Hồng Lĩnh là một Thị xã trẻ, được hình thành trên nền văn hoá, lịch sử lâu đời, có bề dày truyền thống cách mạng. Trên phương diện văn hóa dân gian, Hồng Lĩnh ra đời gắn với sự tích ông Đùng xây 99 đỉnh non Hồng, nơi được coi là kinh đô Ngàn Hống. Cùng với sông Lam, núi Hồng Lĩnh được xem là biểu tượng hồn thiêng sông núi của xứ Nghệ, được xếp vào một trong chín cảnh đẹp của đất nước, năm Minh Mệnh thứ 17 khắc tượng vào "Anh đỉnh", đặt trong Hoàng thành Huế. Do những đặc điểm riêng về địa lý - văn hóa, cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, Nhân dân Hồng Lĩnh đã sáng tạo xây đắp nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc: Đền Đô Đài ngự sử Bùi Cầm Hổ, Đền Song Trạng nguyên, Chùa Long Đàm, di tích danh thắng quốc gia Chùa và hồ Thiên Tượng, Chùa Đại Hùng… Lễ hội báo ân Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ và trò Đình Đụn, hội đua Thuyền Minh Lương, Làng rèn truyền thống Vân Chàng, làng rèn Trung Lương, lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương. Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển du lịch tâm linh, lịch sử gắn với cảnh sắc núi Hồng sông La.

Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Thanh Bình cùng lãnh đạo các ban, ngànhTX Hồng Lĩnh và Ban đại diện Hội Phật giáo thị xã Hồng Lĩnh làm lễ cúng Vua Hùng tại chùa Đại Hùng (phường Đậu Liêu)

Vùng đất giàu tiềm năng

Thị xã Hồng Lĩnh được ví như Ngã ba Đông Dương với vị trí địa l\u200eí khá đắc địa, nằm ở toạ độ 105,45 kinh độ đông - 18,32 vĩ độ bắc, là nơi giao nhau của Quốc lộ 1A và 8A. Phía bắc giáp huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), phía đông giáp huyện Nghi Xuân, phía tây giáp huyện Đức Thọ, phía nam giáp huyện Can Lộc. Trung tâm Thị xã cách Thành phố Vinh 15km về phía bắc và Thành phố Hà Tĩnh35km về phía Nam, Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo 92km về phía Tây. Với vị trí như vậy, Hồng Lĩnh thuận lợi để phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hoá - xã hội phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh.

Cảnh sắc Hồ Thiên Tượng

Cận kề với dòng sông Lam trong xanh huyền thoại, Hồng Lĩnh đã từng được con người đến khai phá từ rất sớm, trên vùng đất này đã từng lưu truyền nhiều huyền thoại lung linh về lịch sử hình thành. Đó là tích "ông Đùng lấy ngón tay móc quặng sắt trong lòng rú Hồng; đốt cả rừng lim lấy than luyện sắt, rèn dao rựa, rồi dạy nghề cho dân trong vùng". Chuyện "Vua Kinh Dương Vương tuần du, đi thuyền trên sông, gặp người con gái đẹp từ dưới nước nổi lên, xưng tên là Thần Long. Vua bèn cưới nàng làm vợ, và dựng đô ở Ngàn Hống, đặt tên nước là Xích Quỹ (nghĩa là ngôi sao đỏ)". Trong Ngọc phả Đền Hùng và một số chùa ở Sơn Tây còn ghi lại "Kinh Dương Vương đóng đô ở Hồng Lĩnh sinh ra Lạc Long Quân sau đó mới di cư ra Bắc". Từ huyền sử, cái cốt lõi của lịch sử cũng dần hiện lên. Cổ sử đã chép về một bộ tộc Việt Thường ở vùng này. Bản đồ khảo cổ học đã ghi lại 2 di chỉ đồ đá mới Suối Tiên, Trung Lương và dân ở đây cũng đã từng nhặt được rìu đá, tìm thấy mộ thuyền. Lại còn những tên đất, tên làng cổ kính: Kẻ Lách, Kẻ Lau, Kẻ Dằng, Kẻ Chế....(Nghi Xuân); Kẻ Trổ, Kẻ Hồ, Kẻ Dè, Kẻ Triềng, Kẻ Trai...(Đức Thọ); Kẻ Ngoạt, Kẻ Đá, Kẻ Trằng, Nhà Từa ...(Can Lộc) ở vùng tiếp giáp thị xã và Kẻ Bấn, Kẻ Vọt, Kẻ Treo, Nhà Rục, Nhà Dào, Nhà Chàng, Làng Chạu...ở ngay trên đất thị xã... Từ đời Lý, Trần, vùng đất Ngọc Sơn – Tiên Sơn dân cư đã đông đúc, nghề nông, nghề thủ công đều phát triển. Nhiều tài liệu lịch sử, khảo cổ cũng chứng minh rằng dọc mé Nam rào Rum (sông Lam) từ Hồ, Trổ xuống Tả Ao, thế kỷ X-XI đã rất thịnh vượng. Như vậy, Hồng Lĩnh là một địa danh duy nhất của cả nước có truyền thuyết về đế đô của dân tộc Lạc Việt từ thời dựng nước, vùng xung quanh Bãi Vọt đã từng là một địa phương có sự phát triển khá rực rỡ về kinh tế, về văn hoá, học vấn. Một biểu hiện sinh động của sự phát triển kinh tế - văn hoá là hệ thống các đền, chùa, miếu mạo được xây dựng khá dày và ngày nay trở thành những di tích văn hoá, những chứng tích của một thời phát triển như chùa Hương Tích được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII, theo tương truyền chùa là nơi thờ Công chúa Diệu Thiện con Vua Sở Trang Vương, được lịch sử ghi nhận là tiền thân của chùa Hương Tích ở Hà Tây; chùa Thiên Tượng được xây dựng vào đời Trần.

Trong lịch sử, thị xã Hồng Lĩnh xưa kia cũng đã từng cống hiến cho đất nước nhiều danh nhân kiệt xuất như Bùi Cầm Hổ một người văn võ toàn tài làm quan dưới các triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, đã từng được thăng chức đến Ngự sử, Ông đã có công mở khe lấy nước tưới cho hàng nghìn mẫu ruộng ở xã Độ Liêu, được nhân dân lập đền thờ đến ngày nay; rồi hai cha con: Sử Hy Nhan đỗ trạng nguyên thời vua Trần Dụ Tông (1363) và con là Sử Đức Huy đỗ trạng nguyên dưới triều vua Trần Thuận Tông (1381).

Đền Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ tọa dưới chân núi Bạch Tỵ - Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh)

Do những lợi thế vốn có và sự phát triển của hệ thống giao thông, do đó Hồng Lĩnh là trung tâm của vùng tài nguyên du lịch, nếu lấy Hồng Lĩnh làm tâm vạch một đường tròn bán kính 40 km thì trong đó có rất nhiều các di tích danh lam thắng cảnh có khả năng khai thác để hình thành các tua du lịch: Về phía nam 20 km là ngã ba Đồng Lộc, một chứng tích lịch sử anh hùng của thanh niên xung phong Việt Nam; 30 km là khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang với nhiều chim, thú và thực vật quý hiếm được liệt vào danh mục bảo tồn của Thế Giới; Về phía tây 15 km theo dọc tuyến đường quốc lộ 8A là một quần thể các di tích như: Khu mộ đồng chí Trần Phú, Phan Đình Phùng, bến Tam Soa, phà Linh Cảm và cách khoảng 37 km là khu di tích của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông ..v.v..; Về phía đông 20 km là khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân Nguyễn Công Trứ và bãi biển du lịch sinh thái Xuân Thành; về phía tây bắc 30 km là Khu di tích Kim Liên, quê hương của Bác Hồ vĩ đại. Từ thị xã Hồng Lĩnh du khách có thể du thuyền theo sông nhà Lê để đến với Sông La, Sông Lam và nhiều di tích danh lam thắng cảnh khác, đồng thời sẽ được thưởng thức các làn điệu dân ca xứ Nghệ đã"…thả neo vào lịch sử"của quê hương đất nước. Vì vậy, Hồng Lĩnh là trung tâm của các tua du lịch nổi tiếng để du khách đến với những giá trị văn hoá lịch sử và Cách mạng.

Bên cạnh những lợi thế về giá trị lịch sử, văn hóa, Hồng Lĩnh còn có điều kiện tự nhiên rất ưu việt, với nhiều vùng sinh thái đồi núi, đồng bằng ven sông; nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, nhất là tài nguyên rừng. Thị xã Hồng Lĩnh có diện tích đất tự nhiên 5.844, 64 ha, trong đó đất Nông nghiệp 2.100 ha, đất Lâm Nghiệp 2.740 ha, còn lại là đất thổ cư và đất chuyên dùng. Tuy không có các loại khoáng sản quý hiếm nhưng lại có thế mạnh phát triển sản xuất vật liệu xây dựng như: Gạch, đá, cát ..v.v... có trữ lượng lớn và ổn định lâu dài phục vụ cho ngành xây dựng của thị xã và vùng lân cận. Đặc biệt, trên núi Hồng Lĩnh có 03 hồ nước tự nhiên không chỉ đẹp về cảnh sắc mà còn chứa trữ lượng nước sạch lớn, cung cấp cho cả vùng Hồng Lĩnh và các huyện lân cận. Với diện tích rừng phong phú, đặc biệt là diện tích rừng thông chiếm 50%, nay đã đến thời gian khai thác, tạo cảnh sắc sơn thủy hữu tình, nhất là khu vực chùa và hồ Thiên Tượng, trở thành cảm hứng cho bao thi nhân mặc khách. Hai năm trở lại đây, khu vực Hồ Thiên Tượng còn thu hút chim muông về trú ngụ, đặc biệt là đàn cò với hàng vạn con, tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động.

Hoàng hôn bên hồ Thiên Tượng, đàn cò cả vạn con bay về tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động(ảnh Quốc Thuận)

Sau 26 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hồng Lĩnh đã đoàn kết, nỗ lực và sáng tạo trong lao động sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình tạo những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Tính từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hồng Lĩnh đạt bình quân 15,73%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị... Cùng với chiến lược phát triển bền vững, toàn diện các lĩnh vực, đến nay Hồng Lĩnh đã hoàn thành quy hoạch phân khu 1/2000 cho 100% phường, xã; đã thành lập ba cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Làng nghề Trung Lương, Cụm Công nghiệp Nam Hồng, Cụm Công nghiệp Cổng Khánh 1; về hạ tầng du lịch, đã quy hoạch Khu công viên Trung tâm, khu Du lịch sinh thái Suối Tiên, khu vực Chùa Đại Hùng, núi Bạch Tỵ, Hồ Đá Bạc, Sông Minh v.v… Thị xã Hồng Lĩnh hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi và đã có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư ở nhiều lĩnh vực công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí lắp ráp, dệt may v.v... Đến nay thị xã Hồng Lĩnh đã có đủ tiền đề, động lực để tăng tốc tăng trưởng mạnh hơn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng và thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ Thị xã Hồng Lĩnh lần thứ VI đã đề ra và hoàn thành các tiêu chí đạt đô thị loại III trước năm 2020.

Nhiều chính sách phát triển du lịch

Sau khi Đề án phát triển du lịch được phê duyệt, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 07/12/2017 về phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo"; HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết số 81/2017/NQ -HĐND, ngày 13/12/2017 về chính sách khuyến khích phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, với nhiều nội dung đột phá và các nhóm chính sách bao gồm: Chính sách về hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, xây dựng nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, hỗ trợ lãi suất, phát triển mô hình nhà lưu trú tại gia (homestay); hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; chính sách về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, cấp ủy, chính quyền thị xã đã cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, trong đó hoạt động quảng bá hình ảnh thị xã Hồng Lĩnh gắn với biểu tượng núi Hồng sông La, phát triển du lịch tâm linh, lịch sử gắn với quần thể di tích trên núi Hồng được đẩy mạnh. Theo đó, Ban Thường vụ Thị ủy đã làm việc với ngành Văn hóa thông tin, Ban Tuyên giáo và các cơ quan truyền thông của tỉnh và Thị xã để xây dựng Đề án, đồng thời, ngay trong nghị quyết phân bố thu, chi ngân sách năm 2018, HĐND thị xã cũng đã quyết nghị dành kinh phí 500 triệu đồng để quảng bá hình ảnh thị xã Hồng Lĩnh, tạo tiền đề để phát triển du lịch, thu hút khách tham quan đến với Hồng Lĩnh ngày một nhiều hơn.

Đền Cả -Mỏ hạc Linh Từ ở vùng đất Hồng Lĩnh

Theo chỉ đạo, Hồng Lĩnh sẽ duy trì, bảo vệ môi trường rừng gắn với xã hội hóa hoạt động này, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu, xã hội hóa phát triển du lịch tâm linh, lịch sử, đầu tư, bảo tồn, phát triển các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Về hiện tượng đàn cò về trú ngụ bên hồ Thiên Tượng, thị xã cũng đã làm việc với Ban Quản lý rừng phòng hộ và các ngành liên quan để có giải pháp bảo vệ, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học khu vực này.

Để du lịch phát triển xứng tầm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Đinh Văn Hồng khẳng định: Với 3 di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh, thị xã Hồng Lĩnh đã vàđang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn của vùng đất, con người Hồng Lĩnh. Đồng thời, quan tâm xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch cụ thể, nhằm quảng bá hình ảnh Hồng Lĩnh đến với du khách trong và ngoài nước; theo đó, bên cạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư các di tích, sẽ làm việc với các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch, các văn phòng đại diện để đưa Hồng Lĩnh trở thành điểm dừng chân của các tuor khu vực bắc miền trung, kêu gọi, định hướng các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, nhà hàng khách sạn nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch cả về mọi mặt, từ trình độ chuyên môn, kỹ năng đến văn hóa ứng xử… góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Hồng Lĩnh, đưa du lịch trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới./.

Quang Vinh – Bình Nguyên


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.400.371
Online: 17