Vào cuối tháng chín, sang tháng mười, tháng mười một kéo dài đến gần Tết là khoảng thời gian mà những đóa cúc quỳ ở Tây Nguyên nở bung, rực cả một khoảng không gian rộng lớn. Đi dọc Quốc lộ 14 và những con đường của mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, cúc quỳ nhuộm vàng đầy sức quyến rũ. Trong cái gió hanh heo của mùa khô cao nguyên, cúc quỳ giống như một sự bứt phá mạnh mẽ, thoát khỏi sự tiêu điều của cảnh vật xung quanh để vươn lên đầy sức sống. Màu vàng của loài hoa dại này cứ tràn ra mãi, tạo thành thiên đường hoa vàng sóng sánh, làm rạng ngời cả một Tây Nguyên đất đỏ hanh nồng.
Không chỉ mang vẻ đẹp mộc mạc và sức sống mãnh liệt của đất và người Tây Nguyên, cúc quỳ còn hấp dẫn các nhà nghiên cứu thực vật bởi nguồn gốc của nó. Ngoài được biết đến bởi cái tên cúc quỳ, loài hoa này còn được gọi là hoa dã quỳ,sơn quỳ,quỳ dại,hướng dương dại,hướng dương Mexico,cúc Nitobephân bổ rộng khắp trong các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới, chẳng hạn như Trung Mỹ, Đông Nam Ávàchâu Phi. Phụ thuộc vào khu vực, nó có thể là cây một năm hay cây lâu năm, dạng cây bụi cao tới 2–3 m với thân cây mọc thẳng và đôi khi hóa gỗ. Hoa màu vàng cam.


Ở Việt Nam, cúc quỳ được ngườiPhápđưa vào các đồn điềnởLâm Đồng. Thân cây chứa nhiều chấtPhôt pho, Canxi, Magienên làm phân hữu cơ khá tốt, do đó, được trồng khi đó để làm phân xanhcho các vườn cà phê, cao su.. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng nhờ giâm cành nên loài cây này dần dà chiếm lĩnh các nơi hoang dại ở khắpTây Nguyên. Người dân Tây Nguyên quen gọi loài hoa này là cúc quỳ, còn nhà thơ Phạm Tiến Duật gọi nó là hoa cúc đắng: “Câycúc đắng quên lòng mình đang đắng. Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay,…”

Hoa cúc quỳ trông giống hoa cúc và hoa hướng dương. Hoa có mùi đặc trưng, không thơm ngào ngạt nhưng phảng phất chút hương núi rừng khiến ai ngửi thấy cũng khó quên được. Là loài cây dễ sống và phát triển rất nhanh, chỉ cần một đoạn thân cây rơi xuống đất, từng chồi non sẽ mọc lên khắp thân và lớn rất nhanh. Từng khóm liên kết với nhau rồi tạo thành từng dãy lớn cao và vững chắc. Do đó, người dân Tây Nguyên thường trồng cúc quỳ dọc theo mép vườn để làm hàng rào. Sức sống mãnh liệt và sự gắn bó trong kiểu phát triển của loại cây này gắn liền với một sự tích tình yêu thủy chung son sắt.


Chuyện rằng ngày xửa ngày xưa, ở một buôn làng nhỏ nằm khuất xa trong vùng núi Tây Nguyên hùng vĩ có chàng K’Lang và nàng H’Limh yêu nhau tha thiết. Hai bên chỉ còn chờ H’Limh dệt xong tấm chăn cầu hôn là mổ trâu thành vợ chồng (theo tục lệ của bộ tộc, con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng). Ở bộ tộc Lasiêng cận kề có chàng La rihn con trai tộc trưởng Lasiêng cũng yêu đơn phương nàng H’Limh say đắm. Một ngày kia, thấy chàng K’Lang đi săn mãi không quay về, nàng H’Limh lo lắng băng rừng đi tìm chàng. Nàng cứ đi, đi mãi, vượt qua biết bao con suối, ngọn đồi mà vẫn không thấy K’Lang. Mệt quá, nàng thiếp đi bên tảng đá. Trong cơn mê, nàng nghe thấy giọng K’Lang gọi nàng, chàng bảo nàng hãy đi đến con suối tiếp theo thì gặp chàng. H’Limh choàng tỉnh và đạp gai rừng băng đi. Đến con suối tiếp theo, nàng hoảng hồn khi thấy chàng K’Lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt và đánh đập. Mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào người ngăn cản, nàng vẫn lao tới ôm chặt chàng K’Lang che chở đòn roi cho chàng. La rihn ghen tức với K’Lang nên buông một mũi tên độc nhắm vào chàng. Thấy vậy, nàng H’Limh ôm chặt lấy K’Lang và lấy thân mình đón mũi tên độc cho chàng. Nàng gục xuống. Tại nơi chàng K’Lang và nàng H’Limh chết mọc lên một loại hoa vàng rực, thân cây mong manh nhưng rễ cây gắn bó thắt chặt với nhau thành từng cụm. Người ta gọi đó là cây cúc quỳ. Người dân Tây Nguyên lấy loại cây này làm biểu tượng cho sự thủy chung, sự hy sinh cao cả trong tình yêu. Cao đẹp như chính tình yêu của nàng H’Limh dành cho chàng K’Lang vậy.
Không chỉ đẹp bởi truyền thuyết về một tình yêu son sắt, cao đẹp, loài hoa này còn thiết thực trong đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên. Bên cạnh dùng làm phân xanh, lá và thân cây cúc quỳ còn được các thầy lang dùng làm thuốc, nhất là trong điều trị các chứng bệnh ngoài ra, mẫn ngứa, ghẻ lở. Loài cây này còn in đậm trong dấu ấn tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân Tây Nguyên, là hình ảnh những chiếc xe đẩy nhỏ xinh được làm từ hai bông hoa, cành cây bắc giữa và chạc ba thân cây dùng làm que đẩy, là những bó hoa vàng rực rỡ trong sắc xuân cao nguyên mà ai đó đã gửi gắm tất cả tâm tình để gửi đến người thương,…


Xuân này, về với Tây Nguyên, hòa mình trong thiên đường óng ánh sắc vàng của hoa cúc quỳ, hít thật sâu cái mùi hương ngái ngái, hoang dại của núi rừng, ta sẽ cảm nhận được tình yêu mãnh liệt và sức sống diệu kỳ của tình đất và người nơi đây, để nhìn thấy, giữa đại ngàn nắng gió, tình yêu của nàng H’Limh và chàng K’Bang thăng hoa, bất diệt, để thêm yêu một loài hoa giản dị và mộc mạc, là linh hồn của núi rừng Tây Nguyên – hoa cúc quỳ./.

BÌNH NGUYÊN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 5.565.612
Online: 65
ipv6 ready