(Baohatinh.vn) - 75 năm trôi qua nhưng trong tâm khảm của nhiều thế hệ người dân Việt Nam, ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 19/8/1945 vẫn còn âm vang hào khí và niềm tự hào dân tộc lớn lao.
Trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (từ ngày 10 - 19/5/1941) ở Khuổi Nậm, Pác Bó (Cao Bằng) quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam.
Hồ Chủ tịch đã ở ngôi lán này trong những ngày Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII họp (tháng 5/1941), quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Ảnh tư liệu.
Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới... Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập với tôn chỉ mục đích: “Liên hiệp hết thảy tất cả các tầng lớp Nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(*).
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy được thành lập.
Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ảnh tư liệu.
Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ địa cách mạng và khắp cả nước, công cuộc chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền được diễn ra một cách gấp rút, mạnh mẽ.
Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta!” nhằm phát động phong trào kháng Nhật cứu nước.
Ngày 16/8/1945, Đại hội đại biểu quốc dân họp ở đình Tân Trào gồm 60 đại biểu của 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh.
Đại hội cũng thông qua Quốc ca là bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao và quốc kỳ là lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Sau đại hội, các đại biểu tỏa về các địa phương chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền.
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh Tư liệu của TTXVN.
Theo lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, Nhân dân ta đã đứng lên giành chính quyền vào những ngày tháng 8/1945. Toàn dân đã chớp thời cơ, nhất tề nổi dậy phá kho thóc của Nhật cứu đói, biểu tình kéo về các huyện lỵ buộc chính quyền thân Nhật Trần Trọng Kim phải bàn giao lại ấn triện và trụ sở cho chính quyền cách mạng lâm thời.
Chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 14 - 21/8, đỉnh cao là ngày 19/8, chính quyền đã về tay Nhân dân trong cả nước mà không phải tổn thất xương máu. Hà Tĩnh là một trong những địa phương đã đứng lên tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám khá sớm, từ ngày 16/8 và hoàn thành khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 21/8.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu TTXVN).
Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước. Trong lời thề vang vọng dưới nắng Ba Đình mùa thu 1945, toàn quân, toàn dân ta đã quyết một lòng “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Tuyên ngôn Độc lập).
Càng tự hào về mùa thu cách mạng, mỗi một người lại càng khắc sâu lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm đem máu xương giữ vững quyền tự do, độc lập của dân tộc, đem sức lực, trí tuệ, của cải để tô đẹp non sông, đất nước. 9 năm trường kỳ kháng chiến “Gan không núng, chí không mòn”, 20 năm gian khổ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, toàn dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn lời thề năm xưa ở Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng, sự điều hành của Quốc hội và Chính phủ, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, đưa đất nước từng bước đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương đã đứng lên tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám khá sớm. (Trong ảnh: Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại Can Lộc, Hà Tĩnh).
Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều biến động. Các thế lực thù địch, phản động hàng ngày, hàng giờ mưu toan phá hoại thành quả cách mạng Việt Nam.
Mỗi người dân Việt Nam cần thắp sáng niềm tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh anh dũng; hiểu sâu hơn giá trị lớn lao mà Cách mạng tháng Tám mang lại, thấm thía sâu sắc những lời đanh thép mà thấm đẫm nhân tình của bản Tuyên ngôn Độc lập; soi mình trong tư tưởng độc lập dân tộc và CNXH của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đập tan luận điệu của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.