Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Lễ hội truyền thống Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười, chiều ngày 3/11, Sở VHTTDL Hà Tĩnh, UBND thị xã Hồng Lĩnh long trọng tổ chức lễ hội Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười, tổng kết, trao thưởng Liên hoan thực hành nghi lễ thờ mẫu tam phủ của người Việt tỉnh Hà Tĩnh mở rộng năm 2019 và Khánh thành trùng tu, tôn tạo các công trình thuộc di tích lịch sữ văn hóa Đền Cả.

 

Các đại biểu và nhân dân tham dự Lễ hội

 

 

Đến dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp Tỉnh; các đồng chí trong Ban thường vụ Thị ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ, các phòng, ban ngành đoàn thể thị xã; cấp ủy chính quyền, UBMTTQ phường Trung Lương cùng bà con nhân dân trên địa bàn và đông đảo du khách thập phương.

 

Một số hình ảnh trong Lễ rước bộ nghinh Thánh tại Lễ hội

 

 

Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười hay còn gọi là Đền Mỏ Hạc Linh Từ, theo tư liệu lịch sử và tư liệu truyền ngôn thì được các bậc tiền nhân kiến tạo cách đây trên 700 năm, vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ "Nhất"; bao gồm: Hậu cung (hay còn gọi là cung cấm, nhà Thượng điện, Trung điện và Hạ điện; là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là Đền Cả. Còn tên gọi Dinh đô Quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại Đền; Đền lại được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau gữa ba con sông (Sông Lam, Sông La và Sông Minh); được cả 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ hạc. Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là Mỏ Hạc Linh Từ.

 

Trước đó, ngày 02/11, Hội LHPN thị xã đã tổ chức Hội thi gói bánh chưng dâng Thánh

 

 

Tiết mục hầu đồng ông Hoàng Mười do nghệ nhân Ngô Minh Trực đến từ Quảng Bình biểu diễn

 

 

Tiết mục Cô bé Thượng Ngàn do bé Nguyễn Ngọc Mỹ Duyên đến từ TP Hà Tĩnh biểu diễn

 

 

Một tiết mục đặc sắc do bé Khánh Hà biểu diễn

 

 

Tiết mục múa do Trung tâm Văn hóa - Truyền thông thị xã dàn dựng, biểu diễn

 

 

Đền Cả được nhân dân phối thờ chung nhiều vị thần; trong đó có cả Thiên thần, Nhân thần và Nhiên thần. Ngoài vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười thì Đền còn thờ thần Tam Lang và bà Lê Thị Ngọc Dung, con gái nuôi của vua Lê Lợi.

Hàng năm theo tục lệ của địa phương, để tưởng nhớ công lao đóng góp của Đức Quan Hoàng Mười và các vị thần được thờ tại Đền đã có công trong việc trấn giữ và bảo vệ mọi người khỏi nạn giặc dã thiên tai, nên Nhân dân trong vùng đã mở lễ hội để tôn vinh công trạng, đồng thời cầu cho đồng bào an lạc, mùa màng tốt tươi. Lễ hội thường được tổ chức cả tháng 10 âm lịch, chính lễ vào ngày trùng thập (mồng 10/10 ÂL), với nhiều hoạt động và trò chơi dân gian thu hút nhiều du khách và nhân dân thập phương đến tham dự. Tuy nhiên trong một thời gian dài do bị phế tích, nên lễ hội Đền Cả cũng bị mai một.

Sau khi khôi phục được Di tích, nhiều năm lại nay, Lễ hội lại được Nhân dân khôi phục và hôm nay lễ hội Đền Cả tiếp tục được tổ chức quy mô cấp thị xã với nhiều hoạt động có ý nghĩa như Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ người Việt toàn tỉnh mở rộng, lễ rước nước, hội thi gói bánh chưng dâng Thánh, lễ rước phụng nghinh Thánh.

 

 

Đồng chí Đinh Văn Hồng - PCT UBND thị xã, Trương Ban Tổ chức lễ hội đọc diễn văn khai mạc

 

 

Đông đảo nhân dân đến tham dự Lễ hội

 

 

Việc tổ chức lễ hội Đền Cả năm nay được UBND thị xã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là một trong những chương trình quan trọng để triển khai đề án xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, góp phần giới thiệu đến quý khách thập phương các di tích danh thắng nổi trên khác địa bàn thị xã Hồng Lĩnh.

Việc tổ chức Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt lần này là hoạt động rất ý nghĩa, là dịp để những thanh đồng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm qua đó nâng cao đời sống tinh thần và tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống hiện đại.

Liên hoan lần này diễn ra với mong muốn để đông đảo công chúng tiếp tục hiểu hơn về nét đẹp của loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian đặc sắc này. Đây còn là dịp để người dân, những người thực hành tín ngưỡng nhận thức đúng giá trị di sản, từ đó gìn giữ, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu, để đạo Mẫu xứng tầm là di sản, là niềm tự hào của người Việt. Sau hơn 3 ngày liên hoan, với hơn 40 thanh đồng, đạo quan, cung văn tham dự, Liên hoan lẫn này đã thực sự thành công và để lại nhiều ấn tượng tốt tốt đẹp trong lòng quý vị khán giả và du khách thập phương.

 

Trao tặng giấy khen cho các thanh đồng, đạo quan, cung văn về tham dự Liên hoan

 

 

Đối với Hội thi gói Bánh chưng dâng Thánh do Hội LHPN thị xã chủ trì tổ chức với hơn 120 thành viên tham gia, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên trong thời gian hơn 1 ngày, 600 chiếc bánh chưng được gói và nấu đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ và chất lượng, thực sự là lễ vật hết sức thành tâm dâng lên bàn thờ Thánh, thể hiện tấm lòng thành kính và tri ân công đức của các vị Thánh của Nhân dân Hồng Lĩnh.

 

Trao giải cho các tập thể đạt giải trong Hội thi gói bánh chưng dâng Thánh

 

 

 

Lễ cắt băng khánh thành công trình trùng tu tôn tạo di tích Đền Cả

 

 

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã tổng kết  và trao giải Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Hà Tĩnh mở rộng năm 2019, trao giải thưởng Hội thi gói Bánh chưng dâng Thánh và cắt băng khánh thành các công trình tu bổ tôn tạo tại Đền Cả năm 2019./.

Thu Hằng – Quốc Thuận – Cẩm Hà – Thanh Trúc


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.225.225
Online: 10