thì đất trời mới yên, lòng người mới thuận, giúp vùng đất này mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; giúp cuộc sống nhân dân ngày một thêm ổn định, ấm no, thịnh vượng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 3.424.311
    Online: 53