Thị xã Hồng Lĩnh -  “Mảnh đất  địa linh nhân kiệt”, là nơi có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía bắc tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây nổi danh là một vùng đất sơn thủy hữu tình; với thế núi, hình sông "bao quát càn khôn" và thấm đẫm nhiều vỉa tầng văn hóa. Cùng với khí thiêng của sông núi nơi này, Hồng Lĩnh đã trở thành một không gian huyền thoại, nơi có các di tích, điểm du lịch văn hóa tâm linh khá nổi tiếng như: Chùa Thiên Tượng - “Hoan Châu đệ nhị danh lam”, Khu di tích Đại Hùng, Chùa Hang, Đền Cả, Đền Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ,…. Ngoài ra, khi đến Hồng Lĩnh không thể không nhắc tới một quần thể di tích với nhiều nét khá đặc biệt, đó là Cụm di tích văn hóa Tiên Sơn, tại phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh. Nơi đây, còn gắn liền với truyền thuyết về ông Đùng đắp lên núi Hồng Lĩnh, về các vị tiên giáng thế  và lục vị Tổ sư truyền dạy nghề cho  nhân dân trong vùng.

Toàn cảnh Cụm di tích Tiên Sơn

Từ phía nam cầu Bến Thuỷ, đi vào khoảng hơn 10 km theo đường Quốc lộ 1A, qua Đê La Giang khoảng 50m, du khách rẽ vào đường Tiên Sơn khoảng 500m là đến Cụm di tích văn hóa Tiên Sơn. Cụm Di tích Lịch sử văn hóa Tiên Sơn theo sử liệu thì được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XI, đây là quần thể di tích độc đáo, bao gồm: Đền Tiên, Chùa Tiên, Đền Thánh Mẫu, Đền Bà Chúa Kho và Đền thờ Lục vị Thánh Tổ truyền nghề,…Toàn bộ được toạ lạc trên diện tích khoảng 2ha của ngọn núi Tiên, với hình Ngưu ngọa (con trâu nằm), nơi chứa đựng trong mình nhiều trầm tích văn hoá. Thiên nhiên đã tạo cho Tiên Sơn được bao bọc bởi phía Đông là dãy núi Hồng Lĩnh, phía Bắc có đê La Giang, nơi tiếp giáp của sông Lam, sông La, phía Tây có dòng Minh giang huyền thoại. Trong mạch nguồn văn hoá truyền thống Hà Tĩnh, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đã cho rằng: “Khó có di tích nào như di tích Tiên Sơn, nơi hội tụ đủ các yếu tố văn hoá tín ngưỡng dân gian sâu đậm trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân, của du khách gần xa, để rồi mỗi lần về Hà Tĩnh du khách đều nhớ ghé Tiên Sơn”.

Miếu Tiên - Nơi găn liền với huyền tích các già tiên đánh cờ

Ngọn Tiên Sơn gắn với truyền thuyết ông Đùng là người đã đắp lên núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn trong đó ngọn cuối cùng bị đứt gánh, một đầu rơi xuống thành núi Ngọc  (Ngọc Sơn - phường Đức Thuận), một đầu thành núi Tiên bây giờ. Tương truyền nơi đây xưa kia vốn là chốn thanh bình, tĩnh lặng, những lúc trăng thanh gió mát các già Tiên giáng trần để cùng thưởng trà, đánh cờ và đàm đạo. Tương truyền, trong một lần đang đánh cờ, vô tình người đời nhìn thấy, biết lộ nên các tiên ông vội bay về trời, để lại bàn cờ đá và không còn quay lại nữa. Cũng có truyền thuyết kể rằng, có người con trai lên núi Tiên hái thuốc về chữa bệnh cho cha, nhân gặp và xem Tiên đánh cờ, mới chỉ xem một ván, khi trở về thì cha đã mất và đã mãn tang. Có lẽ nhờ truyền thuyết trên mà nhân dân ở đây đã dựng nên Miếu Tiên để thờ phụng.

Tượng Đức phật Di Lặc trên núi Tiên

Chùa Tiên Sơn

Ngoài Miếu Tiên thì phải kể đến chùa Tiên Sơn, đây là ngôi chùa cổ có niên đại cùng các hạng mục tại cụm di Tiên Sơn; xưa kia chùa được xây dựng khá bề thế và có đông đảo Phật tử thường xuyên hương khói, lễ bái. Chếch về bên hữu của Di tích du khách sẽ bắt gặp miếu thờ Bà Chúa Kho. Theo sử liệu Miếu là nơi tưởng niệm người phụ nữ đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho lương thực quốc gia trong thời kỳ trước và sau Chiến thắng Như Nguyệt (1076).

Đền thờ Bà Chúa Kho

Tương truyền, Bà Chúa Kho là người có nhan sắc tuyệt trần, có công chiêu dân dựng lập làng xóm vùng Đàng Ngoài, giúp nhân dân khai khẩn đất đai nông nghiệp vùng Hoan Châu Nghệ an Thời Lý - Trần. Sau này bà trở thành một vị Hoàng hậu, giúp nhà Vua trong việc kinh bang Đất nước, giữ gìn kho lương. Bà bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077). Cảm kích đối với tấm lòng bao dung của bà, nhà vua đã có chiếu phong cho bà là Phúc Thần, nhân dân Minh Lương của nước Đại Việt nhớ ơn và lập đền thờ ở vị trí kho lương sau chùa trước kia. Đây là ngôi Miếu thờ vọng Bà Chúa Kho duy nhất của dãy đất Miền Trung nguyên mẫu sau Cổ Mễ, Bắc Ninh. Miếu Bà Chúa kho ở Tiên Sơn “Rú Tiên” nhìn về hướng Bắc, phía trước là cánh đồng lúa uốn khúc theo triền núi bên ngã ba Sông Lam, sông La và dòng Minh Giang uốn lượn quanh làng, quanh năm dòng nước trong xanh. Hàng năm, vào ngày giỗ Bà, nhân dân địa phương đều tổ chức rất trang trọng với những nghi thức truyền thống.

Một số hạng mục khác tại di tích

Nằm cạnh Cổng Tam quan là Giếng Tiên, được ví như là mắt rồng liên quan đến huyền tích các già tiên đánh cờ vẫn còn đó, nước quanh năm vẫn trong xanh như đang hiện hữu Già Tiên tóc bạc dội nước về đêm.

Giếng Tiên

Điện chính của cụm di tích Tiên Sơn là đền thờ Tam toà Thánh Mẫu, có kiến trúc bằng gỗ với những nét chạm khắc tinh xảo, đậm nét cuối thế kỷ XVIII, bài trí theo thứ bậc các cung thờ Tam Tứ phủ, là tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tại đây, hàng năm thường tổ chức chầu văn, hầu đồng, với sự tham gia của các giá hầu của các nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan từ trong và ngoài tỉnh tham dự …Cũng  là nơi đã nhiều lần tổ chức thành công Liên hoan nghi lễ chầu văn khu vực với sự tham gia của nhiều đoàn thuộc các tỉnh thành trên toàn quốc và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, tạo cơ hội để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết giữa các địa phương, vùng miền. Với những đóng góp đó, năm 2013, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chọn Cụm di tích Tiên Sơn là Trung tâm bảo tồn nghi lễ chầu văn của người Việt - Một loại hình Di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đền thờ Lục vị Thánh tổ truyền nghề

Di tích Tiên Sơn còn gắn với một thiên truyền thuyết ông Khổng Lồ - ông Đùng, vì có công gây dựng làng rèn Trung Lương nên dân làng đã dựng đền, đúc tượng thờ tại Rú Tiên. Trong bài văn tế còn ghi “Cửu khố hắc đồng, bán nang vị mãn” (chín kho đồng đen chưa đầy nửa đãy) và câu đối: “ Y bát hà niên lưu thạch tích/ Oanh thư chung cố thuyết đồng nang” (nghĩa là: áo, bát nhà sư còn in trên đá/Lời truyền xưa còn nhắc chuyện đãy đồng”). Ngoài thờ ông Tổ nghề rèn, nơi đây còn thờ Tổ nghê dệt, Tổ nghề may, Tổ nghề mộc, Tổ nghề đan lát và Tổ nghề kim loại. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về vào ngày 07 tháng Giêng âm lịch tại di tích Tiên Sơn đều tổ chức lễ tế Tổ nghề với sự tham gia đông đảo của người dân, chính quyền địa phương, du khách gần xa.

Lễ Tế lục vị thánh tổ truyền nghề

Có thể khẳng định Tiên Sơn là một trong những Di tích mang đậm đặc trưng tín ngưỡng thờ đa thần của dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ được khá nhiều cổ vật có giá trị; một trong những cổ vật phải kể đến đó là nếp nhà Hạ điện 3 gian, 2 chái bằng gỗ mít được chạm trổ hoa văn Rồng, Phượng tinh xảo, theo nét khắc chạm có thể khẳng định ngôi nhà được xây dựng vào khoảng cuối thời Hậu Lê; 4 con Linh vật gồm Voi đá, Ngựa đá có niên đại hàng trăm được các nghệ nhân tạo tác hết sức công phu.

Ban thờ Thánh mẫu tại Hạ điện

Với bề dày lịch sử đó, năm 2012, Cụm Di tích Lịch sử văn hóa Tiên Sơn đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 176.  Để phát huy các giá trị văn hóa của di tích những năm gần đây cấp ủy, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác quản lý Nhà nước, công tác xã hội hóa huy động nguồn lực từ các cá nhân, các nhà hảo tâm để tiếp tục tu bổ, tôn tạo các hạng mục bị xuống cấp nhằm đáp ứng với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 3.227.064
    Online: 74