Lịch sử Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình ra đi tìm con đường cứu nước và truyền bá con đường cứu nước đó vào Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng cứu nước của các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đó, Người ra sức truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam. Công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối lúc bấy giờ trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ… Đồng thời, các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã lập ra những bộ phận chuyên phụ trách công tác tuyên truyền để giác ngộ cách mạng cho dân chúng.

Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền để tuyên truyền, giác ngộ đảng viên và Nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lê nin, về đường lối cách mạng của Đảng. Nhân ngàyQuốc tế đỏ01-8-1930,Ban Cổ động và Tuyên truyềncủa Đảng phát hành tài liệu"Ngày Quốc tế đỏ mồng 1- 8"lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Xô Viết, đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất đề rõ:"Ban cổ động và Tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam ấn hành" còn lưu lại cho đến nay. Tài liệu này khi được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc và bắt đầu từ ngày 01/8 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc. Phong trào cách mạng lúc này được biết đến là đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời, mặc dù không thành công, bị kẻ thù dìm trong biển máu, nhưng những cán bộ tuyên truyền của Đảng vẫn ngoan cường chiến đấu, đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng công nông, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi ngày mai của Đảng, của dân tộc. Nhiều cán bộ tuyên truyền đã cùng đồng chí, đồng bào biến nhà tù đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng; biến nhà máy, hầm mỏ, đồng ruộng, bản làng thành nơi rèn luyện ý chí chiến đấu, nơi gắn kết máu thịt mang tính sống còn giữa Đảng với Nhân dân. Truyền thống vẻ vang đó tiếp tục được phát huy cao độ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, động viên toàn Đảng, toàn dân ta nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", đánh thắng mọi kẻ thù hung bạo, giữ vững bờ cõi thiêng liêng, đưa đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 01/8/1930 thực sự đã trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng. Năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 01/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01 tháng 8 hàng năm làmNgày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng. Trong suốt 86 năm qua, Đảng ta luôn coi công tác tuyên truyền, cổ động, khoa giáo là mặt trận hàng đầu, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và của chế độ. Tuy tên gọi, cơ cấu tổ chức công tác tuyên giáo có những lúc thay đổi, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 86 ngăm ngày truyền thống công tác tuyên giáo là dịp để các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành và những người làm công tác tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, đồng thời thấy trách nhiệm to lớn của mình trước Đảng, trước Tổ quốc, trước nhân dân; là dịp để chúng ta ôn lại và phát huy truyền thống vẽ vang của ngành Tuyên giáo, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo vào cuộc chiến đấu vinh quang của các thế hệ đi trước, qua đó góp phần giữ vững trận địa tuyên giáo của Đảng, đảm bảo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và nhân dân.

Phát huy truyền thống vẻ vang 86 năm qua, trước những diễn biến trên thực tiễn của đất nước, của tình hình thế giới và khu vực hiện nay, đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo của Đảng hơn bao giờ hết phải kiên định nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vững vàng trước mọi biến cố, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, góp phần vào việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Thị xã Hồng Lĩnh đang bước vào tuổi 25 với nhiều cơ hội và thách thức để phát triển hướng tới tương lai. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Hồng Lĩnh qua các nhiệm kỳ đã xác định xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp, văn minh, muốn vậy đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo từ thị xã đến cơ sở cần phải nổ lực phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để trở thành lực lượng xung kích trong việc đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp Nhân dân, làm cho Nhân dân hiểu, đồng thuận sát cánh cùng Đảng bộ Hồng Lĩnh xây dựng thị xã ngày càng phát triển xứng đáng là Trung tâm kinh tế, VH-XH phía Bắc tỉnh nhà./. NGUYỄN QUANG VINH

UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị Ủy Hồng Lĩnh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 4.174.500
Online: 116
ipv6 ready