Theo lịch sử Đảng bộ phường Đức Thuận và ấn phẩm Dưới chân núi Hồng do Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh phối hợp xuất bản năm 2007 thì Đức Thuận trước đây thuộc Tổng Trung Lương, trực thuộc huyện Can Lộc (Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nửa Tổng Trung Lương gồm Vịnh Ninh, Ngọc Sơn, Vân Chàng và Bình Lãng hợp nhất thành xã Thiên Thuận – tiền thân của xã Đức Thuận). Lúc bấy giờ công tác xây dựng thành lập tổ chức Đảng ở các địa phương được xúc tiến khẩn trương. Ngày 20/10/1945 hội nghị Đảng bộ huyện Can Lộc đã bầu ra BCH huyện ủy lâm thời. Hội nghị đặt vấn đề phát triển tổ chức Đảng ở địa phương trong đó có Tổng Trung Lương. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện Can Lộc họp ngày 20/10/1945, Huyện ủy đã cử đồng chí Nguyễn Văn Thích về tổ chức thành lập chi bộ Đảng Tân Hợp. Sau một thời gian tìm hiểu xây dựng, ngày 10/02/1947 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Thích, tại nhà thờ họ Phan ở xóm Đình đã chính thức thành lập chi bộ Đảng dự bị mang tên chi bộ Tân Hợp (chi bộ Đảng xã Thiên Thuận), gồm 6 đồng chí cán bộ cốt cán, thanh niên hăng hái trong phong trào cách mạng, có lập trường kiên định vững vàng, đủ tiêu chuẩn đã vinh dự được kết nạp vào Đảng và trở thành những người đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Đức Thuận. Chi bộ Đảng ra đời lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương và xây dựng Đảng ngày càng phát triển. Sau khi ra đời, Chi bộ đã lãnh đạo Nhân dân xã Thiên Thuận hoàn thành các chỉ tiêu do huyện Can Lộc giao, có một số chỉ tiêu được xếp thứ nhất toàn huyện như lập quỹ đỡ đầu dân quân.

Học sinh Trường Tiểu học Đức Thuận trong ngày hội đọc sách

Năm 1948, Thiên Thuận hợp với Hồng Tiên thành Hồng Thuận và chuyển về huyện Đức Thọ theo chủ trương của Tỉnh về chia lại địa giới hành chính cấp huyện. Chi bộ Thiên Thuận và Hồng Tiên đã chính thức sáp nhập thành chi bộ Hồng Thuận do đồng chí Nguyễn Xuân Thảng làm Bí thư, chi bộ lãnh đạo Nhân dân trên phạm vi toàn địa bàn rộng. Nên đã phải thành lập các tổ Đảng ở từng làng, để tiến hành lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đảng, công tác Chính quyền và các tổ chức quần chúng xã hội.

Công việc trọng tâm các năm 1948-1954 mà chi bộ và chính quyền tổ chức thực hiện đó là: Triển khai nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp và thực hiện cuộc vận động giảm tô, giảm tức. Đây là nhiệm vụ quan trọng vừa để bồi dưỡng sức dân, vừa để hạ uy thế chính trị của giai cấp địa chủ, phú nông. Đây cũng là cuộc đấu tranh mang ý nghĩa chính trị lớn lúc bấy giờ. Việc phân định thành phần giai cấp địa chủ ở Hồng Thuận được tiến hành một cách suôn sẻ. Một số đảng viên của chi bộ thông qua cuộc đấu tranh này đã tiến bộ rõ rệt về lập trường, tư tưởng, nâng cao nhận thức, và một số đảng viên thiếu lập trường giai cấp đã bị đưa ra khỏi Đảng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc nước ta hoàn toàn được giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hoàn cảnh mới. Đức Thọ triển khai chủ trương lập lại địa giới, địa danh. Tháng 7/1954, Hồng Thuận được chia thành 2 xã (Trung Lương và Đức Thuận) và tổ chức Đảng cũng được kiện toàn lại. Xóm Miếu của làng Vân Chàng được cắt về Trung Lương. Cùng thời điểm năm 1954 Đảng ta tiến hành cải cách ruộng đất trên toàn miền Bắc với khẩu hiệu "người cày, có ruộng". ở Đức Thuận hàng trăm ha ruộng được chia cho người dân. Đây là một sự thay đổi mới chưa từng có. Xã Đức Thuận, lúc này do đồng chí Phan Xướng được cử làm Chủ tịch ủy ban hành chính xã. Chi bộ do đồng chí Đoàn Văn Viên làm Bí thư. Chi bộ đã phát huy những thành tích của thời kỳ chi bộ Hồng Thuận tiếp tục lãnh đạo Nhân dân khai hoang, phục hóa đẩy mạnh tăng gia sản xuất, lương thực, thực phẩm, để xóa nạn giặc đói.

Thực hiện Nghị quyết 05 của TW Đảng (Khóa II) về cải tạo XHCN, phong trào hợp tác hóa được đẩy mạnh, trước hết người đảng viên phải tiên phong gương mẫu với khẩu hiệu "Đảng viên đi trước làng nước theo sau". Đức Thuận lúc bấy giờ đã thành lập 9 Hợp tác xã cấp thấp gồm: Ngọc Sơn; Long Vân; Bình Lạng; Thuận Hòa; Thuận Lợi; Thuận An; Thuận Minh; Thuận Tiến; Thuận lập. Sau thắng lợi của công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Năm 1960, sau 13 năm phát triển đến lúc này chi bộ đã thành Đảng bộ do đồng chí Phan Đình Phúc được bầu làm Bí thư. Đảng bộ lãnh đạo phong trào địa phương thể hiện nhiều nét nổi bật như trong nông nghiệp. Bằng nguồn vốn tích lũy, Hợp tác xã Vân Chàng đã có máy bơm hút nước từ sông Minh tưới cho ruộng đồng xanh tốt. Đã có câu thơ rằng:

"Núi Hồng nước máy ngân vang

An Khê vỗ sóng xua tan bạo tàn"

Trong chiến dịch thủy lợi An Khê, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Linh đã về thăm xã Đức Thuận và chọn đây là điểm sáng của Tỉnh, được tỉnh biểu dương trao tặng lá cờ đầu và được thưởng chiếc đài RADIO chạy bằng dầu hỏa. Đây là vinh dự bước đầu của Đảng bộ và Nhân dân Đức Thuận. Những thành tựu ấy là cơ sở, tiền đề đưa Đức Thuận vững vàng bước vào thời kỳ vừa sản xuất, vừa chiến đấu ác liệt và vẻ vang nhất của dân tộc.

Đoàn viên, thanh niên phường Đức Thuận treo pa - nô dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp

Tháng 8 năm 1964, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá niềm Bắc và thực hiện chiến tranh cục bộ ơ Miền Nam, Nhân dân ta vừa sản xuất, vừa xây dựng, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến, người chỉ rõ " Không có gì quý hơn độc lập tự do". Đáp lời Bác gọi, cả dân tộc đã "xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước" với khẩu hiệu là "Tất cả cho tiền tuyên, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Đức Thuận có vị trí rất hiểm yếu, nên chịu nhiều tang thương. Trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ là cầu Đò Trai và dọc tuyến sông Minh hòng cắt đứt tuyến đường tiếp tế của Miền Bắc chi viện cho chiến trường Miền Nam, nên không có ngày đêm nào máy bay Mỹ lại không ném bom, gây cho địa phương biết bao nhiêu tang tóc. Lòng căm thù nung nấu trong mỗi đảng viên và mỗi người dân, biến đau thương thành hành động cách mạng, Đảng bộ Đức Thuận đã lãnh đạo Nhân dân tay cày, tay súng vừa sản xuất vừa chiến đấu, xây dựng các phong trào "5 tấn, 2 con", "Phụ lão ba giỏi, phụ nữ 3 đảm đang", "Thanh niên 3 sẵn sàng", "Mỗi lao động là mỗi ha gieo trồng:… Tinh thần đó đã tạo ra cảnh nhộn nhịp làng quê, phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" của cả nước đã được thực hiện rộn ràng khắp xóm làng Đức Thuận.

Khi đất nước thống nhất, trong khó khăn bề bộn của những ngày đầu giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân Đức Thuận với khẩu hiệu hành động "Đoàn kết, đổi mới, tiến lên" đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: kinh tế ổn định và phát triển khá; văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững... Năm 1981, một phần diện tích và một phần dân số của xã Đức Thuận được cắt ra để thành lập thị trấn Hồng Lĩnh, nay là phường Bắc Hồng và một phần phường Nam Hồng. Ngày 02/3/1992 thực hiện Quyết định của Hội đồng Chính phủ, thị xã Hồng Lĩnh được ra đời với 2 phường, 04 xã, xã Đức Thuận thuộc địa giới hành chính của thị xã Hồng Lĩnh. Địa giới hành chính của xã được mở rộng với việc cắt xóm 11 nay thuộc TDP 6 phường Bắc Hồng và tiếp nhận 114 hộ dân Đồng Thuận xã Đức Thịnh. Năm 2009, thực hiện Nghị định 03/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19 tháng 01 năm 2009, xã Đức Thuận thành phường Đức Thuận. Đây là niềm vinh dự lớn nhưng là nhiệm vụ hết sức nặng nề của Đảng bộ và Nhân Dân phường Đức Thuận trong thực hiện mục tiêu xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị với xuất phát điểm thấp.

Kế thừa và phát huy các thành tựu của những nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và những năm đầu của nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ phường đã chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở Đức Thuận đã biết khơi dậy ngành nghề truyền thống như rèn, mộc, nề và phát triển mạnh trong kinh doanh dịch vụ, buôn bán đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hằng trăm lao động có thu nhập khá, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế địa phương và đời sống Nhân dân được nâng lên.

Bên cạnh sự phát triển kinh tế, Đức Thuận luôn tập trung trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông được làm bằng nhựa hoặc bê tông hóa, kết quả năm 2003 được Bộ giao thông vận tải tặng cờ đơn vị xuất sắc toàn quốc. Hệ thống trường học được xây dựng đáp ứng cho việc dạy và học. Hệ thống điện sáng được nâng cấp đúng mức và các công trình khác lần lượt được ra đời đó là: Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, di tích Đền Song Trạng, chùa Long Đàm, Trạm y tế, nhà truyền thông dân số, hệ thống truyền thanh, trụ sở làm việc của Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể. Đầu tư xây dựng kênh mương tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng chợ Hồng Sơn, đường giao thông đô thị, nội đồng đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống Nhân dân và phục vụ sản xuất. Thời gian gần đây, nhờ sự quan tâm của cấp trên, phường Đức Thuận được đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nhà nước trên hàng trăm tỷ đồng như con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh, nâng cấp Quốc lộ 8A; đường trung tâm của phường... góp phần làm cho kinh tế- xã hội của phường ngày càng phát triển. Cơ sở hạ tầng được tăng cường, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm tăng nhanh, tổng giá trị sản xuất đạt từ 4 tỷ đồng năm 1992, đến năm 2011 đạt 89 tỷ đồng và đến nay cuối năm 2016 đạt 239,68 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người từ chổ đạt 1 triệu đồng/ người/ năm đến nay đạt 41 triệu đồng/ người/ năm. Nhờ đời sống được nâng lên mà đến nay Đức Thuận không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới ở mức 7,3%, số hộ giàu, hộ khá tăng nhanh.

Song song với phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị, Đức Thuận còn đẩy mạnh các phong trào, hoạt động văn hóa - xã hội. Trước đây do điều kiện địa phương dân cư chia thành nhiều vùng, trường học xây dựng không tập trung, trường Tiểu học có 3 phân hiệu, Mầm non phải học tại nhà trẻ các xóm, trường Trung học cơ sở xuống cấp trầm trọng, đội ngũ giáo viên còn bất cập cả về trình độ và năng lực... Đến nay, phường đã xây dựng được những ngôi trường khang trang, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, các em học sinh chăm ngoan học giỏi. Đến nay, 02 trường mầm non và tiểu học đều đạt chuẩn Quốc gia mức 2 và trường Trung học cơ sở giữ chuẩn quốc gia sau 10 năm đạt chuẩn. Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục nên hàng năm không có học sinh bỏ học ở các cấp học; số học sinh giỏi tỉnh, giỏi thị năm sau cao hơn năm trước. Học sinh đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng năm 1993 là 4 em thì đến năm 2011 là 104 em, năm 2016 là 84 em.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân luôn được Đảng ủy, chính quyền chú trọng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, đáp ứng cho việc khám và điều trị; trình độ, năng lực, trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ngày càng được nâng cao. Cuối năm 2016, Đức Thuận được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nhân dân tích cực thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Bên cạnh đó, quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được quan tâm chỉ đạo. Đảng bộ phường đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay"; Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóaXII vềtăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Với những thành tích nổi bật, Đảng bộ và Nhân dân phường Đức Thuận nhiều năm liền được các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh, thị xã ghi nhận và khen thưởng. Đảng bộ luôn được công nhận danh hiệu trong sạch vững mạnh và nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Những phần thưởng cao quý đó là niềm vinh dự và tự hào của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Đức Thuận trong suốt chặng đường thực hiện sự nghiệp đổi mới của đất nước, là động lực quan trọng để phường có những bước tiến mới trong tương lai, quyết tâm xây dựng phường Đức Thuận giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng – an ninh, văn minh trong cuộc sống, xứng đáng là quê hương danh nhân văn hóa Song Trạng Nguyên, quê hương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; góp sức xây dựng thị xã Hồng Lĩnh trở thành đô thị loại III vào năm 2020./.

BẢO PHƯƠNG – MINH ĐỊNH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.687.771
Online: 30