Bác Hồ có nhiều bài thơ hay viết cho thiếu nhi. Trong đó chứa đựng tình thương yêu sâu sắc, thắm thiết của người đối với các cháu. Viết cho thiếu nhi, nhưng nhiều bài thơ của Bác khiến người lớn thấy xúc động thấm thía. Bởi thơ Bác cũng là một hình thức kêu gọi, tuyên truyền cách mạng. Người gợi mở dẫn dắt con trẻ hiểu vì sao nước mất nhà tan, vì sao trẻ em bị thiệt thòi:
Vì ai ngăn cấm học hành?
Vì ai ta phải chịu đành dốt ngây?
Ấy là vì Nhật, vì Tây
Ra tay vơ vét, đoạ đày chúng ta.
( Trẻ chăn Trâu - Tháng 11-1942)
Và Người vận động, giác ngộ thiếu nhi:
Vậy nên trẻ em nước ta
Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh
Người lớn cứu nước đã đành
Trẻ em cũng góp phần mình một tay.
( Kêu gọi trẻ em)
Đối với thiếu nhi miền Nam đi trước về sau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác dành tình cảm thật đặc biệt:
Bắc nam sum họp một nhà
Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi

Bác Hồ luôn dànhtình yêuthương vô bờ bến cho các em thiếu nhi
Đã 45 năm, Bác Hồ ra đi trong niềm thương nhớ và kính yêu của toàn Đảng, toàn dân, của mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay, mai sau và mãi mãi muôn đời. Dù Bác đã đi xa nhưng chúng ta luôn cảm thấy Người vẫn ở trong trái tim, trong cuộc đời, trong sự nghiệp, trong cái để kính yêu và học tập. Thật cảm động khi đọc lại những bức thư của Bác Hồ gửi cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Chúng ta nghiêng mình kính phục Người, bởi dù rất bận với việc nước nhưng Bác Hồ đã dành nhiều thời gian quan tâm đến thế hệ măng non - chủ nhân tương lai của đất nước. Tình cảm quý báu đó được thể hiện qua những bức thư Người gửi cho thiếu niên nhi đồng nhân mỗi dịp khai trường, Tết Trung thu và Tết Thiếu nhi. Lời lẽ trong thư luôn ân cần, trìu mến, nâng niu: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan” (Thư Trung thu năm 1941). Bác luôn nhắc nhở các cháu phải đoàn kết, thi đua học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, sức khỏe. Mỗi khi các cháu làm được việc tốt, Bác Hồ thường đến động viên, khen thưởng hoặc gửi thư, tặng quà,… Trong suốt cuộc đờichỉ biết quên mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, Bác luôn ấp ủ một niềm ước mong, đó là các cháu thiếu nhi được ăn no, mặc ấm và được học hành. Chính vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, tình thương yêu của Người dành cho các cháu luôn sâu đậm, thiết tha: “Trung thu trăng sáng như gương / Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng / Sau đây Bác viết mấy dòng / Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương” (Thư Trung thu năm 1951).
Không những hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, mà Bác Hồ còn rất tin tưởng và xác định nhiệm vụ to lớn của các cháu đối với tương lai của đất nước. Bởi vậy, trong thư gửi cho học sinh vào tháng 9 năm 1945 nhân ngày khai trường độc lập đầu tiên, Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”
Với niềm tin yêu đặc biệt đó, trong thư gửi thiếu nhi cả nước nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong tháng 5 năm 1961, Bác đã gửi đến các cháu 5 lời dạy thiêng liêng:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà dũng cảm”
Mãi đến hôm nay và mai sau, thiếu nhi cả nước vẫn xem đó là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội. Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Qua đó, chúng ta thấy Bác Hồ đã khẳng định vai trò quan trọng của thế hệ trẻ đối với tương lai mai sau của đất nước. Vì vậy, xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Người dạy: “Ngày Tết Thiếu nhi 1- 6 nhắc nhủ người lớn trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng, người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo” giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”.
Ba tháng trước ngày đi xa, Bác lại viết bài: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” in trên báo Nhân dân (5/1969). Bác viết: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.
Tình cảm thiêng liêng Bác Hồ dành cho thiếu nhi không chỉ thể hiện sâu sắc khi Bác còn sống, mà còn thấm nhuần sâu rộng trong toàn thể nhân dân khi Người đã đi xa. Trong Bản Di Chúc lịch sử của mình, Bác Hồ đã hai lần nhắc đến “các cháu thanh niên nhi đồng”, “các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế” - Người đã dành cho các cháu nhi đồng Việt Nam và quốc tế một tình thương yêu vô hạn: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…” (Di chúc). Dù trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không cặn dặn chúng ta hãy làm gì đối với thế hệ măng non. Nhưng với hai lần Bác nhắc đến các cháu thiếu niên nhi đồng bằng một tình thương vô bờ ấy, cũng đủ cho mọi người thấu hiểu mong muốn của Bác và trách nhiệm của chúng ta đối với những chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam.
Thấm nhuần tình cảm của Bác qua những bức thư, thấu hiểu di nguyện của Người qua bản Di chúc, thiếu niên nhi đồng nước ta đã và đang được Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và toàn xã hội quan tâm, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn một số trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Với họ, cần lắm những bàn tay giúp đỡ, cần lắm sự quan tâm, bảo vệ của các tổ chức đoàn thể, của Đảng và Nhà nước, của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày quốc tế thiếu nhi năm 1969, thiếu nhi Việt Nam đã không còn được Bác gửi thư. Nhưng tấm lòng yêu thương và những lời dạy của Người luôn đồng hành cùng thiếu niên nhi đồng cả nước, là di sản văn hoá vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta. Các thế hệ thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn cất cao lời hát: “ Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” như lá thư mà Tết Trung thu năm 1952, Người dành tặng cho các cháu …/.