Điều 115, Hiến pháp năm 2013 và Điều 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: "Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọngcủa Nhân dân địa phương". Để thực hiện sứ mạng đại diện của mình, đại biểu HĐND phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, tiếp xúc với cử tri để tìm hiểu thực tế đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, lấy ý kiến cử tri để thay mặt họ quyết định các vấn đề lập pháp và những vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Đại biểu HĐND thị xã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND thị xã

Theo quy định tại Điều 115 Hiến pháp,đại biểu Hội đồng nhân dân phải "liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiệnchế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước." Điều94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy địnhtrách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:

"1. Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.

2. Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện các nghị quyết đó."

Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND có điều kiện để tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri để thay mặt họ quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động Nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.

Về hình thức tiếp xúc cử tri khá phong phú, có thể hình dung theo cách thức thể hiện gồm tiếp xúc trực tiếp và tiếp xúc gián tiếp. Các hình thức tiếp xúc trực tiếp là:

Hội nghị TXCT trước và sau kì họp HĐND

Theo quy định, mỗi năm HĐND họp 2 kỳ. Trước và sau mỗi kỳ họp, đại biểu đều có trách nhiệm và được tạo điều kiện để TXCT (thông thường là cử tri của đơn vị mà mình đại diện). Các buổi tiếp xúc này được Thường trực HĐND và UBMTTQ cùng cấp phối hợp tổ chức dưới hình thức hội nghị.

Nhiệm vụ chính của đại biểu tại hội nghị TXCT trước kỳ họp là: Báo cáo với cử tri về kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp trước; Báo cáo cử tri về các vấn đề dự kiến thảo luận tại kỳ họp HĐND. Lấy ý kiến cử tri về các vấn đề nói trên và về những vấn đề khác mà cử tri quan tâm. Đây là các nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra, đại biểu có thể thông tin thêm với cử tri những vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo QP-AN trên địa bàn; báo cáo tình hình hoạt động của Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Tại hội nghị TXCT sau kỳ họp HĐND, nhiệm vụ chính của đại biểu là: Báo cáo cử tri về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, những vấn đề được thảo luận tại kỳ họp HĐND và các nghị quyết của HĐND. Đây là nhiệm vụ trọng tâm. Lấy ý kiến cử tri về các vấn đề nói trên và về những vấn đề khác mà cử tri quan tâm.

Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề

Giữa hai kì họp HĐND, Thường trực HĐND hoặc các Ban của HĐND có thể tổ chức các hội nghị TXCT theo chuyên đề để lấy ý kiến cử tri về xây dựng nghị quyết của HĐND và về những vấn đề quan trọng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân địa phương. Đại biểu HĐND được mời hoặc chủ động đề nghị tham gia các hội nghị đó, như: Hội nghị lấy ý kiến các ngành các giới, các chuyên gia về xây dựng nghị quyết và những vấn đề cần trưng cầu ý kiến rộng rãi của người dân; Hội nghị lấy ý kiến cử tri địa phương về những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân địa phương.

Khảo sát thực tế

Đại biểu có thể được mời hoặc chủ động đề nghị tham gia các đợt giám sát, khảo sát thực tế của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tổ chức giữa 2 kỳ họp HĐND. Bên cạnh đó, đại biểu cũng có thể chủ động tổ chức các cuộc khảo sát riêng của mình. Kế hoạch khảo sát cần được thông báo với Thường trực HĐND và địa phương.

Tiếp dân tại trụ sở

Theo quy định tại Điều 107, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì "Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình tiếp công dân; xây dựng các quy định, thủ tục về tiếp công dân bảo đảm đúng pháp luật và phù hợp với tình hình của địa phương; sắp xếp lịch tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân; bố trí công chức có đủ trình độ, năng lực và am hiểu về pháp luật để làm nhiệm vụ tiếp công dân; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân phải có lịch tiếp công dân. Tùy theo yêu cầu của công việc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân bố trí số lần tiếp công dân trong tháng. Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thể ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Ủy viên của Thường trực Hội đồng nhân dân tiếp công dân, nhưng ít nhất mỗi quý Chủ tịch Hội đồng nhân dân phải bố trí thời gian 01 ngày để trực tiếp tiếp công dân."

Gặp gỡ riêng

Các hình thức gặp gỡ riêng có thể là: Gặp chuyên gia để tham khảo ý kiến về một vấn đề nhất định. Thăm hỏi các cử tri đặc biệt (ví dụ, các vị lão thành cách mạng, các gia đình có công với nước, gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, các vị chức sắc tôn giáo, các cá nhân tiên tiến,…). Gặp cử tri nơi sinh sống hoặc công tác (gặp có chủ định, định kì hoặc ngẫu nhiên).

Gặp gỡ báo giới

Báo giới là cử tri, đồng thời cũng là những người cung cấp thông tin cho đại biểu và đóng vai trò cầu nối giữa đại biểu với cử tri. Tiếp xúc báo giới có thể diễn ra tại kỳ họp HĐND hoặc ngoài kỳ họp HĐND.

Trong kì họp HĐND, những đại biểu sau thường được báo giới quan tâm: Đại biểu là lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn. Đại biểu là đối tượng đặc biệt (trẻ, người dân tộc thiểu số, trí thức, đại diện tôn giáo,…). Đại biểu là đối tượng liên quan đến vấn đề được quan tâm tại kỳ họp (giáo dục, y tế, môi trường, địa phương có dự án kinh tế - xã hội,…). Đại biểu là người có ý kiến đáng quan tâm trong buổi thảo luận.

Về hình thức tiếp xúc gián tiếp: Ngoài việc tiếp xúc trực tiếp, đại biểu có thể TXCT thông qua các phương tiện như điện thoại, thư từ, email,… Có người còn mở riêng trang mạng để cử tri liên hệ hoặc bày tỏ ý kiến trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter,…

Để thực hiện tốt sứ mệnh đại diện của mình, trong giữ mối liên hệ với cửa tri thì điều đầu tiên là thể hiện tốt cái tâm của đại biểu. Cái tâm của đại biểu thể hiện ở sự sốt sắng với công việc chung, sự quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, coi khó khăn và lo lắng của cử tri như khó khăn và lo lắng của người thân mình, của bản thân mình. Có tâm thì đại biểu mới tìm ra nhiều biện pháp để giúp đỡ cử tri, để chuyển nguyện vọng chính đáng của cử tri thành chính sách.

Khi TXCT, dù là ở hội nghị hay tiếp xúc riêng, đại biểu cần trang phục nghiêm túc để thể hiện sự tôn trọng cử tri và giữ gìn hình ảnh của mình. Tuy nhiên, đại biểu cần tránh trang điểm, trang phục diêm dúa, cầu kì, nhất là khi tiếp xúc với giới lao động, vì điều đó khó tạo ấn tượng gần gũi đối với cử tri. Đại biểu cần luôn luôn thân thiện, cởi mở. Trước và sau cuộc họp hoặc trong giờ giải lao, cần chủ động thăm hỏi, trò chuyện với cử tri. Đại biểu cần đến dự TXCT đúng giờ (đến được sớm hơn càng tốt), trình bày vấn đề ngắn gọn, đảm bảo thời gian dành cho mình, và nếu là người điều khiển cuộc họp thì nên kết thúc cuộc họp đúng giờ.

Trước khi TXCT, đại biểu cần chuẩn bị đầy đủ thông tin. Điều này không chỉ tạo niềm tin và sự tôn trọng của cử tri đối với đại biểu mà còn tạo tiền đề để đại biểu hoàn thành nhiệm vụ.

Khi nói, đại biểu cần trình bày sao cho mạch lạc và phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp có nghĩa là phù hợp với với nhận thức của người nghe và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cuộc tiếp xúc.

Tuỳ tính phức tạp của vấn đề, tuỳ trình độ nhận thức, tâm trạng, khả năng và thói quen diễn đạt của mỗi người, cử tri có những cách phát biểu khác nhau, không phải lúc nào cũng mạch lạc, súc tích, dễ hiểu. Đại biểu cần lắng nghe để hiểu rõ vấn đề và đánh giá được tình cảm cử tri gửi gắm trong ý kiến của mình. Không nên ngắt lời, chỉnh sửa hay tỏ ra khó chịu về cách nói của cử tri. Cũng không nên nói dài hoặc độc thoại suốt buổi tiếp xúc. Khi cần, đại biểu nên hỏi lại cử tri để hiểu rõ ý kiến của họ.

Từ cách xưng hô đến cách trình bày ý kiến, giải thích vấn đề, đại biểu cần thể hiện sự trân trọng đối với cử tri. Gặp những vấn đề bức xúc, cử tri có thể to tiếng, gay gắt. Đại biểu cần thông cảm với cử tri, luôn luôn giữ thái độ bình tĩnh, đúng mực và tìm cách hạ nhiệt cho cử tri. Tránh áp đặt ý kiến hoặc tranh cãi hơn thua với cử tri.

Tiếp xúc với cử tri, dù trong hội nghị hay trong cuộc gặp riêng, với người dân bình thường hay với chuyên gia, đại biểu cũng cần khiêm tốn học hỏi. Nếu có những vấn đề chưa biết, chưa hiểu, đại biểu hãy thành thực hỏi cử tri để hiểu cho đúng, cho tường tận./.

TIẾN DŨNG - BÌNH NGUYÊN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 4.169.640
Online: 92
ipv6 ready