Hồng Lĩnh là tên một dãy núi cao 99 ngọn, kéo dài từ Cửa Hội, qua Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc…, nằm giữa 1 bên là biển, 1 bên là dòng sông Lam. Đây là một địa hình thiên nhiên thuận lợi mà con người lựa chọn để cư trú - cận thủy, cận sơn.

PGS.TS. Hoàng Văn Khoán (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận "Hồng Lĩnh thời tiền sử đến lịch sử" tại hội thảo

Lớp người ở sớm nhất, cách đây 5.000 năm, cư trú trên một gò đất cao ở xã Xuân Viên, gọi là bãi Phôi Phối, nằm kề một con lạch nhỏ thượng lưu sông Mỹ Dương, đối diện với núi Yên Phu của dãy Hồng Lĩnh. Khảo cổ học đã khai quật địa điểm này, phát hiện các loại rìu bằng đá mài, cuốc đá, các chõ, bàn nghiền, chày nghiền hạt (tiền thân các cối đá giã gạo), rất nhiều đồ gốm; đặc biệt các nồi gốm đáy nhọn rất giống với các nồi ở địa điểm Quỳnh Văn - Nghệ An.

Cư dân bãi Phôi Phối là những người chủ yếu làm nông nghiệp dùng cuốc, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp để làm thức ăn. Bãi Phôi Phối thuộc hệ thống văn hóa Bàu Tró dọc bờ biển từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình.

Bên bờ sông Lam, thuộc địa phận xã Xuân An, Nghi Xuân, do nước xói mòn đã lộ ra một địa điểm khảo cổ. Nhân dân địa phương đã nhặt được 20 chiếc rìu lưỡi xéo bằng đồng có kích cỡ lớn, lưỡi cày bằng đồng vai ngang. Đặc biệt có những nồi đồng có bám các xỉ đồng. Cũng tại xã Xuân An đã phát hiện 1 lò luyện sắt. Lò có hình tròn được đắp bằng đất sét trộn trấu, có cửa thổi gió, cửa thải xỉ. Loại lò này khá giống với những lò ở địa điểm Đồng Mỏm, Diễn Châu. Hai điều kiện thuận lợi cho nghề luyện sắt là quặng sắt. Than được khai thác ở núi Hồng. Trên các đỉnh núi có rất nhiều quặng sắt lộ thiên.

Căn cứ vào cấu trúc của lò và những xỉ sắt để lại xung quanh thì tính chất kỹ thuật là nấu quặng loại bỏ các ôxít sắt (Fe2O3, Fe3O4) để lấy sắt (Fe). Phương phấp luyện sắt như thế được khoa học gọi là hoàn nguyên trực tiếp.

Như vậy, Xuân An dưới chân núi Hồng Lĩnh, cư dân ở đây đã biết đúc đồng và luyện sắt. Đó là một tiến bộ rất lớn để sản xuất công cụ lao động và vũ khí, thúc đẩy nền kinh tế sản xuất.

Những di tích và di vật ở Xuân An thuộc về nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở Việt Nam thế kỷ thứ V trước Công lịch.

Trong những năm gần đây, cũng ở xã Xuân Viên dưới chân núi Hồng Lĩnh, khảo cổ học đã phát hiện di tích Bãi Cọi, liền kề bãi Phôi Phối.

Bãi Cọi nằm trong thung lũng Hồng Lĩnh, phía Đông là Rú Vực, dưới chân là Rào Vực, thượng nguồn của sông Mỹ Dương chảy qua các xã Xuân Mỹ, Xuân Hoa, Xuân Liên, Xuân Song rồi theo lạch Đồng Kèn đổ ra cửa biển Cương Gián; phía Tây là núi Rú Lần và cánh đồng Cửa Mụ, phía Nam là cánh đồng khu Mây, phía Bắc hiện là đồng lúa của xã. Đây là điều kiện tự nhiên khá lý tưởng cho con người.

Qua 3 lần khai quật: 2008, 2009 và 2012 các nhà khảo cổ đã tìm thấy một khu mộ táng có các quan tài hình chum, bình, vò và mộ đất.

Di vật tìm thấy là đồ tuỳ táng như khuyên tai 2 mấu màu xanh ngọc, với những quan tài hình chum có nắp đậy hình nón cụt là đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh.

Các di vật như chõ, rìu sắt hình chữ U, lưỡi cày đồng vai ngang dọi xe chỉ…, cùng với các loại mộ đất là đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.

Trong các di vật có 1 cây dao sắt, bị vỡ vụn, nhưng các nhà khai quật đã phục chế, làm rõ hình dáng ở phần chuôi được uốn thành hình bầu dục. Đây là loại dao đã tìm thấy trong ngôi mộ Việt Khê - Hải Phòng. Loại dao này đặc trưng của thời Chiến Quốc (Trung Quốc), 1 loại đao tiền (tiền hình dao).

Kết quả khai quật đã xác định, Bãi Cọi là một khu mộ táng của người Sa Huỳnh tồn tại trong khoảng 5 thế kỷ, từ thế kỷ III trước công nguyên đến thế kỷ II sau công nguyên.

Sa Huỳnh ở Bãi Cọi đã có sự giao lưu với văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc. Dao tiền Chiến Quốc, không là sự giao lưu trực tiếp của Trung Quốc mà là di vật giao lưu gián tiếp qua cư dân Đông Sơn.

Sự có mặt của khu mộ táng Sa Huỳnh ở Bãi Cọi làm thay đổi về nhận thức sự phân bố di tích văn hóa Sa Huỳnh. Trước đây, các nhà Sa Huỳnh học cho rằng Thừa Thiên là ranh giới của văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn. Nay ranh giới của 2 nền văn hóa này đã ra tới tận Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, nơi đất lành chim đậu.

Cũng dưới chân Hồng Lĩnh, khảo cổ học đã phát hiện khu mộ táng thời kỳ lịch sử. Đây là khu mộ mà quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng. Khu mộ này nằm trên cánh đồng Đầm thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh; phía Bắc giáp chân núi Hồng Lĩnh, cách bờ biển 4 cây số về phía Đông; phía Nam có hồ Cù Lầy, đền Cả và sông Nghèn.

Chúng tôi đã cùng với Bảo tàng lịch sử Hà Tĩnh khai quật 2 mộ vào năm 2004.

Ngôi mộ thứ nhất ở độ sâu 1,2m so với mặt đất. Trong mộ có 2 quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng. Tấm thiên trên quan tài chính là tấm gỗ được cưa từ thân cây đó. Hai quan tài đặt song song theo hướng Đông Bắc - Tây Nam hướng về chân núi Hồng Lĩnh. Dưới quan tài là một khung gỗ gồm nhiều thanh, cố kết bằng đinh sắt để định vị.

Quan tài thứ nhất có chiều dài 2,26m; rộng 0,49m. Trong quan tài trên là đất bùn, dưới cùng là 1 lớp đất đen có lẽ phần lắng đọng của thi thể bị hoại, dày 0,15 - 0,18cm. Dưới đáy là than củi, lá cây dài từ 0,4 - 0,5cm. Phần đầu có dấu vết vải, chắc là vỏ gối. Dưới lớp vải là chè khô, gạo rang, có 11 đồng tiền đặt ngang bụng.

Quan tài thứ 2 dài 2,05m; rộng 0,48m. Trên cùng là lớp đất bùn màu vàng, lớp thứ 2 đất màu xám. Dưới cùng là lớp đen giống loại mỡ xe đạp. Trong lớp đất này nhìn rõ 1 chiếc quạt lông chim, cán nạm bạc, cau trầu, vải, dây tết, giữa quan tài có 23 đồng tiền.

Đây là ngôi mộ song táng của 2 vợ chồng. Qua dòng mộ thứ 2 cách mộ thứ nhất 15m cũng có 2 quan tài bằng thân cây khoét rỗng, nhưng gỗ bị mục nát nhiều. Trong lớp đất đen của 2 quan tài có 3 đồng tiền để ngang bụng, sát phía đầu ngoài quan tài có 2 chiếc bình còn nguyên vẹn trong đựng đầy gạo đã đen.

Những người đi xăm tìm cổ vật đã đào nhiều mộ như vậy trên cánh đồng này. Có lẽ đây là một nghĩa trang của 1 dòng họ. Chủ nhân là những người giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội.

Các quan tài được làm bằng 1 thân cây khoét rỗng, có người gọi là quan tài hình thuyền. Đây là một đặc trưng quan tài được phát hiện nhiều nơi trong văn hóa Đông Sơn.

Căn cứ về hai cứ liệu dưới đây để xét về niên đại.

- Trong 2 ngôi mộ tìm thấy 37 đồng tiền. Đồng sớm nhất có niên hiệu Khai Nguyên thông bảo. Đồng tiền có niên hiệu muộn nhất là đồng Chính Hòa thông bảo, đúc theo niên hiệu của Tống Huy Tông 1111 - 1118 tức thế kỷ XII.

Hai chiếc liễn ở đầu quan tài có 2 liễn có màu men vàng, hơi rạn, trên thân, trên nắp đậy có hoa văn màu nâu. Đó là những đặc trưng tiêu biểu của đồ gốm thời Trần mà chúng ta đã biết nhiều nơi trong nước. Trên cơ sở đó, chúng tôi xác định khu mộ thuyền thời Trần ở Thiên Lộc, Can Lộc có niên đại thế kỷ XIII - XIV.

Những mộ quan tài hình thuyền như ở Thiên Lộc, chúng ta đã gặp ở thôn Tân Đình - xã Thạch Vĩnh - Huyện Thạch Hà, ở sườn Nam núi Chung, xã Kim Liên - Huyện Nam Đàn. Ngoài mộ thuyền, những di vật như bình, đĩa, ấm, chén, bát của thời Trần được phát hiện nhiều nơi dưới chân núi Hồng Lĩnh và Hồng Lĩnh đã trở thành một khu vực địa văn hóa lịch sử trong tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.

Dưới chân núi Hồng Lĩnh con người đến sinh sống từ hậu kỳ đồ đá mới thuộc hệ thống văn hóa Bàu Tró cách đây 5.000 năm lại nay, rồi kế tiếp các thời, phát triển giao lưu cho đến thời Trần - một thời đại lịch sử vẻ vang của dân tộc. Hồng Lĩnh ngày nay vẫn sừng sững 99 ngọn cao, nhân tài tú phát, thị xã mang tên Hồng Lĩnh, chứa đựng trong đó một nội hàm phong phú của thiên nhiên, con người, văn hóa và lịch sử./.

PGS. TS. NGND. Hoàng Văn Khoán-Trường Đại học KHXH & NV,Đại học Quốc gia Hà Nội(bài viết trích trong Kỷ yếu Hội thảo" Hồng Lĩnh: Huyền sử, Lịch sử và Đương đại")

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Hoàng Văn Khoán, Mai Hồng Khánh: Khu luyện sắt Nghi Xuân, Hà Tĩnh, NPHMV KCH 1997. Tr 148.

2. Hoàng Văn Khoán: Những hiện vật phát hiện ở xã Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh, NPHMV KCH 1995. Tr 413.

3. Nguyễn Xuân Phương, Võ Văn Tuyển: Khu mộ táng cổ ở núi Chung, Nghệ Tĩnh, NPHMV KCH 1983. Tr 187

4. Hà Văn Tấn: Khai quật di chỉ bãi Phôi Phối, NCHMV KCH 1976. Tr119.

5. Bùi Vinh, Nguyễn Trung Chiến: Mộ thuyền ở Tân Đình. NPHMV KCH 1983. Tr.222 - 223.

6. Di tích Bãi Cọi: Báo cáo hợp tác nghiên cứu Hàn Việt, quyển 3 năm 2014.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.334.666
Online: 84