Ngày 19/6/2015 Quốc hội đã thông qua luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp thứ chín với tỷ lệ phiếu tán thành là 85,22%. Luật quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tạo cơ sở pháp lý để củng cố, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Luật Tổ chức chính quyền địa phương được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 cho phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013. So với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, quy định về Hội đồng nhân dân các cấp trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương có những điểm mới sau:
Bấm vào đây để xem nội dung Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015
Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 95 đại biểu lên 105 đại biểu để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này. Các địa phương còn lại có quy định cụ thể, phù hợp với quy mô dân số.
Về tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân, luật quy định Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân.Ban đô thị của Hội đồng nhân dân chỉ tổ chức ở thành phố trực thuộc trung ương vì đây là những đô thị tập trung, có quy mô lớn, mức độ đô thị hóa cao và có nhiều điểm đặc thù khác với các địa bàn đô thị đơn lẻ khác là thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

"Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện có thể hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng Ban Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách"
(Ảnh: Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh kết luận tại buổi làm việc với UBND thị xã về công tác thanh niên)
Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện có thể hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng Ban Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách. Trưởng, Phó Ban của Hội đông nhân dân cấp xã hoạt động kiêm nhiệm. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (số lượng là 2) và Phó Chủ tịch Hội động nhân dân cấp xã (số lượng là 1) hoạt động chuyên trách.
Cơ cấu Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban và Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện gồm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân.
Luật cũng quy định rõ cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn và đô thị và hải đảo, vùng kinh tế xã hội đặc biệt.
Về các Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã gồm Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội,Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên khác của Ban của Hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm; Trưởng ban không nằm trong Thường trực Hội đồng nhân dân nên không dẫn đến tăng biên chế và bộ máy ở cấp xã.

Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ tới được thành lậpBan Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội
(Ảnh: Kỳ họp HĐND phường Bắc Hồng)
Luật quy định Thường trực Hội đồng nhân dân phê chuẩn Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Trưởng ban; Hội đồng nhân dân chỉ tiến hành bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của của Hội đồng nhân dân được quy định rõ ràng ở các đơn vị hành chính để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tế của từng loại đơn vị hành chính trên các lĩnh vực cụ thể, về cơ bản đồng nhất so với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, chỉ bổ sung một số quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc kiến nghị, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, yêu cầu cung cấp thông tin, kiến nghị khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật./.
TIẾN DŨNG - BN