Đình làng Giao Tác tọa lạc tại thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh. Đình được xây dựng năm 1875. Trải qua gần hai thế kỷ tồn tại, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, nhất là bị chiến tranh tàn phá, di chuyển vị trí nhiều lần nhưng Đình Giao Tác vẫn giữ được nét riêng ban đầu.

Đình Làng Giao được phục dựng trên nền đất cũ, thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc

Đình làng Giao Tác được khởi công ngày 20 tháng 6 năm 1875, đến ngày 01 tháng 3 năm 1877 hoàn thành. Bản khắc bằng chữ Hán ở miếng ván ấm gian giữa của Đình còn ghi rõ: " Hoàng triều Tự Đức nhị thập bát niên, lục nguyệt nhị thập tạo tác; tam thập niên tam nguyệt sơ nhất hoàn thành". Tương truyền đình do cụ Chánh Do giàu có, người làng Giao Tác vận động các hào cực, chức sắc, phú ông trong làng đóng góp kinh phí xây dựng, gia đình cụ Chánh Do đóng góp phần lớn.

Đình được làm bằng gỗ lim, mua từ vùng đầu nguồn của sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố, được thiết kế theo kiểu nhà rường, bốn vì tứ trụ, ba gian, hai đầu bát vận. Bốn phía có 12 cái kẻ được chạm trổ họa tiết hoa văn: long, ly, quy, phượng, quan văn, quan võ,… Đình do hai hiệp thợ tài giỏi ở Thái Yên và làng Mật làm. Tương truyền, trước khi làm, làng treo giải thưởng cho tốp thợ nào làm nhanh và đẹp nhất. Cả hai tốp thợ đều chạm trổ đẹp, lắp ráp rất kín và thời gian bằng nhau, nhưng không tốp nào đạt giải vì tốp thợ làng Mật sau khi làm xong chạm khắc 01 câu, đại \u200eí\u200e: "về bái tổ vinh quy cửa đình không mở", còn tốp thợ làng Thái Yên đã chạm con sư tử đang vờn quả cầu mà không ngoảnh mặt lại. Xung quanh đình để trống, Đình không thờ ai nên trong đình không có lư hương, bàn tọa. Đình được dựng tại làng Giao Tác (nay là thôn Thuận Giang). Hàng năm, nơi đây diễn ra hai lượt tế thần vào tháng 2 và ngày 13/6 âm lịch. Theo tín ngưỡng, đình là nơi tá túc của các cô hồn không ai hương khói. Dưới thời phong kiến, đình là nơi các vị chức sắc, hào l\u200eí họp bàn việc làng, đề ra các chủ trương hà khắc, bóc lột Nhân dân.

Theo lời các cụ cao niên kể lại, khi xem xét vị trí dựng Đình, Cụ Chánh Do và Nhân dân làng Giao đã xem xét địa thế mãnh đất để đặt và đã chọn vùng đất cao gọi là Nhà Sảng, phía trước là dãy ruộng mạ, phía sau là ruộng bàu, sau này người ta gọi là ruộng Đình. Phía Tây Bắc là dãy ao làng gọi là Ao Phe. Nơi đây được coi là"long hồi thủy tụ"để dựng Đình, nay là Thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc. Sau khi dựng Đình, ông huy động dân làng đắp một con đường cao từ đền Long Mạch thuộc Thôn Thuận Trung ngày nay đến múi Nương Đông gọi là đường Lụy nay thuộc thôn Thuận Giang. Phía Tây đường, trồng Lộc vừng chắn gió và lũ lụt để bảo vệ đường và nhà dân. Hiện nay, lũy lộc vừng vẫn còn, nhiều cây trở thành cổ kính, được Nhân dân bảo vệ, tạo nên nét riêng cho xã Thuận Lộc.

Theo lịch sử Đảng bộ xã Thuận Lộc, ngày 20 tháng 2 năm 1930, tại ngôi đình này, chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thuận Lộc được thành lập, được gọi là chi bộ Giao do đồng chí Phan Sỹ Duy làm Bí thư. Từ đây, các làng của xã Thuận Lộc có một tổ chức Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi thành lập, chi bộ đã phân công các đồng chí đảng viên đến từng nhà bí mật vận động xây dựng hoặc củng cố hoạt động của những hội quần chúng, đặc biệt công tác phát triển đảng, xây dựng chi bộ, tổ chức đoàn thể quần chúng được triển khai nhanh chóng ở các tổng... Đình còn là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ bí mật của đảng viên trong chi bộ, để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng diễn ra một cách kín đáo và khéo léo, qua mặtnhững tên mật thám và chính quyền tay sai của địch. Tiếp đến chính quyền xô viết, Tự vệ đỏ, Nông hội đỏ, phụ nữ cứu quốc, thanh niên cứu quốc được thành lập tại mái đình này. Thời kỳ xô viết Nghệ Tĩnh, Đình là nơi điễn ra nhiều cuộc mit tinh biểu tình, một số cuộc họp chi bộ được bí mật tổ chức tại đây. Vì thế, sau này đình còn được gọi là Đình lịch sử Xô viết. Chuyện kể rằng, khi có cán bộ cấp trên về diễn thuyết, để đảm bảo an toàn và bí mật cho Thượng cấp, tự vệ đỏ vòng ngoài bảo vệ nghiêm ngặt. Khi đồng chí cán bộ nói chuyện, có 2 đồng chí tự vệ có vũ trang đứng 2 bên, khi nói chuyện xong, tự vệ yêu cầu mọi người cúi xuống, chờ tự vệ đưa đồng chí cán bộ ra ngoài khỏi địa bàn mọi người mới được ngồi dậy.

Năm 1931, khi phong trào Xô viết bước vào giai đoạn thoái trào, Đình lại trở thành nơi bắt bớ, tra tấn, đánh đập các đồng chí của ta"sân đình máu chảy, đường Thôn lính đầy". Khi cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, thực dân Pháp và tay sai lập đồn đại điếm, phu đoàn, hội đồng hương biểu, tộc biểu, sục sạo bắt giam 72 cán bộ, đảng viên và những quần chúng hoạt động tích cực trong xã, dùng các hình thức trấn áp, đe dọa, dỡ nhà, tịch ký những gia đình có người là cán bộ chủ chốt tham gia phong trào cách mạng. Thời kỳ các năm 1942-1944, Việt Minh bí mật tập trung ở Đình. Đến năm 1945 cách mạng tháng 8 thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, cũng chính dưới mái đình này, chính quyền cách mạng xã được thành lập, là nơi diễn ra cuộc mít tinh lớn ủng hộ Chính phủ kháng chiến, ủng hộ chính quyền cách mạng, cũng là nơi phát lệnh và chỉ huy đoàn tuần hành của quần chúng Nhân dân kéo về chợ Tổng tước triện cai xã, giành chính quyền về tay Nhân dân. Đình trở thành trụ sở hành chính đầu tiên của xã. Nơi đây đã đón nhận biết bao chỉ thị, Nghị quyết và sự lãnh đạo của Đảng và cũng là nơi tổ chức đưa tiễn biết bao thanh niên Thuận Lộc lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp.

Năm 1954, trong cuộc cải cách ruộng rất, diễn ra cuộc hợp tự đền, nhiều đền chùa được tháo về làm trường học. Mặc dù Đình Giao Tác được giữa nguyên nhưng việc tế lễ từ đó chấm dứt, một số hoa văn họa tiết chạm trỗ công phu của Đình bị xâm hại. Năm 1963, xã viên Hợp tác xã Đồng Tiến đã dỡ đình về dựng trên vùng đất công cạnh cây đa Đại Hoàng để làm nhà kho cho Đội 3. Năm 1973, một lần nữa ngôi đình được chuyển đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Thuận Lộc để làm nhà thờ Bác và nhà truyền thống. Trãi qua hơn 100 năm, đình đã xuống cấp nghiêm trọng,chỉ còn lại một ngôi nhà gỗ rêu phong. Năm 2012, thể theo nguyện vọng của Nhân dân, Đảng bộ xã đã ra nghị quyết về việc trùng tu tôn tạo đình Giao Tác. Được sự hỗ trợ của các cấp, sự ủng hộ của Nhân dân, công trình có tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng và đã được khởi công từ tháng 3 năm 2014, đến cuối năm 2015 thì hoàn thành.

Hiện nay, Đình là nơi diễn ra các sinh hoạt quần chúng của các đoàn viên, thanh niên, các cụ cao niên. Nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng gắn với nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Thuận Lộc, Đảng bộ xã Thuận Lộc sẽ đưa các cuộc sinh hoạt của Chi bộ thôn Thuận Giang tổ chức tại Đình trong thời gian tới. Cùng với tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, bảo vệ, tu bổ, trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân xã Thuận Lộc rất mong nhận được sự quan tâm của cấp trên, tạo điều kiện công nhận Đình Giao Tác là di tích lịch sử văn hóa để nơi đây thực sự là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho muôn đời sau./.

Bình Nguyên, Huy Tính


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.681.929
Online: 26