Xác định kiến nghị cử tri là cơ sở để đổi mới giám sát chuyên đề, giúp đoàn giám sát có các căn cứ thực tiễn để kết luận chính xác, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tại các 04 tổ dân phố trên địa bàn; đồng thời khảo sát, gặp gỡ, liên hệ trực tiếp với các cử tri tại các cụm dân cư trên địa bàn thị xã.

Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo (được ban hành kèm theo Nghị quyết số 35/NQ-HĐND, ngày 21/7/2017 của HĐND thị xã Hồng Lĩnh) với có 15 mục tiêu cụ thể. Đây là một Đề án rộng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Chính vì vậy khi giám sát chuyên đề này, việc mời các cử tri cùng giám sát với Đoàn đã được Ban Kinh tế - Xã hội xây dựng kế hoạch cụ thể. Theo đó, để tranh thủ được sự giám sát, đánh giá của các bậc cử tri, Ban đã lựa chọn 02 hình thức chính là thông qua tổ chức TXCT chuyên đề và gặp gỡ trực tiếp qua khảo sát thực tế.

Bà Phan Thị Hồng Xoan – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy,Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã tiếp thu ý kiến cử tri TDP Thuận Hòa, phường Đức Thuận

Theo bà Phan Thị Hồng Xoan – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã, qua các buổi tiếp xúc cử tri cho thấy, đa số ý kiến cử tri tập trung vào nội dung chuyên đề với trên 30 lượt ý kiến tại 04 tổ dân phố của các phường: Nam Hồng, Đức Thuận, Đậu Liêu và Trung Lương. Ngoài phản ánh thực trạng, đánh giá cái được, chưa được sau hơn 1 năm thực hiện Đề án thì các cử tri cũng đã "hiến kế" cho cấp ủy, chính quyền các cấp để khắc phục các hạn chế, phát huy kết quả đạt được, hoàn thành mục tiêu Đề án đề ra. Sự quan tâm của cử tri đòi hỏi HĐND các cấp phải có cách làm hiệu quả, mà trước hết là trong hoạt động tổng hợp, theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị cử tri.
Điều dễ dàng nhận thấy ở các cuộc TXCT chuyên đề về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là đa số các bậc cử tri không chỉ đồng tình với chủ trương xây dựng nếp sống văn minh đô thị, mà còn đóng góp, hiến nhiều kế hay, cách làm phù hợp cho thị xã và chính quyền địa phương tham khảo. Theo đó, các ý kiến đi sâu đánh giá các hạn chế, yếu kém và các giải pháp về công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Việc chấp hành chủ trương, chính sách; sinh hoạt, các quy ước ở khu dân cử của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình trên địa bàn tại nơi cư trú; Đạo đức công vụ của các bộ công chức, viên chức khi giao tiếp với Nhân dân; Trách nhiệm của người dân đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương tại khu dân cư. Tình hình thực hiện công tác quản lí trật tự đô thị; đánh giá công tác quản lí trật tự đô thị cũng như ứng xử của cán bộ Đội QLTT đô thị và phường trong công tác đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn; Tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông; đạo đức, ứng xử của cán bộ chiến sỹ công an đối với dân trong thực thi nhiệm vụ; Tình hình thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng như việc huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị,..

Là địa phương tích cực trong mở rộng các tuyến đường theo quy chuẩn song phường Đậu Liêu lại gặp khó khăn trong chỉnh trang vì sau mở rộng nhiều cột điện nằm trên mương và lòng đường

Theo đó, đa số cử tri khẳng định tuy gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việcxóa bỏ những thói quen xấu như xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, thiếu văn hóa trong giao thông, hành xử và ứng xử chưa đẹp… nhưng từ khi Đề án đi vào thực thi đã được cụ thể hóa vào các hương ước của các thôn, tổ dân phố, thấm sâu vào từng hành động của mỗi một người dân nên ở một số đơn vị đã có những chuyển biến tích cực, như sự đồng thuận trongmở rộng, nâng cấp các tuyến đường bê tông tại phường Đức Thuận, Đậu Liêu, vệ sinh môi trường tại phường Trung Lương.

Chia sẻ về thành công trong huy động nguồn lực để mở rộng đường, chỉnh trang đô thị, cử tri Đào Viết Ánh, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Thuận An, phường Đức Thuận cho biết: Chúng tôi vận dụng đúng câu:"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", khi cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành thì việc vận động toàn thể Nhân dân cùng đồng hành là việc khá dễ dàng. Cán bộ, đảng viên không gương mẫu thì nói Nhân dân chẳng phục. Xây dựng đô thị và văn minh đô thị phải bắt đầu từ mỗi người dân, trong đó đảng viên phải tiên phong, không chỉ tiên phong trong phong trào chỉnh trang đô thị mà tiên phong trên tất cả lĩnh vực, nhất là trong ứng xử với gia đình, bạn bè, làng xóm. Ngoài ra, muốn xây dựng đô thị và văn minh đô thị ngoài có sự lan tỏa sâu rộng, cần phải có bước đột phá thì mới thành công. Cộng đồng dân cư hiện nay vẫn có những người chưa ý thức trọn vẹn, còn những hành vi chưa văn hóa, văn minh. Vì thế, để xây dựng đô thị và văn minh đô thị, ngoài công tác tuyên truyền, cần có chế tài, để bảo đảm công bằng, thưởng phạt phân minh. Về cái này, theo tôi nghĩ, tinh hoa của Đề án đã được cụ thể hóa trong hương ước chỉ cần quán triệt và thực hiện tốt hương ước là đã khá đầy đủ.

Cử tri phường Đức Thuận "hiến kế" xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tại cuộc TXCT chuyên đề do Ban KT-XH tổ chức

Vấn đề làm sao thực hiện các tiêu chí của Đề án được nhiều cử tri tập trung phản ánh vào khía cạnh văn hóa ứng xử nơi công cộng, tính khả thi của các chỉ tiêu văn hóa và giải pháp thực hiện. Cử tri Đường Ngọc Mạnh, Tổ dân phố 2, phường Nam Hồng cho rằng: Làm mọi việc cần bắt đầu từ dân, bàn bạc công khai, dân chủ thì triển khai thực hiện dễ dàng, đối với các khó khăn, vướng mắc đề nghị thị, phường chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không làm giữa chừng. Cử tri Nguyễn Duy Ân, TDP 1, phường Nam Hồng nói sâu vào các hành vi ứng xử nơi công cộng cần phải được rút kinh nghiệm, như ứng xử của lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông cần văn minh hơn; đối với người dân, cán bộ cần nêu gương, cán bộnêu gương trướccho dân thì dân mới nghe theo, làm theo,hạn chế tình trạng mệnh lệnh, chỉ đạo. Cử tri Phạm Đức Tấn, TDP 2, phường Nam Hồng khẳng định muốn đô thị văn hóa, văn minh con người cầnvăn hóa, văn minh, mà văn minh nói ngay như trong hội họp, cần tôn trọng chủ trì và người khác. Khi triển khai thực hiện các mục tiêu Đề án cần nói rõ cho dân chỉnh trang đô thị thì chỉnh trang cái gì, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh thì xây cái gì, cần rõ ràng hơn để dân dễ tiếp thu, thực hiện. Về danh hiệu thôn, TDP văn hóa, Gia đình văn hóa cần quan tâm đến chất lượng thay vì số lượng. Cử tri Tấn cũng đề nghị phải bổ sung biện pháp xử phạt thích đáng đối với các hành vi làm xấu bộ mặt đô thị như thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là hành vi xả rác bừa bãi, hành xử thiếu văn hóa,...

Là địa phương khó mở rộng các tuyến lối do vướng nhà dân nên phường Trung Lương gặp khá nhiều khó khăn trong xây dựng các tuyến bê tông theo quy chuẩn, bên cạnh đó địa phương này cũng có các cụm dân cư cố kết cộng đồng từ lâu đời nên việc thay đổi các nếp nghĩ, thói quen chưa văn minh, như lấn chiếm vỉa hè để phơi quần áo, củi đốt và thậm chí đặt để các vật dụng phục vụ sản xuất thời gian đầu khi triển khai Đề án cũng gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, địa phương đã quán triệt Đề án lẫn hương ước tới các hộ dân. Ông Bùi Việt Hào, Chủ tịch UBMTTQ phường cho biết: từ 15 chỉ tiêu của Đề án cũng như các giải pháp, UBMTTQ phường đã phối hợp các đoàn thể rút gọn thành các khẩu hiệu ngắn, gọn, dễ nhớ, in trên giấy hồng và gửi về cho các đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân, như: thái độ ứng xử văn minh, lịch sự; không đổ rác, nước thải ra đường; không bạo lực gia đình; không có người mắc tệ nạn xã hội; không lấn chiếm lòng, lề đường; không đặt biển quảng cáo, phát tờ rơi, viết, vẽ bừa bãi; không vi phạm quy tắc an toàn giao thông… Đồng thời tổ chức ký cam kết cụ thể với từng đoàn viên, hội viên. Nhờ vậy, mặc dù đường nhỏ, hẹp do lịch sử để lại nhưng các tuyến,lối của phường, khu vực nào cũng được vệ sinh sạch sẽ, như tuyến Bùi Đăng Đạt, tuyến đường Thống Nhất dọc theo bờ sông Minh,...

Cụ Trần Việt Vựng, cử tri TDP Hầu Đền, phường Trung Lương cho biết: Cái hay của Đề án này là từ những hành vi, việc làm cụ thể để hình thành nên nếp nghĩ, hành xử chuẩn mực của mỗi một người dân. Điều đáng trăn trở là, hiện nay, lớp người thường xuyên vi phạm nếp sống lại là lớp trẻ. Việc mời các đoàn viên, thanh niên dự cuộc họp cho đông đủ ở phường rất khó khăn chứ chưa nói gì đến họ chịu ngồi nghe để mà nhắc nhở, tuyên truyền. Theo đó, cần tăng cường các biện pháp giáo dục, giác ngộ. Đối với các thanh niên, đoàn viên ưu tú, cán bộ trẻ cần rèn luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần, trách nhiệm để kế cận các cụ, các bác. Còn đối với các trường hợp khác cần áp dụng nghiêm các hình phạt, chế tài, có răn đe quyết liệt kết hợp với giác ngộ thì mới nên người văn minh được.

Hội LHPN phường Trung Lương lắp đặt các thùng rác tự chế tại các tuyến, lối

Có thể thấy, để thành công trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở thị xã Hồng Lĩnh rất cần sự đồng thuận, chia sẻ, hưởng ứng của từng người dân, nhất là lớp trẻ, học sinh, sinh viên -những chủ nhân trẻ của thị xã như tâm nguyện và "kế sách" của các bậc cử tri hiến cho Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã. Tin rằng, sau chuyên đề giám sát này, chính quyền các cấp sẽ có các giải pháp thiệt thực hơn tạo được ý thức của cộng đồng biết sống vì cái chung, biết chia sẻ lợi ích với cộng đồng bằng cách tiết chế thói quen xấu, từ bỏ nếp sống cũ không còn hợp với đô thị văn minh, hiện đại, Đề án xây dựng và nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh đô thị Hồng Lĩnh sẽ đạt đích đề ra, góp phần xây dựng Hồng Lĩnh xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía bắc tỉnh nhà./.

BÌNH NGUYÊN – BẢO PHƯƠNG


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.394.756
Online: 31