Tổng hợp trả lời một số ý kiến, kiến nghị của Nhân dân

 

Câu 1: Tang lễ ở vùng giáo hiện nay bên giáo tổ chức, không có chính quyền và Hội NCT tham gia, đề nghị thị xã, phường tăng cường chỉ đạo để phù hợp với quy ước, hương ước của địa phương và tạo mối đoàn kết lương - giáo (Nguyễn Huy Liệu - Chi hội trưởng NCT TDP 7, phường Nam Hồng).

Trả lời:

Thời gian qua, UBND thị xã đã chỉ đạo UBND các phường, xã xây dựng thực hiện hương ước các thôn, TDP trong đó có thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội. Ngoài ra UBND thị xã phối hợp với Hội NCT thị xã hướng dẫn đám tang văn minh trên địa bàn. Tuy nhiên thời gian gần đây trên địa bàn phường Nam Hồng một số người dân theo đạo công giáo khi qua đời tang lễ do Hội đồng mục vụ giáo xứ Tiếp Võ đứng ra tổ chức theo nghi lễ tôn giáo thuần túy mà không có sự phối hợp với Ban công tác mặt trận khu dân cư chưa tạo mối đoàn kết lương giáo; thậm chí một số người dân tham gia sinh hoạt Hội CCB khi qua đời không được làm lễ phủ quân kỳ theo quy định. Mặc dù cấp ủy, ban cán sự, Ban công tác mặt trận, các đoàn thể khu dân cư đã tuyên truyền, vận động nhưng chưa thực hiện nghiêm, gây bức xúc trong nhân dân.

Thời gian tới UBND thị xã tiếp tục chỉ đạo các phòng phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thị xã; UBND phường Nam Hồng, Hồi đồng mục vụ giáo xứ Tiếp Võ, Ban công tác Mặt trận các TDP tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về việc thực hiện tốt việc tang theo hương ước đã xây dựng và tăng cường tình đoàn kết lương giáo ở khu dân cư xây dưng phòng trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.

Câu 2: Thị xã Hồng Lĩnh đã phấn đấu xây dựng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã qua 2 nhiệm kỳ mà vẫn chưa lên đô thị loại 3 như sự mong đợi của nhân dân. Đề nghị lãnh đạo thị xã nên đề nghị UBND tỉnh có phương án mở rộng để đạt tiêu chí của Trung ương ( Nguyễn Thị Quy - TDP 10, Bắc Hồng).

Trả lời:

Thị xã Hồng Lĩnh thời gian qua đang xây dựng các tiêu chí đô thị loại III và đến nay đạt 41/59 tiêu chí.

Thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung cao độ triển khai thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; vì vậy trong thời điểm hiện tại tỉnh chưa có chủ trương mở rộng thị xã Hồng Lĩnh.

Câu 3: Về công tác tổ chức sắp xếp lại bộ máy tinh gọn hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên đề nghị cần xem xét việc giữ phụ cấp cho Chi hội trưởng hội người cao tuổi cấp thôn, tổ dân phố ( Phạm Đình Hán - TDP 3, Bắc Hồng).

Trả lời:

Thứ nhất: Về sắp xếp, tổ chức bộ máy:

- Theo quy định tại Nghị quyết số 165/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh và Quyết định 02/2016/QĐ-UBND ngày 15/01/2016 của UBND tỉnh, số người hoạt động không chuyên trách ở các phường trên địa bàn thị xã được bố trí không quá 15 người (mức khoán chi bằng 18.6 mức lương cơ sở); ở xã Thuận Lộc được bố trí không quá 14 người (mức khoán chi bằng 17.6 mức lương cơ sở); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được bố trí không quá 03 người (mức khoán chi bằng 3.3 mức lương cơ sở ở phường và 3.0 mức lương cơ sở ở xã Thuận Lộc); người thực hiện các nhóm nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố bố trí không quá 08 người (mức khoán chi bằng 3.8 mức lương cơ sở ở phường và 3.4 mức lương cơ sở ở xã Thuận Lộc);

- Hiện nay thực hiện Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2019) quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Theo đó số người hoạt động không chuyên trách cấp xã được quy định như sau: “Mỗi phường, xã, thị trấn bố trí không quá 8 người; trường hợp cụ thể, không thể bố trí kiêm nhiệm thì bố trí tối đa không quá 9 người”; mức khoán chi phụ cấp bằng 13.7 mức lương cơ sở đối với phường và 11.4 mức lương cơ sở đối với xã Thuận Lộc;

- Đối với đề xuất của Thường trực Hội NCT thị xã “đề nghị cho phép giữ nguyên sự tổ chức bộ máy Hội NCT ở các phường, xã như hiện nay và hưởng chế độ thù lao theo phương án 9 người bán chuyên trách”: Việc bố trí số lượng người hoạt động KCT cấp xã tối đa 8 người hay 9 người thuộc thẩm quyền của phường, xã; trên cơ sở tình hình thực tế về nhân sự và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể để bố trí, sắp xếp theo quy định; do đó việc bố trí 1 người để đảm nhận chức danh Chủ tịch Hội Người cao tuổi hay bố trí 1 người để kiêm nhiệm Chủ tịch Hội người cao tuổi với các nhiệm vụ khác là do phường, xã quyết định, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.

Thứ 2: Về mức phụ cấp cho Chi hội trưởng NCT tại thôn, tổ dân phố:

- Theo quy định tại Quyết định 02/2016/QĐ-UBND ngày 15/01/2016 của UBND tỉnh thì: Người thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố được bố trí tối đa không quá 8 người thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ; đối với chức danh Chủ tịch Hội Người cao tuổi được các đơn vị phường, xã xếp vào nhóm nhiệm vụ 8 cùng với  nhiệm vụ khuyến học và Chữ thập đỏ (nhóm nhiệm vụ tổ chức xã hội và các nhiệm vụ khác theo đặc thù địa phương), được hưởng mức khoán chi phụ cấp cho cả 3 nhiệm vụ là 0.45 mức lương cơ sở đối với phường và 0.40 mức lương cơ sở đối với xã Thuận Lộc.

- Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh (hiện nay đang chờ Quyết định của UBND tỉnh và Hướng dẫn của Sở Nội vụ để quy định chi tiết các nội dung của Nghị quyết); không quy định số lượng người cụ thể để thực hiện các nhóm nhiệm vụ mà quy định “Những người tham gia công việc của thôn, tổ dân phố khi có nhu cầu công việc được hỗ trợ mức bồi dưỡng hàng năm cho thôn, tổ dân phố để trả mức bồi dưỡng theo nhiệm vụ công việc khi cần như sau: Thôn, tổ dân phố loại 1 được hỗ trợ 25 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm; Thôn, tổ dân phố loại 2 được hỗ trợ 22 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm; Thôn, tổ dân phố loại 3 được hỗ trợ 20 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm”. Theo đó, việc quy định cụ thể về cách thức chi bồi dưỡng cho các nhiệm vụ chờ Quyết định của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ; tuy nhiên về mức khoán chi phụ cấp cho các đối tượng này giảm 1/3 so với mức chi trả hiện nay (theo quy định tại NĐ 34/2019/NĐ-CP thì không được hưởng phụ cấp hàng tháng, chỉ được hưởng phụ cấp khi tham gia các công việc từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và các nguồn quỹ khác nếu có).

Như vậy, việc bố trí ai để tham gia thực hiện các công việc tại thôn, tổ dân phố khi có nhu cầu (trên cơ sở các công việc thuộc 8 nhóm nhiệm vụ) và mức chi trả bồi dưỡng như thế nào, trong đó bao gồm cả chức danh Hội trưởng Hội Người cao tuổi ở thôn, tổ dân phố là do thôn, tổ dân phố quyết định, trên cơ sở các quy định và văn bản hướng dẫn của cấp trên.

Câu 4: (1) Đề nghị cho phép giữ nguyên nhân sự tổ chức bộ máy Hội NCT ở các phường, xã như hiện nay và hưởng chế độ thù lao theo phương án 9 người bán chuyên trách và các Chi hội trưởng thôn, tổ dân phố được hưởng một phần thù lao theo Nghị quyết số 156, ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh ( Thường trực Hội NCT thị xã Hồng Lĩnh ) .

Trả lời: Như nội dung câu hỏi số 3.

(2) Đề nghị UBND cấp kinh phí ban đầu cho CLB Liên thế hệ tự giúp nhau theo Quyết định số 578/QĐ-UBN ngày 13/2/2018 của UBND tỉnh (mỗi CLB được UBND huyện cấp 10 triệu đồng).

Trả lời:

Xin tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đối với nội dung này qua kiểm tra đến nay UBND thị xã chưa nhận được hồ sơ thủ tục đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của các Câu lạc bộ thành lập, do đó chưa có cơ sở đề xuất Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng ban đầu cho các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh mới thành lập theo Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của UBND tỉnh, trong thời gian tới UBND thị xã sẽ giao phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã chủ trì phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã, Hội người cao tuổi thị xã yêu cầu các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn cung cấp đầy đủ hồ sơ thủ tục đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định, để tổng hợp, báo cáo và tham mưu UBND thị xã đề xuất Sở Tài chính xem xét tổng hợp trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng ban đầu cho các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đầy đủ, kịp thời theo đúng các quy định tại Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của UBND tỉnh theo ý kiến, kiến nghị của nhân dân.

Câu 5: Đề nghị bố trí quy hoạch xây dựng nghĩa trang cát táng cho TDP Thuận Minh (Phan Lê Xương - NCT TDP Thuận Hòa, Đức Thuận).

Phân công trả lời: Phòng Quản lý đô thị chủ trì phối hợp các phòng liên quan trả lời.

Căn cứ đồ án Quy hoạch phân khu phường Đức Thuận và phường Trung Lương đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 788/QĐ-UBND ngày 26/3/2014 thì không bố trí quy hoạch xây dựng nghĩa trang tại tổ dân phố Thuận Minh, phường Đức Thuận; thực hiện khoanh vùng các nghĩa trang cũ bằng hệ thống cây xanh cách ly, tiến tới đóng cửa và di dời các nghĩa trang cũ về nghĩa trang quy hoạch của thị xã tại khu vực Cổng Khánh, phường Đậu Liêu. Mặt khác, căn cứ Điểm c, Khoản 1, Điều 28 Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ban hành kèm theo Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 05/4/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định về quản lý nghĩa trang trên địa bàn thị xã: “ Khi nghĩa trang chung của thị xã chưa được xây dựng, trước mắt khoanh vùng giới hạn các nghĩa trang hiện có, khuyến khích các hình thức táng phù hợp môi trường như hỏa táng, điện táng …, chỉ được chôn cất vào các khu vực nghĩa trang còn có đủ diện tích đảm bảo (tại phường Đức Thuận có các nghĩa trang sau: Nghĩa trang Bà Đại, nghĩa trang Nhà Ngoi).

Như vậy, theo quy định không bố trí quy hoạch xây dựng nghĩa trang cát táng cho TDP Thuận Minh, phường Đức Thuận.

Câu 6: Đề nghị CHT Hội NCT không nên kiêm nhiệm đồng thời phụ cấp phải chi trả theo tài chính không nên cắt một phần cho tổ chức khác ( Phan Văn Huyền - NCT TDP Thuận Hồng, Đức Thuận).

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND ngày 27/7/2019 của HĐND tỉnh, đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố không quy định số lượng người cụ thể mà quy định những người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố khi có nhu cầu (các công việc thuộc 08 nhóm nhiệm vụ), được trả mức bồi dưỡng theo nhiệm vụ công việc được giao.

Như vậy, việc giao thực hiện nhiệm vụ Người cao tuổi ở thôn, tổ dân phố là do thôn, tổ dân phố điều động người thực hiện khi có nhu cầu; cách thức điều động và chi trả mức bồi dưỡng cụ thể sẽ được quy định tại quyết định của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Nội vụ.

Câu 7: Các công trình chỉnh trang đô thị đã nghiệm thu xong thì đề nghị UBND thị xã phải kịp thời thanh toán chi trả để lâu dẫn đến bức xúc ảnh hưởng phong trào ( Phan Văn Trọng - TDP Thuận Hòa, Đức Thuận).

Trả lời:

UBND thị xã đã giao phòng TC - KH kiểm tra ý kiến, kiến nghị của Ông Phan Văn Trọng - TDP Thuận Hòa - phường Đức Thuân, qua kiểm tra cho thấy đến nay tất cả các công trình chỉnh trang đô thị trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh sau khi hoàn thành, nghiệm thu và quyết toán công trình hoàn thành theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, đã được phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã tham mưu UBND thị xã hỗ trợ kinh phí đầy đủ kịp thời cho UBND các phường, xã trên địa bàn theo đúng cơ chế tại các Nghị quyết HĐND thị xã ban hành (đến thời điểm hiện nay vào ngày 16/8/2019 tại phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã không còn tồn đọng hồ sơ công trình chỉnh trang đô thị nào của UBND các phường, xã trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán và xin hỗ trợ kinh phí công trình chỉnh trang đô thị theo đúng quy định). Văn Trọng - TDP Thuận Hòa - phường Đức Thuận.

Vì vậy, đề nghị Ông Phan Văn Trọng - TDP Thuận Hòa - phường Đức Thuận, có ý kiến kiến nghị trực tiếp với UBND phường Đức Thuận khẩn trương chỉ đạo cán bộ chuyên môn tập trung lập đầy đủ hồ sơ thủ tục theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, trình phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã thẩm tra, tham mưu UBND thị xã phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành và hỗ trợ kinh phí đầy đủ kịp thời theo đúng cơ chế tại các Nghị quyết HĐND thị xã ban hành cho các công trình đã nghiệm thu, quyết toán công trình hoàn thành và thanh toán chi trả kịp thời cho Nhân dân đảm bảo theo đúng quy định để không gây ảnh hưởng đến phòng trào chỉnh trang đô thị chung của thị xã Hồng Lĩnh trong thời gian tới.

Câu 8: Đề nghị hỗ trợ mua BHYT cho NCT hạ xuống mức 60 hoặc 65 tuổi ( Nguyễn Trường Ân - NCT TDP Thuận Tiến, Đức Thuận)

Trả lời:

BHYT là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Chủ trương bố trí ngân sách, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia BHYT nhằm giảm mức đóng, khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế được thể hiện nhất quán trong nhiều nghị quyết, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và từng bước được thể chế hóa, triển khai có hiệu quả trên thực tiễn.

Thực hiện chủ trương đó, những năm qua BHXH thị xã, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT toàn dân thị xã đã tích cực, chủ động phối hợp với các Phòng: Tài chính - Kế hoạch, LĐTB&XH, Y tế tham mưu được Thường trực Thị ủy, Thường trực HĐND và Lãnh đạo UBND thị xã nhất trí chủ trương bố trí ngân sách hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn tham gia BHYT, cụ thể:

- Năm 2016: Hỗ trợ bằng 10% mức đóng đối với đối tượng hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình;

- Năm 2017: Hỗ trợ bằng 5% mức đóng đối với đối tượng hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và bằng 10% mức đóng của người thứ nhất trong hộ gia đình giảm trừ tham gia BHYT;

- Năm 2018: Hỗ trợ bằng 10% mức đóng đối với đối tượng người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi (trên 80 tuổi đã được NSNN đảm bảo 100% mức đóng) và bằng 10% mức đóng của người thứ nhất trong hộ gia đình giảm trừ tham gia BHYT;

- Năm 2019: Hỗ trợ bằng 10% mức đóng của người thứ nhất trong hộ gia đình giảm trừ tham gia BHYT.

Như vậy, trong 4 năm liền thị xã đều có chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT, qua đó đã giúp người dân giảm mức đóng tích cực tham gia BHYT, nhờ vậy tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn hàng năm luôn vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao, chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT của thị xã đã được người dân đánh giá cao vì mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm và giảm bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi bị ốm đau phải chữa bệnh đã được quỹ BHYT chi trả phần lớn.

Người cao tuổi trong độ tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi, trong đó rất nhiều đối tượng đã được NSNN đóng 100% kinh phí hoặc hỗ trợ một phần đóng BHYT như: người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hưu trí, thương bệnh binh, người tham gia kháng chiến, cựu chiến binh… số còn lại chưa được hỗ trợ đóng BHYT là rất ít, tiếp thu ý kiến, kiến nghị cuả người dân thời gian tới Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT toàn dân thị xã sẻ kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh, Thường trực Thị ủy, Thường trực HĐND và Lãnh đạo UBND thị xã xem xét bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi chưa được ngân sách đóng và hỗ trợ đóng tham gia BHYT.

Câu 9: Đề nghị Thị xã có kế hoạch xây dựng Khe Cơn Trò để tránh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong mùa mưa lũ (Phạm Quang Huyền - TDP5, Đậu Liêu).

Trả lời:

Xin tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Ông Phạm Quang Huyền - TDP5 - phường Đậu Liêu, đối với nội dung này thì nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình lớn ngoài khả năng cân đối ngân sách của thị xã Hồng Lĩnh, do đó trong thời gian tới phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã tham mưu UBND thị xã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã đại diện chủ đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, khảo sát tham mưu UBND thị xã lập báo cáo đề xuất phương án đầu tư và huy động nguồn vốn đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, trình UBND tỉnh xem xét quyết định chủ trương đầu tư xây dựng công trình, để triển khai thực hiện.

Câu 10: (1) Dự án khu dân cư 6,7 được thông báo ngừng sản xuất vụ Xuân năm 2019 và đến vụ Hè Thu năm 2019 thì lại thông báo cho nhân dân tiếp tục sản xuất. Đề nghị Thị xã trả lời cho nhân dân biết rõ lý do? Bồi thường vụ Xuân 2019 ra sao ? Khi nào thì có bồi thường ? và ai là người bồi thường (Nguyễn Công Thành - TDP6, Đậu Liêu).

Trả lời:

1. Việc ngừng sản xuất vụ Xuân năm 2019 và đến vụ Hè Thu năm 2019 thì lại thông báo cho nhân dân tiếp tục sản xuất.

Dự án khu dân cư tổ 6, tổ 7, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh đã được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3162/QĐ-UBND ngày 19/10/2018; phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tại Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 09/4/2018.

Trên cơ sở đó, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 28/8/2018; thông báo thu hồi đất thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Khu dân cư tổ 6, tổ 7 phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh tại Thông báo số 172/TB-UBND ngày 31/10/2018.

HĐBT đã tổ chức họp dân thông qua thông báo thu hồi đất, phát thông báo đến từng hộ gia đình, cá nhân có đất trồng lúa, thông báo trên truyền thanh các tổ dân phố 4, 5, 6, 7, phường Đậu Liêu đồng thời tổ chức niêm yết và kết thúc niêm yết công khai thông báo thu hồi đất tại các hội quán 4, 5, 6, 7; UBND phường Đậu Liêu. Tổ chức kiểm đếm, áp giá niêm yết phương án tính toán bồi thường, cho các hộ gia đình, cá nhân có đất trồng lúa theo quy định hiện hành về pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự kiến trình thẩm định, phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các hộ gia đình có đất trồng lúa thuộc phạm vi thực hiện dự án cuối năm 2018 đầu năm 2019, nên có việc đề nghị các hộ gia đình, cá nhân không sản xuất vụ Xuân năm 2018 để giảm thiểu tối đa, mức độ ảnh hưởng của các hộ gia đình, cá nhân như phán ánh của bác Nguyễn Công Thành Tổ dân phố 6, phường Đậu Liêu (đại diện cho các hộ gia đình, cá nhân có đất thuộc phạm vi thu hồi thực hiện dự án). Tuy nhiên, đây là dự án đầu tư có sử dụng đất (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 09/4/2018), nên việc thu hồi đất, phê duyệt kinh phí bồi thường, chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong dự án đến nay là chưa thực hiện được nên đến vụ Hè Thu năm 2019 thì lại thông báo cho nhân dân tiếp tục sản xuất như phán ánh nêu trên.

2. Nguyên nhân chưa phê duyệt được kinh phí bồi thường.

- Đây là một trong những dự án đầu tư sử dụng đất đầu tiên thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung và thị xã Hồng Lĩnh nói riêng nên quá trình triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ khâu thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đến khâu giải phóng mặt bằng. Quá trình triển khai thực hiện dự án phải chịu chi phối điều tiết bởi nhiều chế độ chính sách pháp luật của nhà nước như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai,….;

- Đây là dự án lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại Văn bản số 913/UBND-XD ngày 21/02/2019 với mục tiêu đầu tư Xây dựng nhà ở đô thị có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn, góp phần phát triển đô thị phường Đậu Liêu. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện sau khi đã thực hiện xong công tác lựa chọn nhà đầu tư. Kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng được tính trong tổng mức đầu tư mà nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án.

Hiện nay dự án khu dân cư tổ 6, tổ 7, phường Đậu Liêu đã được UBND tỉnh phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại Quyết định số 1519/QĐ-UBND ngày 23/5/2019 với nhà đầu tư trúng sơ tuyển là: Công ty cổ phần bất động sản HANO-VID, địa chỉ: Số 430, cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội với sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 316.977.000.000 đồng (không bao gồm chi phí bồi thường GPMB và tiền sử dụng đất); phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư tại Quyết định số 2257/QĐ-UBND ngày 04/7/2019. UBND thị xã Hồng Lĩnh đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ yêu cầu; sau khi có văn bản thẩm định sẽ tổ chức thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định pháp luật. Dự kiến trong quý IV năm 2019 UBND thị xã tổ chức lựa chọn xong nhà đầu tư thực hiện dự án; đồng thời sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường GPMB thực hiện dự án, bố trí nguồn kinh phí để chi trả cho nhân dân.

3. Bồi thường vụ Xuân năm 2019 ra sao ? Khi nào thì có bồi thường ? và ai là người bồi thường ?

3.1. Bồi thường vụ Xuân năm 2019 ra sao:

Trong phương án bồi thường GPMB thực hiện dự án, HĐBT đã tính toán bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân có đất sản xuất nông nghiệp 1 vụ lúa trên cơ sở diện tích đất thực tế thu hồi nhân với giá bồi thường lúa 5.000 đồng/m 2 .

3.2. Khi nào thì có bồi thường:

Sau khi lựa chọn xong nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư tổ 6, tổ 7, phường Đậu Liêu. HĐBT sẽ trình UBND thị xã thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường GPMB, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn để thực hiện việc chi trả bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi. Dự kiến cuối quý IV năm 2019 đầu quý I năm 2020.

3.3. Ai là người bồi thường:

Căn cứ Quyết định số 43/2017/QĐ-UBND ngày 29/9/2017 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy định một số nội dung về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Văn bản số 913/UBND-XD ngày 21/02/2019 của UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư tổ 6, tổ 7, phường Đậu Liêu, thì UBND thị xã Hồng Lĩnh thực hiện công tác bồi thường GPMB dự án theo quy định.

(2) Diện tích khuôn viên nhà văn TDP 6 bị thu hồi trong dự án mở rộng đường Trần Nhân Tông nhưng đến nay Thị xã chưa trả lại diện tích bị thu hồi cho khuôn viên nhà văn hóa. Đề nghị thị xã có kế hoạch cắm mốc cho khuôn viên nhà văn hóa TDP 6 (Nguyễn Công Thành - TDP6, Đậu Liêu).

Trả lời:

- Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhà văn hóa tổ dân phố 6 để đầu tư xây dựng dự án đường Trần Nhân Tông đã hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, quá trình thực hiện do sau khi thu hồi đất nhà văn hóa thì không đảm bảo để bố trí sân chơi; vì vây, nhân dân có ý kiến đề xuất mở rộng diện tích khuông viên nhà văn hóa. Căn cứ đề xuất, trong quá trình thực hiện lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư tổ dân phố 6, 7, phường Đậu Liêu đã tính toán bổ sung mở rộng khuôn viên nhà văn hóa và đã được sự thống nhất của nhân dân về diện tích quy hoạch;

- Đề nghị Thị xã có kế hoạch cắm mốc cho khuôn viên nhà văn hóa: Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư tổ dân phố 6, 7, phường Đậu Liêu được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 3612/QĐ-UBND ngày 19/10/2018. Sau khi nhận được ý kiến của nhân dân phòng Quản lý đô thị đã căn cứ quy hoạch được phê duyệt phối hợp với đơn vị tư vấn, UBND phường Đậu Liêu và Ban cán sự tổ dân phố 6 tổ chức khảo sát cắm mốc và bàn giao mốc ranh giới quy hoạch nhà văn hóa tổ dân phố 6 cho UBND phường Đậu Liêu cũng như Ban cán sự tổ dân phố 6 hoàn thành ngày 20/7/2019 và đã lập biên bản bàn giao mốc để các thành viên tham gia cùng ký.

Câu 11: Tuyến đường Trần Nhân Tông thuộc TDP 6 và ngõ 46 đường Thái Kính thuộc TDP 7 theo quy hoạch 2 tuyến đường này sẽ mở rộng, hiện nay đã được cắm mốc lộ giới và đã áp dụng tính thuế SDĐPNN nhưng lại chưa triển khai thực hiện làm gì trên tuyến đường đó. Vậy đề nghị thị xã cho biết nếu đã cắm mốc lộ giới nhưng không thực hiện thì trong thời gian bao lâu mốc lộ giới hết hiệu lực ? và các loại thuế chênh lệch đó sẽ như thế nào ? (Nhân dân TDP 6, 7, phường Đậu Liêu).

Trả lời:

1. Về thực hiện quy hoạch và thời gian mốc lộ giới tồn tại:

Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng phường Đậu Liêu đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-UBND ngày 03/7/2014 trong đó xác định tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định số 43/2007/QĐ-UBND ngày 22/10/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Hồng Lĩnh giai đoạn 2005 - 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.

Căn cứ Khoản 1, Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị thì việc rà soát quy hoạch đô thị được quy định: “ Quy hoạch đô thị phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 5 năm, quy hoạch chi tiết là 3 năm, kể từ ngày quy hoạch đô thị được phê duyệt ”; Khoản 3, Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị về điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị “ Quy hoạch đô thị không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa được xác định thông qua việc rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch đô thị và ý kiến cộng đồng ”.

Như vậy, đến năm 2025 sẽ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Hồng Lĩnh cũng như quy hoạch phân khu xây dựng phường Đậu Liêu; đồng thời việc điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo theo Điều 48 Luật Quy hoạch đô thị về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch: 1. Tập trung vào nội dung cần điều chỉnh, nội dung không điều chỉnh của đồ án đã phê duyệt vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý. 2. Việc điều chỉnh phải trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định rõ các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang đô thị để đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về sử dụng đất, giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với từng khu vực; giải pháp về cải tạo mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình hạ tầng xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển” . Do đó, việc có thực hiện quy hoạch tuyến đường Trần Nhân Tông thuộc TDP 6 và ngõ 46 đường Thái Kính thuộc TDP 7 sẽ phải xem xét điều kiện phát triển kinh tế của địa phương tại thời điểm đó.

2. Về áp dụng tính thuế SDĐPNN

Việc áp dụng tính thuế SDĐPNN đối với các tuyến đường đã được phê duyệt quy hoạch được thực hiện theo quy định tại Khoản 7, Điều 9, Quyết định số 94/2014/QĐ-UBND ngày 27/12/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành bảng giá đất năm 2015 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (áp dụng từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2019): “Đối với những thửa đất bám các tuyến đường do Nhà nước xây dựng đã được phê duyệt quy hoạch (hiện trạng chưa xây dựng đường) áp dụng mức giá bằng 70% mức giá đã được đầu tư xây dựng đường có điều kiện tương đương. Trường hợp đường do Nhà đầu tư xây dựng thì không áp dụng quy định này”.

Trong trường hợp nếu không thực hiện quy hoạch thì hiện nay chưa có quy định cụ thể về xử lý các loại thuế chênh lệch như đề xuất của Nhân dân Tổ dân phố 6, 7 phường Đậu Liêu.

Câu 12: Đề nghị thị xã nên đặt hệ thống đèn giao thông tại ngã tư Phòng khám Hồng Hà để giảm tai nạm giao thông tại đây ( Nguyễn Đình Thành - TDP2, Đậu Liêu).

Trả lời:

Ngày 27/6/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình lắp đặt các cụm đèn tín hiệu trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND, trong đó có cụm đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư nút giao giữa đường Phan Kính với đường Nguyễn Đổng Chi ( ngã tư phòng khám đa khoa Hồng Hà) . Triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân thị xã đã chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng thị xã cùng đơn vị tư vấn lập và hoàn thiện hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án, trình Sở Giao thông vận tải thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt. Theo kế hoạch, trong tháng 8/2019 sẽ hoàn thành phê duyệt Báo cáo KTKT, tháng 9/2019 sẽ tổ chức đấu thầu xây lắp, triển khai thi công vào đầu tháng 10/2019, hoàn thành trong tháng 11/2019.

Câu 13: Doanh nghiệp Thanh Thành Đạt đóng trên địa bàn Xuân Lĩnh giáp với TDP 8, phường Đậu Liêu đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân TDP 8 nhất là vào mùa mưa lũ nước từ trên núi đổ về bị doanh nghiệp này chặn lại không thoát được nên đã làm nhân dân TDP8 bị ngập lụt đề nghị Thị xã quan tâm có biện pháp khắc phục (Phùng Thị Thuỷ - TDP8, Đậu Liêu).

Trả lời:

Sau khi có ý kiến của nhân dân, UBND thị xã đã chỉ đạo phòng Quản lý đô thị chủ trì phối hợp với phòng Kinh tế, UBND phường Đậu Liêu, UBND xã Xuân Lĩnh, Ban cán sự tổ dân phố 8 và Công ty Thanh Thành Đạt tổ chức kiểm tra hiện trạnh thực hiện thi công xây dựng dự án. Qua kiểm tra Công ty Thanh Thành Đạt đã thực hiện thi công cơ bản phù hợp với thiết kế cơ sở và đã bố trí xây dựng tuyến cống tiêu thoát lũ bằng ống cống bê tông ly tâm có đường kính D1,5m (gồm 3 cống) đặt ngầm dưới tuyến đường dọc theo khe thoát nước hiện trạng nhằm đảm bảo tiêu thoát lũ cho khu dân cư tổ dân phố 8 phường Đậu Liêu (kèm theo biên bản kiểm tra). Tại thời điểm kiểm tra không đánh giá được lưu lượng nước thực tế khi xảy ra mưa lũ, do đó việc kiến nghị của nhân dân về việc đắp đường ngăn dòng chảy gây ngập lụt là chưa có cơ sở. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, trong thời gian mùa mưa lũ xắp tới, UBND thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng theo dõi tình trạng tiêu thoát lũ qua hệ thống thoát nước của công ty Thanh Thành Đạt đầu tư để đề xuất phương án xử lý kịp thời.

Mặt khác, nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác sử dụng các thành phần tham gia kiểm tra đã đề xuất với công ty Thanh Thành Đạt xử lý một số nội dung cụ thể như sau:

+ Thực hiện công tác nạo vét phần khe suối phía hạ lưu thuộc địa phận xã Xuân Lĩnh nhằm đảm bảo tiêu thoát nước dễ dàng, do phần hạ lưu hiện tại đã bị bồi lấp và có nhiều bụi cây tre gây cản trở dòng chảy;

+ Bổ sung thi công vuốt nối đường dân sinh tổ dân phố 8 với tuyến đường giáp ranh giữa phường Đậu Liêu và xã Xuân Lĩnh nhằm đảm bảo thông suốt và êm thuận;

+ Bổ sung hệ thống lan can tại các vị trí cống thu nước nhằm đảm bảo an toàn trong qua trình khai thác sử dụng;

+ Đề xuất phương án thi công mương thoát nước phía Nam đường giáp ranh giữa phường Đậu Liêu và xã Xuân Lĩnh bằng ống cống bê tông ly tâm (hiện trạng là mương đất) nhằm đảm bảo chống sạt lở khi mùa mưa lũ.

Câu 14: Đề nghị Cấp GCN-QSD đất nông nghiệp xâm canh ở Đức Thọ của 92 hộ (Lê Xuân Lịch - TDP Đồng Thuận, Đức Thuận).

Trả lời:

- Hiện nay trên địa bàn phường Đức Thuận có 92 hộ gia đình cá nhân địa bàn phường Đức Thuận đang có đất nông nghiệp xâm canh trên địa bàn xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ với 310 thửa đất, được lập thành 158 hồ sơ. Trong đó: 133 hồ sơ cấp riêng và 25 hồ sơ cấp đồng sử dụng;

- Nguyên nhân chưa được cấp GCNQSD đất: UBND phường Đức Thuận đã tiến hành rà soát hoàn thiện hồ sơ, đến ngày 10 tháng 12 năm 2018 đã chuyển UBND xã Đức Thịnh để tiến hành rà soát, họp xét trình UBND huyện Đức Thọ cấp giấy CNQSD đất theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 19 tháng 7 năm 2019 xã Đức Thịnh trả lại toàn bộ hồ sơ yêu cầu bổ sung xác nhận hồ sơ chuyển đổi ruộng đất, hiện nay UBND phường Đức Thuận đang trong quá trình bổ sung hồ sơ và chưa hoàn thiên để bàn giao cho xã Đức Thịnh huyện Đức Thọ. Sau nhiều lần UBND thị xã Hồng Lĩnh đã đốc thúc, nhắc nhỡ nhưng UBND phường Đức Thuận vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ để bàn giao cho UBND xã Đức Thịnh huyện Đức Thọ cấp GCNQD đất xâm canh cho nhân dân có đất xâm canh trên địa bàn xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ theo quy định.

Câu 15: Khiếu nại về cưỡng chế tháo dỡ nhà trái phép (Phan Công Chiến - TDP Đồng Thuận, Đức Thuận).

Trả lời:

Về nội dung Khiếu nại về cưỡng chế tháo dỡ nhà trái phép của ông Phan Công Chiến - TDP Đồng Thuận, Đức Thuận; ngày 23/7/2019, UBND thị xã đã ban hành Quyết định số 1470/QĐ-CTUBND về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập Tổ xác minh tố cáo đối với ông Lê Bá Khánh - Chủ tịch UBND phường Đức Thuận. Qua xác minh UBND thị xã báo cáo như sau:

  1. Về vi phạm và cưỡng chế đối với ông Phan Công Chiến.

Căn cứ hiện trạng sử dụng đất thực tế và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phan Công Chiến số 00437 ngày 29/01/2008 cho thấy:

Gia đình ông Phan Công Chiến, tổ dân phố Đồng Thuận, phường Đức Thuận đã lấn chiếm đất xây dựng công trình nhà ở nằm ngoài diện tích được cấp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 40,2 m 2 (theo chỉ giới hành lang Quốc lộ 8A thì phía Tây vượt quá 6,6m; phía Đông vượt quá 6,8 m). Phần diện tích đất lấn chiếm 40,2 m 2 nằm trên diện tích quy hoạch làm mương thoát nước và đất quy hoạch Khu dân cư phía Nam Bệnh viện đa khoa Hồng Lĩnh là vi phạm Luật Đất đai.

Căn cứ Nghị định số 102/2014/NĐ-CP để ban hành Quyết định số 142/QĐ-UBND ngày 14/9/2018 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Phan Công Chiến; căn cứ Điều 28, 86. 87 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 33 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; ngày 18/6/2019, Chủ tịch UBND phường Đức Thuận ban hành Quyết định số 80/QĐ-CC về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hộ Phan Công Chiến có căn cứ đúng quy định pháp luật.

Về Hồ sơ cưỡng chế: UBND phường Đức Thuận đã gửi bản dự thảo cho các phòng, cơ quan, đơn vị có liên quan của Thị xã nghiên cứu, góp ý trước khi ban hành chính thức để thực hiện việc cưỡng chế.

Vì vậy việc ông Lê Bá Khánh - Chủ tịch UBND phường Đức Thuận tổ chức cưỡng chế xây dựng lấn, chiếm đất đai đối với ông Phan Công Chiến là có cơ sở, căn cứ pháp lý hoàn toàn đúng quy định pháp luật, nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai. Trước khi thực hiện cưỡng chế đã thành lập nhiều đoàn để tuyên truyền vận động; quá trình vận động kéo dài trong nhiều năm, nhưng ông Chiến vẫn không chấp hành thực hiện thảo dỡ công trình vi phạm.

Từ cơ sở, căn cứ các hồ sơ, chứng cứ thu thập được như trên cho thấy việc ông Lê Bá Khánh - UBND phường Đức Thuận tố chức cưỡng chế đối với hộ ông Phan Công Chiến là đúng trình tự, quy định của pháp luật.

2. Về xử lý vi phạm trong thời gian tới.

- Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Đức Thuận:

+ Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể của phường tuyên truyền, vận động giải thích cho gia đình ông Phan Công Chiến hiểu rõ chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật nói chung và Luật Đất đai nói riêng;

+ Tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm về sử dụng đất, giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn của phường.

- Đối với ông Phan Công Chiến, tổ dân phố Đồng Thuận, phường Đức Thuận, chấp hành đúng quy định của pháp luật nhà nước trên lĩnh vực đất đai và sử dụng đúng diện tích đất nhà nước đã giao theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00437 ngày 29/01/2008 với diện tích 126m 2 .

Câu 16: Đòi trả lại đất khuôn viên nhà thờ do cha, ông để lại hiện nay đã chia cho nhân dân theo NĐ 64 (Nguyễn Trường Ân - TDP Thuận Tiến, Đức Thuận).

Trả lời:

Căn cứ bản đồ 299 thì đất nhà thờ họ Nguyễn Trọng được xác định tại thửa đất số 4807, tờ bản đồ 02, với diện tích 600 m 2 ; nay thuộc thửa 465, tờ bản đồ 24, phường Đức Thuận (bản đồ địa chính đo đạc năm 2014), diện tích 573,9 m 2 , hiện trạng khuôn viên đã xây dựng sử dụng ổn định, với diện tích 573,9 m 2 và chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nay, ông Nguyễn Trường Ân đòi lại 322,0 m 2 đất (nằm ngoài khuôn viên nhà thờ họ Nguyễn Trọng), trong đó 251,3m 2 đất thuộc thửa đất số 464, tờ bản đồ số 24 và 70,7m 2 đất nằm phía Bắc thửa đất số 464, tờ bản đồ số 24 (phần diện tích này đã được Nhà nước giao theo Nghị định số 64/NĐ-CP cho hộ ông Đoàn Văn Hạ và hộ ông Đoàn Văn Thư sản xuất nông nghiệp) mà dòng họ Nguyễn Trọng cho rằng đó là phần diện tích đất nhà thờ do cha ông để lại. Căn cứ khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai năm 2013 “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì việc dòng họ Nguyễn Trọng đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho hộ ông Đoàn Văn Hạ và hộ ông Đoàn Văn Thư sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 64/NĐ-CP là không phù hợp với quy định pháp luật đất đai hiện hành.

(Có bản photo sổ giao theo Nghị định 64/NĐ-CP của hộ ông Đoàn Văn Hạ và ông Đoàn Văn Thư kèm theo).

Câu 17: Đề nghị xử lý đất cấp trái thẩm quyền (Lê Thị Hoàn - TDP Thuận An, Đức Thuận).

Trả lời:

Năm 2003, bà Lê Thị Hoàn được xóm 3 (nay là TDP Thuận An), phường Đức Thuận giao đất trái thẩm quyền một lô đất nay thuộc thửa đất số 427, tờ bản đồ 16, diện tích 130,9 m 2 , với số tiền 3.000.000 đồng (ba triệu đồng). Tuy nhiên,  không có biên lai thu tiền (chỉ có giấy nhận tiền của xóm), không có biên bản giao đất,  hiện trạng chưa xây dựng nhà ở. Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06-01-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung chi tiết một số nghị định thi hành Luật Đất đai; Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2019 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh hướng dẫn bà Lê Thị Hoàn trực tiếp làm việc với UBND phường Đức Thuận, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Hà Tĩnh - Chi nhánh thị xã Hồng Lĩnh để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về nghĩa vụ tài chính phải thực hiện theo quy định.

Câu 18: Đề nghị giải quyết tiền đền bù giải phóng mặt bằng hồ sinh học (Nguyễn Văn Đức, Phan Văn Bản - TDP Ngọc Sơn, Đức Thuận).

Trả lời:

Hồ sinh học, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh thuộc dự án đầu tư xây dựng Hệ thống thoát nước thị xã Hồng Lĩnh đã được Hội đồng BT GPMB đã thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo các quy định của pháp luật và tổ chức chi trả cho nhân dân xong trong cuối năm 2012 (tháng 12/2012). Từ đó đến nay, Hội đồng bồi thường không nhận được ý kiến phản ánh của người dân về việc chi trả kinh phí bồi thường GPMB hồ sinh học, phường Đức Thuận.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Đức và ông Phan Văn Bản – tổ dân phố Ngọc Sơn, Đức Thuận. Hội đồng bồi thường GPMB đã kiểm tra và xác định 2 hộ gia đình nêu trên không có đất sản xuất nông nghiệp nằm trong hồ sinh học, phường Đức Thuận, nên 2 hộ gia đình không có kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng hồ sinh học như phản ánh của 2 hộ.

Để đảm bảo quyền lợi của 2 hộ gia đình, đề nghị 2 hộ gia đình làm việc cụ thể với UBND phường Đức Thuận, kiểm tra, xác định lại vị trí, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của 2 hộ gia đình tại hồ sinh học, đồng thời xử lý dứt điểm những hiểu lầm, thắc mắc đang có, tránh tình trạng kiến nghị kéo dài.

Câu 19: (1) Việc công nhận đất ở trước ngày 18/12/1980 thực hiện chậm trễ, lý do vì sao ? Nếu để thời gian kéo dài mà không được giải quyết khi hết thời hạn thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân, vậy cấp nào sẽ chịu trách nhiệm ?

Trả lời:

Thực hiện Quyết định số 2443/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 2493/STNMT-ĐKTK ngày 07/9/2019 về việc triển khai thực hiện công nhận lại diện tích đất ở có nguồn gốc trước ngày 18/12/1980, Ủy ban nhân dân thị xã đã ban hành 04 văn bản (Công văn số 1074/UBND-TNMT ngày 20/9/2018; Công văn số 1496/UBND-TNMT ngày 13/12/2018; Công văn số 688/UBND-TNMT ngày 28/5/2019; Công văn số 931/UBND-TNMT ngày 17/7/2019) và Chỉ thị số 03CT-UBND ngày 02/4/2019 về việc đẩy nhanh công tác công nhận lại diện tích đất ở cho các thửa đất có vườn ao gắn liền với đất ở có nguồn gốc sử dụng đất trước ngày 18/12/1980) theo đó yêu cầu UBND các phường, xã kê khai, họp xét, hoàn thiện hồ sơ phải đạt trên 70% trong năm 2019.

Đến nay, trên toàn địa bàn đã kê khai được 733 thửa/1.461 thửa đất cần công nhận lại đạt 50,17%; đã công nhận lại cho 198 thửa/1.461 thửa đạt 13,55%. Nhìn chung, tiến độ công nhận lại diện tích đất ở có nguồn gốc sử dụng trước ngày 18/12/1980 chậm so với kế hoạch, cụ thể như sau:

 

TT

Đơn vị

Số hồ sơ kế khai

Số hồ sơ đã họp xét

Số hồ sơ đã trình Tổ thẩm định thị xã

Hồ sơ đã được công nhận

Số hồ sơ không đủ điều kiện

Hồ sơ đang tồn tại UBND phương, xã

Ghi chú

Tổng

Đủ điều kiện

Không đủ điều kiện

1

Bắc Hồng

189

124

89

35

24

14

10

65

Nộp ngày 22/7/2019

2

Nam Hồng

146

87

68

19

62

62

 

6

 

3

Đức Thuận

68

66

51

15

6

6

 

45

 

4

Trung Lương

118

106

90

16

45

30

15

45

 

5

Đậu Liêu

182

175

172

3

86

86

 

86

 

6

Thuận Lộc

30

30

26

4

 

 

 

26

 

 

Cộng

733

588

496

92

223

198

25

273

 

Nguyên nhân khách quan.

Quyết định số 2443/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 2493/STNMT-ĐKTK ngày 07/9/2019 về việc triển khai thực hiện công nhận lại diện tích đất ở có nguồn gốc trước ngày 18/12/1980 chưa phù hợp với thực tiễn như: Phải có giấy chứng nhận QSD đất gốc; các thửa đất tách thửa phải có nhà ở; các thửa đất nhận chuyển nhượng không được công nhận nhận lại; bản đồ 299 được đo đạc năm 1985 nên khó khăn cho quá trình xét duyệt; không quy định thời gian nhận hồ sơ tại các phường, xã (nhận tất cả các ngày làm việc trong tuần).

Nguyên nhân chủ quan.

- Các phường, xã thực hiện còn lúng túng, quá thời gian quy định;

- Việc tổ chức lấy ý kiến khu dân cư, cán bộ phường, xã không hoàn thiện được hồ sơ để ký tại chỗ mà sau đó phải đi đến từng hộ để ký;

- Tại 5 phường, xã (trừ phường Nam Hồng) tiếp nhận hồ sơ không thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả;

- Hồ sơ các phường, xã trình Tổ thẩm định phải trả lại nhiều, chiếm khoảng 35% với các nguyên nhân như: Xét duyệt không đúng đối tượng, thiếu thành phần hồ sơ; đề nghị công nhận không đúng với hạn mức đất ở;

- Việc lấy ý kiến nhân dân gặp khó khăn (đa số người dân khi được hỏi chỉ nói không nhớ, không biết...);

- Một bộ phận người dân chưa quan tâm thực hiện.

Giải pháp.

- Hiện nay, Ủy ban nhân dân thị xã đã tổng hợp các tồn tại, khó khăn, vướng mắc báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường (Báo cáo số 200/BC-UBND ngày 23/7/2019); Công văn số 931/UBND-TNMT ngày 17/7/2019 về việc công nhận lại diện tích đất ở theo Quyết định số 2443/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh để xin ý kiến hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các phường, xã để lấy phiếu hẹn;

- Giao ban để tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc;

- Giao phòng Tài nguyên và môi trường bố trí cán bộ phòng phụ trách từng địa phương trực tiếp xuống tại các phường, xã vào các ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật) để phối hợp, giúp đỡ địa phương hoàn thiện hồ sơ, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong tháng 8 năm 2019 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện .

Trách nhiệm thuộc về ai.

Để việc công nhận lại diện tích đất ở đảm bảo thời gian quy định, do đó đề nghị các hộ gia đình, cá nhân khẩn trương kê khai, hoàn thiện hồ sơ để nộp về UBND các phường, xã để được xem xét theo quy định. Nếu việc kê khai chậm trễ thì trách nhiệm thuộc về các hộ gia đình, cá nhân.

Nếu việc chậm trễ thuộc trách nhiệm của cán bộ thụ lý thì chậm ở khâu nào thì do cán bộ thụ lý ở khâu đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

(2) Tổ sản xuất nông nghiệp Thống Nhất có đất gọi là đất 5% đang canh tác với diện tích 40.000 m 2 đã được đo đạc và làm hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị định 64 từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Lý do vì sao? Đề nghị Thị ủy chỉ đạo giải quyết

Trả lời:

- Đối với Tổ sản xuất Thống Nhất thì không có đất 5% như ý kiến của công dân hỏi. Đất 5% là loại đất công ích do UBND phường, xã quản lý và không giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993. Theo quy định tại Khoản 2, điều 19, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật đất đai thì người đang quản lý, sử dụng quỹ đất công ích của xã, phường quản lý không được cấp GCNQSD đất mà chỉ thực hiện việc đăng ký đất đai theo quy định;

- Riêng đối với diện tích đất màu ở TDP 6, phường Bắc Hồng tại xứ đồng Nhà Giổ qua kiểm tra tìm hiểu thì diện tích đất này được đo đạc bản đồ địa chính từ năm 2014. Do diện tích thửa đất của các hộ ở xứ đồng này nhỏ, manh mún mà chia cho 75 hộ có ruộng. Năm 2016, Ủy ban nhân dân phường Bắc Hồng phối hợp đơn vị tư vấn và cấp ủy, ban cán sự, Tổ sản xuất Thống Nhất để tiến hành cấp đồng chủ sử dụng đất cho các hộ bằng 6 nhóm với 13 giấy chứng nhận QSD đất. Đơn vị tư vấn đã lập hồ sơ để trình UBND thị xã Thẩm định. Tuy nhiên, quá trình lập hồ sơ có nhiều sai sót không đúng quy định nên khi thẩm định hồ sơ phòng Tài nguyên và Môi trường nhận thấy hồ sơ không đủ điều kiện để cấp GCNQSD đất (Do hồ sơ còn thiếu một số thành phần như: thiếu mẫu đơn đăng ký những người cùng sử dụng đất, các chủ sử dụng đất không có trong sổ chuyển đổi, không có tên trong trang sổ chia ruộng, không thuộc đối tượng chia ruộng trong sổ chi ruông theo Nghị định 64 … ) do đó các phòng chuyên môn đã trả hồ sơ về để bổ sung các thành phần mà do kê khai, lập hồ sơ đang còn thiếu. Sau khi trả hồ sơ về đến nay BQL HTX Thống Nhất và UBND phường vẫn chưa thống nhất được việc lập hồ sơ để trình UBND thị xã để xem xét cấp GCN QSD đất đồng sử dụng đối với các thửa đất tại khu vực này;

- Quá trình tổ chức thực hiện, nhiều lần làm việc, trao đổi, đến 10/5/2019, phường Bắc Hồng đã yêu cầu cấp ủy; ban cán sự TDP 6 và Tổ sản xuất Thống Nhất tổ chức họp nhân dân để cử người đứng tên đại diện cho nhóm và lập danh sách các hộ trong nhóm theo thăm chia của các hộ. Hiện nay đã gửi danh sách về UBND phường Bắc Hồng và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để trình các cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSD đất. Sau khi UBND phường hoàn thiện hồ sơ đảm bảo đúng quy định của phát luật hiện hành và nộp về UBND thị xã. Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ thẩm định, tham mưu UBND Thị xã cấp GCNQSD đất cho các nhóm sử dụng đất theo hình thức đồng.

(3) Hiện nay diện tích ruộng xâm canh trên địa giới hành chính phường Đức Thuận đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được phường Đức Thuận bàn giao do chưa có kinh phí. Đề nghị UBND thị xã cấp kinh phí để bà con nhân dân được nhận giấy CNQSDĐ.

Trả lời:

Xin tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nhân dân, đối với nội dung này phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã đã tham mưu UBND thị xã ban hành Quyết định số 1529/QĐ-UBND ngày 06/8/2019 về việc phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2019 cho UBND phường Đức Thuận và cấp kinh phí đầy đủ kịp thời cho phường Đức Thuận thực hiện nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ dân ở phường Bắc Hồng xâm canh trên địa bàn phường Đức Thuận.

(4) Việc triển khai thi công dự án đường Nguyễn Biểu của Nhà nước đầu tư trên địa bàn tại tổ dân phố 6 tiến độ thi công quá chậm, dự án kéo dài ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường gây ra tình trạng bùn, bụi bẩn và không đảm bảo an toàn giao thông đi lại, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân khu vực lân cận. Đề nghị UBND thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình xây dựng đường Nguyễn Biểu

Trả lời:

Việc triển khai thi công tuyến đường Nguyễn Biểu chậm tiến độ, nguyên nhân chính do công tác giải phóng mặt bằng dự án thực hiện chưa kịp thời, thiếu bài bản, dẫn đến thời gian bàn giao mặt bằng cho dự án bị kéo dài hơn 06 tháng (khởi công ngày 03/12/2018 nhưng đến tháng 11/7/2019 mới bàn giao xong mặt bằng), làm chậm tiến độ thi công dự án, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trong khu vực ; việc này, UBND thị xã đã có văn bản phê bình Ban QLDA đầu tư xây dựng thị xã đã thiếu sâu sát trong triển khai dự án (nhất là việc cắm mốc xác định phạm vi GPMB) .

Ngay sau khi hoàn thành bàn giao mặt bằng, UBND thị xã đã chỉ đạo Ban QLDA và nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, trong thời gian hơn 01 tháng đã cơ bản hoàn thành thi công nền đường, móng đường, 400m mương hai bên cuối tuyến đường và đang tiếp tục thi công hoàn chỉnh rãnh thoát nước hai bên đường. Ủy ban nhân dân thị xã yêu cầu Ban QLDA đầu tư xây dựng thị xã cơ bản hoàn thành thi công đường Nguyễn Biểu trước ngày 31/10/2019.

Câu 20: Hiện nay đang thi công dự án kè khe Bình Lãng nên các loại máy móc, xe tải trọng lớn lưu thông trên ngõ 55, đường Nguyễn Ái Quốc nhiều dẫn đến nguy cơ đường bị sụt lún, xuống cấp, hư hỏng. Đề nghị Thị ủy, UBND Thị xã có phương án bảo vệ đường trong quá trình thi công (Nguyễn Bá Tuấn - TDP 3, phường Bắc Hồng) .

Trả lời:

Dự án Kè chống sạt lở hai bờ khe Bình Lạng đoạn từ cầu Bình Lạng đến cầu Đôi được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3274/QĐ-UBND ngày 31/10/2018; việc hoàn thành dự án có ý nghĩa rất lớn trong chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân ở hai bên bờ khe Bình Lạng. Vì vậy, UBND thị xã đề nghị cử tri và nhân dân trong khu vực tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho việc triển khai dự án.

Đối với Ngõ 55 đường Nguyễn Ái Quốc, đây là tuyến đường có chiều dài khoảng 100m, hiện trạng mặt đường láng nhựa rộng khoảng 2m (chất lượng trung bình), nền đường rộng khoảng 4,5m. Trong quá trình thi công kè Bình Lạng thì đây là một trong những tuyến đường cần sử dụng để cho máy móc, thiết bị tiếp cận hiện trường. UBND thị xã yêu cầu Ban QLDA, Nhà thầu thi công phải hạn chế tối đa xe có tải trọng lớn làm hư hỏng tuyến đường, trường hợp hư hỏng Nhà thầu phải tự bỏ kinh phí để sửa chữa, đảm bảo đi lại thuận lợi cho nhân dân ở hai bên (yêu cầu lập Biên bản xác nhận hiện trạng giữa Ban QLDA, Nhà thầu thi công, đại diện UBND phường Bắc Hồng, đại diện tổ dân phố 3 để làm cơ sở thực hiện). Về lâu dài, sau khi thi công xong kè Bình Lạng, đề nghị UBND phường Bắc Hồng vận động nhân dân hai bên Ngõ 55 đóng góp kinh phí để thực hiện chỉnh trang tuyến đường theo chính sách của tỉnh và của thị xã./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ thị xã Hồng Lĩnh
Các ca khúc hay về Hồng Lĩnh
 Liên kết website
Thống kê: 3.220.838
Online: 94