Chùa Thiên Tượng được khai sơn kiến tạo từ khoảng thế kỷ thứ XIV (thời nhà Trần), chùa được các bậc tiền nhân dựng ở mé tây ngọn Tượng Sơn, thuộc dãy Hồng Lĩnh, phía sau khối đá có dáng con voi, phía trước là chùa Long Đàm (đầu Rồng), nay thuộc địa phận tổ dân phố Quỳnh Lâm, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tương truyền, Thiên Tượng là một trong 4 ngôi cổ tự trên dãy Hồng Lĩnh bao gồm: Thiên Tượng, Long Đàm, Đại Hùng, Cực Lạc. Phân bố tương đối đều nhau về mặt địa lý nên khi tiếng chuông của chùa này điểm thì vọng tới chùa kia và ngược lại. Thiên Tượng được xem là đệ nhị danh thắngsau chùa Hương Tích.Hướng của chùa được tiền nhân lựa chọn theo thuyết: Tiền thủy, hậu sơn. Chùa được bố trí xây dựng theo lối chữ Công (T) bao gồm: Thượng tịnh, Hạ tịnh, Nhà tăng, Nhà thờ Đạt ma sư tổ, chếch về phía tây có các ngọn tháp cổ: Tổ sư khai sơn Thích Khuông Lộ; tháp Thạch Sơn; tháp Đại đức Thích Viên Ngộ… Ngoài chùa có 3 chữ "Thiên Tượng tự". Bên tả, bên hữu chùa đều có suối nước chảy quanh năm, nước chảy trên đá nghe như tiếng nhạc rì rào. Trước chùa trông ra hồ lớn, nước khe chảy vào hồ, thông nao quanh, thang đá nhấp nhô tạo cho chùa một khung cảnh vừa u tịch, vừa trang nhã. Cách chùa về phía Tây có một am nhỏ, mặt am có đề 3 chữ "Lưu Đức am". Hai bên có câu đối:

Độn siêu sinh tử quật

Khiêu xuất thị phi môn

Nghĩa là:

Cúi đầu chui khỏi hang sinh tử

Nhảy thoát ra ngoài cửa thị phi.

Mặc dù được xây dựng vào đời Trần thế kỷ XIV nhưng cảnh chùa, cảnh núi suốt mấy trăm năm vẫn còn nguyên vẹn khung cảnh u nhã, làm say đắm biết bao bậc hiền nhân, thi sỹ. Từ đời Lê đến đời Nguyễn đã biết bao nhiêu nhà thơ đã từng lên đây và để lại không ít tác phẩm thi ca, làm say đắm lòng người.

Sách "Hoan châu phong phổ ký" của tiến sỹ Trần Danh Lâm (1704 – 1777), người tỉnh Bắc Ninh làm Đốc đông Nghệ An viết "… Chùa Thiên Tượng thanh cao thoát tục. Một vùng cõi tĩnh, chùa Long Đàm gió mát, trăng trong".

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 – 1789) lên thăm cảnh chùa, cảm tác:

Trải xem thế giới khắp ba nghìn

Đồi một là đây chốn Tượng Thiên

Ánh ỏi chim ca vang tiếng kệ

Nhặt khoan, tiếng suối tỏ rừng thiền…

Hay Nguyễn Văn Cơ trong bài: "Đăng Thiên Tượng sơn" (lên núi Thiên Tượng), cuối thế kỷ XIX đã tả.

...Tuyết mê tượng thạch lam già tự

Nguyệt đáo long tuyền nguyệt mãn lâm...

Nghĩa là:

Tuyết mờ voi đá, chùa sương khuất

Trăng rọi khe rồng rừng trắng phau.

Đại thi hào Nguyễn Du, người tự nhận " Gia tại Hồng Sơn đệ nhất thôn" (ở thôn đầu tiên của dãy Hồng Lĩnh) đã từng thốt lên "Hồng Lĩnh, Lam giang vô hạn thắng" (Cảnh đẹp Hồng – Lam khôn xiết kể).

Từ dưới đường Thiên lý bắc nam, ngước nhìn lên đã thấy thấp thoáng mái chùa trong bát ngát xanh và tảng đá hình con voi ngoảnh đầu xuống làng mạc, phố xá trải rộng về phía dòng Minh Giang, tôi lại nhớ chuyện xưa. Vua nhà Nguyễn nhìn ra cảnh đẹp Hương Tượng mà cho khắc lên Anh đỉnh đặt trong nội thành Huế. Năm 1842, trong chuyến Ngự giá Bắc tuần, vua Thiệu Trị đã khắc bài thơ " Vịnh Hồng Lĩnh" lên bia đá đặt trong nhà bia cạnh đường số 1, phía nam Kẻ Treo (Đậu Liêu nay).

Vốn thợ trời tạc đá nên voi nên Thiên Tượng không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên tạo mà còn gắn với bao truyền thuyết tâm linh về một vùng đất linh thiêng. Tương truyền trước khi chọn đất dựng chùa để khai sáng Đạo phật, vị Hòa thượng Thích Khuông Lộ sau nhiều đêm trằn trọc, Người đã mơ thấy voi trắng Thiên đình về đỉnh ngự chính nơi đây, sáng ra Hòa thượng xem xét thấy còn vết chân và khối đá rất giống hình voi, vì vậy ngài đã chính thức chọn vùng đất này để dựng chùa và cái tên Thiên Tượng (voi trời) chắc rằng cũng được bắt nguồn từ truyền thuyết nêu trên.

Sau nhiều năm không tìm được tháp mộ tổ của vị Hòa thượng khai sơn, đến năm 2009 trong một lần phát cây mở đường để vận chuyển vật liệu người ta đã tìm ra ngôi tháp cổ, qua các tư liệu cũng như hiện vật được tìm thấy, các chuyên viên của Bảo tàng Hà Tĩnh đã xác định, đây là ngôi tháp mộ có khoảng trên, dưới 700 năm, hiện tháp đã được trùng tu khang trang, bề thế, xứng tầm công lao của Người.

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, vị Thiền sư Chuyết Công người Trung Hoa cùng đệ tử của mình sang Việt Nam truyền đạo, khi đi qua đây thấy khung cảnh nên thơ, tĩnh mịch mà trang nghiêm nên đã dừng chân tu tập tại chùa gần 3 năm trước khi tiếp tục hành hương ra Bắc lập nên dòng Lâm Tế phía đàng ngoài. Vì vậy, Thiên Tượng được xem như làNgôi Tổ đình của mãnh đất miền Trung.

Trải qua hàng trăm năm kể từkhi Hòa Thượng Thích Khuông Lộ khai sơn, phá thạch dựng chùa; Thiền sư Chuyết Công hoằng dương phật pháp khai sáng đạo Phật trên mảnh đất này; Nối gót bậc tiền nhân, đã có nhiều vị tổ sư đạo cao, đức trọngvân tập vềđây để hoằng khai chánh pháp, nhờ đó chùa vẫn giữ được dáng vẻ của ngôi cổ tự như buổi ban đầu khởi dựng.

Đến năm 1885 khi phong trào Cần Vương bùng nổ, nghi ngờ chùa Thiên tượng là nơi che dấu cho các sỹ phu yêu nước nên giặc Pháp đã cho phóng hỏa, chùa trở thành phế tích. Mãi đến năm Thành Thái thứ 14 (1901), Tổng đốc An Tĩnh thời bấy giờ là cụ Đào Tấn sau khi ghé thăm Thiên Tượng, đứng trước cảnh đổ nát của ngôi cổ tự vang danh một thửa, Ông đã cho trùng tu, tôn tạo. Đến thời kỳ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) chùa lại bị thực dân Pháp triệt hạ lần nữa bằng việc đập phá Hạ Tịnh, tẩu tán đồ tế khí, nghiêm cấm tu hành, từ đây tiếng chuông chùa tưởng như đi vào quyên lãng.

Vào những năm 1990, trước sự đổi mới của quê hương, đất nước, sự chấn hưng của Phật giáo nước nhà, chùa Thiên Tượng lại được Nhân dân, bà con Phật tử xa, gần góp công, góp sức trùng tu, tôn tạo. Đến năm 2004, chùa chính thức được công nhận là Di tích danh thắng Quốc gia, năm 2010 chùađược cấp nguồn mục tiêu Quốc gia để trùng tu giai đoạn I, bao gồm: Nhà Bái, nhà Tăng, tam quan gác chuông. Năm 2011 lại nay, Đại đức Thích Chánh Thành cùng với bà con Phậttử, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm xa, gần phát tâm cúng dường để tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục còn lại, như: Xây dựng nhà thờ các vị Lịch Đại Tổ sư, nhà Trù, đúc Đại Hồng chung… Đến nay cơ bản các hạng mục công trình đã hoàn thành, đáp ứng được phần nào sự mong mỏi của các tăng, ni, phật tử. Tiếng chuông chùa trên đỉnh cao Thiên Tượng sáng, chiều lại vọng về, hướng cõi lòng về chốn tĩnh tâm, giúp mọi người từ bỏ cõi mê, trở về bến giác. Trong một lần về thăm Chùa, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm- Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ươngGiáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phốHà Nội, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hà Tĩnh đã phát biểu trước đông đảo bà con Phật tử: "Chùa Thiên Tượng không chỉ có cơ duyên được Thiền sư Chuyết Công chọn làm điểm dừng chân hoằng dương Phật pháp để sau này trở thành ngôi tổ đình của Phật giáo miền Trung, mà còn được tiền nhân chọn đặt ở thế đất có long mạch rất tốt. Vì vậy, đây là điểm ứng linh cho nhiều điều cầu ước của chúng sinh và chùa luôn gắn với lịch sử thăng trầm của tỉnh nhà Hà Tĩnh, bởi thời kỳ nào Chùa thịnh thì Hà Tĩnh sẽ phát triển và ngược lại".

Thiên Tượng ngày nay đang ngày càng xứng đáng là địa chỉ đẹp trong lòng du khách, xứng tầm di tích danh thắng Quốc gia, là ngôi Tổ Đình của Phật giáo Miền trung./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.399.787
Online: 61