Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” Hội nông dân thị xã Hồng Lĩnh đã cụ thể hóa các nội dung của phong trào thi đua hướng về cơ sở, luôn phấn đấu  vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường xanh - sạch - đẹp, đồng thời cũng góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.  

Mô hình chăn nuôi lươn không bùn của anh Trần Văn Thăng xã Thuận Lộc

Xác định là phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong các hoạt thi đua của Hội Nông dân, trong  những năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục được Hội nông dân thị xã Hồng Lĩnh tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. 

Nhiều mô hình kinh tế tổng hợp trên đồng ruộng cho thu nhập cao

Phong trào đã xây dựng được nhiều mô hình SXKD, tạo ra lượng nông sản hàng hóa có chất lượng cao; tác động đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn; góp phần thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong SXKD; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy kinh tế phát triển, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của công cuộc đổi mới; qua đó xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh.

Anh Trần Văn Thăng bên bể nuôi lươn không bùn của mình

Sau nhiều làm ăn xa, đầu năm 2018, anh Trần Văn Thăng ở thôn Chùa, xã Thuận Lộc đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn. Do còn ít kinh nghiệm nên bước đầu vợ chồng anh Thăng chỉ nuôi 5 bể, mỗi bể rộng 7m2 với số vốn gần 200 triệu đồng, bao gồm tiền giống, tiền xây bể, dụng cụ nuôi. Nhờ linh hoạt áp dụng các phương pháp nuôi nên lứa lươn đầu tiên đã đem lại cho anh Thăng nguồn thu nhập khá, đầu năm 2020, anh Thăng mở rộng quy mô từ 5 bể ban đầu lên 18 bể.

Ban đầu từ 5 bể nay anh đã phát triển quy mô lên 18 bể 

Để tạo ra nguồn lươn giống chất lượng, đầu năm 2022, vợ chồng anh Thăng đã thuê đất để xây dựng bể lươn sinh sản rộng hơn 200 m2. Kết quả trong năm 2021, mô hình đã xuất bán được hơn 500 triệu đồng lươn giống và lươn thịt, sau khi trừ các chi phí thu lãi hơn 300 triệu đồng; riêng từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình anh đã xuất bán được hơn 300 triệu đồng, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Đây là nguồn thu khá lớn, giúp gia đình có điều kiện mở rộng quy mô thời gian tới.

Anh Thăng cho biết: “Đến nay, mô hình của anh vừa cung cấp lươn thương phẩm cho thị trường vừa cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho 30 hộ gia đình ở Hà Tĩnh và Nghệ An”.

Mô hình chăn nuôi gà của chị Đinh Thị Lịnh - Thôn Chùa, xã Thuận Lộc quy mô chăn nuôi 5.000 con gà theo mô hình liên kết với Công ty Zafa

Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương là một trong những yếu tố quyết định thành công của đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Điển hình như: Mô hình chăn nuôi gà của chị Đinh Thị Lịnh ở thôn Chùa, xã Thuận Lộc là một điển hình trong quá trình chuyển đổi chăn nuôi liên kết. Quy mô chăn nuôi 5.000 con gà theo mô hình liên kết với Công ty Zafa từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, bao tiêu sản phẩm bước đầu đã đã đưa lại hiệu quả.

Chị Đinh Thị Lịnh ở thôn Chùa, xã Thuận Lộc

Sau một thời gian chăm sóc, vườn ổi lê Đài Loan của anh Bùi Văn Hoàng tại thôn Hồng Nguyệt, xã Thuận Lộc đã thu về những quả ngọt. Với quy mô khoảng 2ha đất, anh Hoàng đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 1000 gốc ổi lê Đài Loan, đây là giống ổi phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên trái thường to, cùi dày và ngọt, đem lại nhu nhập cho anh Hoàng mỗi năm hơn 300 triệu đồng.

Mô hình trồng ổi lê Đài Loan của anh Bùi Văn Hoàng ở thôn Hồng Nguyệt, xã Thuận Lộc

Ông Nguyễn Minh Hạnh – Chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Lộc cho biết: “Sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về các chính sách nên trên địa bàn xã Thuận Lộc có gần 30 mô hình kinh tế của nông dân làm ăn có hiệu quả, cho thu nhập khá cao”

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Đời sống mới, tinh thần mới đã hiện hữu rõ nét trên xã nông thôn mới Thuận Lộc.

Vườn ổi của anh Bùi Văn Hoàng

Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững có vai trò quan trọng trong việc thu hút, gắn kết tập hợp các hội viên, nông dân vào tổ chức hội; tích cực tham gia xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Anh Bùi Xuân Lợi ở TDP Thuận Tiến, phường Đức Thuận bên cạnh những cây mít trĩu quả trong vườn

Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Bùi Xuân Lợi ở TDP Thuận Tiến, phường Đức Thuận có diện tích hơn 3,5 ha đã được xây dựng gần 17 năm, trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả trước kia mà nhiều người đã không làm được. Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của anh có 5 ao cá, gần 2.000 con vịt và gà; hơn 100 cây mít Thái Lan, gần 200 gốc chuối Tây và chuối Và Hương, 200 cây ổi lê Đài Loan, nhãn, hồng xiêm, đu đủ và nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Với phương châm "Lấy ngắn nuôi dài" nhiều mô hình đã đem lại thu nhập cho người nông dân

Với đức tính cần cù, chăm chỉ, chịu khó học hỏi và áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, hiệu quả cao, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Từ nguồn thu nhập, cuộc sống gia đình được cải thiện, anh chị đã có của ăn của để, trả hết tiền vay ngân hàng, tích lũy vốn liếng tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thu nhập bình quân mỗi năm 350 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3 lao động.

Ông Bùi Xuân Lợi - ở TDP Thuận Tiến, phường Đức Thuận, cho biết: “Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình mình, anh chị còn giúp đỡ cho các hộ gia đình trong và ngoài địa phương về kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, tiền vốn, giống cây trồng vật nuôi”.

Mô hình kinh tế tổng hợp của chị Trần Thị Ngân ở TDP Thuận An, phường Đức Thuận có diện tích 1,2 ha trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. 

Mô hinh nuôi cá rô đầu vuông và cá leo của chị Trần Thị Ngân TDP Thuận An 

Tháng 4/2021 được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã, gia đình đã  triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông theo hướng an toàn sinh học, cá leo với quy mô 5.000 con được hỗ trợ cá giống, hỗ trợ thức ăn và chế phẩm sinh học. Mô hình đã phát huy hiệu quả trong sản xuất chăn nuôi đem lại thu nhập khá cho gia đình. 

Mô hình cửa hàng kinh doanh phân bón tổng hợp Ngọc Lĩnh của chị Nguyễn Thị Lĩnh tại thôn Hồng Nguyệt, xã Thuận Lộc

Nhiều mô hình mới đưa lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình nuôi ốc bươu đen, nuôi gà theo mô hình liên kết; mô hình trồng ổi, trồng lê Đài Loan, mô hình trồng hoa cúc vàng…Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thành lập các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoặc chung vốn thành lập các Tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê hiện nay trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh có hơn 130 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Bà Lê Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội nông dân thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Thông qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã động viên được cán bộ, hội viên, nông dân phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế, các HTX, THT, tổ hội nghề nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, tích cực tham gia công tác đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Luôn luôn đồng hành, tìm giải pháp để giúp nông dân yên tâm sản xuất, tạo niềm tin cho nông dân tiếp tục làm ăn có hiệu quả đang là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội nông dân ở thị xã Hồng Lĩnh trong thời gian tới./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 4.838.865
    Online: 34
    ipv6 ready