Không chỉ là một vùng quê giàu truyền thống với nhiều truyền thuyết lung linh, huyền sử, nhắc đến Trung Lương người ta nghĩ ngay đến làng rèn truyền thống nổi tiếng bao đời nay.

Phường Trung Lương tổ chức trọng thể lễ tế Đức tổ Thánh Thợ rèn

Truyền thuyết kể rằng, người khai sinh ra nghề rèn là ông Đùng. Vì thương dân lao động vất vả do không có nông cụ nên ông lấy sắt, đốt than rèn các dụng cụ phục vụ sản xuất phát cho mọi người. Sau đó, ông truyền nghề lại cho Nhân dân. Những người học được nghề đầu tiên đã lập nên làng rèn Trung Lương. Ghi nhớ công đức của ông, người dân Trung Lương đã lập đền thờ tại núi Tiên (Tiên Sơn), nằm ngay giữa làng và gọi là đền thờ ông là đền Thánh Thợ. Hằng năm, cứ vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, Nhân dân Trung Lương trang trọng tổ chức Lễ tế Đức tổ Thánh thợ rèn. Dẫu là truyền thuyết nhưng có lẽ phải gắn với thực tiễn nên người dân Trung Lương bao đời vẫn luôn tự hào về một vị tổ sư nghề rèn đầu tiên là ông Đùng to lớn, oai phong. Để rồi ngày nay, không chỉ nổi tiếng là làng khoa bảng, Trung Lương còn biết đến bởi sự rộn ràng của những lò rèn đỏ lửa và không khí tươi vui, náo nhiệt của một vùng quê rộn ràng mùa lễ hội đua thuyền mỗi dịp Tết đến xuân về. Một câu chuyện khác của những người dân Trung Lương thì kể rằng, trong nhiều người thợ được ông Đùng truyền nghề có hai anh em Trương Như Trung và Trương Như Hiền là giỏi giang hơn cả. Sau này ông Trương Như Trung ở lại làng còn ông Trương Như Hiền vào đàng Trong lập nghiệp và lập nên làng nghề Hiền Lương xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Quảng Trị. Còn ông Trương Như Trung cũng cho con cháu mình ngược ra phương Bắc để truyền nghề và lập nên làng rèn Văn Chàng tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ngày nay từ gia phả của các dòng họ và truyền ngôn trong dân gian, nhân dân 3 địa phương đều đã tổ chức thăm viếng lẫn nhau rất thắm thiết nghĩa tình. Bởi vậy văn tế Đức thánh Thợ rèn ở Trung Lương có viết:

"Ngoài, Nam Định vốn một gốc phân cành;
Trong, Trị Thiên cũng một nguồn thủy tổ …".

Để đền đáp công lao to lớn của người đã dạy nghề cho dân làng, nên trong đền làng Trung Lương xây vào năm 1880 có hai câu đối nhắc đến anh em "Trung - Hiền":

"Trung Hiền tịnh tiến tương tiên hậu
Lương thiện thành phong tự cổ kim".
Dịch là:
"Trước sau Trung Hiền đều sánh bước
Xưa nay lương thiện đã thành lề"

Mặc dù nguồn gốc làng rèn được giải thích theo những cách khác nhau song có một điều không thể phủ nhận là từ xa xưa đến nay, Trung Lương phát triển đi lên nhờ có nghề rèn. Theo mô tả của cụ Lưu Công Đạo, thì Trung Lương hiện lên trong tâm thức bao người vẫn là tiếng đe đanh đanh, những ngôi nhà san sát, là hình ảnh mùa xuân, du khách bốn phương về trẩy hội thuyền rồng đông vui. Nhưng thay vì lung linh đôi bờ ánh đèn như sao là ánh điện huy hoàng của cuộc sống đô thị hiện đại đang hình thành. Kẻ Bấn năm xưa giờ đã thành phường, dòng sông Minh ôm ấp những ngôi nhà khang trang, những con đường sạch sẽ, kiên cố, rộng rãi, cụm công nghiệp làng nghề truyền thống Trung Lương hình thành và phát triển, sản phẩm của làng rèn giờ đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và xuất khẩu sang các nước bạn.

Người thợ rèn Trung Lương xưa không chỉ sản xuất nông cụ để phục vụ dân sinh mà khi quốc biến họ sẵn sàng đem tay nghề của mình để giúp nước, cứu dân. Trong lịch sử Đảng bộ phường vẫn ghi chép rất trang trọng chuyện kể thời Cần Vương, thầy trò cố Đường đã tình nguyện đem lò bệ của mình lên đại ngàn rèn đao, kiếm cho nghĩa quân Phan Đình Phùng. Thời chống Pháp, thợ rèn Trung Lương đã rèn hàng vạn mã tấu, dao, kiếm, súng kíp... phục vụ cho kháng chiến. Hiện nay, mặc dù chịu sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, song nghề rèn Trung Lương vẫn không ngừng phát triển với bản sắc riêng. Với sự phát triển của công nghiệp, hầu hết các sản phẩm kim loại như dao, kéo, cuốc, xẻng... với nhiều kiểu dáng đẹp, nhẹ, giá mềm được bày bán rất nhiều ngoài thị trường. Nhưng với nhiều người thì những sản phẩm được làm từ các lò rèn thủ công lại là sản phẩm ưa thích. Đang lựa những chiếc dao được một chủ lò rèn Trung Lương bày bán tại chợ Hồng Sơn - phường Đức Thuận, bà Bùi Thị Tam - TDP Thuận Hồng, phường Đức Thuận cho biết: "Hiện nay, các loại dao ninox bán ở các chợ, siêu thị khá nhiều, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nhưng sử dụng không lâu thì không còn sắc, khó mài. Lâu nay, gia đình tôi vẫn quen sử dụng các sản phẩm của làng rèn, như những chiếc dao ni vừa sắc bén, chịu lực cao lại bền. Khi mô cùn (khi không sắc nữa) chỉ cần mài nhẹ dưới đáy đọi (bát ăn cơm) là dùng như mới". Không chỉ người tiêu dùng ở thị xã Hồng Lĩnh và các huyện lân cận tin dùng các sản phẩm thủ công của làng rèn mà các chủ cơ sở kinh doanh dao kéo tại chợ Vinh, tỉnh Nghệ An cũng rất thích các dòng sản phẩm của làng rèn. Theo chủ một cửa hàng này thì các sản phẩm bán chạy, lấy tận gốc ở các lò rèn giá rẻ nên quay vòng vốn nhanh.

Theo chân anh Kiều Minh Hùng - Cán bộ văn hóa phường, chúng tôi đến nhà cụ Bùi Văn Hòa, năm nay cụ đã 75 tuổi, đôi tay cụ mặc dù đã không còn gắn với cáibúa, cáiđe nhưng thời giancụ gắn bó với nghề rèn cũng đã hơn 60 năm. Khoảng thời gian ngang với một đời người khiến cụ không thể nhớ nổi đôi tay mình đã rèn bao nhiêu con dao, cái bừa, lưỡi cuốc, bởi từ năm lên mười, cụ đã mon men ra lò phụ cha quay bệ, xúc than, lắp cán dao, trả hàng... rồi cứ thế biết làm nghề. Thời gian thấm thoắt trôi đi, từ cậu bé đen nhẻm, nhỏ thó, cụ trở thành một chàng thợ rèn lực lưỡng với tay nghề ngày càng điêu luyện. Sống quen với tiếng đe, tiếng búa nên cụ không thể dứt khỏi nghề rèn. Cụ là một trong những người thợ chính của của HTX rèn đúc thời thị trấn Hồng Lĩnh mới thành lập. Sau khi HTX giải thể, quay trở về cụ lại gắn bó với lò rèn thủ công của gia đình rồi truyền nghề cho các convà vui hưởng tuổi già. Mấy thế hệ trong gia đìnhcụ đều gắn bó với nghề rèn. Cái nghề theo cụ tuy vất vả, lem luốc nhưng cơm no, áo ấm và với một cái lý do rất đặc biệt là yêu "tiếng đe, tiếng búa" rộn ràng, yêu hơi ấm bệlò phát ra những chùm hoa lửa như những chùm pháo bông tuyệt đẹp.

Cụ Hòa góp ý cho vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh trong quá trình rèn dao

Cạnh nhà cụ Hòa là nhà của cặp vợ chồng trẻThanh Hằng, hai anh chị lấy nhau và gắn bó với nghề rèn. Tuy là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho cả nhà. Tính ra, mỗi ngày thu nhập từ nghề rèn mang lại cho các hộ gia đình nơi đây từ hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh Thanh và nhiều hộ khác không chỉ ấm no mà còn sung túc. Hiện tại, phường Trung Lương có trên 100 hộ rèn thủ công tại nhà, phân bố rải rác ở các tổ dân phố, tập trung chủ yếu ở Tổ dân phố Tân Miếu, 09 hộ sản xuất gia công cơ khí và 14 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Sản phẩm của làng rèn chủ yếu đồ gia dụng và phục vụ nông nghiệp: dao, kéo, liềm, cuốc, lưỡi cày, lưỡi bừa, các chi tiết máy, ngoài ra còn có thêm một số ngành nghề mới như sản xuất tấm lợp Prôximăng, cán kéo thép, chảo đúc, cơ khí, sản xuất bia mộ, vật liệu xây dựng. Doanh thu từ nghề rèn cũng tăng lên đáng kể (năm 2016 đạt 205 tỷ đồng). Nghề rèn đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyêncho khoảng 800 lao động địa phương, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

Tâm huyết với quê hương, với làng rèn truyền thống, ông Nguyễn Đức Bình - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, người con quê hương Trung Lương đã bày tỏ tình cảm của mình qua mấy vần thơ:

"Trung Lương ơi mẹ đẹp làm sao

Phía sau Hồng Lĩnh, trước sông Rào

Non xanh nước biếc đầy thơ mộng

Lửa thần đe búa vọng trời cao".

Rời làng rèn trong tiết trời se se lạnh, lất phất mưa xuân, lòng tôi ấm áp lạ kỳ. Trong tâm trí tôi cứ vang mãi lời cụ Hòa: Nghề rèn chẳng thể mang lại một cuộc sống vương giả, nhưng hơi ấm lửa rèn vẫn mãi đọng lại trong trái tim, trở thành động lực và niềm thôi thúc trong cuộc sống để bao thế hệ già trẻ Trung Lương tiếp tục giữ gìnvà phát triển nghề rèn, đúc truyền thống làng nghề Trung Lương. Đó phải chăng là nét riêng trong cốt cách của người Trung Lương ?

BÌNH NGUYÊN - TRƯỜNG THIỆN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.460.660
Online: 47