Cho đến nay, giới nghiên cứu lịch sử nước nhà đã chứng minh được rằng, Con Người đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam cách đây chừng 200.000 năm, với những hài cốt (răng) của người Hiện đại tại di chỉ Khảo cổ học Hang Thẩm Ồm, xã Quỳ Châu, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Những cư dân Nguyên thủy vẫn kéo dài cuộc sống hoang sơ của mình mãi đến hàng chục ngàn năm sau mới tiến một cách chậm chạp vào xã hội văn minh cổ đại. Chúng ta đã phát hiện và chứng minh Nhà nước cổ đại Văn Lang thời Hùng Vương xuất hiện cách ngày nay chừng 2.700 năm (từ năm 696-682 đến năm 258 tr CN). Lịch sử thành văn của Việt Nam ghi nhận Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang như là khởi thủy của các Nhà nước trong tiến trình lịch sử của đất nước.
Nhà nghiên cứu Bùi Thiết trình bày tham luận tại Hội thảo "Hồng Lĩnh huyền sử, lịch sử và đương đại"
Những tìm tòi trong thư tịch cổ và những tìm kiếm trên thực địa trong nhiều năm gần đây, đã đẩy lịch sử hình thành các nhà nước cổ đại ở Việt Nam lùi về xa hơn Nhà nước Văn Lang đến hàng ngàn năm trước. Trước Văn Lang của Hùng Vương đến ngàn năm, đã có ba nhà nước cổ đại: Nhà nước Xích Quỷ ở vùng bắc và đông bắc Bắc Bộ, mà Quân vương của Xích Quỷ là các thế hệ cha và ông của Hùng Vương; Nhà nước Việt Thường Thị, chiếm cứ địa bàn Bắc Trung bộ, mà trung tâm là đất Hà Tĩnh ngày nay; Nhà nước Hồ Tôn, chiếm cứ từ Đèo Ngang trở vào. Ba nhà nước cổ đại đó từng được sử sách của Trung Quốc và Việt Nam nói đến một cách thường xuyên và trân trọng; nhưng có điều các nhà chép sử vì thiếu nhiều thông tin về ba nhà nước cổ đại này, nên ngoài những tên gọi được nói đến, họ không nói được gì về nội hàm của ba nhà nước đó, đến địa bàn của ba nhà nước đó cũng chỉ áng chừng mà thôi; điều đó buộc nhiều nhà sử học phải bỏ qua ba nhà nước này, hoặc có chăng chỉ nhắc lại lời người xưa như một nghi vấn lịch sử. Việc đưa ba nhà nước cổ đại vừa dẫn vào lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống các Nhà nước ở Việt Nam là một khẳng định tất yếu, và theo đó những tìm hiểu nghiên cứu một cách có hệ thống về ba nhà nước cổ đại này là một yêu cầu bắt buộc của ngành Sử học nước nhà.
Trong bài viết này, chúng tôi không thể trình bày một lúc về ba nhà nước cổ đại đó, mà chỉ dừng lại ở Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị,với những thông tin mà bước đầu chúng tôi khai thác và xử lý được, coi như một giả thuyết khoa học nên chăng!
Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị là có thật.
Những ai từng đọc lịch sử đất nước bằng thư tịch của Trung Quốc, hay thư tịch Việt Nam, qua trích dẫn từ thư tịch Trung Quốc, thì Việt Thường Thị, được sử sách Trung Quốc nói đến đầu tiên và xa xưa nhất.
Sách đầu tiên nói đến Việt Thường Thị là Sử ký của Tư Mã Thiên biên soạn từ thời Hán, sách viết: "Ở phía nam đất Giao Chỉ, có Việt Thường Thị, qua nhiều lần dịch, đến hiến con chim Trĩ trắng. Chu Công nói rằng: "Ở chỗ mà Đức Trạch (Nhà Vua) không tới thì người Quân tử không nhận lễ ra mắt; ở chỗ mà Lệnh không thi thố, thì người Quân tử không bắt người thuần phục". Lời Phiên dịch rằng:"Các cụ già ở nước tôi bảo rằng: Trời không có gió dữ mưa dầm và biển không nổi sóng đã ba năm nay, ý giả Trung Quốc có Thánh nhân chăng, nên ta đến chầu". Chu Công đem chim Trĩ dâng lên Tôn miếu. Sứ giả quên mất đường về. Chu Công cho Sứ giả 5 cỗ biền xa, đều có kim chỉ nam. Sứ giả lên xe dò đường biển Phù Nam và Lâm Ấp mà đi, gần một năm mới về đến nước.
Sách Thông chí của Trịnh Tiều thời Lưu Tống (420-479) biên soạn, chép về Việt Thường Thị như sau:"Đời Đào Đường, ở Man Di có Việt Thường Thị, qua nhiều lần thông dịch, đến hiến một con Rùa thần, Rùa được ngàn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ Khoa đẩu, chép việc từ lúc khai Thiên lập Địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch Rùa".
Sách sử Việt Nam cổ trung đại, đều có nói đến Việt Thường Thị, như:
Sách Việt sử lược (thế kỷ XIV), chép: "Đến đời Thành vương nhà Chu (1024-1005 tr CN), Việt Thường Thị mới đem dâng con bạch trĩ (chim trắng), sách Xuân thu gọi là Khuyết địa, Đái ký (tức Lễ ký, do Đại Đái và Tiểu đái chú), gọi là Điêu đề (VSL bản in của Nxb Thuận Hóa; tr 18).
Tiếp theo là sách: Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XVII), Việt Thường Thị được nhắc đến trong Lời xét của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau: "Thời Hoàng đế dựng muôn nước, cho Giao Chỉ ở về phía tây nam, ở xa ngoài đất Bách Việt, Vua Nghiêu sai Hi Thúc đến Nam Giao, để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu, thì đất Bách Việt thuộc về khu Dương châu, Giao Chỉ thuộc về đấy. Thời Thành Chu mới gọi là Việt Thường Thị, tên Việt bắt đầu từ đấy. (bản in của Nxb KHXH. H; 1971; T.1; tr.59).
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn (thế kỷ XIX) chép: "Lần đầu tiên sai sứ sang nhà Đường (2357-2258 tr CN) dâng con rùa thần. Sách Cương mục Tiền biên của Lý Kim Tường chép rằng: Năm Mậu Thân thứ 5 đời Đường Nghiêu, Việt Thường Thị sang chầu, dâng con Rùa thần. Lời chua-Rùa thần: Theo Thông chí của Trịnh Tiêu, về đời Đào Đường, phương Nam có Việt Thường Thị qua hai lần sứ dịch sang chầu, dâng con Rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn Khoa đẩu, ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy lịch (lịch Rùa). Sai sứ sang nhà Chu, dâng chim trĩ trắng. Sử ký (Trung Quốc) chép: Năm Tân Mão thứ 6 (1110 tr CN) đời Thành vương nhà Chu, phía Nam bộ Giao Chỉ có Việt Thường Thị qua ba lần sứ dịch, sang dâng chim trĩ trắng. Chu Công nói:"Đức trạch chưa thấm khắp đến phương xa, người Quân tử không nhận đồ lễ ra mắt; Chính lệnh chưa ban ra tới, người Quân tử không bắt người ta thần phục". Theo lời thông dịch, Sứ giả muốn nói: Ông già trong nước chúng tôi có nói: Trời không mưa dầm gió dữ và biển không nổi sóng đã ba năm nay, ý chừng Trung Quốc có Thánh nhân chăng? Vì thế chúng tôi sang chầu". Chu Công đem lễ vật dâng lên nhà Tôn miếu. Sứ giả không thuộc đường về, Chu Công cho 5 cỗ xe biền, đều làm theo lối chỉ nam. Sứ giả đi xe ấy, theo ven biển nước Phù Nam và nước Lâm Ấp, vừa một năm mới về đến nước" (bản in của Nxb GD; 1998; T.I; tr. 77-78).
Thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn (1726-1783), trong sách Vân đài loại ngữ, ông có nói đến quận Cửu Đức được thành lập vào thời nhà Tấn (265-420), gồm có 8 huyện (Cửu Đức, Dương Toại, Hàm Hoan, Khúc Tư, Năm Lăng, Ngô Vấn (tức Hoan Châu), Phố Dương, Phù Linh); Về quận Cửu Đức, Lê Quý Đôn cho rằng Cửu Đức là Việt Thường Thị thời nhà Chu; đến thời Nam Tề (479-502), ba huyện của quận Cửu Đức (Dương Toại, Khúc Tư, Phù Linh), được nhập lại làm thành một huyện và là Việt Thường. Lê Quý Đôn cũng không làm sáng tỏ gì hơn về Việt Thường Thị cổ đại.
Cuối thế kỷ XIX, có hai học giả nói nhiều đến Việt Thường Thị, đó là Bùi Dương Lịch (1757-1828), trong sách Nghệ An ký và Đặng Xuân Bảng (1828-1913), trong sách Sử học bị khảo. Hai ông trích dẫn khá đầy đủ những thư tịch của Trung Quốc nói về Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị và những đơn vị hành chính mang tên Việt Thường; truy tìm nguồn gốc, thời gian tồn tại, địa vực và kinh đô của Việt Thường Thị; phải nói hai tác giả này khẳng định một cách chắc chắn việc tồn tại Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị, nêu ra một số vấn đề về nhà nước cổ đại này mong được giới nghiên cứu quan tâm.
Đầu thế kỷ XX, có hai học giả nhắc đến Việt Thường Thị là Trần Trọng Kim (1882-1953), trong sách Việt Nam sử lược, và Đào Duy Anh (1904-1988), trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời. Hai ông ghi nhận trong thư tịch cổ của Trung Quốc có nói đến Việt Thường Thị như một nhà nước cổ đại; song các ông không có đóng góp gì hơn để làm sáng tỏ thêm về Nhà nước Việt Thường Thị. Những gì hai ông nói đến như những vĩ thanh về Việt Thường Thị trong chính giới sử học nước ta nửa đầu thế kỷ XX. Còn nửa sau thế kỷ XX, mọi người quên lãng Việt Thường Thị; giới nghiên cứu bị lôi cuốn và dốc toàn bộ công sức của mình, để tìm kiếm và khẳng định về một nhà nước Văn Lang của Hùng Vương; một nhà nước và Quốc vương của nó không hề được ghi chép trong sử sách của Trung Quốc cổ đại, chẳng hạn như trong Sử ký của Tư Mã Thiên! Cuộc tìm kiếm đã thành công, một thời đại Hùng Vương được lưu truyền bởi huyền thoại dân gian, được sang ngang lịch sử một cách có chứng cớ thuyết phục và Văn Lang được coi như nhà nước cổ đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, như vậy Hùng Vương là Vương triều khởi thủy của đất nước. Các sách sử viết vào nửa sau thế kỷ XX cho đến gần đây dù vô tình hay cố ý, đều đã lãng quên Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị trong tiến tình lịch sử đất nước một cách không thương tiếc, chắc hẳn đó là một lỗi lầm lớn nhất của giới sử học nước nhà!
Đầu thế kỷ XXI, trong giới nghiên cứu lịch sử bắt đầu trở lại với cả ba nhà nước cổ đại trước Văn Lang của Hùng Vương (xem: Bùi Thiết, Phạm Thị Ninh…Trong: Những phát hiện mới về khảo cổ học, các năm: 2010, 2012, 2013, 2014). Công việc được bắt đầu từ tìm kiếm chứng lý của Việt Thường Thị trong thư tịch cổ, kết hợp với nhiều chuyên ngành khác, như: khảo cổ học, cổ địa danh - lịch sử, cổ địa lý - lịch sử, cổ ngôn ngữ - lịch sử, tài liệu dân gian... có thể cho phép giải quyết một số những nội dung của nhà nước cổ đại Việt Thường Thị, mà hầu hết các nhà nghiên cứu từ xưa cho đến gần đây, chưa có cách nào để trả lời.
Có thể dẫn ra nhiều lần hơn so với các nguồn vừa dẫn ở trên, để khẳng định rằng, cách đây hơn 2.000 năm các nhà ghi chép lịch sử đã biết đến một nhà nước cổ đại có tên là Việt Thường Thị trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là một nhà nước có thật. Trong khi đó thì Nhà nước Văn Lang của Hùng Vương, không hề được ghi chép trong sử sách của Trung Quốc.
Một số vấn đề cơ bản của Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị.
Một khi đã khẳng định về sự tồn tại có thật trong lịch sử của Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị, cả ở trong thư tịch và cả ở trong thực tế hiện trường, thì vấn đề quan trọng là phải chứng minh cho được: Danh xưng và tính chất của Nhà nước Việt Thường Thị; Việt Thường Thị ở đâu (phạm vi, giới hạn, diên cách)? Việt Thường Thị có từ lúc nào (hình thành, phát triển và diệt vong)? Cư dân Việt Thường Thị là ai? Đã là Nhà nước thì thể chế và Kinh đô đóng ở đâu? Đời sống kinh tế- văn hóa- xã hội của Việt Thường Thị như thế nào?... Cần phải được tiếp tục tìm kiếm, nghiên cứu và có những nhận xét ban đầu, cho dù đó mới chỉ là những giả thuyết nên chăng? Để có được những định hướng tìm về Việt Thường Thị, bước đầu chúng tôi cho rằng cần tìm kiếm tư liệu và giải mã để có thông tin tin cậy, theo định hướng sau đây:
Danh xưng và tính chất của nhà nước cổ đại Việt Thường Thị.
Việt Thường Thị là địa danh hành chính theo cách đọc và chép Hán Việt hóa, nhằm để chỉ dòng họ (họ tộc) gọi là Việt Thường, hay theo âm Việt là họ Việt Thường, một dòng họ đầu tiên trong hàng trăm dòng họ của người Việt, xuất hiện lần lượt trong lịch sử cho đến nay. Họ Việt Thường cùng với họ Hồng Bàng (Hồng Bàng thị) và họ Thần Nông (Thần Nông thị) là ba dòng họ có nguồn gốc bản địa, xuất hiện đầu tiên trong lịch sử, được nhắc đến trong các bộ chính sử thời Trung đại của Việt Nam. Như vậy, Việt Thường Thị là nhà nước của họ Việt Thường.
Nhà nước Việt Thường Thị là một trong những nhà nước xuất hiện đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, kể từ sau khi giải thể xã hội Nguyên thủy để tiến vào xã hội Cổ đại, tức là xã hội chiếm hữu nô lệ. Và như vậy, đây là nhà nước nô lệ, mà với trình độ sơ khai ban đầu thì nhà nước đang ở vào giai đoạn của chế độ Nô lệ Gia trưởng. Hiện nay hệ thống tổ chức của các nhà nước thời cổ đại, như nhà nước Nô lệ Gia trưởng, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, để có thể mô hình hóa về tổ chức, để có thể cho phép hiểu chính xác về tổ chức của những nhà nước nằm trong phạm trù, như nhà nước Nô lệ Gia trưởng Việt Thường Thị đang nói đến ở đây. Trong khi chờ đợi để có được một hệ quy chiếu như vậy, thì những khám phá và nhận thức về nhà nước Nô lệ Gia trưởng là vô cùng cần thiết; việc tìm kiếm mô hình tổ chức nhà nước, thông qua cấu trúc - tổ chức họ tộc đương đại, cũng là một hướng để truy tìm về quá khứ. Theo đó, chúng tôi cho rằng tổ chức của nhà nước Nô lệ Gia trưởng Việt Thường Thị thời cổ đại, được ảnh xạ lại trong hệ thống tổ chức dòng họ - họ tộc sau này; đứng đầu dòng họ là Tộc trưởng, có đội ngũ những người giúp việc nằm trong cái gọi là Hội đồng Tộc biểu, các thành viên trong họ tộc tuy trên danh nghĩa là bình đẳng với nhau, nhưng đã phân chia một cách tự nhiên thành các giai tầng bởi vị thế trong họ tộc và sự hơn thua về tài trí. Những cấu thành tổ chức và hệ thống của Nhà nước Việt Thường Thị cần được làm sáng tỏ, nhưng đó là công việc đang chờ đợi sự cố gắng của mọi người, mà công việc đang được tiến hành để tìm về Việt Thường Thị, có thể cũng là một thử nghiệm và đóng góp.
Trên đại thể chúng ta có thể hiểu Nhà nước Việt Thường Thị là như vậy, là nhà nước của dòng họ, cũng có thể là của liên minh dòng họ, của bộ tộc hay của liên minh bộ tộc; bởi vì tính chất chưa bền vững của một nhà nước với đúng nghĩa của nó, và cho dù tồn tại có lâu đến ngàn năm đi chăng nữa, thì trước một nhà nước tiến bộ hơn, như Nhà nước Văn Lang của Hùng Vương, Nhà nước Việt Thường Thị bị thôn tính là một tất yếu, từ danh xưng là một nhà nước, bị đẩy xuống bộ lạc cũng là hợp với quy luật phát triển của lịch sử hành chính.
Địa vực của nhà nước cổ đại Việt Thường Thị.
Chỉ định cho được không gian tồn tại (nơi chốn) của Việt Thường Thị là vô cùng quan trọng, phải biết nhà nước đó ở đâu, rồi sau đó mới bàn đến các chuyện khác, bởi cái địa- lịch sử quyết định tất cả, không ai bàn cái chuyện viển vông không trên cơ sở của địa lý. Các thư tịch cổ của Trung Quốc, như Sử ký và Thượng thư đã dẫn ở trên, cho rằng, phía nam Giao Chỉ có Việt Thường Thị; mọi người biết rằng, Giao Chỉ cổ xưa ứng với vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày nay, được tính từ Ninh Bình trở ra, như vậy Việt Thường Thị là từ Thanh Hóa trở vào. Đó là giới hạn phía bắc. Còn giới hạn phía nam, theo ghi chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư thì phía nam của nước Văn Lang giáp với nước Hồ Tôn, mà Hồ Tôn là nhà nước cổ đại vốn nằm ở phía nam nước Việt Thường Thị, sau này là bộ Việt Thường của Văn Lang, nằm về cực nam Văn Lang. Có một không gian rộng tương đối cho Việt Thường Thị. Cũng vì chỉ định lãnh thổ của Việt Thường Thị như trên, nên nhiều địa phương nằm trong vùng từ Thanh Hóa trở vào, thậm chí đến tận tỉnh Quảng Trị, đều nhận địa phương của mình vốn là đất Việt Thường Thị cổ xưa.
Với hàng ngàn năm lịch sử đã bị quên lãng, người đời sau nhớ về cố quốc như những ảo ảnh, không thật chính xác, cho nên vùng đất Bắc Trung bộ, ở đâu cũng có thể đều là Việt Thường Thị. Nhưng tìm về một Việt Thường Thị đích thực, có giới hạn tuyệt đối, có chứng cứ và có thể chấp nhận được, cần chú ý đến những tàn dư về địa danh của Việt Thường Thị xa xưa; đó là những rơi rớt của Việt Thường Thị, trong các địa danh hành chính của các quận huyện về sau, như: bộ Việt Thường, huyện Việt Thường, huyện Nam Lăng… và những địa danh có tiền tố hay hậu tố: Việt…và Thường… Theo hướng đó, tiếp tục khảo sát các địa danh có liên quan:
Bộ Việt Thường: Cuối thế kỷ thứ VII tr CN (696-682 tr CN), Hùng Vương thôn tính 15 bộ lạc, thành lập nước Văn Lang. Một trong 15 bộ lạc đó có Việt Thường, tức là Nhà nước Việt Thường Thị cổ đại bị thôn tính, tên nước bị xóa, biến thành một bộ (lạc) của Văn Lang. Vùng đất được nhiều nơi nhận là Việt Thường Thị từ Thanh Hóa trở vào, có các bộ: Việt Thường, Cửu Chân, Cửu Đức, mà Cửu Chân thuộc đất Thanh Hóa, Cửu Đức thuộc đất Hà Tĩnh - Nghệ An; như thế, Việt Thường là một bộ (lạc) mạnh, đứng thứ hai trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang của Hùng Vương.
Huyện Việt Thường: Sau gần nửa thiên niên kỷ tồn tại, Nhà nước Văn Lang của Hùng Vương bị thay thế bởi Nhà nước Âu Lạc của An Dương vương; từ đó địa danh Việt Thường không còn tồn tại trong danh sách địa danh hành chính Âu Lạc và cả trong quá trình lịch sử từ nhà Triệu đến nhà Tây Hán - Đông Hán (206 tr CN-220 CN), trên đất Việt Thường Thị xuất hiện địa danh Hàm Hoan, là một huyện, và cần lưu ý rằng huyện được thành lập vào thời Hán có phạm vi rất rộng. Mãi đến thời Tam Quốc (220-280) và Lưỡng Tấn (265-317, 317-420), thấy xuất hiện lại địa danh Việt Thường, là một huyện thuộc quận Cửu Đức. Đào Duy Anh trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời viết: "5. Quận Cửu Đức. Là tương đương với huyện Hàm Hoan thời Hán. Huyện Cửu Đức là quận trị, tất là ở huyện trị của huyện Hàm Hoan đời Hán, có lẽ là miền Hưng Nguyên ngày nay. Huyện Hàm Hoan đời Đường sẽ là Diễn Châu, có lẽ là tương đương với miền bắc tỉnh Nghệ An ngày nay. Thủy kinh chú (q.36) chép rằng: "Từ Hàm Hoan vào Nam, hươu hoẵng đầy gò, kêu gọi vang đồng, chim công bay liệng, che rợp quanh núi. Vượt qua bể Tạc Khẩu đến Cửu Đức… Cửa sông Cửu Đức phía trong qua suối Việt Thường, suối Cửu Đức, suối Nam Lăng. Theo Tấn thư. Địa đạo ký, thì quận Cửu Đức có suối Nam Lăng, do nhà Tấn đặt". Xem thế thì thấy rằng, huyện Việt Thường và huyện Nam Lăng đều ở về phía nam Cửu Đức, mà đều có suối, tức sông chảy xiết. Thủy kinh chú lại chép rằng: Thái thú Giao Chỉ nhà Tấn là Đỗ Tuệ Độ, từ suối Nam Lăng ra đến Nam Giới man, tiến chiếm được Hoành Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, có cửa biển Nam Giới. Như thế thì có lẽ Nam Lăng là tương đương với miền nam huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay (bản in của Nxb Thuận Hóa; 1999; tr.77-78).
Suối Việt Thường - Việt Thường cứu: Trong Hán tự cứu là để chỉ những dòng nước chảy mà hai bên bờ ken đầy những doi cát, hay là dòng nước chảy trong thung lũng. Các thư tịch cổ của Trung Quốc, nói nhiều dòng chảy ở nước ta thời cổ là cứu, chẳng hạn như: Kim Khê cứu, về thời Hai Bà Trưng, mà cố học giả Đinh Văn Nhật chứng minh rằng đó là thung lũng Suối Vàng, tức là địa bàn đặt căn cứ Cấm Khê, nơi cố thủ cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Hán do Hai Bà Trưng khởi xướng và chỉ huy. Suối Việt Thường hay Việt Thường cứu là một trong 52 con suối chảy trong đất Cửu Đức, mà sách Tiền Hán. Địa lý chí chép rằng: Quận Cửu Chân có 52 ngòi nước, đều gọi là cứu cả. Tên gọi suối Việt Thường, có lẽ xuất hiện cùng thời với tên huyện Việt Thường và là con suối chảy trong đất Việt Thường. Học giả Đặng Xuân Bảng, trong sách: Sử học bị khảo chỉ định: "Huyện Việt Thường, nay là đất huyện La Sơn. Vậy thì Việt Thường cứu (suối Việt Thường), tức là sông La, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay" (SHBK. Tr. 213). Sách Thủy kinh chú nói rằng: "Sông nhánh Cửu Đức chảy thẳng vào Việt Thường cứu". Nếu sông La là suối Việt Thường, thì sông Cửu Đức, tức là sông Lam, hợp lưu với sông La ở khoảng Ngã ba Phủ để làm thành sông Cả, theo hướng nào? Đổ ra cửa Hội Thống như hiện tại hay xuôi về đông nam, đổ vào biển ở phía nam núi Nam Giới? (Bùi Thiết. Những phát hiện mới về địa danh liên quan đến Việt Thường Thị cổ đại. Tạp chí VHHT; số 9.2015).
Theo những nguồn tài liệu đã được xử lý, chúng tôi nhất trí với Đặng Xuân Bảng, khi chỉ định Việt Thường cứu, tức là sông La, nhưng không phải là dòng chảy của sông La đương đại, mà là sông La từ hơn 1.400 năm trở về trước. Bước đầu có thể vạch ra dòng chảy của sông La như sau: Từ Linh Cảm, hợp lưu của hai con sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu, dòng chảy qua xã Bùi Xá (huyện Đức Thọ), theo hướng đông nam, qua xã Đức Thủy, chảy về thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, nơi có sông Nghèn, lại theo hướng đông nam chảy về Thạch Kênh, nơi có sông Dà, vào sông Cày, qua xã Thạch Sơn, xã Hộ Độ rồi đổ ra biển ở xã Thạch Đỉnh, phía nam núi Nam Giới. Cách ngày nay chừng 1.500 - 1. 200 năm, do biến đổi của địa chất, hệ thống cồn cát ven biển từ Cửa Sót vào đến Hoành Sơn hình thành, chắn lấp cửa của các dòng chảy đổ ra biển, do đó một số cửa sông phải dời vị trí, chẳng hạn cửa sông Ngàn Mọ, vốn có dòng chảy hướng bắc, đổ vào biển tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, buộc sông Ngàn Mọ, khi đến ngã ba Mọ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tách làm hai dòng: Một dòng theo hướng đông nam, rồi đổ ra cửa Nhượng và một dòng theo hướng bắc đổ ra biển ở phía bắc núi Nam Giới. Suối Việt Thường, tức sông La vừa nói đến ở trên, cũng buộc phải đổi dòng, nước không thể đổ ra biển ở phía nam núi Nam Giới, buộc phải ngoặt lên hướng đông bắc đổ ra cửa Hội Thống. Một thời sông La, đoạn từ chỗ hợp lưu với sông Lam về đến Cửa Sót là một dòng chảy lớn, mà dân gian còn lưu truyền sự mênh mông của dòng chảy này, và chỉ định dòng chảy với giới hạn: Đầu Mêêng cuối Sót (đầu dòng chảy là Minh - Hán hóa của Mêêng- đổ vàò biển ở Cửa Sót). Dòng chảy sau khi đổi dòng, khoảng từ cống Trung Lương đến sông Hộ Độ, chỉ còn lại những dòng chảy nhỏ, có những tên gọi theo từng địa phương mà dòng chảy đi qua, như: sông Minh Lương, sông Đò Trai, sông Cài, sông Nhe, sông Bàn Thủy… nhận nước từ đồng ruộng và những dòng chảy từ phía tây xuống, và hình thành hệ thống sông như chúng ta thấy ngày nay. Đoạn này cũng chính là một cấu thành trong hệ thống Kênh Nhà Lê, được khai mở từ thời Tiền Lê, kéo dài đến hết thời Nhà Trần.
Như vậy suối Việt Thường là một minh chứng lịch sử đích thực về sự hiện diện của các địa danh Việt Thường, vốn có nguồn gốc từ Nhà nước Việt Thường Thị cổ đại.
Các địa danh có yếu tố …Việt… và …Thường…..
Việt Thường Thị không chỉ được duy trì trong hệ thống các địa danh hành chính cấp quận huyện, trong lịch sử hành chính đất nước, mà còn được bảo tồn trong hệ thống các địa danh tự nhiên trong vùng. Theo điều tra và thống kê ban đầu, chúng tôi thu thập được một số địa danh (hành chính, tự nhiên…), mang trong danh xưng của mình, những cấu thành là Việt và Thường. Sau đây là một số dẫn liệu:
Việt Sơn: Tên gọi của một ngọn núi, nay thuộc thôn Vĩnh Khánh, xã Việt Yên Thượng; nay thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trong dân gian gọi là rú Choèn (bởi vì núi thấp choèn), núi có hình dáng giống như một mâm (cỗ) xôi, nên có tên gọi là núi Mâm Xôi. Núi Việt theo truyền ngôn là ngọn núi nằm ở đầu nguồn của suối Việt Thường, mà ngã ba Tam Soa, tức Linh Cảm, được coi như khởi đầu của sông La.
Việt Tĩnh. Là tên gọi của một ngọn núi và một suối nước ngầm trong núi đó, xuất phát từ dãy Hoành Sơn, ở phía tây huyện Kỳ Anh, đổ về xuôi, đến xã Kỳ Hoa, nay thuộc thị xã Kỳ Anh thời đột khởi lên. Có thể là một tàn dư của địa danh Việt Thường?
Việt Yên hay Yên Việt: Là tên một đơn vị hành chính cơ sở (xã) trước thế kỷ XIX và tên gọi của một đơn vị hành chính cấp tổng (trên tổng là huyện, dưới tổng là xã, thôn…) trước năm 1945. Nay thuộc đất các xã Trường Sơn, Tùng Ảnh… huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tên tổng Việt có thể là tàn dư của địa danh Việt Thường?
Phù Việt và Việt Xuyên: Là hai đơn vị hành chính cơ sở có từ thời Lê cho đến trước năm 1945. Nay vẫn là hai xã Phù Việt và Việt Xuyên, huyện Thạch Hà. Hai xã này nằm sát bên bờ dòng chảy của suối Việt Thường cũ. Có thể là một tàn dư của địa danh Việt Thường?
Thường Nga: Tên gọi của một đơn vị hành chính cơ sở, hình thành từ cuối thời nhà Trần, trong vùng đất khai phá của Hoàng hậu Bạch Ngọc. Nay là xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Có thể là tàn dư của địa danh Việt Thường cũ?
Những chứng cứ vừa dẫn, có thể là những thông tin để chúng ta tìm về địa vực, phạm vi của nhà nước Việt Thường Thị cổ đại và các huyện Việt Thường cách đây hơn 1.000 năm. Tất nhiên để có được một kết luận về địa vực của nhà nước cổ đại Việt Thường Thị, thì đây chỉ là tham khảo
Thời gian tồn tại của nhà nước cổ đại Việt Thường Thị.
Như đã dẫn ở trên, thì Việt Thường Thị bị Hùng Vương của Văn Lang thôn tính, sáp nhập và biến thành một bộ (lạc) của Văn Lang vào khoảng từ năm 696 - 682 tr CN. Như vậy thời điểm kết thúc của Việt Thường Thị, có thể được khẳng định, nếu có thông tin mới, mốc thời gian cuối chót này sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp.
Vấn đề còn lại là thời gian khởi đầu của Việt Thường Thị. Các thư tịch của Trung Quốc thì không nói đến kết thúc của Việt Thường Thị, mà lại nói đến thời gian tồn tại của Việt Thường Thị, khi so sánh với Trung Quốc cổ đại. Sách Sử ký chép rằng: Việt Thường thị có từ thời Nghiêu đến thời Chu, là hơn hai ngàn năm. Sách Thông giám cương mục, do Chu Hy (1130-1200) biên soạn, thì nói rằng:"Năm Mậu Tuất thời Đường Nghiêu năm thứ 5 (2353 tr CN), có Man Di, Việt Thường Thị rợ đến chầu, hiến con rùa lớn". Các bộ sử chính thống thời Trung đại của Việt Nam cũng không đề cập đến vấn đề khởi nguồn của Việt Thường Thị.
Như vậy, bước đầu có thể xác định được rằng, Việt Thường Thị có trước Văn Lang của Hùng Vương, ít ra phải hơn 500 năm, cũng có thể lùi về đến năm 2353 tr CN và xa hơn nữa, nếu có thêm những thông tin tin cây?
Kinh đô của nhà nước cổ đại Việt Thường Thị.
Trước hết cần phải khẳng định một cách dứt khoát rằng, đã có nhà nước, cho dù là nhà nước tối cổ sơ khai như thế nào đi chăng nữa, thì phải có trung tâm, tức là nơi mà sau này gọi là Kinh đô. Đã thừa nhận có nhà nước Việt Thường Thị là phải có Kinh đô cho Việt Thường Thị. Nhiều nhà nước cổ đại còn để lại dấu vết Kinh đô của mình, và rất nhiều nhà nước cổ đại khác không để lại dấu tích của cố đô, mà những cuộc tìm kiếm các cố đô thường rất hấp dẫn giới nghiên cứu. Đến như cố đô của nhà nước Văn Lang của Hùng Vương, tuy được xác định ở vị trí vùng đền thờ Hùng Vương, ở Phú Thọ ngày nay, nhưng chưa có bằng chứng vật chất để có thể xác nhận về một cố đô đích thực của Văn Lang.
Về Kinh đô của Việt Thường Thị, lại là một vấn đề rất khó, có thể có hai cách trả lời: Thứ nhất, là Kinh đô của Việt Thường Thị phải được đặt trên đất của Việt Thường Thị, đó là một tất yếu. Thứ hai,vị trí chính xác và cụ thể của Kinh đô là ở đâu? Những thư tịch vừa trích dẫn ở trên, không cung cấp cho chúng ta những thông tin tin cậy về cố đô này. Nhưng qua khảo sát và ngoại suy có thể có được một chỉ định ban đầu về Kinh đô của Việt Thường Thị.
Theo đó, bước đầu hãy tìm kiếm những dấu vết của các trung tâm - lỵ sở của huyện Việt Thường, được thiết lập và thiên niên kỷ I sau CN. Huyện Việt Thường, như chúng tôi trình bày ở trên thì huyện Việt Thường, nằm trên đất Hà Tĩnh, có người còn khẳng định là thuộc đất huyện La Sơn hay La Giang, sau là huyện Đức Thọ (huyện Đức Thọ trước đây bao gồm một phần của các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, và của thị xã Hồng Lĩnh). Thế thì huyện lỵ của huyện Việt Thường phải nằm đâu đó ở trong vùng? Gần đây ông Lê Hải Nam, công bố bài thơ: Từ Sùng Sơn đi Việt Thường của nhà thơ Trung Quốc Thẩm Thuyên Kỳ (656-714), ông đậu Tiến sỹ năm 675, viết về Việt Nam thời đó. Bài thơ nói về lộ trình từ núi Sùng Sơn đến huyện Việt Thường (đây phải hiểu là trung tâm hay huyện lỵ huyện Việt Thường đầu thế kỷ thứ VIII) là 40 dặm, tức là khoảng 20km (trích dẫn theo sách: Đức Thọ Đất và Người. Đoàn Tử Huyến (chủ biên); Nxb Đại học Vinh và TTVH NN Đông Tây; 2015; tr.853-855). Nếu thông tin này chính xác, có thể khẳng định, huyện lỵ Việt Thường nằm đúng trên địa bàn huyện Đức Thọ trước đây và nay thuộc địa phận thị xã Hồng Lĩnh. Nhưng nơi nào trên đất thị xã Hồng Lĩnh, phải được tiến hành bằng những cuộc nghiên cứu khám phá mới, may ra mới có thể xác định được vị trí của huyện lỵ? Theo dự báo của chúng tôi, thì huyện lỵ Việt Thường, có thể nằm trên đất xã Đức Thuận và phường Trung Lương (Trung Lương -Vân Chàng), vùng bao quanh núi Ngọc?
Một khi đã xác định được vị trí của huyện lỵ huyện Việt Thường, có thể cho phép tìm về trung tâm của bộ (lạc) Việt Thường thời Văn Lang của Hùng Vương; và trung tâm của bộ (lạc) Việt Thường, chính là huyện lỵ Việt Thường vừa nói đến. Lần về thuở xa xưa, thì đó chính là cố đô của Việt Thường Thị mà chúng ta đang tìm kiếm.
Cư dân của nhà nước cổ đại Việt Thường Thị
Những phát hiện của giới khảo cổ học trong thời gian qua về những cư dân cổ sinh sống trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có niên đại từ 4.000 đến 3.000 năm trước, là chủ nhân của các nền văn hóa KHC Thạch Lạc, Quỳnh Văn, Bàu Tró…Là những cư dân sinh sống vào giai đoạn chuyển biến từ xã hội nguyên thủy sang xã hội văn minh, tức là xã hội Cổ đại, thời kỳ của xã hội Chiếm hữu Nô lệ. Cư dân của các nền văn hóa KCH đó không chỉ hoàn thiện công nghệ chế tác bằng đá, kỹ năng sản xuất đồ gốm và đã biết đến công nghệ rèn - chế tác công cụ lao động bằng sắt. Có thể khẳng định chủ nhân của các di chỉ KCH Thạch Lạc (Thạch Hà), Rú Trò và Phái Nam (Thạch Lâm, Thạch Hà), Chợ Thành (Cẩm Thach, Cẩm Xuyên), Thạch Đài (Thạch Hà). Bãi Cọi - Bãi Phôi Phối (Nghi Xuân), Rú Dầu (Đức Đồng - Đức Lạc (Đức Thọ)…là chủ nhân đích thực của nhà nước cổ đại Việt Thường Thị?
Kinh tế-văn hóa-xã hội của nhà nước cổ đại Việt Thường Thị.
Đây là hệ thống các vấn đề về đời sống của cư dân và nhà nước cổ đại Việt Thường Thị mà giới nghiên cứu cần làm sáng tỏ, sau khi đã khẳng định về sự tồn tại có thật của nhà nước cổ đại này. Trong khi chờ đợi để có được những nhận thức đầy đủ hệ thống các vấn đề trên; tạm thời chúng tôi phác vẽ ra một toàn cảnh mờ nhạt về nó, mong được những ai quan tâm đến Việt Thường Thị cùng chia sẻ với những thông tin này.
Trên đại thể, cư dân của Việt Thường Thị đang trong quá trình tiến từ chế độ xã hội Nguyên thủy sang những bước ban đầu và đã đặt chân vào chế độ xã hội văn minh cổ đại. Ở ngưỡng cửa của hai chế độ xã hội đó, được minh chứng bởi nền kinh tế của Việt Thường Thị; một mặt vẫn duy trì một cách trọn vẹn của kinh tế săn bắt - hái lượm, nhưng đã phát triển nông nghiệp trồng cây lương thực (lúa, khoai và các cây củ) và chăn nuôi; một trong những tiến bộ vượt bực của cư dân Việt Thường Thị là đã biết đến nguyên liệu sắt và sáng tạo ra kỹ nghệ rèn luyện sắt, dùng nguyên liệu sắt làm công cụ lao động, thay thế công cụ bằng nguyên liệu đá truyền thống. Chính với việc con người dùng nguyên liệu sắt làm công cụ lao động là tiêu chí hàng đầu để khẳng định cư dân đó đã đạt đến trình độ của xã hội văn minh cổ đại. Tại vùng trung tâm của Việt Thường Thị cổ đại, giới khảo cổ học đã tìm ra một số di chỉ thuộc thời đại kim khí, chẳng hạn: như đồ đồng ở thị trấn Xuân An; dấu vết lò luyện sắt ở Xuân Giang. Một nguồn thông tin khá quan trọng, là trong dân gian lưu truyền những huyền thoại về nghề rèn sắt ở vùng quanh núi Hồng Lĩnh từ thời cổ; đó là huyền thoại Ông Khổng Lồ, tại Trung Lương - Vân Chàng (thị xã Hồng Lĩnh); hoặc như truyền thuyết Ma lễ tự Đại vương, tại vùng Nghi Xuân. Hai huyền thoại này khẳng định đó là hai con người vĩ đại, như Ông Khổng Lồ đã dùng cánh tay chọc sâu và móc quặng sắt từ trong lòng núi Hồng Lĩnh ra, đặt bể thổi, lấy đầu gối làm hòn đe và nắm tay làm búa, miệng thổi bể…rèn ra hết thảy mọi công cụ lao động, ban phát cho mọi người làm ăn, rồi truyền dạy cho dân trong vùng nghề khai thác quặng sắt cũng như nghề rèn ra các công cụ lao động. Từ trung Lương - Vân Chàng, suốt hàng ngàn năm nay, nghề rèn sắt được lan truyền khắp trong nam ngoài bắc; hiện nay nhiều làng rèn khắp nước đã tìm về Trung Lương - Vân Chàng nhận Ông Khổng Lồ là Tổ nghề rèn của mình và nhận Tông tộc dòng họ. (Bùi Thiết. Từ điển Hà Tĩnh. Sở TT-VH Hà Tĩnh. 2000). Có một nền kinh tế phát triển, văn hóa - xã hội của Việt Thường Thị, theo đó mà ổn định và phát triển. Tuy chưa có nhiều dấu tích về văn hóa của cư dân Việt Thường Thị, nhưng bước đầu có thể dẫn một vài ví dụ làm bằng; chẳng hạn sách Việt chí, (của Trung Quốc cổ, nay đã thất lạc) nói rằng: Thơ lục bát là của người Việt cổ có từ 2.800 năm trước. Rõ ràng lục bát là thể thơ của người Việt cổ (nay là Việt Nam), rất lâu đời và phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh, mà thời gian xuất hiện là thời gian tồn tại và phát triển của Việt Thường Thị, nên Việt cổ chính là Việt Thường Thị. Cùng với lục bát và có trước lục bát là vè 4 (5) chữ, cũng là sáng tạo của cư dân Việt Thường Thị, trên cơ sở của vè và lục bát mà cư dân cổ đã sáng tạo nên Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, đã được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho Nhân loại (Bùi Thiết. Nhận thức về Dân ca Ví-Dặm Nghệ Tĩnh. Tạp chí Thế giới Di sản.số 1-2; 2015; tr 34-37).
Những gì mà chúng tôi trình bày ở trên, mới là một phác thảo về nhà nước cổ đại Việt Thường Thị, mong được sự chia sẻ của mọi người. Để có được những nhận thức đầy đủ hơn về Việt Thường Thị đang chờ đợi những cố gắng của những ai từng tin tưởng có một nhà nước Việt Thường Thị như chính sự tồn tại trong lịch sử của nó và của tất cả mọi người yêu mến nhà nước và dân cư cổ đại này. Chăc chắn rằng Việt Thường Thị sẽ được sống lại trong tâm trí của hậu duệ của Việt Thường Thị muôn ngàn đời sau ./.
Bùi Thiết
(Bài viết trích trong Kỷ yếu Hội thảo "Hồng Lĩnh lịch sử, huyền sử và đương đại")