Chùa Thiên Tượng được khai sơn kiến tạo từ thế kỷ thứ XIV, thời nhà Trần, chùa được các bậc tiền nhân dựng ở mé Tây ngọn Thiên Tượng, thuộc dãy Hồng Lĩnh, phía sau khối đá có dáng con voi, phía trước là chùa Long Đàm, nay thuộc địa phận tổ dân phố Quỳnh Lâm, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Thiên Tượng từng được xem là "Hoan Châu đệ nhị danh thắng" (sau Hương Tích). Hướng của chùa được tiền nhân lựa chọn theo thuyết: Tiền thủy, hậu sơn. Chùa được bố trí xây dựng theo lối chữ Công (T) bao gồm, Thượng tịnh, Hạ tịnh, Nhà tăng, Nhà thờ Đạt ma sư tổ, chếch về phía tây có các ngọn tháp cổ: Tổ sư khai sơn Thích Khuông Lộ; tháp Thạch Sơn; tháp Đại đức Thích Viên Ngộ…Khuôn viên được giới hạn bởi hai con suối: suối bắc và suối nam, cả hai đều bắt nguồn từ đỉnh Thiên Tượng và hợp thành hồ rộng dưới chân núi. Để ghi lại cảnh sắc của chùa người dân ở đây thường có câu:

Chùa Thiên Tượng bóng xanh cảnh lạ

Vốn thợ trời tạc đá nên voi.

Thiên Tượng không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên tạo mà còn gắn với bao truyền thuyết tâm linh về một vùng đất linh thiêng. Tương truyền trước khi chọn đất dựng chùa để khai sáng Đạo phật, vị Hòa thượng Thích Khuông Lộ sau nhiều đêm trằn trọc, Người đã mơ thấy voi trắng Thiên đình về đỉnh ngự chính nơi đây, sáng ra Hòa thượng xem xét thấy còn vết chân và khối đá rất giống hình voi, vì vậy ngài đã chính thức chọn vùng đất này để dựng chùa và cái tên Thiên Tượng (voi trời) chắc rằng cũng được bắt nguồn từ truyền thuyết nêu trên.

Sau nhiều năm không tìm được tháp mộ tổ của vị Hòa thượng khai sơn, đến năm 2006, sau một lần phát cây mở đường để vận chuyển vật liệu người ta đã tìm ra ngôi tháp cổ, qua các tư liệu cũng như hiện vật được tìm thấy, các chuyên viên của Bảo tàng Hà Tĩnh đã xác định, đây là ngôi tháp mộ có trên 700 năm, hiện tháp đã được trùng tu khang trang, bề thế, xứng tầm công lao của Người.

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII vị Thiền sư Chuyết Công người Trung Hoa cùng đệ tử của mình sang Việt Nam truyền đạo, khi đi qua đây thấy khung cảnh nên thơ, tĩnh mịch mà trang nghiêm nên đã dừng chân tu tập tại chùa gần 3 năm trước khi tiếp tục hành hương ra Bắc lập nên dòng Thiền Lâm Tế phía đàng ngoài. Vì vậy, Thiên Tượng được xem như là Ngôi Tổ Đình của Phật giáo Miền Trung.

Trải qua trên 700 năm kể từ  khi Hòa thượng Thích Khuông Lộ khai sơn, phá thạch dựng chùa; Thiền sư Chuyết Công hoằng dương phật pháp khai sáng đạo Phật trên mảnh đất này. Nối gót bậc tiền nhân, đã có nhiều vị tổ sư đạo cao, đức trọng vân tập về  chùa tu tập, hoằng khai chánh pháp, nhờ đó chùa vẫn giữ được dáng vẽ của ngôi cổ tự như buổi ban đầu khởi dựng.

Đến năm 1885 khi phong trào Cần Vương bùng nổ, nghi ngờ chùa Thiên tượng là nơi che dấu cho các sỹ phu yêu nước nên giặc Pháp đã cho phóng hỏa đốt chùa, chùa trở thành phế tích. Mãi đến năm Thành Thái thứ 12 (1901), Tổng đốc An Tĩnh thời bấy giờ là cụ Đào Tấn sau khi ghé thăm Thiên Tượng, đứng trước cảnh đổ nát của ngôi cổ tự vang danh một thuở, Ông đã cho trùng tu, tôn tạo. Đến thời kỳ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) chùa lại bị thực dân Pháp triệt hạ lần nữa bằng việc đập phá Hạ Tịnh, tẩu tán đồ tế khí, nghiêm cấm tu hành, từ đây tiếng chuông chùa tưởng như đi vào quyên lãng.

Vào những năm 1990 trước sự đổi mới của quê hương, đất nước, sự chấn hưng của Phật giáo nước nhà, chùa Thiên Tượng lại được nhân dân, bà con Phật tử xa, gần góp công, góp sức trùng tu, tôn tạo. Đến năm 2004 chùa chính thức được công nhận là Di tích danh thắng Quốc gia, năm 2010 chùa  được cấp nguồn mục tiêu Quốc gia để trùng tu giai đoạn I, bao gồm: Nhà Bái, nhà Tăng, tam quan gác chuông. Năm 2011 lại nay Thượng tọa Thích Chánh Thành cùng với bà con Phật  tử, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm xa, gần phát tâm cúng dường để tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục còn lại, như: Xây dựng nhà thờ các vị Lịch Đại Tổ Sư, nhà Trù, đúc Đại Hồng chung…

Đến nay cơ bản các hạng mục công trình đã hoàn thành, đáp ứng được phần nào sự mong mõi của tặng, ni, phật tử. Tiếng chuông chùa trên đỉnh cao Thiên Tượng sáng, chiều lại vọng về, hướng cõi lòng về chốn tĩnh tâm, giúp mọi người từ bỏ cõi mê, trở về bến giác.

 

Hãy bấm vào đây để tìm đường đến với Chùa Thiên Tượng 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 4.507.335
    Online: 13
    ipv6 ready