Giám sát chuyên đề là một trong số 5 hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, đó là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề hoặc hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật theo chuyên đề, nội dung cụ thể đã được HĐND quyết nghị bằng nghị quyết cụ thể. Nhiệm kỳ 2016-2021 đánh dấu bước thay đổi lớn về chất lượng của hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND thị xã Hồng Lĩnh dưới sự điều chỉnh cụ thể của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND thị xã và 02 Ban HĐND thị xã Hồng Lĩnh đã tổ chức giám sát 27 chuyên đề trên các lĩnh vực. Dự kiến trong năm 2021 sẽ tiến hành giám sát 5 chuyên đề. Hoạt động giám sát đã đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp các cấp, các ngành phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn và việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, HĐND thị xã để kịp thời chấn chỉnh, bổ cứu công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhìn chung, các chuyên đề giám sát trong nhiệm kỳ 2016-2021 mà HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thị xã đưa ra giám sát là các vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương, thường được lựa chọn là các vấn đề lớn, nóng, có nhiều bất cập, vướng mắc, thậm chí là “khó tháo gỡ”, “nhạy cảm” được đại đa số cử tri và Nhân dân và cả hệ thống chính trị quan tâm. Thông qua giám sát, nhiều kiến nghị đã góp phần tháo gỡ được nút thắt của các chuyên đề này sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực, cùng cả hệ thống và Nhân dân làm rõ, tháo gỡ vấn đề, từ đó sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thể hiện rõ nét nhất là thông qua giám sát chuyên đề các vấn đề theo chuyên đề còn bất cập về quy định và thực tiễn. Thông thường những vấn đề này xuất hiện rất rõ trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về mọi mặt và hay được cử tri phản ánh trên các diễn đàn tiếp xúc cử tri và tiếp công dân. Nếu như là vấn đề không quan trọng, không nóng và vướng mắc thì chẳng ai phản ánh, kiến nghị làm gì cho mất công sức. Do đó, việc HĐND tiếp thu và đưa vào chương trình giám sát đã là hướng đi “trúng” đầu tiên, đặt nền móng cho việc giám sát chuyên đề đạt hiệu quả và mục đích. Chuyên đề càng khó, càng nhiều vấn đề thì việc đưa vào giám sát chuyên đề sẽ càng hấp dẫn nhưng cũng đòi hỏi đoàn giám sát phải thật chất lượng thì mới giải quyết được. Cụ thể như các chuyên đề liên quan đến cách hiểu quy định và áp dụng pháp luật; việc quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội như đất đai; đầu tư công và tài chính – ngân sách; vấn đề giải quyết đơn thư,… Qua giám sát, các Đoàn giám sát cũng đã có báo cáo cụ thể sâu sát hơn về thực trạng của vấn đề (những mặt đạt được và hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân cụ thể), từ đó kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ các hạn chế, vướng mắc; đối với các hạn chế mang tính vi phạm quy định pháp luật thì đề xuất hướng xử lý cũng như yêu cầu thanh tra (nếu cần thiết). Từ kiến nghị giám sát, các đơn vị được giám sát (thường là UBND và các phòng, ngành, đơn vị) đã có sự điều chỉnh, tiếp thu, sửa đổi các quyết định, biện pháp QLNN cho phù hợp và đúng pháp luật. Từ sự điều chỉnh đó, đã tạo điều kiện cho những chuyển biến về kinh tế - xã hội, thể hiện trên các chỉ tiêu, lĩnh vực và có sự điều chỉnh. Nội dung này dễ dàng nhận thấy qua số liệu của các lĩnh vực và đối chiếu với thời điểm trước khi giám sát. Có thể nói nhiệm kỳ 2016-2021, chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, trong đó việc nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND đã góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH; đảm bảo AN-QP của địa phương. Trước hết, kết luận, kiến nghị của 27 chuyên đề giám sát của nhiệm kỳ 2016-2021 là căn cứ quan trọng để HĐND thị xã Hồng Lĩnh thực hiện tốt chức năng quyết định tại các kỳ họp HĐND thị xã. Cụ thể là trong quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hằng năm của thị xã, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thị xã trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách thị xã; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của thị xã theo quy định của pháp luật; Quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn trong phạm vi được phân quyền,….
Tổ chức giám sát chuyên đề tại các phường, xã
Nhiều kết luận giám sát chuyên đề là căn cứ quan trọng để các Ban HĐND lấy làm căn cứ để thẩm tra các dự thảo nghị quyết chuyên đề mà UBND thị xã trình kỳ họp; là căn cứ để đại biểu HĐND thị xã làm căn cứ để chất vấn, làm rõ các nội dung trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn. Đơn cử như: Chuyên đề giám sát của Ban KTXH HĐND thị xã về tình hình bố trí, sắp xếp đội ngũ, quản lí cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường học trên địa bàn thị xã từ năm 2015 đến 2017. Đây là chuyên đề làm tiền đề để HĐND thị xã yêu cầu UBND thị xã sửa đổi Quy chế thuyên chuyển giáo viên trên địa bàn, đồng thời cũng là tiền đề để UBND thị xã trình HĐND thị xã bàn hành Nghị quyết về phát triển giáo dục Mầm non, TH và THCS. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Các chuyên đề trên lĩnh vực kinh tế cũng góp phần tạo căn cứ để HĐND quyết định các quyết sách quan trọng theo chức năng luật định. Như chuyên đề về giám sát trên lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng HĐND quyết định các biện pháp để phát triển ngành nông nghiệp đô thị, nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng xã Thuận Lộc đạt chuẩn nông thôn mới, giữ chuẩn bền vững. Chuyên đề giám sát trên lĩnh vực tài chính – ngân sách, góp phần điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách nhà nước phù hợp; có giải pháp kịp thời để quản lý đầu tư công sát với thực tiễn.
Lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh từ nhân dân
Đến tận nơi, xem xét cụ thể những vấn đề mà cử tri phản ánh
Nhờ những quy định cụ thể của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 mà nhiều kiến nghị giám sát đưa ra đã thể hiện được khí chất và màu sắc của cơ quan dân cử, rõ nét và quyết liệt hơn. Theo đó, nhiệm kỳ này đã hạn chế được việc đưa ra các kiến nghị chung chung kiểu như: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật,… hay tăng cường các biện pháp quản lý,.. thay vào đó nhiều kiến nghị qua giám sát chuyên đề đã định lượng được, cụ thể và có địa chỉ. Ví dụ: Bãi bỏ văn bản số X nếu văn bản đó ban hành trái pháp luật hoặc trái thẩm quyền; tăng thời lượng tuyên truyền pháp luật qua hệ thống truyền thanh về lĩnh vực Y 2 lần/tuần, có lịch trình, nhật ký tiếp phát theo quy định; niêm yết công khai toàn bộ TTHC trên lĩnh vực Z tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trước ngày…Những kiến nghị sau giám sát kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp thực tiễn đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, góp phần tạo ra được những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội của địa phương trên địa bàn thị xã./.