Tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng và quyết định thành công đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, là hoạt động gặp gỡ tiếp xúc cử tri trực tiếp để báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình, nhằm thực hiện trách nhiệm của đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và trao đổi vấn đề mà cử tri quan tâm. Đây cũng là dịp để cử tri đánh giá thực chất năng lực, trình độ của mỗi ứng cử viên, qua đó quyết định lựa chọn.

Trang trí khu vực bầu cử tại nhà văn hóaTDP 5, phường Bắc Hồng

Để giúp cho ứng cử viên đại biểu HĐND thị xã và HĐND phường, xã nắm được các yêu cầu khi viết Chương trình hành động và trình bày trước cử tri để vận động bầu cử, trên cơ sở các tài liệu và thông qua tập huấn, chúng tôi trao đổi một số kinh nghiệm, như sau:

Xây dựng Chương trình hành động

Từng ứng cử viên phải tự xây dựng Chương trình hành động của mình. Để Chương trình mang tính thuyết phục cao, được cử tri chấp nhận, phản ánh đúng tình hình thực tế của địa phương, mong mỏi của cử tri.

Để có Chương trình hành động thuyết phục, góp phần đạt mục tiêu trúng cử, ứng cử viên cần thu thập và tìm hiểu thông tin, để tìm được vấn đề quan trọng, những bức xúc của cử tri, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các ý kiến đề xuất những giải pháp có thể. Những thông tin cần thu thập đó là: tình hình chung của địa phương, nơi ứng cử viên tiếp xúc cử tri bao gồm (kinh tế, văn hóa, xã hội, lao động, việc làm, các nhu cầu cấp bách của cuộc sống…); Các vấn đề cộng đồng bức xúc hiện nay là gì ? Các vấn đề đang được giải quyết như thế nào ? Số lượng, thành phần, trình độ, giới tính của cử tri trong khu vực bầu cử; Nhóm cử tri nào đông nhất, có ảnh hưởng nhiều đến ứng cử viên; Các nhu cầu, mong muốn và đề xuất của cử tri.

Nguồn thu thập thông tin có thể lấy từ văn kiện, báo cáo, tài liệu của cơ quan Đảng Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở địa phương; các phương tiện thông tin đại chúng.

Bố cục của bản Chương trình gồm có 3 phần chính: Phần Mở đầu; Phần Nội dung và Phần kết luận.

* Phần Mở đầu: Giới thiệu ngắn gọn về bản thân và gia đình; Vị trí, chức danh chuyên môn của bản thân; Thể hiện hiểu biết về trách nhiệm của một đại biểu HĐND và mong muốn trở thành đại biểu HĐND.

* Phần Nội dung: Một vài nét nổi bật về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, lĩnh vực chuyên môn của ứng cử viên; Thể hiện hiểu biết những vấn đề quan trọng mà cử tri cần quan tâm, mong muốn và đề xuất; Đưa ra một số giải pháp mà khả năng mình có thể tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri.

* Phần Kết luận: Hứa hẹn những việc mà mình có thể làm được và phản ánh trung thực nguyện vọng của cử tri, cũng như đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết; Nêu lên tình cảm và trách nhiệm của bản thân đối với cử tri; Bày tỏ mong muốn được cử tri ủng hộ; Cảm ơn các cử tri đã lắng nghe, cảm ơn cơ quan MTTQ đã tổ chức cuộc gặp gở tiếp xúc này.

Kỹ năng trình bày chương trình hành động

Trình bày chương trình hành động là cơ hội duy nhất để ứng cử viên thể hiện mình trước đông đảo cử tri (Lưu ý: Chúng ta không có cơ hội lần thứ hai). Do đó ứng cử viên cần lưu ý một số nội dung sau:

Tìm hiểu người nghe: (cử tri nơi tiếp xúc) bao gồm: Đại biểu cử tri; Lãnh đạo đại diện các tổ chức, cơ quan; Thành phần xã hội như: Nam, nữ, già, trẻ, công nhân, doanh nhân, trí thức…Họ trông đợi điều gì ở ứng cử viên; những vấn đề gì quan trọng đối với họ; (Có thể trước khi vào cuộc họp ứng cử viên đi đến cử tri vui vẽ hỏi thăm tình hình đời sống, tình hình của địa phương về điện, đường, trường trạm… để nắm tình hình).

Tìm hiểu lịch trình buổi tiếp xúc: Thời gian buổi tiếp xúc; Thời gian trình bày của mình; thời gian tiếp thu câu hỏi; Những ứng cử viên khác là ai; Thứ tự trình bày (anh được xếp thứ mấy); Địa điểm, phương tiện hỗ trợ trình bày; Phòng tiếp xúc xử tri to hay nhỏ; có âm thanh không ? Vị trí đứng hay ngồi, trên bục hay dưới sàn phòng họp; Nói to hay nhỏ… Dự đoán trước các câu hỏi này giúp cho ứng cử viên chủ động hơn trong buổi tiếp xúc; qua trình bày cũng tự tin hơn. (Nếu có điều kiện dùng máy ghi âm về nhà nghe lại để bổ sung về lời nói, ngữ điệu, âm lượng, tốc độ nói…Tắt máy điện thoại trước khi vào hội trường).

Tạo ấn tượng ban đầu: Cần nhanh chóng tạo thiện cảm khi vừa xuất hiện (Cười tươi, chào hỏi, bắt tay, thăm hỏi…). Nếu căn thẳng, hãy hít, thở sâu và uống nước để trấn tỉnh; Chú ý bề ngoài như: Trang phục, giầy dép, kiểu tóc… lịch sự nhưng không cầu kỳ; Nét mặt tươi, ánh mắt nhìn thẳng, chân tình, tin tưởng; Dáng đứng thẳng tự nhiên, thoải mái, không gò ép, khép nép; Đầu luôn ngẩng lên và nhìn về phía trước.

Khi trình bày, phong thái: Bình tĩnh, nhiệt tình, nhanh nhẹn và tự tin; Thái độ lịch sự, khiêm tôn, tôn trọng cử tri; Luôn luôn nhìn bao quát tất cả xung quanh; Học thuộc những câu mở đầu. Dùng từ ngữ thông dụng dễ hiểu (âm lượng lời nói không to quá, không nhỏ quá; giọng nói ấm áp, từ tốn, truyền cảm, diễn đạt lưu loát). Tốc độ nói chậm hơn so với hằng ngày; luôn thay đổi ngữ diệu; Chú ý cách xưng hô, nên dùng từ chúng ta và "của chúng ta" không nên dùng tôi (trừ lúc giới thiệu về mình); Chú ý dùng từ ngữ khi nói trước cử tri nơi có đồng bào tôn giáo; Giữ giọng nói nhiệt tình cho đến khi kết thúc. Giao lưu tình cảm với cử tri: Nhìn cử tri với ánh mắt thiện cảm, nét mặt tươi vui, cử chỉ, động tác tự nhiên, khiêm tốn; Có thể dùng cánh tay để nhấn mạnh ý, nhưng không dùng tay quá mạnh; không được chỉ tay về phía cử tri; Tránh những cử chỉ, động tác buồn cười, che miệng, gãi đầu…; Khi quên ý, hãy bình tĩnh nhìn vào đề cương. Lưu ý: Không nên xin nói thêm khi hết thời gian cho phép.

Khi tiếp thu và trả lời ý kiến cử tri nên Lắng nghe tích cực; Thái độ tiếp thu vui vẻ; Ghi chép các câu hỏi; Lập danh sách câu hỏi theo nhóm vấn đề. Trước khi trả lời, cảm ơn cử tri đã nêu câu hỏi; Trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm; Trả lời nhiều câu hỏi một lúc theo nhóm vấn đề; Chọn những vấn đề nắm vững nhất để trả lời trước; Những vấn đề không trả lời được xin tiếp thu và đề xuất; Không từ chối trả lời các câu hỏi; Không hứa điều gì mình không thể làm được; Không còn thời gian trả lời phải xin lỗi cử tri.

Tóm lại, trong vận động bầu cử, việc xây dựng thành công Chương trình hành động đóng vai trò rất qua trọng, là tiền đề cho sự thành công của ứng cử viên khi thực hiện vận động bầu cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri , là công cụ hiệu quả giúp UCV thuyết phục được cử tri bầu cho mình. Điều đó đòi hỏi UCV phải dành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cho xây dựng Chương trình. Đồng thời, thực hành các kỹ năng trình bày và luôn tự tin trong tiếp xúc cử tri để đạt đến thành công./.

BÌNH NGUYÊN – TIẾN DŨNG


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 5.368.095
Online: 53
ipv6 ready