Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đền Phúc Hội, xã Thuận Lộc vẫn đang lưu giữ 11 sắc phong thời Nguyễn.
Đền Phúc Hội toạ lạc ở thôn Tân Hòa (xưa là làng Phúc Hội), xã Thuận Lộc, được xây dựng từ thời Hậu Lê.
Trải qua 4 lần di chuyển và bị tàn phá bởi chiến tranh, đến năm 2016, đền Phúc Hội được Nhân dân phục dựng lại gồm 2 toà: hạ điện và trung điện.
Đền Phúc Hội là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chính của Nhân dân trong vùng.
Đền là nơi thờ các thiên thần, nhiên thần và nhân thần, như: Nhất Lang, Nhị Lang, Tam Lang, Sát Hải Đại Vương, Tô Đại Liêu, Song Đồng Ngọc Nữ... Đó là những vị thần gắn liền với cuộc sống của Nhân dân cũng như những nhân vật lịch sử, những người được tôn vinh, kính trọng, được tôn vinh là Thành Hoàng làng.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, hiện tại, đền Phúc Hội còn lưu giữ được 11 sắc phong cổ.
11 sắc phong của thời Nguyễn do vua Thành Thái phong tặng cho các vị thần gồm: Vị thần Long vương Nhất lang (vua Thành Thái năm thứ 6 - 1895); Vị thần Long vương Nhị lang (vua Thành Thái năm thứ 6 - 1895); Vị thần Sát Hải Đại Vương (vua Thành Thái năm thứ 10 - 1898); Vị thần Song Đồng Ngọc nữ (vua Thành Thái năm thứ 10 -1898)...
Để tưởng nhớ công lao của các vị thần nơi đây, Nhân dân lấy ngày 10/3 và 6/10 tổ chức lễ hội tại đền nhằm khôi phục văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa ở địa phương.
Với nhiều giá trị to lớn, năm 2018, đền Phúc Hội được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Ông Trần Văn Cử - thủ từ đền Phúc Hội cho biết:
"Người dân trong thôn luôn coi các sắc phong này là báu vật nên gìn giữ cẩn thận qua nhiều thế hệ. Hầu hết sắc phong còn nguyên vẹn, ánh lên màu vàng tươi, nét chữ vẫn còn rõ, các hoa văn trên mặt sắc phong còn ngời sáng màu bạc. Đặc biệt, triện vua ban vẫn đang còn sắc nét, rõ màu mực. Các báu vật này giúp các thế hệ người dân trong làng ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong giữ gìn, xây dựng đời sống văn hoá."