Danh hiệu Cờ thi đua xuất sắc của UBND Tỉnh, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác mà tập thể ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Hồng Lĩnh đạt được trong những năm qua có sự đóng góp rất lớn của các phòng, ngành, đơn vị, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể từ Thị đến cơ sở. Điều đó được thể hiện trong từng phong trào, từng cuộc vận động, từng nội dung hoạt động của ngành LĐ,TB&XH phát động.

Tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ

Công tác phối hợp đối với ngành LĐ,TB&XH, không chỉ tạo nên phong trào mà còn làm cho sức lan tỏa nhanh chóng, phát triển sâu rộng trong Nhân dân, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, thực hiện tốt chính sách xã hội và chính sách đối với người có công. Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, ngành LĐ,TB&XH đã tổ chức nhiều chương trình phối hợp, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, chính sách xã hội và các chế độ đối với người có công tới các tầng lớp nhân dân, tạo dựng niềm tin, phấn khởi của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và xã hội. Nhiều mặt hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành điển hình trong tỉnh.

Một là, về công tác người có công:Phát huy lợi thế của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, là lực lượng có uy tín, gần dân, sát dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; cũng là lực lượng am hiểu về chủ trương, chính sách, pháp luật, vững vàng trong thực tiễn, được nhân dân tín nhiệm, cán bộ MTTQ và các đoàn thể đã đảm nhiệm việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, của Thị xã và của ngànhLĐ,TB&XH đến người dân. Đồng thời, thông qua đó tìm hiểu, thu thập ý kiến của các đối tượng hưởng thụ chính sách, kịp thời phản ảnh với Thị xã và ngành để giải quyết thỏa đáng, đúng người, đúng việc cho các đối tượng.Một số nội dung hoạt động của ngànhLĐ,TB&XH trở thành công việc thường xuyên và không thể thiếu của hệ thống MTTQ và đoàn thể các cấp, như: Công tác chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, an táng hài cốt liệt sỹ; điều dưỡng người có công; mua, đóng bảo hiểm y tế miễn phí; tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo… Nhờ đó, Nghĩa trang liệt sỹ Thị xã và Đài tưởng niệm các phường xã được nâng cấp, tu sửa và trông coi thường xuyên, bảo đảm cho việc thăm viếng thuận lợi của nhân dân. Hàng năm, 100% số đối tượng người có công đều được hưởng chính sách đầy đủ, những đối tượng nặng đều được điều dưỡng tập trung tại các trung tâm hoặc điều dưỡng tại cộng đồng. Công tác tuyên truyền vận động gia đình người có công nỗ lực vượt khó, vươn lên XĐGN cũng được Ủy ban MTTQ Thị xã và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả. Đến nay, 100% gia đình người có công trên địa bàn Thị xã đều có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của địa bàn nơi cư trú.

Lãnh đạo cấp ủy, chính quyềnthị xã và phòng LĐTBXH trao tiền hỗ trợ làm nhà ở cho người có công tại phường Đức Thuận và...

Đi đôi với việc tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của Nhà nước đối với người có công, ngành LĐ,TB&XH còn phối hợp với Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chủ động đề xuất với tỉnh, Thị xã từng bước thực hiện xã hội hoá công tác "Đền ơn đáp nghĩa" nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách. Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa với phương châm Nhà nước, nhân dân và gia đình cùng làm được đẩy mạnh. Cán bộ MTTQ và các đoàn thể đã đi đến từng tổ dân phố, thôn, cụm dân cư, từng gia đình động viên, tuyên truyền chủ trương "Đền ơn đáp nghĩa" của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng giúp họ thấy được trách nhiệm xã hội của công dân đối với việc xã hội hóa công tác "Đền ơn đáp nghĩa" với những người có công. MTTQ trở thành tổ chức có vai trò quan trọng trong việc kêu gọi ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", các đoàn thể chính trị xã hội đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức lực lượng đảm nhận các công trình, phần việc, …. Hỗ trợ hàng vạn ngày công lao động giúp các hộ làm nhà. Năm 2017, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của Thị xã đã hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho 144 gia đình người có công, với kinh phí hỗ trợ là trên 4,5 tỷ đồng.

Hàng năm, trong các dịp lễ, tết, ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7) ngành LĐ,TB&XH phối hợp với Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể tham mưu cho Thị xã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách người có công, động viên kịp thời các đối tượng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, trở thành công việc thường xuyên, thiết thực.

Hai là, công tác bảo trợ xã hội:Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác giúp đỡ các đối tượng rủi ro, "yếu thế" trong xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể phối hợp với ngành LĐ,TB&XH kêu gọi, quyên góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn giúp đỡ các đối tượng yếu thế xã hội giảm bớt khó khăn hơn trong cuộc sống. Nhất là khi có thiên tai, hoả hoạn xảy ra, ngành LĐ,TB&XH đã phối hợp với Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể cùng UBND các phường, xã kịp thời đến thăm hỏi, tặng quà, kêu gọi quyên góp hỗ trợ các gia đình, các cá nhân, người bị nạn; đồng thời, chỉ đạo Phòng LĐ,TB&XH phối hợp với Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể thực hiện đầy đủ việc hỗ trợ các chính sách xã hội cho người yếu thế, người cao tuổi; triển khai kịp thời các chính sách khác như hỗ trợ người nghèo đón tết, cứu đói cho hộ nghèo trong dịp giáp hạt, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo… mọi chính sách đều thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời, đúng quy định của Nhà nước và của tỉnh.

.... xã Thuận Lộc

Ba là, công tác xoá đói giảm nghèo:Với chức năng là cơ quan Thường trực Chương trình giảm nghèo của Thị xã, Phòng LĐ,TB&XH phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, như hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 67, 167 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục và tín dụng ưu đãi…. MTTQ và các đoàn thể đóng vai trò tích cực, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ thêm kinh phí để hỗ trợ cho các hộ nghèo làm nhà. Trong năm qua, toàn Thị xã đã làm nhà ở cho 13 hộ nghèo, giúp các hộ nghèo có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất, tạo thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ hoạt động nhiệt tình, tâm huyết của MTTQ và các tổ chức thành viên, đã tuyên truyền vận động gia đình, anh em, dòng họ, nhân dân tại các thôn, TDP giúp đỡ nhau bằng ngày công, vật liệu xây dựng nhà cho các gia đình khó khăn.

Bốn là, công tác phòng chống tệ nạn xã hội:Ngành LĐ,TB&XH đã phối hợp với ngành Công an, Y tế, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể xây dựngkế hoạch liên ngành xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm; Kế hoạch cai nghiện và quản lý hỗ trợ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng".Đồng thời, thường xuyên phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; công tác kiểm tra các xã, phường trọng điểm về tệ nạn xã hội và xã, phường xây dựng điểm lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Phối hợp tiến hành rà soát, phân loại, lập danh sách (hồ sơ) đối tượng nghiện hút tại các xã, phường để có kế hoạch cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện phù hợp với các đối tượng; quản lý người nghiện sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng.Hàng năm trên toàn Thị xã đã cai nghiện cho hang chục người và tiếp tục duy trì, xây dựng mới cácxã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

Năm là, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1956, ngành LĐ,TB&XH đã tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; xây dựng Đề án đào tạo nghề; tham mưu, đề xuất bố trí kinh phí hàng năm cho công tác dạy nghề. Phòng LĐ,TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, vận động nông dân tham gia học nghề. Phối hợp với Phòng Kinh tế, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên và các phường, xã triển khai Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, thường xuyên quan tâm đến công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Nhìn chung công tác đào tạo nghề đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học nghề của người lao động và góp phần giải quyết một phần lao động có việc làm, có thu nhập, nâng cao đời sống; đáp ứng phần lớn nhu cầu cho các doanh nghiệp khi tuyển lao động…. từng bước chuyển dịch lao động nông thôn sang các ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ

Sáu là, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… tham gia tích cực trong hoạt động tuyên truyền giáo dục Luật Trẻ em, Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Đặc biệt, mạng lưới cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp đã tham gia tích cực vào việc giáo dục trẻ em cá biệt tại thôn, tổ dân phố; nhiều thành viên của các đoàn thể tham gia làm tuyên truyền viên xã/phường và cộng tác viên thôn, TDP cho các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt; chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, vận động nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em…; tham gia vào tổ hoà giải làm giảm sự tan vỡ của nhiều gia đình, phòng ngừa sự thiệt thòi có thể xảy ra đối với trẻ em, ngăn chặn các nguy cơ trẻ em bỏ nhà đi lang thang hoặc sa vào các tệ nạn xã hội khác.

Bảy là, thực hiện pháp luật lao động, luật BHXH, BHYT, Luật Công đoàn: Hàng năm, Liên đoàn Lao động, phòng Lao động TBXH, Bảo hiểm xã hội ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp liên ngành. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp tổ chức tuyên truyền trong việc thực hiện chế độ, chính sách của chủ sử dụng lao động cho người lao động, nâng cao sự hiểu biết pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật ATVSLĐ. Phối hợp tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để nghe phản ánh tình hình thực hiện pháp luật về lao động, BHXH, công đoàn; những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện chế độ chính sách. Tham mưu UBND Thị xã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện chế độ lao động, tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, an toàn lao động, quy chế dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp. Ba ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, thanh tra các cơ quan, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nhằm góp phần phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ đọng BHXH, đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động.

Để tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, thực hiện chính sách xã hội và chính sách người có công với cách mạng có hiệu quả thiết thực hơn trong những năm tới, nhiều nội dung, nhiệm vụ đã được ngành LĐ,TB&XH và các phòng, ngành, đoàn thể thảo luận và ký kết; đồng thời sẽ tiếp tục thảo luận, bàn bạc để tăng cường hơn nữa các nội dung công tác phù hợp với thực tiễn của Thị xã. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, kêu gọi, vận động ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống cho các đối tượng người có công trên địa bàn; phối hợp chỉ đạo điều tra, rà soát thực hiện chính sách người có công với cách mạng; phối hợp với các ngành thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, nhất là công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; phối hợp làm tốt công tác nhà ở cho hộ nghèo; công tác bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội và một số nhiệm vụ khác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thị xã./.

Mai Văn Danh – Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.681.944
Online: 42