Sáng ngày 7/5, Trung tâm thực nghiệm Sinh học nông nghiệp công nghệ tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất rươi - lúa trên vùng ven sông tại phường Trung Lương và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên vùng mặn, lợ thuộc đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng nuôi rươi kết hợp trồng lúa theo hướng hữu cơ tại thị xã Hồng Lĩnh”
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm thực nghiệm công nghệ sinh học công nghệ cao; đại diện Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật.Về phía thị xã có đồng chí Tôn Quang Ngọc, Ủy viên BTV Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã; lãnh đạo Phòng kinh tế, Trung tâm ứng dụng KHKT và BVCTVN; cấp ủy, chính quyền phường Trung Lương, HTX dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lương và các hộ nông dân tham gia mô hình.
TS Lại Thị Thanh Hương, Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi tại phường Trung Lương được triển khai tại cánh đồng Biền Binh với 35 hộ tham gia trên quy mô 9 ha; sử dụng giống lúa hữu cơ ST25 và hoàn toàn phân bón hữu cơ. Các hộ tham gia mô hình được Thị xã Hồng Lĩnh hỗ trợ 100 % giống lúa và phân bón, quy trình kỹ thuật và tập huấn chuyển giao công nghệ cũng như liên kết đầu ra cho lúa hữu cơ; được cán bộ của Trung tâm thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao thuộc Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, hàm lượng dinh dưỡng trong đất tăng lên và nguồn thiên địch trên đồng ruộng được duy trì và bảo vệ. Đây cũng là môi trường lý tưởng cho rươi sinh trưởng và phát triển.
Ông Nguyễn Bùi Trình, TDP Hầu Đền, Phường Trung Lương nhận thấy: Qua hai năm thực hiện, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa và rươi phát triển, cho thu nhập cao hơn so với trước
Qua hai năm triển khai thực hiện cho thấy: mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi giúp bà con nông dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống cũ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững theo hướng hàng hóa. Riêng năng suất thu rươi thương phẩm của các hộ thuộc mô hình đạt từ 370 - 485 kg/ ha, cao hơn năng suất thu rươi của ruộng đối chứng đạt 154 kg/ ha, cho lãi thuần đạt trên 143 triệu đồng/ ha, cao hơn gần 89 triệu đồng/ha so với mô hình ruộng khai thác rươi tự nhiên.
Đại diện Trung tâm khuyến nông tỉnh đánh giá quá trình sản xuất lúa rươi thời gian qua
Đồng chí Nghiêm Sỹ Hùng, Phó trưởng phòng kinh tế tham luận hiệu quả của mô hình bồ sung giống rươi trên ruộng khai thác rươi tự nhiên
Đồng chí Nguyễn Công Lộc, Chủ tịch UBND phường Trung Lương: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành sau thời gian thực hiện Mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi đã cho hiệu quả kinh tế. Sau khi chuyển giao lại cho phường Trung Lương, phường sẽ nhân ra diện rộng …
Tại hội thảo, các thành phần tham dự đã tập trung phân tích, đánh giá kết quả sau 2 năm thực hiện sản xuất rươi - lúa trên vùng ven sông tại phường Trung Lương.
Đồng chí Tôn Quang Ngọc, Ủy viên BTV Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Tôn Quang Ngọc, Uỷ viên BTV Thị uỷ, Phó chủ tịch UBND thị xã ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả của mô hình sau hai năm thực hiện, cảm ơn Trung tâm thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao thuộc Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam, Sở KHCN và các ngành đã quan tâm giúp đỡ. Đồng chí PCT UBND thị xã nhấn mạnh: Hiện nay dư địa của Trung Lương đang nhiều, chính vì vậy, trong thời gian tới mong các cơ quan, ban ngành quan tâm, phường Trung Lương tăng cường chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lương và bà con nông dân tiếp tục mở rộng để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Trước đó, các đại biểu tham quan thực tế tại cánh đồng Biền Binh, phường Trung Lương./.