Điều 94, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Thực tiễn hoạt động HĐND cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những hạn chế.

Cử tri phường Nam Hồng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri

Thông thường khi nói tới mối liên hệ với cử tri, nhiều đại biểu dân cử thường chỉ nghĩ đến hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND hoặc khi tham gia tiếp công dân theo luật định. Trong khi đó, liên hệ cử tri hiểu theo cho đúng đó là mối liên hệ thường xuyên, chứ không chỉ trước và sau kỳ họp, không chỉ trong hoạt động TXCT hay tiếp công dân, nó được một đại biểu Quốc hội ví là mối liên hệ mạch máu mà nếu thiếu mối liên hệ này, cơ quan dân cử và đại biểu dân cử có còn đủ lượng máu để sống với đời, với dân. Theo đó thì mối liên hệ này nó thường xuyên, liên tục, xóa tan khoảng cách giữa đại biểu với cử tri vì một mục tiêu chung đó là thực hiện tốt quyền làm chủ của Nhân dân như hiến định để xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Ngoài hai hình thức liên hệ là TXCT và tiếp công dân thì đại biểu dân cử có thể liên hệ với cử tri qua nhiều hình thức khác, trong đó đơn cử như trong hoạt động giám sát, khảo sát, thị sát, tham gia sinh hoạt với cộng đồng dân cư nơi cư trú; qua các phương tiện thông tin đại chúng; liên hệ cử tri qua trang web, e-mail, blog, điện thoại, bản tin; gặp gỡ dân trong cuộc sống hàng ngày; hoạt động tham vấn ý\u200e kiến cử tri, điều trần,…. Đây là mối quan hệ hai chiều, ở đó đại biểu thể hiện trách nhiệm của mình như chương trình hành động lúc vận động bầu cử đã hứa với cử tri, nguồn ý kiến cử tri cũng là kênh thông tin rất quan trọng giúp đại biểu dân cử làm tốt vai trò của mình trong hoạt động giám sát và quyết định tại kỳ họp, nhất là đối với những vấn đề lớn, dư luận còn nhiều y kiến trái chiều thì ý kiến, kiến nghị của cử tri rất quan trọng để đại biểu thể hiện chính kiến tại nghị trường, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề để đại biểu dân cử, nhất là đại biểu chuyên trách đóng góp cho HĐND xây dựng ban hành kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ, chương trình giám sát hàng năm như luật định; đồng thời, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri. Về phía cử tri, nếu mối quan hệ này liền mạch, cử tri sẽ cảm nhận được, giám sát được hoạt động của đại biểu dân cử, qua đó các ý kien, nguyện vọng chính đáng của cử tri được đại biểu mang đến nghị trường, xem xét, giải quyết. Nếu đại biểu làm tốt sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cử tri và cử tri sẽ "cần" đại biểu, sẵn sàng chia sẻ và gửi gắm.

Đại biểu HĐND thị xã tiếp thu, giải trình ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 7, HĐND thị xã khóa VI

Thực tiễn hoạt động cơ quan dân cử cho thấy vẫn còn nhiều nơi, nhiều vị đại biểu trong mối liên hệ với cử tri vẫn chưa liền mạch. Điều đầu tiên là vẫn còn tình trạng đại biểu dân cử chưa dành thời gian cho hoạt động của mình như luật định; hoạt động Tiếp công dân của đại biểu HĐND có nơi, có lúc còn hình thức. Ngoài TXCT, tiếp công dân thì việc liên hệ với cử tri trong hoạt động giám sát, khảo sát, nhất là theo chuyên đề nhiều địa phương chưa lồng ghép thực hiện, chủ yếu mới thực hiện theo kiểu nghiên cứu báo cáo, đi làm việc, có đơn vị tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế, thị sát (có cử tri tham gia nhưng chủ yếu là đại cử tri) nhưng số lượng này cũng chưa nhiều; việc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri theo Điều 74, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có nhiều nơi chưa thực hiện, nhất là đối với cấp xã.

Việc đại biểu chủ động liên hệ với cử tri hầu như rất hiếm, hầu như cá nhân đại biểu phụ thuộc vào tập thể. Tập thể ở đây đối với HĐND chính là vai trò của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các Tổ đại biểu HĐND. Về mặt quy định của Luật, đây chính là các cơ quan tổ chức các hoạt động của HĐND, như trong TXCT, trên cơ sở kế hoạch của HĐND, thì Tổ đại biểu có trách nhiệm tổ chức cho đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân và để đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp sau kỳ họp Hội đồng nhân dân; trong Tiếp công dân thì Thường trực HĐND có trách nhiệm tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp công dân; trong hoạt động giám sát, khảo sát nhất là theo chuyên đề thì do các đoàn giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND đứng ra tổ chức, đại biểu HĐND tham gia theo thành phần,… Thực tiễn cho thấy, hầu như các đại biểu chỉ tham gia liên hệ với cử tri dựa vào các hoạt động này, còn việc cá nhân đại biểu chủ động tự liên hệ với cử tri thì có nhưng số đại biểu này không nhiều, tập trung chủ yếu vào một vài đại biểu hoạt động chuyên trách, đại biểu chất vấn "có thương hiệu". Bởi những đại biểu này thường đi sâu vào các vấn đề liên quan đến hoạt động của HĐND mà muốn có thông tin, có căn cứ, chứng cứ rõ ràng họ hiểu không gì bằng cách liên hệ với cử tri. Việc tổ chức các hình thức liên hệ với cử tri như tham vấn ý kiến, điều trần có đơn vị tổ chức nhưng nhân rộng hình thức này chưa làm được.

Đại biểu HĐND thị xã và phường Bắc Hồng gặp gỡ, trao đổi với cử tri TDP 2, phường Bắc Hồng

Sự lỏng lẽo trong mối liên hệ giữa đại biểu dân cử và cử tri là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động của HĐND mang tính hình thức, ban hành các quyết sách theo chỉ đạo và như cơ quan UBND trình, đại biểu chưa có nhiều chính kiến sát thực để phản biện trong bàn, thông qua các quyết sách trên các lĩnh vực.

Để đảm bảo mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri chặt chẽ, trước hết, về mặt thể chế cũng như cơ cấu đại biểu dân cử, không nên cơ cấu những người "không có đủ thời gian và điều kiện cho hoạt động của cơ quan dân cử" vào làm đại biểu dân cử, nhất là các đại biểu trong khối UBND, bởi thực tế thường các đại biểu trong khối UBND bận bịu nhiều việc, mặt khác lại là cơ quan chấp hành sự giám sát của HĐND, thực hiện nghị quyết HĐND; Bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong sắp xếp bộ máy của cơ quan dân cử theo hướng tinh gọn, giảm đại biểu kiêm nhiệm, tăng đại biểu chuyên trách để HĐND hoạt động thực chất hơn.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND cần chủ động bám sát quy định của Luật để tổ chức cho đại biểu HĐND tham gia các hoạt động liên hệ với cử tri, như: TXCT, tiếp công dân, tăng cường TXCT theo chuyên đề; lồng ghép hoạt động tiếp xúc cử tri trong hoạt động giám sát chuyên đề, khảo sát để người dân cùng được tham gia giám sát với đại biểu dân cử trên các lĩnh vực. Để tạo điều kiện cho đại biểu bố trí thời gian tham gia các hoạt động, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND cần làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, giữa cấp trên với cấp dưới để sắp xếp lịch cho phù hợp.

Trong hoạt động giám sát, khảo sát, HĐND cũng có thể lồng ghép tham vấn \u200eý kiến cử tri trên lĩnh vực được giám sát có thể qua phiếu xin ý kiến, có thể xin ý kiến trực tiếp qua gặp gỡ, trao đổi hoặc TXCT chuyên đề. Làm được như vậy, đoàn giám sát, khảo sát của cơ quan dân cử sẽ tiếp nhận được nhiều thông tin trên lĩnh vực giám sát, thu thập được bằng chứng thực tiễn thay vì chỉ trên báo cáo như trước đây, nhờ đó kết luận giám sát và các kiến nghị đưa ra chuẩn xác, tính thuyết phục cao hơn. Về phía cử tri, thông qua các đoàn, cử tri được nói lên tiếng nói của mình, góp phần giám sát chính quyền, nhờ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo QP AN trên địa bàn. Từ đó, mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri ngày càng gần gũi, hiểu nhau hơn. Thậm chí, có nhiều cử tri không cần chờ đến TXCT trước và sau kỳ họp mà họ chủ động liên hệ với đại biểu thuộc các đoàn để trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên.

Cuộc TXCT chuyên đề của Ban Kinh tế Xã hội tại phường Nam Hồng thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia

Để mạch nối đại biểu với cử tri bền chặt, các tổ chức, cơ quan của cơ quan dân cử đứng ra khâu nối thôi chưa đủ mà cá nhân đại biểu dân cử cần phải chủ động. Để làm được việc này, đại biểu cần chủ động liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, UBMTTQ nơi khu vực bầu ra mình để nắm thông tin thường xuyên; tích cực tham gia các hoạt động do các cơ quan dân cử tổ chức, đồng thời, trên lĩnh vực công tác hoặc là nội dung cử tri gửi gắm cần chủ động về bám địa bàn, hiểu rõ vấn đề để nếu chính đáng thì kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho dân, còn nếu Nhân dân chưa nắm rõ thì tuyên truyền giải thích cho dân rõ. Trước mỗi kỳ họp, đại biểu cần rà soát các kiến nghị của cử tri, nghiên cứu kỹ tài liệu để cùng với Tổ đại biểu tham gia thảo luận, chất vấn và quyết định tại kỳ họp. Có như vậy cử tri mới cảm nhận được sự sống chứ không phải là sự tồn tại một cách vô nghĩa của đại biểu trong lòng mình./.

TIẾN DŨNG - BÌNH NGUYÊN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 4.537.375
Online: 76
ipv6 ready