Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh vừa tổ chức hội thảo đầu bờ sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi bò trong vụ Xuân 2016. Đến dự có các đồng chí Hoàng Văn Quảng – Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã, Nguyễn Văn Hải – Phó Bí thư Thường trực Thị ủy; Lê Văn Bình –PCT UBND thị xã cùng các đồng chí trong BTV Thị ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ, các phòng, ban ngành, đoàn thể; lãnh đạo các phường, xã.
Vụ xuân 2016, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã chỉ đạo các phường: Nam Hồng, Trung Lương và Đậu Liêu chuyển đổi 40 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng Ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đồng thời liên doanh liên kết với Công ty Vitat Việt Nam chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng với các tổ chức và hộ nông dân xây dựng vùng trồng ngô nguyên liệu cho bò.
Hiện nay, cây ngô đang ở giai đoạn bắp phun râu và bắp hạt ngậm sữa bà con nông dân đang tập trung thu hoạch. Qua một vụ sản xuất cho thấy: Mặc dù gieo trỉa gặp rét đậm, rét hại nhưng cây ngô sinh khối trên đồng đất Hồng Lĩnh phát triển tốt. Tuy nhiên, mức độ đầu tư thâm canh của các hộ dân còn thấp, đầu tư phân bón mới đáp ứng khoảng 65-70% nhu cầu của cây ngô sinh khối. Có một số diện tích gieo trỉa trên đất pha cát, công tác làm cỏ, tưới nước chưa kịp thời nên một số diện tích thiếu độ ẩm, dẫn đến khô héo nên ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây ngô. Năng suất Ngô sinh khối nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu so với tiềm năng năng suất của giống, năng suất dự kiến trung bình đạt gần 39 tấn/ha; Riêng ở Trung Lương và Nam Hồng đạt khoảng từ 43-45 tấn/ha. Mặc dù vậy, theo tính toán của các hộ dân và các nhà chuyên môn về hiệu quả kinh tế, trồng ngô sinh khối trên đồng đất Hồng Lĩnh lãi cao hơn 1,5 lần so với trồng lúa.
Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng: Cây ngô sinh khối phù hợp với đồng đất các địa phương. Để phấn đấu đưa diện tích ngô trong toàn thị ở vụ tiếp theo lên 70 ha, UBND thị xã Hồng Lĩnh chỉ đạo Phòng Kinh tế, Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã; các địa phương, các HTX, Tổ hợp tác vận động bà con nông dân tích tụ ruộng đất, mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa cao táo sang trồng ngô; trong sản xuất ngô sinh khối cần bám sát quy trình kỹ thuật; thời vụ, cách chăm bón…để đưa năng suất và chất lượng cao hơn, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp./.
Thu Hằng –Cẩm Hà