Nguyên tác bằng chữ Hán:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên;
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền
Bản dịch:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Mở đầu bài thơ là một khung cảnh mùa xuân bao la khoáng đạt:
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Ánh trăng đêm xuân an lành lồng lộng. Từ “lồng lộng” được đảo lên trên cho ta thấy cái rộng lớn bao la của cảnh sắc đêm xuân. Từ lâu, trăng với Người như một người bạn tri âm tri kỉ. Ở đây, ngay trong đêm Rằm, trăng vẫn luôn dõi theo, bầu bạn với Bác, làm nguồn cảm hứng để người ngâm thơ. Ánh trăng này đã ở mức độ viên mãn "nguyệt chính viên", tròn đầy nhất nhưng câu thơ dịch vẫn chưa toát lên đầy đủ được ý tứ viên mãn, tròn đầy đó. Câu thứ hai xuân hiện thêm hai từ xuân, kết hợp với câu đầu tạo nên một bức tranh xuân tuyệt đẹp: Trăng xuân – sông xuân – trời xuân. Ba từ xuân được Người sử dụng liên tiếp một cách ngẫu nhiên mà rất có dụng ý nghệ thuật. Bức tranh mùa xuân được Người vẽ lên bằng vẽ đẹp của ngôn từ tạo cho người đọc có cảm giác như lạc vào thế giới cổ tích, thế giới của vẻ đẹp thần tiên, viên mãn. Mặc dù người không tả cảnh chồi non lộc biếc, hoa xuân khoe sắc nhưng trước mắt ta dường như cảm nhận được đầy đủ cảnh sắc, đất trời mùa xuân mà điểm nhấn là vầng trăng xuân viên mãn đến dòng sông, bầu trời đều toát lên vẽ đẹp đầy sức sống của mùa xuân vào dịp tết Thượng nguyên.
Hình ảnh ánh trăng trong hai câu thơ sau đã không còn là ánh trăng của cảnh xuân mà trở thành trung tâm kỳ vĩ của vũ trụ trong đêm rằm tháng giêng.
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Câu thơ thứ ba đã nói lên hoàn cảnh của Bác lúc ngắm trăng. Cũng là "Yên ba" (khói sóng), nhưng không phải là "Yên ba giang thượng sử nhân sầu" (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai) trong Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu đời Đường, mà là "giữa dòng bàn bạc việc quân". Không phải là một thi nhân nhàn nhã đang toàn tâm, toàn ý ngắm nhìn vẻ đẹp của trăng xuân mà Bác ngắm trăng trong một hoàn cảnh rất đặc thù, chơi vơi giữa dòng nước. Để tránh sự truy lùng của quân địch, Bác cùng các chiên sĩ phải bàn bạc việc quân ở trên thuyền. Và ở nơi đó, ngay giữa trung tâm của đất trời, hồn thơ của Bác như giao hòa với thiên nhiên để vẽ lên cảnh thiên nhiên tuyệt sắc. Đọc câu thơ ta thấy thầm thương Bác, Người luôn đau đáu tấm lòng vì nước, vì dân. Công việc bộn bề nhưng Bác vẫn luôn yêu thiên nhiên cảnh vật. Ta có cảm giác như cảnh sắc mùa xuân bát ngát trong tầm mắt của Bác đã vượt ra khỏi khung cảnh Việt Bắc trở thành hình tượng đẹp đẽ của bầu trời tự do, của mùa xuân đất nước mà Bác cảm nhận thấy từ ánh trăng rằm trong những tháng ngày còn gian khổ. Có nghĩ đến điều ấy, ta mới càng thấy được phong thái ung dung và lạc quan cao đẹp của Bác.
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
Con thuyền trong câu thơ cuối là ẩn dụ sâu sắc về thắng lợi của cách mạng. Con thuyền cách mạng rực rỡ ánh trăng ngân báo hiệu cho ngày chiến thắng không còn cách xa. Câu thơ thể hiện một niềm lạc quan, niềm tin vô cùng với cách mạng.
Rằng tháng giêng năm nay, đọc lại những vần thơ của Người ta lại càng cảm phục hơn tinh thần lạc quan cách mạng của người cộng sản kiên trung, trọn một đời cống hiến cho dân, cho nước. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh tuyệt đẹp, một bức tranh thủy mặc với một hình ảnh con thuyền chở đầy trăng như chở niềm tin tất thắng vào ngày mai thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đêm trăng rằm vắng lặng, êm dịu như bức tranh thuỷ mặc nhưng không hề buồn bã, hiu quạnh, mờ mờ ảo ảo mà nó trở nên rực sáng và huy hoàng bởi có sự góp mặt của những con người bất tử, đang chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn./.



Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.361.681
Online: 26