Tuy chỉ mới thành lập gần 25 năm nhưng thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vốn có một nền văn hoá lâu đời, với bề dày hàng ngàn năm lịch sử, là nơi giao lưu giữa 2 miền Bắc - Nam và Quốc tế, với cái thế kề sông, tựa núi, "hình long cuộn, hổ ngồi" của các bậc Đế Vương xưa.

Ảnh khắc núi Hồng Lĩnhtrên Cửu đỉnh - đặt tại Cố đô Huế

"Đất lành chim đậu" - những cánh chim Hồng đã về đây đậu đỉnh non cao và cái tên " Hồng Lĩnh" cũng bắt nguồn từ đó. Tương tuyền vào buổi mới khai sơn, phá thạch ông Đùng là người sắp xếp các núi non, số núi ông vừa điểm được 99 đỉnh, thì cũng vừa lúc đó có một đàn chim Hồng 100 con bay đến đậu. Tuy nhiên núi chỉ có 99 ngọn nên con đầu đàn không còn chổ đậu đành phải bay đi, thế nên đất này không thể trở thành đế đô. Có lẽ vì tiếc nuối nên Nhân dân đã dặt tên núi là núi Hồng Lĩnh hay Hồng Sơn, tiếng địa phương gọi là Ngàn Hống. Dòng tư duy dân dã trôi chảy theo lịch sử mà hội tụ lại để coi đây là cái nôi của tổ tiên Hồng Lạc, có dòng sữa ngọt lành đã nuôi dưỡng một bộ phận dân tộc trong thuở hồng hoang. Tương truyền buổi ban đầu dựng nước, phải tìm đất đóng đô, Kinh Dương Vương - vị vua khai sáng ra Triều Hùng đã hướng vào vùng danh thắng núi Hồng này. Đó là một ngày mùa xuân, biển trời êm ả, cửa sông rộng, sóng nước dạt dào. Hai bên bờ cảnh vật hiền hoà, tươi sáng. Ngàn Hống xanh những đồi cây, suối chảy như những làn mây bạc. Vẻ hùng tráng của chốn sơn cao, thuỷ thâm khiến Kinh Dương Vương cảm kích. Ngài cứ để cho thuyền ngự rẽ nước đi ngược lên! Thuyền đang đi giữa đất trời sông nước mênh mang, bỗng có một đợt sóng Hồng xô tới và một mỹ nữ hiện lên "Tuy dầm hơi nước, nhưng không loà bóng gương". Nàng tươi đẹp như tiên sa, cá lặn. Nhà vua ngỡ ngàng như trong mộng. Ngài hỏi:

- Sao lại có chuyện tiên nữ buớc xuống cõi trần gian thế này, chẳng hay tên họ người ngọc là gì ?

Người con gái e thẹn, dịu dàng đáp:

- Muôn tâu Thánh Thượng, tiện thiếp cũng chỉ là con người của thế tục thôi. Thiếp sinh ra ở chốn ngàn Hống kia. Nhờ phép thiêng của sông núi và thiếp biết lướt sóng, cưỡi mây nên được đặt tên là Thần Long. Chẳng hay Thánh Thượng cho ngược thuyền rồng lên chốn sông sâu, núi hiểm này với những cao kiến gì ? Nhà vua phấn chấn đáp:

- Vâng lời sông núi, ta đang đi tìm nơi thắng địa định đô để lo toan việc lớn. Nàng tiên nữ với dung nhan tuyệt trần có thể gúp ta được ý kiến nào chăng ?

Thiếu nữ đưa đôi bàn tay ngọc ngà vuốt lại mái tóc còn ngấm nước rồi mỉm cười rạng rỡ, cặp mắt diễm lệ của nàng ánh lên những niềm vui hy vọng, nàng nói:

- Thánh Thượng cứ định đô ở nơi đây một thời gian thử xem. Nơi đây tuy viêm nhiệt, xung hàn, lắm cuồng phong và hay gặp hồng thuỷ nhưng thiên địa, nhân gian lại giao hoà, dễ là nơi sáng nghiệp của các bậc Đế Vương.

Đúng là: "mến cảnh, mến người, nên mến cả", Kinh Dương Vương nghe lời, bèn truyền lệnh cho thuyền rồng cập bến, cùng Thần Long dạo gót núi Hồng. Ở đây núi dăng nên luỹ, khe chảy thành hào. Non đủ cao, sông đủ sâu, đồng điền đủ rộng, khả dĩ, con người có thể tự làm lụng để nuôi sống lâu dài. Nhà vua đứng trên núi cao, phóng tầm mắt ra xa muôn trùng sóng cả, núi non địa bàn hiểm trở, tiến có thế công, thoái có thể thủ, là điều lợi thế bậc nhất cho một Vương triều mới sơ khai định đô. Với tầm nhìn bao quát càn khôn đó, Kinh Dương Vương đã cho dựng Kinh đô ở đây và đặt tên nước là Xích Quỷ (nghĩa là ngôi sao đỏ). Kinh thành xây xong thì nhà vua cưới Thần Long làm Hoàng hậu, cả nước vui mừng, tự hào. Từ đó, Kinh đô Ngàn Hống đã mở ra một thời kỳ mới của của đất nước. Sau một thời gian định đô, hai người sinh ra Long Vương, Long Vương lớn lên có phong dạng Đế Vương, để định chính đô giữ giang sơn, cơ nghiệp rộng lớn của tổ tiên, Kinh Dương Vương đã thiên đô ra Nghĩa Lĩnh (Vĩnh Phú), cử Long Vương ra trấn giữ kinh thành. Không còn là kinh đô của đất nước, nhưng dấu tích về một kinh thành Ngàn Hống với những thiên truyện thần kỳ trên dãy núi 99 ngọn, vẫn còn sống mãi trong tâm trí nhân gian.

Chùa Thiên Tượng - Được xem là "Hoan Châu đệ nhị"

Hồng Lĩnh cũng là nơi được cư dân người Việt cổ chọn để sinh cơ lập nghiệp, mà minh chứng cụ thể nhất đó là các tên làng, tên núi, tên sông như: "Kẻ Treo, Kẻ Bấn" ‘nhà Dào, nhà Mua".... Là một vùng đất "văn vật hữu dư", có sự phát triển khá sớm, khá rực rỡ về chính trị, kinh tế, văn hoá, học vấn. Nơi đây được hun đúc khí thiêng của núi sông nên đã sinh ra nhiều nhân tài tuấn kiệt:

Sông về cho núi khoả chân,

Để đất nuôi dưỡng văn nhân cho đời.

(Ca dao)

Bên dòng sông Minh trong xanh, hiền hoà êm chảy, giữ cho bao đời bờ xôi ruộng mật, cho những cánh đồng Đức Thuận thẳng cánh cò bay, nổi lên một hòn Núi Ngọc, gọi là Ngọc Sơn. Đứng xa nhìn núi giống hình chim "Phượng Hoàng khai khẩu", Hay giống chiếc ấn ngọc. Núi dáng tròn, cây cối xanh tốt. Dưới núi là quê hương 2 cha con Trạng Nguyên họ Sử. Hiện nay, bên triền núi còn có đền thờ 2 ông Trạng, với tấm biển đề " Song Trạng Nguyên Từ", Trước đền có câu đối:

Ngọc Lĩnh thiên trùng tiêu giáp đệ.

Minh Hà nhất phái diễn gia khương.

Nghĩa là: Nghìn tầm núi Ngọc nên khoa giáp

Một giải sông Minh cuộn phúc lành.

Trạng cha: Sử Hy Nhan (? - 1424), đỗ Trạng nguyên khoa Quý Mão, triều Trần Duệ Tông (1363), làm quan đến hành khiển tri kinh điển (kế cận Tể Tướng) được ban " Kim ngư đại" (túi cá vàng - quan to trong triều mới được vua ban cho túi này). Ông học rộng, không sách nào là không đọc, giỏi sử nên được vua cho đổi thành họ sử. Trước tác của ông có nhiều, nhưng bị mất mát trong thời giặc Minh sang xâm lược nước ta. Nay trong "Quần hiền thi tập" còn chép bài phú: "Trảm xà kiếm" của ông. Tương truyền Ông còn là một trong những tác giả của bộ " Đại Việt sử lược".

Trạng con là Sử Đức Huy( ? - 1430) đỗ Trạng nguyên khoa Tân Dậu triều Trần Phế Đế (1381). Ông là người tài, đức song toàn, khi phụ thân ông là Trạng cha Sử Hy Nhan qua đời, ông theo Lê Lợi đánh giặc Minh và được Lê Lơị trọng dụng cử lên làm Hàn lâm viện sử quán, Quốc tử Bác sỹ, thăng đến chức Thượng Thư bộ hộ. Hai lần, ông được cử đi sứ phương bắc. Tuy không làm Chánh sứ, nhưng tài ngoại giao, trí tuệ uyên bác, văn thơ xướng hoạ của ông đã làm rạng rỡ Quốc thể. Các văn thần nhà Minh đều tấm tắc khen Sử Đức Huy, kính trọng và tôn ông là bậc: Lưỡng Quốc thánh tâm thần khẩu".

Hai cha con Trạng sử là nhưng người khai khoa ở Bình Lãng, mở ra một thời kỳ phát triển văn hoá rực rỡ ở vùng Bãi vọt hẻo lánh xưa. Hồi ấy xứ Nghệ có bài thơ ca ngợi:

Cha Trạng đầu con lại Trạng đầu,

Mấy đời phúc ấm nối truyền nhau.

Phong vân gặp hội đua tay bút,

Nức tiếng khoa danh khắp mọi châu.

Phía Nam mé tây núi Hồng, ở Độ Liêu (Đậu Liêu) có danh nhân Bùi Cẩm Hổ, một trong những bậc Đệ nhất Ngự sử nước ta "ông là người cứng cõi, ngay thẳng, bạo nói, không sợ quyền thế". Làm quan dưới các Triều Lê Thái tổ, Thái tông, Nhân tông, hai lần đi sứ Trung Quốc, trải thăng tham tri chính sự. Ông phán xét công việc công minh, chính trực. Ông còn giải oan cho một người phụ nữ ở Long thành mua nhầm lươn là con hoàng xà (rắn đầu trắng có độc) nấu cháo cho chồng ăn chết. Ông là người văn võ song toàn có nhiều công đức giúp vua giữ nước:

Đức cả, tài cao Vua trọng dụng

Tính ngay, rộng lượng Sử lưu truyền.

Khi ông mất được truy phong: Bỉnh trung Đại Vương, Đô đài ngự sử. Đối với quê hương, ông là người có công lớn xẻ khe ở núi Hồng Lĩnh, đắp đập, khơi ngòi lấy nước tưới cho hàng nghìn khoảnh ruộng ở Độ Liêu xanh tốt. Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ ở núi Bạch Tị, gọi là Đền Đô Đài. Các Triều đều phong Thượng Đẳng Phúc Thần. Hằng năm vào ngày 12 tháng giêng âm lịch dân làng làm lễ báo ân để ghi nhớ công đức của ông. Hiện nay, đền đã được tu tạo, trong đền còn lưu lại nhiều câu đối ca ngợi ông:

- Khê thuỷ, trường lưu thiên cổ trạch

Thiện canh, giải phá bách niên oan"

- Công ư bang quốc, danh ư sử

Khí tại Sơn hà, trạch tại nhân".

- Hai lần viễn sứ lừng đất Bắc

Một tay lương đống sáng trời Nam"

Hồng Lĩnh hình thế hùng vĩ có nhiều danh thắng ! được xếp vào một trong chín cảnh đẹp của đất nước cho khắc vào "Anh đỉnh" đặt trong Hoàng Thành Huế. Năm Minh Mệnh thứ 17, khắc tượng vào anh đỉnh, năm Thiệu Trị thứ 3, khi Bắc tuần nhà vua làm thơ vịnh cho khắc vào bia, dựng nhà bia ở phí tả đường đi. Bài thơ này có chép trong "thánh chế thi tập". Năm Tự Đức thứ 3, nhận núi Hồng Lĩnh là danh sơn Hà Tĩnh và ghi vào điển thờ - (Đại nam nhất thống chí).

Bài thơ ca ngợi cảnh núi Hồng của vua Thiệu Trị như sau:

VỊNH HỒNG LĨNH

Cửu thập cửu phong thứ đệ bài,

Tằng tằng trữ lập vọng thôi ngôi.

Triền già Hương tích kim do tại

Cơ chỉ Trang Vương sự dĩ khôi

Dã hạc tương truyền thê đỉnh thượng

Chinh hồng phản vị trước danh lai.

Sầm khâm điệp chướng liên thiên bích.

Bản lĩnh vân phong, bản lĩnh khai"

(Thiệu Trị - Tam niên - Thập nhị nguyệt - Ngự đề)

Bài thơ được cụ Thanh Minh dịch như sau:

" Chín mươi chín nhỏn cảnh thiên nhiên,

Hùng vĩ trông xa trải mọi miền

Bia ngự chùa hương còn lại đó

Người xây động chúa đã hồ quên.

Hạc về chuyện cũ ngàn xưa kể

Hồng vượt tầm cao vạn dặm truyền

Lớp lớp non xanh trời khói biếc

Mây che nửa núi, nửa đường lên".

(Tháng chạp, năm Thiệu Trị thứ 3, nhà vua đề thơ).

Cụ Võ Hồng Huy cũng có một bản dịch khá hay:

Chín chín non cao khéo sắp bày,

Tầng tầng thẳng đứng tựa thành xây

Chùa chiền Hương tích nay còn đó

Nền móng Trang Vương trước phải đây?

Chim kể đầu non bầy hạc đậu

Tiếng đồn trên nhỏn vạt hồng bay

Non cao trời thắm liền xanh giải'

Nửa núi thanh quang, nửa núi mây.

Nói đến danh thắng núi Hồng, người xưa còn lưu lại những bài vè nôm na, nhưng gợi cảm, đọc lên nghe cái thú của " Tao nhân, mặc khách".

...Lên Long đàm Sư tử

Ngồi tựa gốc thông cao

Ai muốn trẹ đường nào

Mặc nhân tâm thích ý

Mặc dạ người thích ý

Dời chân đi một thỉ

Vừa đến cõi Tượng Sơn....

Chùa Long Đàm, tương truyền xưa có một con rồng bơi lặn trong đầm này. Một hôm trời mưa to, rồng cuộn mây bay lên, để sót lại nhiều ngọc Minh Châu dưới đầm. Đêm thanh thường trông thấy ánh sáng vằng vặc. Vì thế người ta dựng chùa trên đầm gọi là: "Long Đàm". Chùa dựng vào khoảng thế kỷ 15,16, đã nổi tiểng một thời về cảnh gió mát, trăng thanh.

Lên nữa là đến ngọn Sư tử, sườn núi có suối bay, theo vách đá mà chảy xuống, xói đá thành vực, cửa vực có phiến đá trắng vắt ngang, tục gọi là: "Dục tiên kiều"- (cầu tiên tắm). Suối chảy chếch về hướng Tây - Nam gọi là suối tiên (Nay thuộc phường Bắc Hồng). Suối tiên chảy giữa non xanh, nước biếc, điểm tô thêm mối duyên nợ giữa non và nước. Nước uốn lượn giữa những cặp đá ông - đá bà mọc lên trong lòng suối, hàng ngàn năm nay vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt, mà người đời đã có thơ vịnh:

Nghìn năm giữ vững lòng son sắt.

Muôn kiếp không phai nghĩa vợ chồng!

Không sợ nắng mưa không sợ bão

Mặc ai lay chuyển, mặc ai rung.

Suối tiên chảy vào hồ Thiên Tượng tạo nên một vùng non xanh, nước biếc, mây trời, cảnh quan kỳ thú:

Thiên Tượng khen ai tạo cảnh hồ,

Một vùng kỳ thú đá lô nhô.

Mênh mang suối biếc, mây vờn núi,

Bát ngát trời xanh, sóng vỗ bờ.

Sóng sánh thuyền câu sang bến đợi,

Lung linh thông núi dáng em chờ.

Hoa rừng hái tặng bâng khuâng lạ,

Khúc nhạc lòng ta nẩy tứ thơ.

(Vịnh hồ Thiên Tượng -Bùi Chí Thành)

Dời chân sang là đến ngọn Tượng Sơn (tức ngọn Thiên Tượng), nằm ở phía Bắc mé Tây núi Hồng (Thuộc địa phận phường Trung Lương) là đệ nhị danh thắng núi Hồng (sau Hương Tích). Sườn núi có khối đá lớn giống hình con voi do thiên nhiên, tạo hoá tạc nên, nên gọi là "voi trời". Trên núi có chùa gọi là chùa Thiên Tượng, ngoài chùa vẫn còn 3 chữ lớn: "Thiên Tượng tự". Bên tả, bên hữu chùa đều có suối nước chảy quanh năm, nước xói vào đá nghe như tiếng nhạc rì rào. Trước chùa trông ra hồ lớn, nước khe chảy vào hồ, nào cây thông, nào thang đá, phong cảnh u nhã. Cách chùa về phía tây có một am nhỏ, mặt am có đề 3 chữ: "Lưu đức am". Hai bên có câu đối.

Độn siêu sinh tử quật

Khiêu xuất thị phi môn

Nghĩa là: Cúi đầu chui khỏi hang sinh tử

Nhảy thoát ra ngoài cửa thị phi

Chùa được dựng vào đời Trần thế kỷ XIV. Cảnh chùa, cảnh núi suốt mấy trăm năm từ đời Lê đến đời Nguyễn đã biết bao nhiêu nhà thơ đã từng lên đây và để lại không ít tác phẩm thi ca. Nay đọc lên vẫn nghe man mác lòng người.

Sách "Hoan châu phong thổ ký" của Tiến sỹ Trần Danh Lâm (1704-1777), người tỉnh Bắc Ninh làm đốc đồng Nghệ An viết:

"...Chùa Thiên tượng thanh cao thoát tục. Một vùng cõi tĩnh, chùa Long Đàm gió mát, trăng trong".

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) lên thăm cảnh chùa cảm tác!

Trải xem thế giới khắp ba nghìn,

Đồi một là đây chốn Tượng thiên

Ánh ỏi chim ca vang tiếng kệ

Nhặt khoan, tiếng suối tỏ rừng thiền....

Hay Nguyễn Văn Cơ trong bài: "Đăng thiên tượng sơn" ( lên núi Thiên Tượng) cuối thế kỷ XIX đã tả:

...Tuyết mê tượng thạch lam già tự

Nguyệt đáo long tuyền nguyệt mãn lâm...

Nghĩa là: Tuyết mờ voi đá, chùa sương khuất

Trăng rọi khe rồng rừng trắng phau.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ chùa bị tàn phá nhiều. Đến nay, Đảng bộ và Nhân dân phường Trung Lương nói riêng và cả thị xã Hồng Lĩnh đang giữ gìn, khôi phục, tôn tạo.

Một dải núi Hồng thuộc thị xã Hồng Lĩnh đến nay còn lưu lại nhiều di tích lịch sử - văn hoá. Vùng phường Nam Hồng nhân dân vẫn khai quật được nhiều di tích như: Mộ thuyền, mộ cổ, đồ gốm có giá trị khảo cứu.

Hồng Lĩnh đã trở thành biểu tượng, niềm vinh dự, tự hào không những của thị xã trẻ mà còn của cả Tỉnh, cả nước được ghi vào sử sách, đi vào thơ ca, nhạc hoạ đọng lại trong tâm trí mọi người.

Danh thắng Hồng Lĩnh như đại thi hào Nguyễn Du đã viết: "Hồng Lĩnh, Lam giang vô hạn thắng" Nghĩa là: - cảnh đẹp Hồng - Lam khôn tả xiết.

Hồng Lĩnh là mảnh đất làm nên cốt cách, tâm hồn của biết bao nhiêu nhà văn hoá lỗi lạc mà tên tuổi và tác phẩm đã hoá thành hồn thiên sông núi.

Sưu tầm và biên soạn,

Phòng VH - TT

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 4.765.524
Online: 17
ipv6 ready