Một nhà thơ nhìn bản đồ Thị xã Hồng Lĩnh thốt lên là nó có hình con chim bồ câu. Con chim đang tung cánh, giữa bầu trời đầy truyền thuyết, huyền thoại. Tôi bảo, ông nói cứ như làm thơ ấy thì ông ta nghiêm nét mặt, đậm dà từng tiếng rằng, con chim bồ cây ấy cõng trên mình dãy núi Hồng Lĩnh từng linh thiêng 146 chùa chiền, đền miếu và một kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, văn nghệ dân gian. Rồi cười mà rằng, còn đi du lịch đâu nữa, hãy khám phá, tiếp nhận, tận hưởng các giá trị văn hóa vùng đất huyền thoại này…

Long Đàm lưu ngọc anh linh tự

Trích sổ tay ghi chép:

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, du lịch đã và đang trở thành một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực; đặc biệt là lĩnh vực văn hóa. Và trong các loại hình du lịch, du lịch văn hóa giữ vị trí quan trọng, được biết đến sớm nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của hoạt động lữ hành du lịch. Theo số liệu điều tra của tổ chức du lịch thế giới, hiện nay số khách đi du lịch nhằm hiểu biết các giá trị nhân văn độc đáo của các dân tộc, thể hiện ở các công trình văn hóa – nghệ thuật – kiến trúc – lịch sử nổi bật, các di sản văn hóa độc đáo có giá trị cao, chiếm đến 80%.

Di sản văn hóa là nội sinh hình thành nên nhu cầu du lịch và là môi trường cho du lịch phát triển. Các di sản đã hoặc có thể xây dựng thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu được xác định là tiềm năng du lịch văn hóa Hồng Lĩnh, gồm: văn hóa vật thể (các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và di tích danh thắng) và văn hóa phi vật thể (lễ hội, làng nghề, văn nghệ, dân gian…)

1.1 Văn hóa vật thể:

Hồng Lĩnh hiện nay là 12 di tích, danh thắng (trong đó 3 di tích cấp Quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh (tính đến tháng 12/2011);

Di tích lịch sử: Đền Đô Đài, Đền Song Trạng nguyên từ; Đền Thánh thợ Vân Chàng; Đền thờ Tiến sỹ Phan Hưng Tạo; Đền thờ tiến sỹ Bùi Đăng Đạt; Di tích kháng chiến chống Mỹ - nhà thờ họ Lê. Nhà thờ Cử nhân Nguyễn Trọng Tương, nhà thờ tiến sỹ Thái Kính; Đền Tích Thiện.

Di tích kiến trúc nghệ thuật: Chùa Đại Hùng; chùa Long Đàm;

Di tích danh thắng: Chùa và Hồ Thiên Tượng.

Ngoài ra danh lam thắng cảnh độc đáo: Núi Hồng–Hoan Châu đệ nhất danh sơn; Suối Tiên –Thiên Tượng. Hệ thống di tích ấy vừa được phân bố khá đồng đều trên địa bàn 6 phường, xã có khả năng gắn kết với các tuyến du lịch trong tỉnh, trong nước.

Chùa Thiên Tượng

2.2 Văn hóa phi vật thể:

Hồng Lĩnh có làng rèn Vân Chàng – Trung Lương - làng nghề cổ truyền nổi tiếng. Lễ hội dân gian với các loại hình: Lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo, lễ hộ văn hóa khác. Nhiều làn điệu dân ca có bản sắc riêng; hát ví, dặm, hò, đồng dao… một số làn điệu có không gian diễn xướng độc đáo, tiêu biểu: Ví đò đưa, hò trèo non, sắc bùa. Sân khấu có tuồng, chèo (đã mai một). Mĩ thuật như tạc tượng dân gian, trang trí dân gian, các kiến trúc cổ truyền của Hồng Lĩnh tuy ít nhưng đa dạng và có bản sắc riêng. Truyện kể với nhiều thể loại như truyện cười, truyện ngụ ngôn…. Thấm đẫm triết lý nhân sinh bình dân. Bên cạnh đó là tri thức dân gian, ẩm thực… Kho tàng văn hóa phi vật thể Hồng Lĩnh, với bản sắc riêng độc đáo là một nguồn tài nguyên quý báu cho du lịch bền vững.

Di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) là những bằng chứng có ý nghĩa quian trọng, minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Hồng Lĩnh. Tất cả đã giúp cho du khách biết được cội nguồn của dân tộc Việt Nam, hiểu truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa Hồng Lĩnh. Đây chính là nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế, xã hội thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa quê hương đất nước và cũng là tài nguyên giàu có cho phát triển du lịch bền vững.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Thị xã Hồng Lĩnh. Nhiều di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo như : Chùa Long Đàm, chùa Thiên Tượng, Đền Song Trạng nguyên từ… lễ hội được phục hồi như Lễ hội đền Đô Đài, lễ hội đua thuyền Trung Lương, làng nghề truyền thống rèn Trung Lương được đầu tư phát triển gắn với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Trung Lương. Một số di tích, lễ hội, làng nghề đang phấn đấu trở thành những sản phẩm du lịch, thu hút được khách du lịch, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế như: Danh thắng Suối Tiên – Thiên Tượng gắn với Chùa Thiên Tượng, Làng rèn Trung Lương, lễ hội Đô Đài.

Đua thuyền trên dòng Minh Giang

Cuối cùng rồi tôi cũng đi theo nhà thơ nọ theo tuyến du lịch của ông ta xác lập. Dọc đường ông đọc tôi nghe một đoạn văn xuôi, bảo là mới viết xong bằng thứ giọng trầm, ấm:

" Chúng ta lên chùa Thiên Tượng – một danh thắng có một không hai ở vùng Núi Hồng – Sông La. Từ thế kỷ XIII, thời nhà Trần, trên núi Hồng Lĩnh đã có nơi hành đạo là chùa Hương Tích và chùa Thiên Tượng. Từ dưới đường Thiên lý xa, đường quốc lộ I nay, ngước nhìn lên đã thấy thấp thoáng mái chùa trong bát ngát xanh và tảng đá hình con voi ngoảnh đầu xuống làng mạc, phố xá trãi rộng về phía sông Minh. Xưa vua nhìn ra cảnh đẹp Hương Tượng mà cho khắc lên Anh đỉnh đặt trong nội thành Huế. Lại vua năm 1842, Thiệu Trị trong chuyến Ngự giá Bắc tuần, đã khắc bài thơ " Vịnh Hồng Lĩnh" lên bia đá đặt trong nhà bia cạnh đường số 1, phía nam Kẻ Treo, xa hơn nữa, Phạm Sư Mạnh là học trò của Chu Văn An khi đi kinh lược phương Nam để mở mang cương vực. Đại Việt đã ghé lên Thiên Tượng để phải thốt lên "Hương Tượng phong cao môn Bắc Đẩu, Đông Long hải khoát hộ nam chinh". Nghĩa là ngọn Hương Tượng cao chạm đến sao Bắc Đẩu, Cửa bể Đông Long rộng giúp cho cuộc nam chinh đế mở mang bờ cõi. Ấy, các cụ không chỉ nhìn ra cảnh đẹp mà còn ngẫm thấy sự linh thiêng của núi Hồng Lĩnh"

Hai chúng tôi đi trong chập chùng đá trắng, cây xanh, càng cao càng thấy vẻ đẹp huyền ảo của đất trời. Rồi chùa Thiên Tượng trầm mặc trong bầu u tịch, tĩnh lặng hiện ra. Dưới ba chữ Thiên Tượng Tự là khói hương quyện cùng mây núi và hoa đại trắng và hoa mẫu đơn đỏ. Len trong gió rì rào là tiếng mõ, tiếng đọc kinh lúc khoan, lúc nhặt.

Ông bạn nhà thơ của tôi bảo nhìn về hướng Nam kia sẽ thấy núi Bạch Tỵ, nơi có đền Đô Đài thờ Bùi Cầm Hổ. Ông từng giữ các chức Ngự sử, An vũ sứ Lạng Sơn, hai lần đi sứ Trung Quốc, thăng Tham tri chính sự. Những công lao đóng góp của ông cho đất nước đã được sử sách ghi nhận và xếp ông trong 18 vị văn thần thời Lê sơ có công lao đức độ bậc nhất. Đánh giá về ông, Lê Quý Đôn viết: Chẳng những có công giúp vua tiến theo đạo đức, mà còn công thần võ tướng đều phải nể sợ, không dám làm càn. Khi ông mất, được phong Bình Quản Đại vương, Thượng đẳng thần. Nhân dân địa phương lập đền thờ và tổ hức lễ hội "Báo ân" vào ngày 12 tháng giêng hàng năm rất trọng thể. Có câu ca "Tháng giêng Đô Đài, tháng hai Hương Tích". Lễ hội có những quy định về định kỳ và nghi thức khá độc đáo là Đại lễ hội và lễ hội thường. Đại lễ hội 50 năm tổ chức một lần. Có lẽ trên đất nước ta chưa có một lễ hội nào quy định như thế. Trong Đại lễ hội dựng "Đình Đụn" diễn trò (tuồng) là phần sinh hoạt văn hóa thu hút Nhân dân đến dự lễ hội đông nhất. Lễ hội thường hàng năm tổ chức rước cỗ, yết tế và đại tế trong một ngày đêm, nhưng không dựng Đình Đụn. Hãy đễn với lễ hội Báo ân một lần để mà nhớ suốt đời. Lại quay người nửa vòng, nói là chỗ nhấp nhô hình và lóng lãnh màu kia là đô thị Hồng Lĩnh, chỗ xanh ô bàn cờ kia là đồng bằng Đức Thuận, Trung Lương, Thuận Lộc, chỗ xanh mờ kia là làng Rèn nơi có núi Tiên Sơn. Rồi đến đền thờ Song Trạng, đền Thánh thợ Vân Chàng… Nhìn chếch về hướng Bắc là Sông Lam xuôi ra Cửa Hội, thong thả nhìn chỗ uốn lượn mượt mà xanh kia là sông Minh, hun hút về phía Nam là sông Cài, sông Nghèn, sông Hà Hoàng rồi ra Cửa Sót. Nge nói, thị xã Hồng Lĩnh đang có đề án xây dựng khu du lịch sinh thái Hồ Đá Bạc và khu du lịch sinh thái sông Minh. Chao ôi, nếu cứ theo những dòng sông sẽ gặp bao nhiêu điều kỳ thú… có vẻ xúc động ông ta khoát tay một vòng về phía đô thị Hồng Lĩnh, gần như kêu lên: Là tranh đấy ! Hiểu không, tranh đấy ! Tôi gật đầu nói, ừ tranh đấy, đẹp, đẹp thật !

Mây nước Hồ Tiên

Trích sổ tay ghi chép:

Ngày 15/6/2009, UBND Tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 1149/QĐ-UBND -TM phê duyệt theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh thời kỳ 2005 – 2020. Quy hoạch đã xác lập được các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn Tỉnh Hà Tĩnh, cụ thể, du lịch Hà Tĩnh có 4 tuyến:

- Tuyến du lịch chính: Theo Quốc lộ I, từ Bến Thủy giáp Nghệ An vào Đèo Ngang giáp Quảng Bình và t ừ Thị xã Hồng Lĩnh theo Quốc lộ 8 lên Cửa Khẩu quốc tế Cầu Treo.

- Tuyến du lịch phụ trợ: Dọc theo đường 22 – 12 dọc bờ biển từ Cửa Hội (Nghi Xuân) vào Cửa Sót (Thạch Kim – Lộc Hà) và từ Cửa Sót theo đường Tỉnh lộ 13 lên Thành phố Hà Tĩnh – lên hồ Kẻ Gỗ + từ thị trấn Cẩm Xuyên xuống bãi tắm Tiên Cầm (Cẩm Xuyên).

- Tuyến du lịch sinh thái: từ Thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) theo đừng Hồ Chí Minh qua Vũ Quang, Hương Khê vào Quảng Bình + thành phố Hà Tĩnh lên Hương Khê + Thị trấn Kỳ Anh lên Hoành Sơn.

- Tuyến du lịch đường sông: dọc sông Ngàn Sâu (Vũ Quang) Ngàn Hống (Hương Sơn) về Sông La (Đức Thọ) sông Lam ra Cửa Hội (Nghi Xuân).

Thị xã Hồng Lĩnh với ngã ba Thị xã đầy tính ưu việt trong giao lưu, mở rộng hòa nhập là một điểm du lịch quan trọng của các tuyến du lịch chính:

Phía Bắc – qua – Hồng Lĩnh – đến – phía Nam

Phía Đông – qua – Hồng Lĩnh – đến – phía Tây Lào, Thái Lan.

Chỉ giới hạn trong tỉnh, có thể nhìn ra những tuyến Du lịch văn hóa lý tưởng; Tuyến Khu lưu niệm Nguyễn Du, khu di tích Nguyễn Công Trứ, Ca Trù Cổ Đạm (Nghi Xuân) – Thị xã Hồng Lĩnh với Chùa Thiên Tượng, Long Đàm, Danh thắng Núi và hồ Thiên Tượng, làng rèn Trung Lương, nhà thờ và Lễ hội Đô Đài… Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú – Khu căn cứ địa Vũ Quang, Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Lào – Thái Lan.

Tuyến Khu lưu niệm Nguyễn Du, Khu Di tích Nguyễn Công Trứ, Ca Trù Cổ Đảm (Nghi Xuân) – Thị xã Hồng Lĩnh – Khu di tích Lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh Ngã ba Nghèn – Khu Di tích Lịch sử TNXP Ngã ba Đồng Lộc – Khu Du lịch sinh thái Kẻ Gỗ

… Xuống khỏi núi, ông nhà thơ bỏ tôi lại một mình, nói là có việc riêng phải đi và chỉ đi được một mình. Tôi biết ông tránh tôi để vào chợ Thị xã ăn bánh đúc nâu làm bằng bột gạo chiêm là đặc sản vùng đất này.

Suy nghĩ, dự báo, linh cảm… tôi nói với tôi và sẽ nói với ông nhà thơ rằng: Hồng Lĩnh là điểm đến của khách lữ hành, của bè bạn gần xa, chưa đông người rồi sẽ đông người. Sự đông đảo ấy bao giờ cũng đi cùng một nền kinh tế Du lịch phát triển./.

Theo ghi chép của tác giả Nguyên Tùng (Dưới chân núi Hồng, tập 2,Nxb Hội Nhà văn, 2012)

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục
    Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
    Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
     Liên kết website
    Thống kê: 4.078.056
    Online: 143
    ipv6 ready