Trong thời khắc giao thời của đất trời, của lòng người, trong âm thanh vui tai của các nhạc cụ thuần nông tự chế, những câu hát sắc bùa vang lên vui tai từ những “nghệ sỹ” dân gian không chuyên khi đến “xông đất” khiến gia chủ cảm thấy mùa xuân đã trọn vẹn hơn. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, chính vì vậy việc tụ tập đông người cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống được tạm hoãn nhưng không vì thế mà làng quê bên ngọn núi Hồng lại thiếu đi những câu hát sắc bùa chúc Xuân.

Các cụ cao tuổi xã Thuận Lộc đang chuẩn bị tập luyện cho hát sắc bùa đầu xuân 

    Thật khó xác định rõ ràng nguồn gốc hát sắc bùa cũng như thời gian xuất hiện của loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian mang đậm văn hóa tâm linh tín ngưỡng này. Bởi hầu hết gia phả của những dòng họ có truyền thống lâu đời về loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian này đã bị thất lạc do chiến tranh. Chứng tích của sắc bùa được nhắc đến trong sử thi "Đẻ đất đẻ nước" của đồng bào Mường. Từ cội nguồn văn hóa Việt – Mường, hát sắc bùa tiếp tục bảo lưu trong cộng đồng người Việt, trải qua bao thăng trầm lịch sử, được bảo tồn và phát triển khắp miền đất nước từ Bắc vào Nam: Hà Sơn Bình, Hà Nội, Nghệ Tĩnh, Trị Thiên – Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bến Tre. Tuy nhiên, theo truyền khẩu, sắc bùa có nguồn gốc từ hai vùng chính là Thừa Thiên Huế và Thanh - Nghệ - Tĩnh và những nơi có người Mường sinh sống. Tùy theo từng thời kỳ, sắc bùa mỗi vùng lại có những nét đặc trưng riêng và chính quần chúng nhân dân là đối tượng đã nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho sắc bùa phát triển. Ở Thuận Lộc, sắc bùa xuất hiện từ thời xa xưa. Thời phong kiến, chỉ những gia đình giàu có, địa chủ mới có điều kiện mời các đội hát sắc bùa về xông đất ngày Tết. Trong những năm chiến tranh, mặc dầu sống giữa mưa bom bão đạn, cái chết cận kề nhưng thời điểm giao thừa hàng năm ở thôn Thuận Sơn không bao giờ vắng tiếng cồng chiêng và tiếng hát mừng năm mới của đội hát sắc bùa. Khi hòa bình lập lại, hát sắc bùa đã trở thành sinh hoạt cộng đồng, mang tính quần chúng, nhà nhà đều được dạo ngõ, mở cổng chào đón đội hát vào xông đất không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.

Hát sắc bùa chúc xuân trong đêm giao thừa

    Theo quan niệm của người xưa, hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tổng hợp có chức năng chúc tụng "người yên, vật thịnh" trong dịp Tết. Đội hát sắc bùa được ví là một đội quân hùng mạnh, tôn nghiêm có nhiệm vụ xua đuổi ma quỷ phá phách gia chủ, mang lại may mắn cho năm mới. Dân ta có một cách định nghĩa về sắc bùa mộc mạc nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh:


"Sắc bùa là sắc bùa âu,
Mong cho năm mới ăn xôi với chè
Sắc bùa là sắc bùa hòe,
Mong cho năm mới ăn chè với xôi!"

    Ở mỗi nơi hình thức múa hát lại có những đặc trưng riêng có do môi trường và đặc điểm văn hóa của từng địa phương quy định, nhưng về cơ bản khá thống nhất. Ở Thuận Lộc, một đội múa hát sắc bùa thường gồm 7 đến 9 người, có khi lên đến chục người. Riêng thôn Thuận Sơn có tới 3 đội, thành viên của các đội được lựa chọn kỹ càng, là đàn ông khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, làm ăn may mắn, không có tang khó, khoang long (gia đình có người sinh nở). Đứng đầu mỗi đội là đội trưởng, người này ngoài đảm bảo các điều kiện nói trên còn phải có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả đội và có khả năng ứng xử tình huống nhanh. Nhạc cụ trong múa hát sắc bùa thường có trống cơm, trống tầm vông, cồng, xập xènh (người dân Thuận Lộc quen gọi là cái xập xènh theo âm thanh mà nó phát ra, còn có nơi gọi là cái nao), sinh tre, sinh gỗ, xưa còn có pháo cái để Trưởng đội đốt nổ trước mỗi nhà, một cái búa và đinh. Ngoài ra, tại thôn Thuận Sơn, các đội còn sử dụng 01 cái mẹt và đôi đũa tre dài để gõ, tạo nên âm thanh vui tai, hấp dẫn người nghe. Trang phục của đội được thống nhất là áo dài lửng màu đỏ, quần đỏ, viền vàng, dải thắt lưng màu vàng và đầu chít khăn vàng, đội trưởng thì cầu kỳ hơn một chút là đội khăn đóng hoặc mũ bát quái, mặt được trang điểm cầu kỳ, vẽ thêm râu và lông mi, dáng vẻ oai phong nhưng cũng khá khôi hài. Thường vào sau giao thừa, toàn đội tập trung tại nhà đội trưởng, làm các nghi thức cần thiết như lạy ông vải, vái gia tiên, sau đó đội bắt đầu đi đến từng nhà để hát chúc mừng năm mới. Dưới sự chỉ huy của đội trưởng, toàn đội sắc bùa sẽ nổi nhạc, vỗ trống cơm, gõ sinh, đánh xập xènh và hát các bài hát sắc bùa với nội dung chúc tụng đầu xuân. Dọc đường thì đánh trống, gõ chậm rãi, gọi là đánh trống dậm, nghe khoan nhặt, bồi hồi nhưng khi dạo ngõ nhà ai thì tiếng trống, tiếng cồng trở nên dồn dập, thúc giục khiến cho gia chủ ở trong nhà đứng ngồi không yên, muốn chạy ngay ra cổng để đón đội vào. Trước đây, khi gia chủ ra đón, đội trưởng sẽ vào trước, múa ba vòng trước thềm nhà và đọc thần chú, yểm bùa rồi đi theo gia chủ vào chuồng trâu, bò đóng đinh vào cột với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, sau đó mới cùng gia chủ ra mời cả đội vào nhà xông đất. Trước khi hát, gia chủ và đội trưởng cùng thắp nén nhang trên bàn thờ gia tiên để báo cáo. Ngày nay thì thủ tục đơn giản hơn, sau khi gia chủ ra mời thì cả đội vào nhà và chúc năm mới rồi ngồi quây quần trên chiếu hoặc bàn ghế (đã được chủ nhà chuẩn bị) hát mừng gia chủ, uống chén rượu đầu xuân. Các bài hát sắc bùa có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ, dễ thuộc và gần gũi với đời sống dân dã thường được sáng tác sẵn và học thuộc. Theo ghi chép, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (những năm 1960), thôn Thuận Sơn có cụ Trần Thiêm nổi tiếng là người văn hay, chữ tốt, đặc biệt cụ sáng tác rất nhiều bài hát sắc bùa mà đến hôm nay, con cháu vẫn còn thuộc làu và không năm nào thiếu bài của cụ, như bài chúc năm mới này được sáng tác vào năm 1957:


"Màn vây chiếu phủ dập dìu

Ông bà càng thọ, tuổi nhiều càng vinh

Gọi rằng chúc tết hòa bình

Chúng tôi kính chúc gia đình tiến lên!"

    Những thế hệ sau này vẫn truyền tai nhau các bài hát xưa và cải biến thành những nội dung mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Cụ Phan Thị Hồng, người dân Thuận Sơn, xã Thuận Lộc vẫn quen gọi là bà cụ Nghinh (gọi theo tên con cả) được người dân nơi đây ví là người “giữ lửa” sắc bùa. Năm nay đã 86 tuổi, sức khỏe đã yếu hơn nhưng không vì thế mà cụ “quên” không sang tác bài hát mới mừng tân xuân. Những bài hát của cụ đều mang hơi thở của nông thôn mới, là chúc tụng đầu xuân và mừng các thành quả của gia đình đã đạt được:

"Đầu xuân năm mới bước vào.

Nay đoàn văn nghệ kính chào toàn gia.

Mừng xuân mừng Đảng, mừng ta.

Mừng nông thôn mới sẵn sàng tiến lên

Cháu con công tác mọi miền

Cùng về ăn Tết cổ truyền cha ông

Lòng thành kính viếng tổ tông

Hương hoa quả ngọt bánh chưng xôi gà

Đầu xuân con cháu chúng ta

Sắc bùa trống nhạc câu ca hát mừng,...."

    Lời ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương Thuận Lộc anh hùng, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là ca ngợi những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới cứ thế cất lên sôi động suốt đêm giao thừa bao mùa xuân qua:


"Thuận Lộc phong cảnh hữu tình

Trung tâm văn hóa xã mình vui thêm

Quê ta đất mẹ dịu hiền

Toàn dân yêu nước sử biên sáng ngời"


Hay:

"Lòng dân ý Đảng vững vàng

Sức người sức của sẵn sàng góp vô

Đến làng Phúc Hội nổi lên

Tâm tư nhiệt huyết đổ xô cộng đồng

Toàn dân đoàn kết một lòng

Làm giàu kinh tế vô cùng tiến lên"

    Và những câu hát năm nay cũng không khiếu thông điệp 5K trong công cuộc phòng, chống Covid -19:

Cháu con công tác mọi miền

Cùng về ăn Tết cổ truyền cha ông

Khai báo y tế nhớ không

Đi ra ngoài ngõ nhớ dùng khẩu trang

Ngày xuân xin chớ lang thang

Không tập trung đông kẻo làng nước lo

Khoảng cách khử khuẩn nhớ cho

Vui xuân ấm áp bình yên mọi nhà

Đầu xuân con cháu chúng ta

Sắc bùa trống nhạc câu ca hát mừng,...."

    Như món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, đối với mỗi một người dân Thuận Lộc, Tết sẽ không trọn vẹn nếu như không được đội hát sắc bùa đến xông đất. Bởi trong quan niệm của họ nhờ hằng năm, đội đến chúc Tết nên gia đình làm ăn khấm khá, sức khỏe dồi dào, con cháu hiếu thảo, chăm ngoan học giỏi, tình cảm gia đình, hàng xóm, láng giềng ngày càng gắn bó, keo sơn. Không được tập trung đông như mọi năm nhưng “món ăn tinh thần độc đáo” này vẫn được thực hiện bằng cách chia nhỏ đội, nhóm, thành tốp của từng gia đình. Các đội vẫn sáng tác thêm lời mới và điệu mới, giữ gìn để dành sang năm, dịch bệnh bị đẩy lùi và sắc bùa lại rộn rã như xưa./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 4.713.459
    Online: 6
    ipv6 ready