Tọa lạc trên dãy Hồng Lĩnh 99 đỉnh giữa bạt ngàn đồi thông, Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) là địa chỉ văn hóa tâm linh được đông đảo người dân địa phương và các tỉnh phụ cận tìm đến thành kính dâng hương tưởng nhớ các vị khai quốc, lập nước.

Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh
Cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An 20 km đi về phía Nam theo đường Nguyễn Ái Quốc (Quốc lộ 1A cũ) đến ngã tư trung tâm Thị xã Hồng Lĩnh thì rẽ trái theo đường Kinh Dương Vương (Quốc lộ 8A) khoảng 1,2 km; hoặc từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh theo Quốc lộ 1A đi ra phía bắc khoảng 27 km đến địa phận thị xã Hồng Lĩnh, gặp đường Bùi Cầm Hổ (Quốc lộ 1A mới) đi chừng 1 km gặp ngã ba thì tiếp tục rẽ trái khoảng 700m, sẽ gặp biển chỉ dẫn vào di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (gồm Chùa Đại Hùng, Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng). Khu di tích được xây dựng trên mái núi Mồng Gà (một trong 99 ngọn núi thuộc dãy Hồng Lĩnh huyền thoại, ẩn chứa nhiều trầm tích lịch sử, văn hóa với những câu chuyện huyền sử hấp dẫn.

* Đôi nét về địa danh Núi Hồng, tương truyền là nơi được Thủy tổ Kinh Dương Vương chọn đóng đô đầu tiên của nhà nước Xích Quỷ (nghĩa là Ngôi Sao Đỏ):
Nói đến vùng đất Hà Tĩnh, trước tiên là nói đến Núi Hồng với 99 ngọn vút cao trùng điệp. Vào năm Minh Mệnh thứ 17, Núi Hồng được khắc vào Anh Ðỉnh là một biểu tượng của thiên nhiên Việt Nam. Quanh Hồng Lĩnh là cả một kho tàng về những câu chuyện huyền bí và hấp dẫn.
Núi nằm giữa địa phận thị xã Hồng Lĩnh và hai huyện Nghi Xuân, Can Lộc của tỉnh Hà Tĩnh. Toạ độ từ 105 41’ đến 105 55’ kinh đông và từ 18 28’ đến 18 39’ vĩ bắc. Cách thành phố Vinh khoảng 10 km về hướng Nam, Cách thành phố Hà Tĩnh 30km về hướng Bắc.
Mạch núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, từ nam Bến Thuỷ vào đến bắc Cửa Sót. Chia làm 3 nhóm núi: Nhóm Thiên Tượng và nhóm Đụn ngăn cách nhau bởi truông Eo Bầu. Mỗi đỉnh núi trên dãy Hồng Lĩnh có những cái tên gắn với hình thù, dáng núi như Thiên Tượng (voi trời), Ngũ Mã (5 ngựa). Sư Tỵ, Hàm Rồng, Mồng Gà..., hoặc có đỉnh được đặt tên theo truyền thuyết cổ tích, theo danh nhân như Rú Cơm, Rú Cà, Hương Tích, Lão Quân, Trần Soa, Liệt Sơn...
Tương truyền, Núi Hồng Lĩnh do một ông khổng lồ (tên gọi là ông Đùng) đã gom nhặt những quả núi mọc lẻ tẻ ở vùng châu thổ Lam giang và La giang đem về đây xếp thành dãy Hồng Lĩnh. Xếp được 99 hòn núi, còn một hòn cuối cùng thì ông Đùng đánh rơi sang phía bờ bắc sông Lam mà thành rú Rum. Cũng chính ông Đùng đã đào quặng sắt ở trong các ngọn núi đem đến làng Vân Chàng dạy cho dân làm nghề rèn - một nghề truyền thống vẫn còn lại đến ngày nay.
Dãy Hồng Lĩnh có nhiều khe suối tuy không sâu, không lớn, nhưng nước ở đó không bao giờ cạn, 4 mùa trong vắt. Theo truyền thuyết, xưa kia khi Kinh Dương Vương mở nước đến vùng này, ông dạo chơi xem phong cảnh và đã chọn Hồng Lĩnh làm kinh đô. Tại đây Kinh Dương Vương đã kết duyên cùng Thần Long và sinh ra Long Vương (Lạc Long Quân). Cũng theo truyền thuyết, một lần Viêm Đế Thần Nông sai 100 con chim Hạc trắng (có truyền thuyết gọi là chim Phượng Hoàng) xuống giúp đỡ con cháu ở hạ giới. Khi đàn chim đến Hồng Lĩnh thì núi chỉ có 99 ngọn, còn thiếu một ngọn nên cả đàn bay về phương Bắc. Khi bay đến một nơi có cảnh sơn thủy hữu tình, con hạc trắng thấy cây chiêu đàn nên đậu lên cây ấy (từ đó mới có tên là Bạch Hạc), còn 99 con đậu trên 99 ngọn đồi từ Phú Lộc đến Thậm Thình. Có lẽ đây là truyền thuyết để lại niềm tiếc nuối và cũng là lời giải thích về sự thiên di Kinh đô Ngàn Hống từ Hồng Lĩnh về vùng Bạch Hạc (tỉnh Phú Thọ ngày nay) của Thủy tổ Kinh Dương Vương.

Chùa Đại Hùng
Cũng theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam, đến núi Nghĩa Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc) gặp một nàng tiên, lấy nhau hai người sinh ra Lộc Tục. về sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Nghĩa Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Nghĩa Lĩnh về phía Nam).
Tương truyền từ buổi đầu sơ khai dựng nước, phải tìm đất định đô, Thủy tổ Kinh Dương Vương đã hướng vào vùng danh thắng Núi Hồng, đứng trên cao nhìn xuống, ở đây núi dăng nên luỹ, khe chảy thành hào, non đủ cao, sông đủ sâu, đồng điền đủ rộng; khả dĩ con người có thể tự làm lụng để nuôi sống lâu dài, phóng tầm mắt ra xa muôn trùng sóng cả, núi non địa bàn hiểm trở, tiến có thế công, thoái có thế thủ là điều lợi thế bậc nhất cho việc sơ khai định đô. Với tầm nhìn bao quát càn khôn, Kinh Dương Vương quyết định đã dựng Hoàng thành ở đây và đặt tên nước là Xích Quỷ (nghĩa là “Ngôi Sao Đỏ”). Kinh thành xây xong, Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra 100 người con gắn với sự tích bọc trăm trứng, người con trai trưởng là Hùng Vương thứ nhất. Để định chính đô, giữ vững giang sơn, cơ nghiệp rộng lớn của tổ tiên, Kinh Dương Vương đã thiên đô ra vùng núi Ao Việt (Việt Trì - Phú Thọ ngày nay), từ đó Ngàn Hống không còn là kinh đô của đất nước, nhưng dấu tích về một kinh đô Ngàn Hống với thiên truyện thần kỳ trên dãy núi Hồng 99 ngọn vẫn còn sống mãi trong tâm trí dân gian.
Có lẽ từ sử liệu và truyền thuyết nêu trên mà nhân dân nơi đây đã lập nên Khu Di tích Đại Hùng bao gồm: Chùa Đại Hùng và Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương cùng các bậc Vua Hùng (tiếng địa phương gọi là Đền Cao) để tưởng nhớ công ơn của vị vua khai sáng nên triều đại Hồng Bàng của muôn dân bách Việt.
Suốt mấy ngàn năm, Hồng Lĩnh đã tích tụ bao khí chất con người xứ Nghệ để trở thành biểu tượng của một vùng văn hóa. Trải qua bao thời kỳ dựng nước và giữ nước, giờ đây trên núi vẫn còn giữ lại được những dấu ấn về lịch sử, văn hóa có giá trị lớn. Những di tích như: Thiên Tượng, Long Đàm, Đại Hùng, Cực Lạc... từ bao đời này đã trở thành những biểu tượng cho cuộc sống tâm linh của Nhân dân trong cả nước. Núi Hồng - sông Lam đã trở thành biểu tượng và là nơi hun đúc tụ khí của vùng đất xứ Nghệ.


Chùa Đại Hùng
* Chùa Đại Hùng:
Theo sử cũ chép lại Đại Hùng là một trong bốn ngôi cổ tự bao gồm: Thiên Tượng, Long Đàm, Đại Hùng, Cực Lạc được xây dựng vào khoảng đời Nhà Trần; với khoảng cách địa lý được phân bổ đều nhau, khi tiếng chùa này thỉnh sẽ vọng đến chùa kia và ngược lại.
Chùa được dựng trên mái núi ở độ cao khoảng 100m so với mực nước biển. Theo các vị cao niên trong vùng thì đây là một trong những ngôi chùa được xây dựng khá bề thế với nhiều hạng mục như Miếu Cô chín, tượng Quan Âm, Nhà Tổ, nhà Thánh Mẫu, nhà Hạ điện, nhà Tam bảo,…; tuy vậy, trải qua hàng trăm năm với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự biến động của lịch sử và sự vô tâm của con người, nhất là thời kỳ thoái trào của Phật giáo mà đa số các hạng mục của di tích ở đây đều bị ảnh hưởng, thậm chí có nhiều hạng mục đã trở thành phế tích. Với ý thức tâm linh, tinh thần bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, Chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích và Sư trụ trì đã cùng với các tín đồ Phật tử ở khắp nơi đã đóng góp nhiều công sức, kinh phí nâng cấp, tôn tạo. Hiện nay, một số hạng mục đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo như Ngôi tam Bảo, nhà bái, nhà tăng khách... Đặc biệt trong các cổ vật có giá trị được lưu giữ ở đây thì quý nhất là quả chuông cao trên 1m, nặng khoảng 200kg, được chạm trổ tinh xảo và có khắc tên “Đại Hùng Tự Chung”, qua nội dung bài minh chuông cho chúng ta thấy chuông được đúc vào năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 - 1802).
Có lẽ điểm đặc biệt lớn nhất của chùa Đại Hùng so với các ngôi chùa khác trên địa bàn Hà Tĩnh là ở chỗ Chùa không chỉ là nơi để các phật tử thực hành nghi lễ tôn giáo, mà ở đây còn là sự dung hòa, giao thoa giữa tôn giáo và tín ngưỡng. Với quan niệm “đất của Vua, chùa của làng” nên hàng năm cứ đến dịp lễ húy kỵ Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương (18/1 ÂL) và Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 ÂL) thì bà con Phật tử hòa cùng Nhân dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, tụng kinh niệm Phật để tưởng niệm Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng trước khi tổ chức lễ hội tại đền thờ của các vị.

Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng

Lễ dâng cúng vật phẩm của các địa phương

Lễ tế dân gian của Hội NCT phường Đậu Liêu
* Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng.
Nằm trong khuôn viên của khu Di tích là các hạng mục của Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Theo sử liệu, cũng như các tư liệu truyền ngôn thì Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng được Nhân dân xây dựng cùng thời kỳ với chùa Đại Hùng (khoảng vào thế kỷ XIV) trên mái núi phía Bắc thuộc đỉnh Mồng Gà, cách Chùa Hạ khoảng 1 km, nơi đây cây cối tự nhiên xanh tươi, có nguồn nước mát chảy ra từ trong các mạch nguồn của đá tạo nên giếng nước mát lành, Nhân dân ở đây gọi là giếng Ngọc; tương truyền đây là mạch nước thần có thể chữa bách bệnh, cho nên đến các ngày lễ Nhân dân thường dâng hương tại đền để xin nước uống. Từ vị trí của Đền có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn, những ngày đẹp trời khi nhìn ra hướng đông du khách có thể thấy từ xa xa nước biển trong xanh, với những con thuyền bé nhỏ đang lướt trên sóng khơi hùng vĩ.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong vùng thì đây là ngôi Đền lớn nhất của cả Tổng Độ Liêu xưa kia, việc này được chứng minh bởi những phiến đá kê cột (tiếng địa phương gọi là đá táng) có chu vi rất lớn, cũng như khuôn viên của các nền móng còn sót lại. Tuy vậy, cũng như các di tích khác đến nay Đền cũ hầu như bị phế tích hoàn toàn. Vì vậy, để có nơi thờ tự Nhân dân đã lập tạm ngôi đền nhỏ khoảng 40m2 để có nơi hương khói và tổ chức lễ hội hằng năm. Trong những năm qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đóng góp của bà con xa quê, của các nhà hảo tâm, của các doanh nghiệp, doanh nhân và bà con Nhân dân, Phật tử xa gần, đến nay đền đang được lập các hạng mục để trùng tu, tôn tạo trên nền móng cũ.

Hàng năm tại Khu di tích Đại Hùng được tổ chức khá nhiều lễ hội, song có hai lễ hội chính, đó là: Lễ húy kỵ đức Thủy tổ Kinh Dương Vương vào ngày 18/01 ÂL và Đại lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương ngày 10/3 ÂL. Vào những ngày này, nhất là dịp Giỗ Quốc tổ Hùng Vương (10/3), hàng vạn bà con Nhân dân, Phật tử khắp các tỉnh, thành phụ cận tập trung về dâng hương, bái Tổ và dự Đại lễ Giổ Quốc tổ do UBND thị xã và Ban Quản lý di tích phối hợp tổ chức. Các lễ vật mà mọi người đưa đến để dâng lên ngày giỗ của các Vua Hùng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp làm ra như: Bánh chưng, bánh dày, bánh tét, hoa, quả, và các sản vật của địa phương. Đại lễ thường diễn ra nhiều ngày, với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc gắn với các chương trình lễ rước, lễ tế truyền thống và nghi lễ nhà nước. Đây là niềm tự hào của Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh nói riêng và của tỉnh Hà Tĩnh nói chung.



Lễ khai ấn đầu năm tại Chùa Đại Hùng
Ngày Giỗ Thủy tổ và Quốc tổ thực sự trở thành biểu tượng của giá trị văn hóa, tinh thần vô cùng sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện niềm tự hào, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân và truyền thống uống nước nhớ nguồn, góp phần làm nên sức mạnh dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Những bài học quý báu của tổ tiên, của thời đại Kinh Dương Vương đến các Vua Hùng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, nghĩa đồng bào trong sáng, thiêng liêng, sống thủy chung thân ái, cần cù, thông minh sáng tạo và kiên cường đấu tranh chinh phục thiên nhiên, tự lực tự cường và tự tôn dân tộc mạnh mẽ. Đó cũng chính là bài học: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước, khi có họa ngoại xâm thì cả nước cùng đánh giặc; là bài học kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, lối sống, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam... Những điều đó đã tạo nên giá trị văn hóa mới trên cơ sở phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc, đồng thời kết hợp với tinh hoa của thời đại, luôn được Nhân dân nơi đây xem là một sự kiện văn hóa quan trọng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự hội tụ nhiều chiều giữa quá khứ và hiện tại, giữa quá khứ và tương lai, giữa hiện tại với tương lai, thể hiện triết lý nhân sinh quan và tín ngưỡng thờ tự của người Việt. Lễ Giỗ Thủy tổ và Quốc tổ còn là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và Nhân dân xa gần nguyện một lòng khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.



Với giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, Di tích Đại Hùng được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2008. Đồng thời,Lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương cũng đã được công nhận là Lễ hội cấp Tỉnh vào năm 2022. Đến nay, cấp ủy, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, phường Đậu Liêu, Ban quản lý di tích đã và đang huy động các nguồn lực để từng bước đầu tư các hạng mục xây dựng như chùa Hạ, chùa Thượng, nhà thờ Tổ sư, đường giao thông, xây dựng Kinh đô Ngàn Hống để thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương - Quốc mẫu Thần Long, thờ Lạc Long Quân - Âu cơ và các Vua Hùng, xây dựng trung tâm tổ chức Lễ hội./.