Nhà thờ Trần Văn Khải, thuộc nhà thờ họ Trần Văn tại làng Phúc Hải, nay nằm ở Thôn Chùa, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một trong những nhà thờ họ lớn tồn tại khá lâu đời tại xã Thuận Lộc.
Theo gia phả dòng họ và các nguồn tư liệu lịch sử cho biết, dòng họ Trần Văn làng Phúc Hải có nguồn gốc từ Hải Dương, đến đây lập nghiệp vào cuối thế kỷ thứ XVI. Người khai cơ cho dòng họ là cụ Trần Văn Giáo, vốn sinh ra và lớn lên tại xã Bình Hồ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, chuyển về định cư lập nghiệp tại làng Phúc Hải và trở thành vị thủy tổ của dòng họ Trần Văn nơi đây. Trải qua gần 500 năm hình thành và phát triển, dòng họ Trần Văn đã trở thành một dòng họ lớn trong xã Thuận Lộc, nơi đây đã sản sinh ra khá nhiều các nhân tài, có công với quê hương, đất nước, được nhân dân ghi nhận, tiêu biểu trong số đó có cụ Trần Văn Khải.
Căn cứ vào nguồn tư liệu gốc như sắc phong, lệnh chỉ và gia phả đang lưu giữ tại di tích, cụ Trần Văn Khải thuộc đời thứ 9 của dòng họ, ông sinh vào khoảng nữa đầu thế kỷ thứ XVIII, ở một giai đoạn đầy những biến động của lịch sử dân tộc, đó là giai đoạn cuối của thời Vua Lê – Chúa Trịnh. Trong bối cảnh lịch sử đó, Trần Văn Khải đã lựa chọn đi theo con đường binh nghiệp và trở thành một võ quan trong quân đội nhà Lê, làm đến chức Thiết kỵ úy, Phó Thiên hộ, danh hiệu Tráng tiết tướng quân, hiệu lệnh tư xuy kim tráng sỹ. Ông được giao chỉ huy một đội ưu binh thuộc cơ Hữu Dực, một lòng trung thành với triều đình; tham gia nhiều cuộc đánh dẹp các cuộc nổi dậy do Lê Danh Phương, Nguyễn Hữu Cầu ở Hưng Hóa, Sơn Nam, lập được nhiều công trạng nên chỉ sau một thời gian ngắn đã được triều đình ban sắc phong vinh danh. Đặc biệt, ông có công trong việc giúp triều đình Vua Lê – Chúa Trịnh ổn định triều chính khi cùng với các công thần, đội Kiêu binh đứng về phía chúa Trịnh Khải lật đổ chúa Trịnh Cán và phe Đặng Thị Huệ - Hoàng Đình Bảo lộng quyền triều chính lúc bấy giờ. Do đó, trong cùng một ngày, ông đã được Chúa Trịnh Tông ban cùng một lúc 2 sắc phong ghi nhận công trạng, đến nay vẫn còn được con cháu lưu giữ nguyên vẹn tại di tích. Đến cuối năm 1788, khi triều đình Vua Lê – Chúa Trịnh sụp đổ, vua Quang Trung lên ngôi Hoàng đế, kéo quân ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh. Lúc này, ông Trần Văn Khải giải ngũ về quê, cùng với nhân dân tổ chức khai khẩn đất đai, xây dựng làng xóm, góp phần làm cho làng Phúc Hải trở thành một vùng đất trù phú, đồng ruộng tươi tốt quanh năm, mùa màng bội thu, kinh tế - văn hóa phát triển. Công lao to lớn của ông đã được nhân dân trong vùng ghi nhận; Sau khi ông mất, nhân dân đã suy tôn là một trong những vị thành hoàng làng và rước vào thờ tại Đền Phúc Hải cùng với các vị tiên hiền khác trong làng. Nối tiếp truyền thống của dòng họ Trần Văn, có rất nhiều người là hậu duệ của ông Trần Văn Khải tiếp tục trở thành những bậc tướng tài, lập được nhiều công trạng, được triều đình sắc phong, như: Ngoại úy đội trưởng Trần Phạn, Chánh đội trưởng Trần Thê (thời nhà Nguyễn),…
Di tích Nhà thờ Trần Văn Khải được xây dựng trên diện tích hơn 100m2, quay mặt về hướng Đông Nam, kiến trúc theo kiểu hình chữ Nhị (=), bao gồm: Nhà Thường điện, hạ điện, cổng chính và tường rào bao quanh. Theo gia phả dòng họ, nhà thờ được xây dựng từ năm 1820. Ban đầu, nhà thờ là một ngôi nhà tranh ba gian hai chái, nền đất, xung quanh thưng ván. Năm 1890, ngôi nhà được thay mái tranh bằng ngói âm dương, đồng thời làm thêm ba gian nhà Hạ điện bằng gỗ lim lợp ngói. Năm 1946, trải qua bào mòn của thời gian, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, nhà hạ điện bị hư hỏng, mục nát hoàn toàn nên được dỡ bỏ. Đến những năm gần đây, con cháu trong dòng họ đã đóng góp sức người, sức của trung tu, tôn tạo lại nhà Thượng điện, khôi phục lại nhà Hạ điện, làm cổng chính, tường rào bao quanh như ngày nay.
Lễ cắt băng khánh thành công trình tôn tạo Nhà thờ Trần Văn Khải
Lễ rước Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Trần Văn Khải
Đại diện Sở VHTT-DL Hà Tĩnh và UBND thị xã trao Bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho Nhà thờ Trần Văn Khải
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhà thờ Trần Văn Khải trở thành một biểu tượng tâm linh, nơi hội tụ của con cháu dòng họ Trần Văn – Xã Thuận Lộc. Để đáp ứng niềm mong mỏi của con cháu dòng họ Trần Văn, cũng như bà con xã Thuận Lộc, ngày 28/8/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2500/QĐ-UBND về việc công nhận Nhà thờ Trần Văn Khải là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ngày 02/9/2017, được sự chỉ đạo của UBND thị xã, Cấp ủy chính quyền xã Thuận Lộc cũng như con cháu dòng họ Trần Văn đã tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Nhà thờ Trần Văn Khải. Đây là một vinh dự to lớn của con cháu dòng họ Trần Văn nói riêng và cũng là một niềm tự hào của xã Thuận Lộc cũng như thị xã Hồng Lĩnh nói chung./.