Dự án Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh do Công ty cổ phần Sợi Nghệ Tĩnh làm chủ đầu tư, chuyên sản xuất sợi OE phục vụ công nghiệp may mặc. Nhà máy được xây dựng tại Cụm công nghiệp Nam Hồng với công suất 18.720 tấn/năm, tổng mức đầu tư 599,98 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 khởi công từ đầu năm 2023 có tổng mức đầu tư hơn 292 tỷ đồng gồm các hạng mục: hệ thống hạ tầng kỹ thuật, văn phòng, nhà làm việc; lắp đặt 1 hệ thống dây chuyền cung bông và máy chải, 9 máy kéo sợi, 3 máy ép kiện... Giai đoạn 2 và giai đoạn 3, chủ đầu tư sẽ tiến hành lắp đặt thêm 2 dây chuyền sản xuất sợi với tổng mức đầu tư hơn 307 tỷ đồng (cả 2 giai đoạn) và dự kiến hoàn thành trong năm 2026.

Đến thời điểm hiện tại, trên công trường dự án Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh, hàng trăm kỹ sư, công nhân của các nhà thầu đang tích cực thi, công lắp đặt hệ thống dây chuyền sản xuất sợi, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà xưởng, khu nhà văn phòng và các công trình phụ trợ.

Công ty TNHH Truetzschiler Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) là nhà thầu cung cấp và lắp ráp, chuyển giao công nghệ hệ thống dây chuyền cung bông, máy chải... cho Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh. Hiện, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và công nhân của công ty đang tập trung tối đa để hoàn thành lắp ráp các thiết bị dây chuyền đảm bảo tiêu chuẩn, tiến độ đề ra. 

 Kỹ sư Công ty TNHH Truetzschiler Việt Nam lắp đặt màn hình điều khiển hệ thống dây chuyền cung bông.

Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh được đầu tư đồng bộ với hệ thống máy móc hiện đại đến từ các thương hiệu nổi tiếng của châu Âu.  ảnh Kỹ sư Nguyễn Tiến Nam - Công ty TNHH Truetzschiler Việt Nam căn chỉnh máy chải TC19 hiện đại của Đức.

Kỹ sư Phạm Duy Tiến (Công ty TNHH Truetzschiler Việt Nam) cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành lắp ráp trên 90% khối lượng dây chuyền sản xuất sợi. Dự kiến đến giữa tháng 4/2024, công ty sẽ bàn giao toàn bộ dây chuyền cho chủ đầu tư để đi vào vận hành sản xuất”.

Các dây chuyền vận hành tự động với độ chính xác cao giúp tăng năng suất, giảm thiểu chi phí nhân công. Sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, nhà máy sẽ đạt công suất hơn 4.000 tấn sợi OE/năm.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sợi Nghệ Tĩnh, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp sản phẩm sợi chất lượng cao phục vụ xuất khẩu thị trường châu Âu, ước nộp ngân sách hàng năm khoảng 35 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 200 lao động với mức thu nhập từ 7-12 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Kỹ sư lắp đặt hệ thống điện của dây chuyền sản xuất sợi

Đồng chí Tôn Quang Ngọc, PCT UBND thị xã Hồng Lĩnh cùng các phòng, ban chức năng kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy sợi.

Cũng theo ông Đức, đến thời điểm này, các hạng mục dây chuyền sản xuất sợi trong giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động sản xuất vào đầu tháng 5/2024. 

Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Tân Bình Mạnh (Nghệ An) là nhà thầu thi công các hạng mục hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà xưởng, khu nhà văn phòng và các công trình phụ trợ.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chỉ huy trưởng công trình (Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Tân Bình Mạnh) cho biết: "Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị đang huy động phương tiện, đội ngũ kỹ thuật, công nhân chia ca kíp, bám sát và thi công liên tục để đảm bảo tiến độ cũng như yêu cầu chất lượng công trình”./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 4.697.314
    Online: 8
    ipv6 ready