Cách đây 71 năm, ngày 19/8/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc đánh dấu một kỷ nguyên mới ra đời - Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (Nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ. Từ đó, ngày 2/9 hàng năm là Ngày Quốc khánh của nước ta. Thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là nguồn sức mạnh to lớn, là tiền đề quan trọng để dân tộc ta, cùng với khí thế và sức mạnh dân tộc đã liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu. Ngày 09.5.1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 14.8.1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.Ở trong nước, ngày 09.3.1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12.3.1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Ngày 16.4.1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

Đầu tháng 5.1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Tháng 8.1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: "Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới" và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền; 23 giờ ngày 13.8.1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16.8.1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua "10 chính sách lớn của Việt Minh"; thông qua "Lệnh tổng khởi nghĩa"; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành tổng khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.Ngày 02.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịnh sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là CH XHCN Việt Nam). Từ đó, ngày 02.9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam - ra đời Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân Việt Nam chấm dứt thân phận của người nô lệ vươn lên làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta vì độc lập dân tộc và CNXH. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở khu vực và trên thế giới đấu tranh thoát khỏi sự thống trị của đế quốc thực dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc: xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06.01.1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của nhân dân; chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám. Tháng 12.1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm:Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều chiến lược chiến tranh tàn bạo, xảo quyệt của kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, qua 21 năm chiến đấu anh dũng (1954-1975), chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội VI (tháng 12.1986) đưa ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Qua các kỳ đại hội, Đảng luôn khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, văn hóa xã hội không ngừng phát triển. Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...

Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 20-28.1.1016, Đại hội xác định cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:Một là,tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.Hai là,xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.Ba là,tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.Bốn là,kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.Năm là,thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.Sáu là,phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc nói chung và Nhân dân Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh nói riêng. Ngày 02/3/1992, thị xã Hồng Lĩnh được thành lập theo Quyết định số 67- HĐBT của Hội đồng Bộ truởng (nay là Chính phủ), gồm Thị trấn Hồng Lĩnh và các xã Trung Lương, Đức Thuận (huyện Đức Thọ), Đậu Liêu, Thuận Lộc (Huyện Can Lộc), với diện tích tự nhiên hơn 5.800 ha, dân số xấp xỉ 3 vạn người. Sự ra đời của thị xã Hồng Lĩnh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương, của lãnh đạo tỉnh nhà trong việc phát triển KT- VHXH, QP - AN của vùng phía Bắc Hà Tĩnh.

Nằm trên con đường thiên lý bắc – nam, giữa 2đôthị là thành phố Vinh và thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh cóđiều kiện để pháttriển kinh tế toàn diện, đặc biệt là côngnghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Hồng Lĩnh nổi danh là một vùng đất sơn thủy hữu tình, với thế núi, hình sông"bao quát càn khôn"và thấm đẫm nhiều vỉa tầng văn hóa. Cùngvới khí thiêngcủa sôngnúinơi này, Hồng Lĩnh đãtrở thành một khônggian huyền thoại, sản sinh ra những người con ưu tú với bao tên tuổi đã đi vào sử sách như Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, Song Trạng: Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy,... là mãnh đất anh hùng, ngời sáng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đi lên từ một thị trấn nhỏ bé với 2 phường, 4 xã, cơ sở vật chất hết sức yếu kém, điểm xuất phát về kinh tế - xã hội rất thấp, đời sống Nhân dân hết sức khó khăn. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2010-2015 đạt 15,73%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị. Nếu năm 1992, nông lâm nghiệp chiếm 36%, CN-TTCN 26%; thương mại – dịch vụ chiếm 37,7% thì đến năm 2015 công nghiệp - xây dựng đạt 38,64%; thương mại - dịch vụ đạt 55%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 6,36%. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đã đạt 39,8 triệu đồng/năm (bình quân thời kỳ 1992-1995 là 1,65 triệu đồng/người/năm). Văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện. Quốc phòng – an ninh được giữ vững. Kết quả trên đã tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh nhà. Hiện nay, trong xu thế hội nhập, thị xã Hồng Lĩnh đã và đang phát triển CN-TTCN, TM-DV, chỉnh trang đô thị, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh để Hồng Lĩnh trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng hòa bình, tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, kỷ niệm 71 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02.9, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thị xã Hồng Lĩnh quyết tâm: Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh công cuộc đổi mới; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh, bền vững; xây dựng thị xã Hồng Lĩnh sớm trở thành đô thị loại 3 vào năm 2020. Đây là sự thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và cũng là hoạt động nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, khẳng định ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

BAN BIÊN TẬP


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 4.173.871
Online: 39
ipv6 ready