Chiều ngày 17/5/2017, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã đã tiến hành giám sát việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 1956) tại UBND thị xã, các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND phường, xã. Cùng dự có đại diện Thường trực HĐND, UBMTTQ thị xã; đại diện Thường trực HĐND phường, xã và đại diện cử tri đã tham gia học nghề.

Ông Võ Sỹ Ích - Cử tri Tổ dân phố Tân Miếu, phường Trung Lương phát biểu tại cuộc làm việc

Theo đó, sau khi khảo sát qua phiếu ý kiến của những người tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn từ năm 2015 đến năm 2016, giám sát trực tiếp tại phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên thị xã; Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh, Ban Kinh tế – Xã hội đã dự thảo kết quả giám sát. Cuộc làm việc với UBND thị xã và các ngành liên quan được tổ chức theo hình thức điều trần, có sự tham gia của cử tri, cơ quan giám sát, cơ quan thực hiện để giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về những khó khăn, vướng mắc mà quá trình giám sát đã chỉ ra để có hướng xử lý kịp thời.

Căn cứ Đề ántheo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo, kiện toàn Ban chỉ đạo khi có sự thay đổi về nhân sự, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đảng bộ thị xã; nghị quyết HĐND thị xã về các chỉ tiêu thực hiện Đề án tới cán bộ chủ chốt cơ sở. Hàng năm, đưa nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 vào chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nghị quyết HĐND thị xã để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch của UBND thị xã về công tác đào tạo nghề hàng năm, UBND các phường, xã đã ban hành kế hoạch thực hiện, đồng thời, có sự phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trong khảo sát nhu cầu, tuyên truyền, tư vấn, khi có các lớp dạy nghề tổ chức trên địa bàn và cử cán bộ tham gia quản lý các lớp học nghề.

Trong giai đoạn 2010 đến 2016 trên địa bàn toàn Thị xã đã tổ chức 46 lớp dạy nghề, đào tạo được 1.550 lao động nông thôn; riêng 03 năm (từ 2014-2016), đã tổ chức 23 lớp dạy nghề, tổng số 828 học viên. Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã đi sâu chất vấn, giải trình làm rõ các khó khăn, vướng mắc, hạn chế mà quá trình giám sát đã chỉ ra như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền chưa sâu sát; công tác phối hợp thiếu chặt chẽ; chất lượng của một số lớp chưa cao do phần thực hành chưa đảm bảo; việc thanh quyết toán các lớp đào tạo nghề chưa kịp thời, vướng mắc trong quy trình, thủ tục,..

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Phan Thị Hồng Xoan - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội đánh giá cao việc chấp hành kế hoạch giám sát của các đơn vị được giám sát; sự phối hợp chặt chẽ của Thường trực HĐND các phường, xã trong suốt quá trình giám sát. Về chuyên đề giám sát, Ban thống nhất đánh giá sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 đã đạt được những kết quả tương đối tốt. Các lớp dạy nghề cho LĐNT cơ bản bám sát được mục tiêu của Đề án, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của thị xã, phường, xã; Học viên tham gia học nghề hầu hết là lao động nông thôn, nhiều học viên là lao động chính của gia đình, vì vậy các cơ sở dạy nghề đã lựa chọn hình thức đào tạo nghề phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu của người học và tận dụng được thế mạnh của địa phương cũng như người học trong quá trình học. Đa số học viên sau khi học nghề đã tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức được học vào trong công việc lao động sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình; Việc triển khai thực hiện công tác đào tạo cán bộ, công chức xã đã tập trung bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định đối với từng chức danh, bước đầu tổ chức được các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu theo vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ.

Đ/c Phan Thị Hồng Xoan - UV BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã kết luận cuộc làm việc

Đồng chí Trưởng ban và tập thể Ban thống nhất cao với các đánh giá mà các đại biểu đã chỉ ra tại cuộc làm việc, như việc chỉ đạo của UBND thị xã, UBND phường, xã chưa thường xuyên, nhất là công tác tuyên truyền, giám sát; Sự phối hợp giữa các các ngành thành viên thuộc Ban chỉ đạo cấp thị chưa chặt chẽ; Trung tâm Dạy nghề - Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã cơ sở vật chất phục vụ cho dạy nghề theo Đề án thiếu thốn, đội ngũ giáo viên nghề cơ hữu còn thiếu, đa số phải nhờ giáo viên thỉnh giảng, bộ phận giúp việc, kế toán nghiệp vụ còn hạn chế nên việc tổ chức thực hiện Đề án chưa đạt kết quả như mong muốn; Một số địa phương chưa chủ động trong việc khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên kết quả thực hiện Đề án chưa cao. Bên cạnh đó, đối tượng tham gia học nghề không đồng đều về độ tuổi, trình độ, nhận thức, điều kiện gia đình, một số LĐNT nhất là lao động trẻ, chưa nhận thức được việc học nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân, cho gia đình nên chưa quan tâm đến việc học nghề. Phần lớn đối tượng tham gia học là phụ nữ, những người có tuổi khá cao, người trẻ tham gia rất ít; tình trạng đăng ký hộ, đi học thay (chồng đăng ký, vợ đi học hoặc ngược lại) còn xảy ra.

Sau cuộc làm việc này, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã sẽ thống nhất các kiến nghị và ra thông báo kết luận cụ thể, báo cáo HĐND thị xã tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2017./.

HỒNG HẠNH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 4.155.481
Online: 44
ipv6 ready