Từ đường Nguyễn Thiếp - con đường dẫn chúng ta về xã Thuận Lộc, qua cầu Hồng Phúc, rẽ trái và đi khoảng 300m dọc theo kênh Nhà Lê, sẽ bắt gặp một ngôi đền khang trang mới được xây dựng, đó là Đền Phúc Hải.

Theo tư liệu đang lưu tại di tích, đền Phúc Hải trước đây thuộc thôn Phúc Lộc, xã Phúc Hải, phủ Đức Thọ, huyện La Sơn nay là thôn Phúc Thuận (Hồng Phúc), xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 30 km theo hướng Bắc và thành phố Vinh (Nghệ An) 25 km theo hướng Nam. Đền thờ nằm trên một khu đất bằng phẳng, có diện tích gần 6.000m 2 , là ngôi đền lớn trong số đền, chùa trên địa bàn xã Phúc Hải xưa.

Nhìn từ phía trước ngôi Đền

Nhìn từ phía trước ngôi Đền

Về tên gọi Đền Phúc Hải, theo như giải thích của các cụ cao niên trong vùng, ở đây có thể hiểu: Hải có nghĩa là biển; Phúc có nghĩa là bụng. Tức là địa hình làng và đền Phúc Hải xưa rất thấp, nó được so sánh ngang bằng với rốn biển của huyện La Sơn trước đây.

Lịch sử ra đời ngôi Đền được hình thành cùng với sự hình thành của kênh nhà Lê. Trước đây, Đền được xây dựng theo bố cục chữ Tam, có kiến trúc 3 tòa, bằng gỗ, ngoảnh về hướng Đông Nam, nằm bên cạnh một "dòng hói" nối liền với kênh Nhà Lê chảy dài ôm lấy Đền và làng Phúc Hải, tạo nên thế cận thủy cho Đền. Tương truyền rằng xưa kia làng Phúc Hải hạn hán quanh năm, thường xuyên mất mùa đói kém, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ…các quan chức trong làng đã quyết định kêu gọi nhân dân trong vùng đắp đập, xây kè, dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, đồng thời phóng úng khi mùa mưa lụt đến, dần dần hình thành con kênh Nhà Lê như ngày nay ( vì ra đời trong thời kỳ nhà Hậu Lê ). Đền Phúc Hải nằm cạnh đó thờ Thủy Thần, trấn thủy giúp dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược cùng với sự tàn phá của thiên nhiên và ý thức của con người nên các hạng mục công trình từ lâu đã trở thành phế tích. Trong khoảng thời gian từ 1946 - 1947, theo chủ trương hợp tự, các đồ tế lễ tại đền Phúc Hải và các chùa trong vùng được chuyển về hợp tự tại đền Phúc Hội; Từ năm 1956 - 1958, ngôi đền bị tháo dỡ làm trường học và kho hợp tác xã, từ đó Đền trở thành phế tích hoàn toàn. Đến nay, những chứng tích để lại về ngôi đền hầu như không còn, chỉ lưu giữ lại được 07 sắc phong, di hiệu vua ban cho các quan thần thời xưa, 01 bộ kiệu bằng gỗ được chạm trổ nhiều nét hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, 01 con rùa đá cổ còn nguyên hình, 01 gia phả đền làng và một số câu chuyện liên quan đến Đền và làng Phúc Hải do các cụ cao niên kể lại. Tuy vậy chỉ trong một thời gian ngắn, với sự tâm huyết của các cụ Hội viên Hội người cao tuổi xã, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm và con em quê hương đang công tác khắp mọi miền tổ quốc xa gần mà nhiều hạng mục đã được trùng tu, tôn tạo khá khang trang, phục vụ nhu cầu thờ cúng, tín ngưỡng của bà con trong vùng cũng như thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ngày 28/02/2015, đền Phúc Hải đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 732/QĐ-UBND. Đây là một thành quả rất đáng tự hào cho những nỗ lực mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân dân xã Thuận Lộc đã cùng chung tay khôi phục, tôn tạo cũng như gìn giữ, phát huy những giá trị vốn có, từng bước xây dựng Đền trở thành một địa chỉ tâm linh thu hút du khách xa gần, là điểm nhấn quan trọng trong quần thể du lịch văn hoá tâm linh mà thị xã Hồng Lĩnh đang hướng tới trong tương lai.

Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Về kiến trúc ngôi đền:

Cổng đền : Hai cột trụ cổng chính có hình trụ vuông, cao 3,37m, trên có biểu tượng hai con nghê hướng chầu vào nhau. Hai bên là tường giắc tiếp giáp với trụ giới hạn của cổng đền. Tại cổng đền có hai câu đối:

Phúc Hải điện linh tam lang điện

Hồng Sơn nhân kiệt sống trọng đền.

Nhà thượng điện : Nhà thượng điện quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản, được xây dựng lại bằng gạch được bao quanh 3 mặt kiên cố, mái lợp ngói, thoải, trên bờ nóc có đắp phượng long chầu nguyệt, các đầu kẻ, xà và khấu đầu có chạm trổ các họa tiết hoa lá cách điệu. Trong nhà thượng điện được bài trí theo 3 cung thờ ( Cung chính và cung tả, cung hữu ), thờ 3 vị tam lang, gian giữa đặt bài vị và các đồ tế khí, hai bên là bàn thờ các anh hùng liệt sỹ, những người có công với cách mạng. Phía trước bàn thờ là hai con rồng đang uốn lượn ôm lấy hai cột trụ. Nhà thượng điện có câu đối:

Đền Phúc Hải nhờ thế hiển linh vua ban ấn phong sắc

Đức Long vương thuận ý hộ chiếu dân hưởng lộc phụng thờ.

Nhà trung điện : Về kết cấu, nhà Trung điện cũng tương tự như nhà Thượng điện, dùng để thờ các vị thần, gồm 3 gian được kết cấu theo kiến trúc bê tông giả gỗ gác tường, mặt chính trổ 3 cửa, mái lợp ngói đỏ, đỉnh nóc có hình " Lưỡng long chầu nguyệt ", bốn góc mái đắp bốn con rồng cách điệu. Mặt trước nhà trung điện đặt nhà bia kiểu hai tầng, 8 mái, hai bên là hai bức tượng quan văn, quan võ chầu hai bên để bảo vệ Đền, phía trong đặt bia ghi nội dung các vị nhân thần được thờ tại đền Phúc Hải với hai câu đối:

Công cao hộ quốc lưu nhân thần

Đức đại yên dân hậu thế lập.

Phần bài trí nội thất Trung điện khá đơn giản. Gồm hương án thờ bằng gỗ, bài trí hương bằng đồng, trước hương án có hai con hạc gỗ.

Như vậy, có thể nói đền Phúc Hải là một công trình có sự thống nhất và hoàn thiện cao về mặt địa lý, về bố cục, về kết cấu và về kỷ thuật xây dựng…tuy không còn giữ được những nét chạm khắc tinh tế như xưa để lại, nhưng những giá trị tâm linh, truyền thống văn hóa mà nó mang lại thì vẫn còn nguyên vẹn như thuở ban đầu, là một chứng tích lịch sử, văn hóa vô giá.

Di tích đền Phúc Hải là một di tích lịch sử văn hóa có giá trị, là nơi thờ tự các vị thiên thần - là những vị thần bản hộ được thần thánh hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng văn hóa dân gian (Ba vị Tam Lang: Nhất Lang, Nhị Lang, Tam Lang). Bên cạnh đó, di tích đền Phúc Hải gắn liền với nhân thần, là những vị có công khai khẩn đất đai, lập làng và có công trong công cuộc giữ nước chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước được nhân dân thờ phụng, tôn làm nhân thần và các vị Thành Hoàng làng trong tín ngưỡng văn hóa Việt. Cùng với lịch sử, đền cũng là nơi thờ phụng một số nhân vật thuộc các dòng họ: Trần, Lê, Đinh, Nguyễn… là những dòng họ về khai khẩn, lập làng khá sớm và một số người đỗ nho sinh, ấm sinh, tú tài qua các kỳ thi dưới thời phong kiến và đã có nhiều công lao với làng xã nên được triều đình phong kiến sắc chỉ để thờ tự. Hiện nay, tại đền vẫn còn lưu giữ được một số tài liệu bằng bản gỗ chữ Hán và bản lược dịch ghi lại danh tính, công trạng của một số nhân vật từ thời Hậu Lê và thời nhà Nguyễn.

Di hiệu được khắc trên bia đá tại Đền

Về hoạt động lễ hội:

Từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tại Đền tuân thủ theo các quy ước của làng, xã thời phong kiến. Việc tổ chức tế tự được thực hiện vào ngày lễ, tết, khai hạ, rằm tháng giêng, tháng bảy, các dịp lễ kỳ phúc, lục, ngoạt,… do các vị chức sắc đứng đầu làng, xã làm chủ lễ. Vật phẩm được dâng lên bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, lễ vật truyền thống và thu hút đông đảo người dân trong vùng tập trung về đây để thực hiện nghi thức tế lễ. Sau khi tế, các sinh hoạt văn hóa dân gian được tổ chức tại sân đền, như: Đánh cờ tướng, cờ người, kéo co, hát Sắc bùa… Tất cả đều cầu mong, ước nguyện cho mùa màng ngày càng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, cuộc sống dân làng đầm ấm, yên vui. Sau Cách mạng, sinh hoạt tín ngưỡng tại đây vẫn được bảo lưu cho đến năm 1954. Từ năm 1954 đến 1990, do nhiều điều kiện chi phối nên các hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại Đền bị tạm ngưng. Đến năm 2000, các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tại Đền được phục hồi và chính thức tổ chức lại với quy mô như xưa sau khi ngôi đền được phục dựng lại vào năm 2013.

Hàng năm, cứ đến ngày 10/3 ( ngày giỗ thần) và 10/6 ( Lễ báo ân) âm lịch hàng năm đông đảo bà con nhân dân trong Thôn và nhân dân quanh vùng đến tham quan, thắp hương tại Đền, ôn lại quá khứ rất đỗi tự hào của một ngôi đền đã tồn tại hàng trăm năm lịch sử. Đơn cử như mẫu chuyện về con rùa đá được nhân dân truyền tai nhau: Đó là sau khi Đền bị phế bỏ, người dân trong làng đã đưa 01 con rùa đá về đặt ở bến nước cách Đền 300m. Kỳ lạ thay, hàng năm vào đầu mùa thi cử, Rùa đá xoay đầu hướng đến xóm nào thì xóm đó nhất định có con em đậu đại học, cao đẳng nhiều nhất vùng trong năm đó và cũng không ai giải thích nổi tại sao Rùa đá lại có thể tự động xoay, tiên đoán trước được tỷ lệ đỗ đạt của con em trong vùng.

Lễ rước bằng di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Hiện nay, Ban Quản lý di tích đền Phúc Hải cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương đang kêu gọi các nhà hảo tâm, con em xa quê, bà con trong vùng đóng góp một phần công sức tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục của Đền và xây dựng Đền trở thành một công trình tâm linh xứng tầm với quy mô, giá trị văn hóa tâm linh của nó đã từng có từ trước. Chắc chắn rằng trong tương lai, Đền Phúc Hải sẽ là địa điểm linh thiêng để nhân dân trong làng cũng như ở các miền quê khác đến cầu mong cho những điều bình an!

Hằng Nga – Quốc Thuận

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 4.440.672
Online: 15
ipv6 ready