Tọa lạc trên dãy Hồng Lĩnh 99 đỉnh giữa bạt ngàn đồi thông, Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng thuộc Tổ dân phố 7, phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh. Được xây dựng trên mái núi Mồng Gà (một trong 99 ngọn núi thuộc dãy Hồng Lĩnh huyền thoại). Đây là một trong những khu Di tích đặc biệt có sự dung hòa, giao thoa giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo

Chùa Đại Hùng

Theo sử cũ chép lại Đại Hùng là một trong bốn ngôi cổ tự bao gồm: Thiên Tượng, Long Đàm, Đại Hùng, Cực Lạc cùng nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh, tên địa phương gọi là Ngàn Hống, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XIV, đời Nhà Trần; với khoảng cách địa lý được phân bổ đều nhau, khi tiếng chùa này thỉnh sẽ vọng đến chùa kia và ngược lại. Chùa được dựng trên mái núi ở độ cao khoảng 100m so với mục nước biển.

Chùa Đại Hùng

Du khách có thể đi bộ khoảng 200m theo con đường được ghép bằng đá từ chân núi đi lên sẽ gặp một số hạng mục như: Miếu Cô Chín, tượng Quan Âm, Nhà tổ, nhà Thánh Mẫu, nhà Hạ Điện, Nhà Tam bảo. Các cổ vật lưu giữ ở đây còn có quả chuông cao trên 1m, nặng khoảng 200kg, được chạm trổ tinh xảo và có khắc “Đại Hùng Tự Chung”, chuông được đúc vào năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 – 1807).

Quả chuông cao trên 1m, nặng khoảng 200kg, được đúc vào năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 – 1807).

Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng.

 Nằm trong khuôn viên của khu Di tích là các hạng mục của Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng.

Theo sử liệu, cũng như các tư liệu truyền ngôn thì Đền thờ Thủy Tổ và các bậc vua Hùng được nhân dân xây dựng cùng thời kỳ với chùa Đại Hùng (khoảng vào thế kỷ XIV) trên mái núi phía Bắc thuộc đỉnh Mồng gà, cách chùa hạ khoảng 1 km, nơi đây cây cối tự nhiên xanh tươi, có nguồn nước mát chảy ra từ trong các mạch nguồn của đá tạo nên giếng nước mát lành, Nhân dân ở đây gọi là giếng Ngọc.

Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng

Từ vị trí của Đền có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn, những ngày đẹp trời khi nhìn ra hướng đông du khách có thể thấy từ xa xa nước biển trong xanh, với những con thuyền bé nhỏ đang lướt trên sóng khơi hùng vĩ.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, với sự tàn phá của chiến tranh, sự khắc nghiệt của thời tiết và sự vô tình của con người nên nhiều hạng mục của Khu di tích đã bị phế tích. Thời gian qua, được sự nhất trí về chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh, cấp ủy, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh đã lập quy hoạch để xây dựng, trùng tu, tôn tạo Khu di tích trên diện tích 43 ha.

Tượng thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và Quốc mẫu Thần Long tại Khu di tích

Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng bao gồm: Khu Kinh đô Ngàn Hống, khu vực chùa Thượng, chùa Hạ cùng các hạng mục phụ trợ khác. Đây  là di tích duy nhất trên địa bàn tỉnh Hà tĩnh có phối thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, Di tích Đại Hùng được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2008.

Lễ Khai ấn đầu năm tại Khu di tích

Hàng năm, tại khu Di tích có nhiều lễ hội, như: Lễ húy kỵ Thủy tổ Kinh Dương Vương vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch; Lễ húy kỵ Quốc Mẫu Thần Long vào ngày 10/10 âm lịch.

Đại lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương năm 2022

Lễ rước Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng

Tuy vậy, cùng với cả nước Quốc lễ Giỗ tổ Hùng Vương tổ chức vào dịp 10/3 âm lịch có quy mô lớn nhất; bao gồm, cả phần lễ và phần hội với nhiều hoạt sôi nổi như: dạ hội văn nghệ, hội thi gói bánh chưng dâng tổ, thi đấu các môn thể thao truyền thống, như đẩy gậy, đấu vật…

Lãnh đạo thị xã thực hiện nghi lễ tuyên đọc văn tế Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng

Vào những ngày này các tăng ni, phật tử cùng đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh lại hành hương về di tích Đại Hùng, về với Kinh đô Ngàn Hống để dâng nén tâm hương, hướng về cội nguồn dân tộc với tất cả tấm lòng thành kính, tri ân.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba”./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 4.673.684
    Online: 64
    ipv6 ready